TRUYỆN NGẮN:
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRÊN SÂN GA
HUY THANH
1-
Huy
bước chầm chậm trên con đường đất gồ ghề mọc đầy cỏ dại, chiếc va ly
anh kéo theo nghiêng ngã từng hồi, dường như nó nặng nề hơn trên con
đường gập ghềnh đầy sỏi đá lởm chởm. Quang cảnh nơi đây hoang phế lạ lùng
khác hẳn ba mươi năm trước là một khu phố nhỏ có nhiều căn nhà ngói đỏ
lô nhô xinh xắn. Phía trước,cách một con đường nhỏ là sân ga với những
đoàn tầu ngày đêm qua lại. Tiếng rầm rập ken két của bánh xe tầu hỏa nghiến
trên đường sắt, tiếng còi tầu hú vang báo hiệu tầu đến, tầu đi vang động suốt ngày, tiếng lô nhô
của hành khách lên xuống gọi nhau ơi ới làm thành những âm thanh quen
thuộc của một vùng ga tấp nập người qua lại.
Sân ga tuy không lớn nhưng
rất tiện nghi, đèn lúc nào cũng nhấp nháy vào ban đêm. Những chiếc đèn
báo hiệu đỏ rực hai bên đường ray thường bật lên sáng choang khi tiếng còi
tầu báo hiệu đến trong khi con tầu còn từ xa lắc.
Khi đoàn tầu sắp đổ bến ga, người bẻ ghi cầm chiếc
đèn báo ra hiệu cho khách bộ hành phải tránh xa đường ray vì đoàn tầu
sắp vào bến. Trên sân ga, người đón ngong ngóng người thân từ khi tầu còn ở xa. Người
đưa quyến luyến trong cái níu tay vụng về chới với. Rồi con tầu đi, bóng
dáng nặng nề của nó nhỏ dần ở một khúc quanh xa tắp, nhả một vùng khói
tỏa lên trời như cánh tay vẫy chào tạm biệt. Đèn lại tắt. Sân ga vắng
bóng người. Cái im lặng lại chập chờn đến với người bẻ ghi trong giấc
ngủ mong manh, vì phải luôn lắng nghe những hồi còi tầu vọng lại từ
xa cùng những tiếng đại bác chập chờn vọng lại mà âm thanh dường như hằn
sâu vào ký ức. Những giấc ngủ của ông không còn có chiêm bao, cái thức và cái ngủ hình như không còn ranh giới.
Đi dọc
theo con đường đá sỏi lởm chởm chừng một cây số nữa là tới bờ biển. Tiếng sóng ào ào nghe rõ mồn một vào những đêm khuya, khi mà cái tĩnh
lặng của bóng đêm về chiếm ngự trong giấc ngủ mọi người. Vào những đêm
trăng sáng, từng chiếc thuyền câu mực lần lượt ra khơi ,những ánh đèn
trên thuyền câu nhấp nhô trên sóng, loang loáng ánh sáng quét dưới làn
nước như nối tiếp ánh sáng vừa tắt của ngọn hải đăng trên triền núi bên
kia đang chầm chậm xoay hướng.
Ngày mới đến đây, Huy cảm thấy mình như bị thu hút bởi cảnh
sắc lạ lùng như một vùng đất vừa mới khai phá còn dấu vết rừng nguyên
sinh ,đang chổi mầm sống mới của nền văn minh đô thị sắp hình thành. Một vùng đất thơ mộng thu
hút tâm hồn lãng mạn của anh, cái lãng mạn nửa cổ điển nửa hiện đại. Nó cuốn
hút trong tâm hồn phóng đãng của Huy, khơi dậy dòng máu thích phiêu lưu
tiềm tàng khi anh nhìn ra những con tầu mờ khuất ở xa khơi, đi về một
chân trời nào xa lắm. Anh thèm như con tầu đó đi lãng du khắp nơi cho
thỏa mộng hải hồ.
