14/2/14

TRUYỆN NGẮN: CUỐI DỐC SƯƠNG MÙ


TRUYỆN NGẮN HỒI KÝ :
CUỐI DỐC SƯƠNG MÙ


HUY THANH




MỘT
TÔI MỘT MÌNH

Tôi bước vào quán cà phê khi cơn mưa bắt đầu dội xuống thành phố những hạt đầu tiên. Qua cửa kiếng đục, những bóng bộ hành vội vã chạy trú mưa mờ nhạt như bóng ma thoắt ẩn thoắt hiên trong ánh đèn xe chạy vội nhấp nháy.


Tôi gọi một ly cà phê đắng ít đường, nhìn những giọt nước đen ngòm rơi chầm chậm như đốt thời gian từng giây. Tôi bỗng có chút hối hận sao mình lại hẹn Uyên vào giờ nầy, giờ mà những gia đình đang quây quần bên mâm cơm chiều khói bay nghi ngút. Ý nghĩ đó vụt tắt khi tôi lại tự bào chữa cho mình " mình hiện đang sống một mình, Uyên thì đâu có gia đình ở đây đâu thì có gì phải ngại .
Tôi gặp lại Uyên sau hơn ba mươi năm xa cách, ngày đó Uyên chỉ là một cô gái mười ba tuổi, là cô học trò học tiếng Việt của tôi có chiếc răng khểnh duyên dáng, thường nhìn tôi cười thay cho lời xin lỗi khi không phát âm được tiếng Việt rành rẽ. Ngày đó tôi vưà đặt chân lên xứ người sau một vài lần vượt biên chết hụt, cuộc sống tha phương cầu thực khiến tôi phải làm đủ nghề để có tiền đi học lại, như rửa chén nhà hàng, cắt xén cây cảnh, làm tài xế, làm thay vú em cho các nhà giầu. Cũng may khi còn ở VN tôi đã trang bị cho mình một số vốn ngoạị ngữ khá Anh và Pháp, vì ba tôi là một giáo viên dạy ngoại ngữ bậc Trung Học ( bấy giờ gọi là giáo sư). Cuộc sống xa quê với tinh thần tự lập, kiếm sống với muôn vàn khó khăn đã làm tôi có những lúc nản lòng trong việc đèn sách, nhưng khi nhớ đến đôi mắt cha tôi trước giờ tạm biệt, tôi như có nhiều nghị lực hơn để phấn đấu vươn lên. Tôi vẫn thường tự nhủ là phải cố gắng vượt khó nên thường nghiêm khắc với chính mình trong bất cứ công việc gì. Cho đến hôm nay, tôi vẫn trung thành với quan điểm lối làm việc đó của mình, dù trên cương vị hiện tại, không ai có quyền bắt tôi làm điều đó.
Một thời gian sau, cơ may đến với tôi là được nhận vào làm gia sư dạy tiếng Việt cho một gia đình Việt Nam sinh sống ở Pháp từ lâu đời . Họ có người con gái sinh tại Pháp tên Pauline, tên Việt là Phạm thị Nhã Uyên không biết viết tiếng Việt ngoài cái tên mẹ đẻ của mình ,thế là tôi có cơ hội đủ những điều kiện tài chánh để tiếp tục đèn sách nơi đất khách quê người. 

Cơn mưa tạnh, cánh cửa sổ mở toang ra cho tôi thấy thành phố đã lên đèn, Mặt hồ Xuân Hương lấp lánh như nạm ngọc, in bóng những chiếc đèn cao áp chen bóng những đoá hoa đào lao xao theo cơn gió rắc hạt mưa long lanh. Ngoài xa là dốc đồi thoai thoải, bóng lá thông rũ xuống mang nỗi buồn vạn cổ như người cung nữ bị thất sủng thời xưa giam mình trong chốn lãnh cung. Tôi chợt có ý nghĩ lãng mạn muốn mình là vị phế vương không ngai đang ngồi tiếc nhớ Hoàng Thành . Hay sẽ đầu thai làm loài thông vui với cái vui của nắng mai chim hót, buông lời reo với gió núi mây ngàn cho hết tháng ngày.Cuộc đời không suy nghĩ, không bon chen như cuộc sống con người để rồi chờ hoá kiếp. Thế thôi. Cuộc sống ngắn ngủi, đạm bạc. Cuộc sống mong manh không ghềnh thác. Cuộc sống không có nhiều khải tượng đau thương và thù hận, không có ý thức thời gian không gian.