Khu xóm nằm lọt thỏm trong một vùng đất
phía trong là núi, đồi, phía ngoài là bờ biển. Trên đỉnh núi phiá
trong, một ngọn đèn hải đăng sáng chói quay chầm chậm toả ánh sáng xuống
mặt đại dương để báo hiệu cho tầu bè đi lại trên vùng biển phía xa,
đồng thời cũng báo chướng ngại cho những chiếc trực thăng bay thấp
thường đáp xuống một căn cứ quân sự gần đó.
Khu xóm chừng gần trăm ngôi nhà , hầu hết các gia dình đều làm nghề đi biển, chài lưới, đánh cá, đánh
mực. Cuộc sống cuả họ, cái ăn, cái mặc dường như gắn bó theo con trăng, thời tiết và giòng nước thủy triều lên xuống ngày đêm
Nơi đầu con đường,
cạnh ngôi mộ cổ, buổi sáng một cái chợ chồm hổm tự phát hình thành rồi
tan rất sớm. Họ buôn bán nhanh nhẩu như những đợt sóng biển vồn vập rồi
mạnh ai về nhà nấy, có người ra khơi, có người vào hái nấm trong những rừng
tre hoang cạnh đó. Người bán và người mua biết rõ nhau nên thường bán
chịu, bán thiếu, họ bán buôn, vay, trả rất sòng phẳng không ai phàn
nàn ai.
Trước khi ra nơi nầy, Uyển đã nói với Huy:
-Xóm
chài em nghèo lắm, ra đó anh chỉ thất vọng thôi, mặc dù cũng có biển,
có núi nhưng nó không phải là một nơi thiên nhiên ưu đãi cho cái đẹp của
một vùng đất du lịch. Nó chỉ là một vùng đất hoang vắng, ít người quanh
năm chỉ có tiếng gió hú trên núi, tiếng sóng gào ngoài đại dương.
Khi nghe Uyển nói, Huy tưởng người yêu nói đùa nhưng chừng lúc ra đây, Huy thấy dường như Uyển đã nói đúng sự thật.
Huy
và Uyển học cùng chung trường, chung lớp, họ thường ngồi gần nhau
những ngày cắp sách đến giảng đường. Họ thân nhau qua đèn sách rồi yêu
nhau lúc nào không hay. Những ngày hè, Huy thường theo Uyển ra vùng
quê Phan Thiết nầy của cô chơi. Quê của Uyển là một xóm chài nhỏ, nằm
cạnh ven biển, dân cư thưa thớt. Có một nhà ga nhỏ đựợc tạm xây cho
khách bộ hanh muốn về Saigon bằng đường sắt, vì đường bộ không an toàn
cho những chuyến xe đò xuôi ngược bởi lúc đó đang thời kỳ chiến tranh. Khu xóm là những dãy nhà phố ẩn
nấp dưới những hàng cây dương liễu xanh mát quanh năm.
Hai người
mỗi dịp hè thường ra đó chơi, họ thường ở nhà của anh họ Uyển là Tuấn
,có người vợ tên Nhi . Đôi vợ chồng Tuấn ,Nhi ở trong một căn nhà gạch
nhỏ, ngắn gọn xinh xinh. Họ sống thật hạnh phúc với một đứa con vừa sáu
tháng tuổi. Nhà lúc nào cũng đầy tiếng nói, tiếng cười, tiếng âu yếm
của hai vợ chồng với đứa con kháu khỉnh còn nằm nôi chưa biết nói.
Những ngày ở nhà anh chị Tuấn, Nhi, hai vợ chồng đều rất quý trọng Huy
vì biết rằng Huy sẽ là chồng của Uyển khi hai người cùng ra trường sẽ
là em rể tương lai của họ.
Chị Nhi coi Huy như em ruột hơn là em rể
vì chị không có em trai , chị là một cô nhi .Chị chăm sóc, lo lắng cho
Huy từng miếng ăn giấc ngủ. Chị Nhi thường hỏi Uyển Huy thích ăn món ăn
hải sản gì và hầu như bữa cơm hôm đó đều có món ăn mà Huy thích mặc dù
nhà chị Nhi cũng không khá giả gì lắm. Chuyện đó mãi sau nầy khi ở nước ngoài và cả hai thành vợ chồng, Uyển mới nói cho anh nghe.
Anh Tuấn làm nghề
đánh cá, đánh mực, nên ngày đêm thường vắng nhà, sự có mặt của Uyển và
Huy cũng làm chị Nhi bớt buồn vì có người ngày đêm tâm sự khi chồng ra khơi. Lớn lên ở một
trại mồ côi, chị Nhi cũng không biết cha mẹ mình là ai, cuộc sống của
chị từ nhỏ chỉ nhờ vào tấm lòng hảo tâm, từ thiện của mọi người. Khi lớn
lên, một nhà hảo tâm mua cho chị cái máy may và tài trợ cho chị đi học
may quần áo, mở cho chi một "tiệm" may nhỏ. Nơi đây chị chuyên may, sửa vá quần áo rách, thay dây kéo ( fermeture) ) cho khách vãng lai và
những người trong xóm chài gần đấy.
Một người khách xóm chài có nét
mặt rắn rỏi, nói năng chững chạc, không như những gã sàm sỡ chọc ghẹo
chị mỗi khi đến nhờ chị may đo áo, đo quân làm chị chú ý. Anh đến để nhờ chị
vá lại từng chiếc áo, cái quần đùi mà gió cát, vị mặn của nước biển
thường làm rách nát, bạc phếch trắng mầu. Mỗi lần anh đến là chị nghe
trong lòng có một niềm reo vui bất chợt, khó tả. Chị muốn anh ở lại
thật lâu mặc dù không còn cái gì để nói, đến khi anh chào ra ra về, chị
còn ngỡ ngàng đưa mắt nhìn theo cho đến khi anh khuất bóng bên kia
đường.
Sau đó, rồi tình yêu đến, hai người thành vợ chồng. Nguời khách ấy là Tuấn, anh họ của Uyển.
Họ
sống rất hạnh phúc Anh đi đánh cá, chài cá ban ngày, câu mực ban đêm. Chị ở nhà may quần áo cho hàng xóm kiếm tiền độ nhật. Gia đình tuy không
dư dã nhưng cũng có cái ăn, cái mặc, không đến nỗi mang nợ mang nần
như một số gia đình khác trong xóm.
Rồi chị Nhi có thai , bác
sĩ khám thai cho biết chị sẽ sinh con gái nên chị rất mừng. Thời buổi nầy
chị không muốn có con trai bởi không biết cuộc chiến tranh nầy bao giờ
kết thúc." Có con trai chỉ lo thêm chuyện chết chóc ngoài chiến trường
cho nó mà thôi ". Chị thường nói với mọi người như vậy.
Được tin
báo chị Nhi sắp có con, Uyển rất mừng, trước khi cùng Huy đi ra Phan
Thiết chơi dịp h , cô tìm mua một con búp bê thật đẹp làm quà tặng cho
đứa bé gái con chị Nhi sắp chào đời. Con búp bê mặc chiếc áo mầu hoa đào,
mầu hoa mà chị Nhi rất thích từ thời con gái. Chị nói mầu hoa đào đẹp
trang nhã, nó kín đáo, thanh khiết như tính e ấp của một gái mới dậy thì. Căn nhà như ấm thêm khi có đứa bé chào đời với những tiếng khóc như
reo vui trong lòng cha mẹ nó ngày và đêm.
Chị Nhi cũng say mê âm nhạc, chị
rất thích hai bài nhạc mà chị nói với Huy là nhạc "tủ" cuả chị, nó
hay từ trong lòng người hay ra ,là bài hát "Áo anh sứt chỉ đường tà" của Phạm Duy phổ thơ Hữu Loan và ba bài "Hòn Vọng Phu" của Lê Thương,
nhất là bài hai "Ai xuôi vạn lý".