HAI
TÔI VÀ UYÊN

Cánh cửa quán cà phê hé mở, những cơn gió bên ngoài luà vào trong không khí lạnh của chiếc máy điều hoà bị nhốt làm tôi rùng mình bất chợt, Uyên bước vào với chiếc váy xanh nhạt, áo mầu bordeaux đỏ, mầu đỏ cố hữu mà Uyên vẫn thích khi còn là cô học trò bé nhỏ của tôi ba mươi năm trước. Mùi nước hoa quen thuộc thoang thoảng trong căn phòng.
Tôi gặp lại Uyên trong một hội nghị chuyên đề về sự phát triển cuả cây cà phê hai mươi năm tới ở các vùng cao nguyên Việt Nam do Hiệp Hội Những Người Trồng Cà Phê Việt Nam tổ chức tại Đalat. Hội nghị có mời một số đại diện của các Hiệp Hội Thương Mại các quốc gia ở Châu Á và Châu Âu liên quan tới ngành cà phê tham dự. Một ngẫu nhiên là Uyên đại diện cho một tập đoàn Pháp đến dự Hội Nghị và nhận ra người thầy cũ.
Tôi kéo ghế mời Uyên ngồi, Uyên gật đầu chào tôi bằng nụ cười có chiếc răng khểnh duyên dáng như ngày nào:
- Bonne soir (Chào thầy buổi chiều ), thầy đến lâu chưa?
-Chào Uyên, thầy đến khi bắt đầu mưa, Uyên vẫn dùng nước hoa Soir de Paris (Chiều Ba Lê) hả?
-Vâng thầy ạ, lâu quá rồi mà thầy còn nhớ mùi nước hoa nầy hả? Dalat đẹp quá thầy, tiếc rằng Uyên không ở Việt Nam lâu, nếu ở lâu Uyên sẽ nhờ thầy làm hướng dẫn viên đi xem thành phố ngàn hoa nầy. Hồi sáng thầy thấy bài thuyết trình cuả tiến sĩ Hảo thế nào? dự án phát triển ngành cà phê hai mươi năm tới đủ sức thuyết phục thầy không?. Phát triển và rủi ro luôn song hành với nhau ,nhất là đối với những nước nhỏ. Theo thầy, nếu Total Variable cost (Tổng Chi Phí Biến Động) và Total Fixed costs (Tổng Chi Phí Bất Động) không thay đổi, và tập đoàn của Uyên đầu tư vào năm tới, thì phải bỏ vốn bao nhiêu, sản xuất bao nhiêu sản lượng mới sinh lãi, tỉ lệ rủi ro là bao nhiêu?
Tôi cười nhìn cô học trò bé nhỏ ngày nào mà bây giờ trở thành đồng nghiệp:
-Trên Linear diagram of business plan (Sơ đồ kinh toán tuyến tính ) của tiến sĩ Hảo sáng nay, Uyên cũng thấy rồi đó, điểm Breakeven point (Điểm Hòa Vốn) là giao điểm giữa hai đường kẻ thẳng góc từ hoành độ và tung độ, nó xác định số lượng sản phẩm phải sản xuất và mức độ đầu tư tương ứng để đủ đạt hoà vốn. Nếu đầu tư thêm, sản xuất vùng trên là lãi, còn sản phẩm không đạt vùng dưới là lỗ .Uyên chắc cũng thấy điều đó?.
Uyên gật đầu:
-Nhưng Việt Nam hiện nay đang lạm phát, mà lạm phát Run away inflation ( Lạm phát phi mã ). thì liệu dự án nầy có khả thi không?. Đó có thể chỉ là một kỳ vọng toán theo phép tính xác suất không?, Nếu vào cuộc, nó sẽ rối như một ma trận, sở dĩ Uyên hỏi thầy vì thầy có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nầy.