Những đêm mưa gió, thỉnh thoảng Huy nghe chị hát khe khẽ một mình :
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu"
Hay chị hát nhiều hơn nữa:
"Người vọng phu trong lúc gió mưa
Bế con đễ hoài công đợi đứng chờ
"Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
"Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ
"Có bóng cây trên đồi sống trong trong mơ hồ ..."
Giọng
hát chị rất hay, vang vọng não nuột giữa đêm khuya mà ai nghe thấy cũng
phải chạnh lòng. Nghe chị hát, Huy thấy trước mắt mình hình như cái
núi vọng phu hiện ra với hình tượng người đàn bà ẵm đứa con thơ chờ chồng vô
vọng trong cuộc chiến. Có lần sau khi nghe chị hát Huy nói đùa:
- Chi Nhi thích Hòn Vọng Phu lắm hả?
Chị cười:
-
Đó là một hình ảnh rất ấn tượng chú ạ, đó là sự thủy chung, kiên nhẫn,
đậm đà tình nghiã vợ chồng, thương yêu con cái. Nếu chị sống vào thời
kỳ đó, chị sẽ giống như nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đến hoá đá thôi.
Nếu anh Tuấn có bề gì, chị sẽ làm người chinh phụ ôm con chờ chồng suốt
đời.
.
Những tháng hè êm ả lại qua đi, Huy và Uyển lại phải trờ
về Sài Gòn để tiếp học thi lấy cái chứng chỉ Cử Nhân cuối cùng. Anh chị
Tuấn, Nhi đưa hai người ra tận sân ga. Chị Nhi bồng cháu bé , anh Tuấn
giúp Huy và Uyển xốc mang va ly hành lý lên tầu. Buổi chia tay, người đi,
kẻ ở hai bên đều bịn rịn, lưu luyến. Khi Huy và Uyển bắt tay từ giã
chị, Huy chợt thấy trên cổ tay chị có một cái bớt to hình trái tim. Uyển
nói:
-Theo tướng số thì những người có bớt hình trái tim rất thật lòng và chung thủy.
Nghe
Uyển nói, anh Tuấn đang buồn bỗng dưng bật cười, nét mặt anh rạng rỡ
dường như hãnh diện vì có người vợ chung thủy. Còn chị Nhi thì mặt đỏ
bừng, cố giấu vẻ e thẹn dưới chiếc nón lá đang che gió cho cháu bé.
Con
tầu hú lên những tiếng còi não nuột, tiếng máy nổ xình xịch, cột khói
bốc lên tời cao, nó từ từ chuyển bánh rồi xa dần sân ga. Huy nhìn theo
hình bóng đôi vợ chồng cho đến khi sân ga chỉ còn là một chấm nhỏ mờ
dần.
.
Huy cũng không ngờ rằng lần chia tay ấy là lần cuối cùng gặp
anh Tuấn, chị Nhi vì chỉ vài tháng sau đó, chiến tranh đến thật nhanh
và dữ đội .Chiến tranh lan tràn không những ở khắp thành thị mà còn ở
cả nông thôn, cao nguyên, hải đảo. Khu xóm chài bỗng tấp nập khách
vãng lai, đến, rồi đi. Họ bồng bế con thơ ,gồng gánh quần áo chăn màn; sau đó họ đi nơi nào không rõ. Huy và Uyển cũng trong đám người chạy loạn ấy.
2-
Huy ngồi xuống một quán cà phê cóc dựng bằng
căn lều tạm bên chiếc mộ cổ. Quán cà phê nầy có từ hồi Huy và Uyển còn
đến nhà chi Nhi, anh Tuấn vào mỗi dịp hè. Anh và Uyển thường ra đó ngồi uống cà phê vào những trưa hè oi bức. Gia đình chủ quán đã bám trụ
sống ở đây trong suối thời gian chiến tranh cho đến ngày hoà bình,
nghèo thì vẫn nghèo như một số phận đeo đẳng, long đong mà những người
nghèo "thâm căn cú đế" ở đất nước nầy khó có cơ hội vươn lên .Chiếc mộ
qua ba mươi năm không có gì thay đổi ngoài lớp đá bên ngoài đen sậm vì
đóng quá nhiều rong rêu. Người bán hàng trước đây là một thanh niên trẻ,
khoẻ, giờ tóc đã bạc trắng gần hết mái đầu..
Những đêm trăng
sáng, anh và Uyển thường ra ngồi quán cà phê nầy để tâm sự, để vạch
những hướng đi tương lai, thực hiện lý tuởng và hoài bão của mình.
Nhưng khi nhập cuộc, bước vào thế giới thực kiếm sống ,anh cảm thấy
thất vọng, vì đời không phải là những trang sách ở giảng đường. Người ta
vẫn tranh giành miếng cơm manh áo, địa vị, tiền bạc, quyền hành ngấm
ngầm như con chó sói giữa bầy đàn .Họ khoác lên những danh từ hoa mỹ ,
văn minh nhất để che đậy những toan tính bẩn thỉu nhất . Sau nụ cười ,cái
bắt tay thân mật là cả một chuỗi ngày tính toán mưu cầu lợi lộc cho bản
thân mình. Họ tôn vinh nét đẹp của thể xác đàn bà bằng những cuộc thi
sắc đẹp. Họ bỏ ra hằng chục, hằng trăm triệu để khen thưởng, tài trợ
cho những bước đi nhún nhẩy của các ả "ngôi sao" đó hay những cuộc thi vô
bổ cho kiến thức mà quên rằng chung quanh họ có rất nhiều người cùng khổ
đang đói khát từng chén cơm, cọng rau thừa. Người ta sống, đối xử với
nhau dù là bi kịch hay hài kịch đều cũng rất vụng về, vụng về như những
bài hát, những vở kịch rẻ tiền, những cuộc phỏng vấn "rởm" nhan nhản
xuất hiện mỗi đêm trên phương tiện truyền thông. Những điều vô luân đó đều được khoác lên những chiêu
bài ngụy tao nhân danh cái nầy hay cái khác không bao giờ ngừng.
Huy
trở lại đây theo ý muốn của Uyển để tìm lại gia đình anh Tuấn, chị Nhi
sau bao nhiêu năm lưu lạc nơi xứ người. Thỉnh thoảng Uyển có gặp những
người đồng hương từ xóm chài qua đây sau vài năm, Huy và Uyển cũng có
dò hỏi họ về anh Tuấn, chị Nhi nhưng họ cũng lắc đầu. Một vài người nhớ
loáng thoáng nói là sau đó anh Tuấn đi chài rồi mất tích giữa biển
khơi. Chị Nhi than khóc ngày đêm, thường ẵm con ra bờ biển vào mỗi đêm
trăng sáng như ngóng chờ một con thuyền chài nào quay về trong vô vọng. Nỗi chờ mong khô héo dần. Những ước muốn chỉ còn trong giấc chiêm bao.
Nhiều khi chị ôm con ngủ quên trên bờ biển, khi thuỷ triều lên quần áo
chị ướt sũng. Đứa bé lạnh, đói khát khóc to, run bần bật. Những người
đi chài sớm vội đưa chị vào nhà sưởi ấm hai mẹ con, cho chị ăn, cho đứa
bé uống sữa.
Một đêm, xóm chài đang ngủ thì bỗng có mùi khét lẹt
bốc lên từ nhà chị Nhi. Mọi người uà ra, một cột lửa cao đang phừng
phừng thiêu đốt nhà chị. Họ hốt hoảng, kẻ lo chữa lửa, người lo kêu
gọi chị để tìm cứu hai mẹ con nhưng không có ai trả lời.