Tôi thấy buổi gặp gỡ hôm nay mục đích là tâm sự nên nói lảng sang chuyện khác:
- Ở đây không phải là hội trường, hội nghị kinh tế gì cả, thôi mình nói chuyện khác đi. Uyên uống gì?. Cà phê Lâm Đồng nhé, xem coi vị có bằng cà phê Jeans Martin hay Meilleigout ở Paris không? .Lúc rày cuộc sống của Uyên bên đó thế nào?."
-Ổn định thầy ạ, thầy về Việt Nam bao lâu rồi ?.
-Mười hai năm Uyên ạ, nhưng thầy chỉ mới lên Đalat từ ngày cô mất. Thầy bỏ Saigon lên đây để trốn chạy dĩ vãng, tìm những nơi tĩnh lặng để gặm nhấm nỗi buồn đau của chính mình. Có thể nói thầy sợ khi nhìn thấy những con đường, góc phố, quán ăn quen thuộc của Saigon, nơi mà bước chân cô và thầy đã qua đó trong niềm hạnh phúc tuyệt vời khi đưa cô trở lại Việt Nam.
Giọng Uyên như chìm hẳn xuống:
-Uyên chia buồn với thầy. Quá khứ lúc nào cũng tiềm ẩn trong ký ức chúng ta, chỉ cần một sự bắt gặp tương đồng ngoại cảnh hay ai nhắc lại là nó sẽ trở về , trăn trở, réo gọi, làm ta đau đớn nhiều hơn phải không thầy?.
Uyên ngừng câu nói, uống một chút cà phê rồi nhìn qua khung cửa sổ khi thấy tôi trầm tư để lắng nghe bài nhạc TIỄN EM của nhà Thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy: "lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời muà đông Paris, suốt đời làm chia ly..."
- Tối mai thầy rảnh không?, Uyên mời thầy đến nhà người chị họ Uyên dùng buổi cơm tiễn đưa vì sáng mốt Uyên phải theo đoàn về nước rồi .
Tôi ngạc nhiên:
-Ủa, Uyên có chị họ ở Đalat à? ở đường nào thế? ở lâu chưa vậy?
Uyên cười:
-Đường Trần Hưng Đạo thầy ạ, chị ấy ở đây từ khi còn là cô nữ sinh trung học Bùi Thị Xuân, em có kể chị ấy nghe vừa gặp lại người thầy cũ bên Pháp, thầy về đây lập nghiệp lâu rồi. Chị ấy có mời thầy tối mai đến nhà chiêu đãi buổi cơm chia tay chung với một số bạn em ngày lên đường. Thầy rán đến nhé, không biết bao giờ em mới gặp lại thầy nữa.
Tôi pha trò:
-D 'accord (Đồng ý), thầy có tâm hồn ăn uống lắm, sẽ không vắng mặt đâu.
Uyên đứng dậy bắt tay tôi tạm biệt:
- Bonne nuit (Chúc buổi tối vui). Tối nay em phải về họp với đoàn để Résumé (Tóm lại) công việc, thầy nhớ Huite heures (Tám giờ) nhé.
Tôi bắt tay Uyên thật chặt :
-Bien sur (Chắc chắn), à mà Uyên về bằng gì? trời lại mưa rồi, thầy có xe, hay để thầy đưa Uyên về nhé.
-Em có xe chờ ở ngoài thầy ạ, thôi em về nha thầy.