Khi lửa tắt
thi căn nhà cháy cũng không còn gì, nguời ta nghĩ hai mẹ con đã chết
cháy ra tro không còn thân xác. Ở một góc bếp, cạnh cái lu nước cạn,
còn lại là một con búp bê bị cháy sém, chiếc áo mầu hoa đào của nó chỉ
còn lại một mảnh phía trên lấm lem tro than. Từ đó họ nghĩ rằng hai mẹ
con đã chết vì không còn thấy họ ở đâu nữa.
3-
Huy
trút phin cà phê đen sánh vào cái ly cáu bẩn. Anh bỏ đường vào ly rồi
uống cạn, mùi cà phê với anh có rất nhiều kỷ niệm, nhất là thời cắp sách
cùng bạn bè. Thời đó ,người ta còn ăn cơm độn với bo bo thì đối với
những sinh viên còn đi học, chưa làm ra tiền. Mỗi sáng họ cùng uống
chung một ly cà phê đen "xây chừng" nhỏ thì rất thú vị. Cái thú vị không
phải vì mùi cà phê ngon (vì nó làm bằng gạo trộn bắp rang) làm cho họ
đỡ buồn ngủ mà thú vị vì tình bạn, tình người. Ly cà phê uống chung năm
sáu đứa, điếu thuốc chuyền tay mỗi đứa rít một hơi cho đỡ ghiền.
Đang
chìm đắm trong những suy tư về dĩ vãng thì bỗng từ xa, có những tiếng
ồn ào, nhau nháu la hét của đám trẻ con. Huy mở mắt nhìn ra. Từ trên
thềm của sân ga, một người đàn bà rách rưới ăn xin đang lê những buớc
mệt nhọc trên con đường đá khúc khuỷu.
Người đàn bà điên đội chiếc
nón lá rách, một tay ôm chiếc bị trong đó có cái cà mèn móp méo đựng
những thúc ăn thừa người ta thường gọi đến cho khi bà đi ngang nhà. Một
tay bà ôm con búp bế cũ cáu bẩn, thỉnh thoảng bà ôm nó khóc rồi kêu lên:
-Anh ơi, anh ở đâu sao khộng về với em, với con. Con ơi sao con bỏ mẹ mà đi, con về mau, anh về mau, trời sắp tối rồi . .
Rồi bà ngồi xuồng bên đường, nói những tiếng lảm nhảm:
-Hôm
nay nhiều cá quá ,ôi, nhiều quá, mình giầu rồi anh ơi . Con ơi, con có
tiền học rồi. Ở Việt Nam nầy khổ quá, nghèo đói mà cứ chiến tranh hoài.
Người đàn bà lê dần tấm thân tiều tụy đến trước mặt Huy, bà chìa tay trước mặt anh cất giọng thảm thiết:
- Trăm lạy ông, ngàn lạy ông cho con xin vài đồng bạc lẻ mua cơm gạo sống qua ngày.
Huy
vội móc túi lấy tiền cho bà, anh bỗng thấy rùng mình, một cảm xúc dâng
trào từ trái tim làm người lạnh toát khiến anh sởn tóc gáy. Bàn tay
của người đàn bà ăn xin xoè ra, trên cổ tay, một dấu bớt son hình trái
tim qua bao nhiêu năm tháng vẫn không hề lu mờ, dấu bớt son trên tay chị Nhi hình trái tim hiện ra trước mắt anh như buổi nào chia tay ở sân ga. Cả một dĩ vãng êm đềm thoáng hiện ra như giấc mộng.
Trong cơn thảng thốt, Huy ứa nước mắt đứng dậy run run nắm lấy tay người đàn bà:
- Chị Nhi, chị Nhi em là Huy chồng của Uyển đây mà, chị có nhận ra em không?
Người đàn bà ăn xin ngơ ngác:
-Uyển nào, Huy nào Nhi nào, tao đâu có quen họ. Cho hay không cho thì để tao đi, tao có móc túi mầy đâu mà nắm tay bắt tao.
Rồi bà ôm mặt khóc rú lên:
-Anh ơi, tội nghiệp cho em quá, hãy đến cứu em. Họ bắt em rồi. Con ơi con, tối nay mẹ không về cho con bú được đâu.
Nói xong người đàn bà ôm con búp bê lên hôn hít trong khi Huy ứa hai hàng nước mắt:
-Chị Nhi, chị không nhớ em sao, chị không nhớ bé Uyển em của anh Tuấn sao? Hồi đó những mùa hè tụi em ra nhà chị ở chơi mà. Chị vẫn thường nấu cho em ăn những món hải sản ngon vào những ngày hè trước đây khi em và Uyển ghé nhà chi chơi chi nhớ không?
Người đàn bà lẩm bẩm:
-Tuấn, Tuấn nào mà nghe tên quen quá.
Huy mừng thầm:
-Tuấn, anh Tuấn "mực tàu" xóm chài chồng chị đó mà.
Người đàn bà bỗng xô Huy ra ,vừa chạy đi vừa ôm mặt khóc rưng rức , bà gào lên :
- Tuấn, Tuấn ơi sao anh nỡ bỏ mẹ con em, em chờ anh mà, em chờ anh như Hòn Vọng Phu mà.
Người
đàn bà đi xa, khuất lẫn vào một góc sân ga nhưng Huy vẫn còn nghe một
tiếng hát nào đó quen thuộc, một bài hát nào đầy nỗi xót xa trong gió
biển vọng về:
-"Người Vọng Phu trong lúc gió mưa"
"Bế con để hoài công đợi đứng chờ
"Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
"Đá mòn,, nhưng hồn chưa mòn giấc mơ
"Có bóng cây trên đồi, sống trong trong mơ hồ..
"Ngày đòan cỏ cây hãy còn trẻ thơ
"Cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ gìà ..
Tiếng
hát im dần, mất hút vào khoảng không xa tắp, Huy như người mộng du vì
cuộc gặp gỡ bất ngờ và chia tay vội vàng nầy. Anh thừ người như tương
đá. Cả một thời quá khứ hiện về .Hình ảnh căn nhà yên ấm đầy tiếng nói,
tiếng cười, tiếng trẻ, của đôi vợ chồng Tuấn, Nhi như hiện ra trước
mắt. Bây giờ thì còn đâu nữa. Hạnh Phúc đã bay xa dù là cái hạnh phúc
chơn chất, đạm bạc của những người muốn yên thân yên phận. Có phải cuộc
sống quá mong manh, thấy đó rồi mất đó, như một đời người sinh ra sống
chưa được trăm năm rồi tử quay trở về nguồn, trong hội ngộ đã có mầm
biệt ly.
.
Lát sau, lâu lắm khi đã vơi bớt những giòng nước
mắt. Huy cầm điện thoại lên đặt trước một vé bay trong thời gian sớm
nhất để trở về Mỹ như để trốn chạy những hình bóng nào của dĩ vãng, chạy trốn nỗi ám ảnh khôn nguôi mà anh biết chắc rằng suốt đời mình khó
quên được.
Chị Nhi ơi, có những ước vọng tầm thường mà nhiều khi
cuộc đời mình muốn có cũng không được. Như chị vậy, chị có lần nói với
em là nếu anh Tuấn bề gì thì chị sẽ làm một người chinh phụ chờ chồng
suốt đời. Chị Nhi ơi, ước vọng của chị quá đơn sơ, chị thích làm một
người Vọng Phu, hát bài hát Hòn vọng Phu nhưng cuộc đời đâu có để chị
làm một người Vọng Phu được đâu.
Singapore tháng ba ngày giông bão
HUY THANH