BA
TÔI VÀ BÓNG TÔI

Tôi nhìn đồng hồ, giờ nầy về nhà sớm cũng chẳng biết làm gì, thôi thì đành nán lại để bớt mưa rồi hãy về vậy. Khách trong quán cà phê buổi tối khá đông, phần nhiều là du khách vào trú mưa cũng có, mà vào thưởng thức cà phê Đalat cũng có. Chiếc màn hình TV tinh thể lỏng 32 inch đang chiếu một đọan phim VN, dù xem ngắt quãng, tôi cũng hình dung được cốt truyện nhạt nhẽo chấp nối nhiều mảnh giống như những phim "mì ăn liền" hiện nay. Cũng quanh quẩn ở yêu nhau, đánh ghen, ăn chơi, sa đọa, tự tử rồi hết. Họ tô vẽ lên những nhân vật nào là hoa hậu, ngôi sao, người mẫu, thiết kế quần áo như là những con người vĩ đại, những thần tượng mà ai cũng phải tôn thờ, chú ý. Vai chánh phim thường là đẹp trai, đẹp gái, nhà giầu, học giỏi, ở nhà cao cửa rộng, chủ yếu chỉ là khoe sắc đẹp, quần áo mode nầy mode nọ để quảng cáo cho những nhà thiết kế thời trang. Nội dung cốt truyện phim thì giống như một tuồng cải lương. Khi hết đề tài, họ bắt đầu viết qua những đề tài kinh tế, những vị Giám Đốc nói chuyện thật ngô nghê nhưng tôi không hiểu sao họ vẫn cho phát sóng .

Lại còn nhạc nữa, không lúc nào lạm phát "ca sĩ" và "nhạc sĩ " như bây giờ, hát vài bài nhạc cũng làm Album để quảng cáo mình là " ca sĩ" tự xưng là "sao". Làm ca sĩ nên cố làm thêm nhạc sĩ để lăng xê nhạc mình. Sáng tác vài bài ca, lời hát thô thiển như nói chuyện cũng cho mình là "nhạc sĩ ". Ca sĩ thì khi hát chủ yếu là nhún nhẩy, ăn mặc hở hang, son phấn diêm duá, thỉnh thoảng lại hát rú lên kiểu Fantaisie âm nhạc Nam Mỹ, hay nói lấp "ráp" thật nhanh lối nhạc của người da đen. Khi ra sân khấu, thì ca sĩ và nhóm diễn viên phụ muá mạnh ai nấy múa, không ăn nhằm gì tới nội dung bài hát . Khán giả hình như chỉ chú ý đến kỹ thuật đèn mầu chớp tắt, phun khói, âm thanh dàn nhạc nghe stéréo nhức nhối, coi muá như một sự tò mò mua vui chứ không chú tâm đến thưởng thức nghệ thuật .Do vậy bây giờ một số ca sĩ bày ra trò hát "nhép" để đỡ mệt khi mỗi đêm phải chạy nhiều show đủ chỗ kiếm tiền Hát "nhép" là thu âm sẵn những bài nhạc mình đã hát, khi ra sân khấu trình diễn , họ mở bài hát phát ra từ máy, người ca sĩ chỉ "nhép miệng" theo âm thanh và làm động tác biểu diễn. Đây là một kỹ thuật lừa gạt khán giả. Ngoài ra họ còn tổ chức những cuộc "phỏng vấn ca sĩ" như một kịch bản vụng về không ngoài mục đích lăng xê lẫn nhau kiểu "bánh ít đi bánh quy lại ".

Ngày xưa T,C.S và K.L , đôi song ca L.U.P v..v.. chỉ có hai người với cây đàn thùng mà chinh phục được cả triệu khán giả trong và ngoài nước, họ đâu có muá may quay cuồng gì đâu. Nghệ thuật chân chính thì " hữu xạ tự nhiên hương " mà, chứ đâu cần gì phải lăng xê cho nhau như một trò tuồng sân khấu. Bây giờ mở nhạc lên là nghe tiếng lóc cóc lẹt xẹt của tiếng trống, tiếng gõ dùng kỷ thuât âm thanh stéréo , giọng ca sĩ thì chìm như một búp non vừa nhú. Phải chăng nghệ thuật bây giờ đã bế tắc trong đường hướng sáng tác và phong cách biểu diễn rồi chăng?
Tôi thở dài trả tiền hai ly cà phê rồi ra ngoài, trời chưa tạnh mưa, tôi lái xe chậm để nhìn cảnh vật xung quanh thành phố đang sáng rực trong ánh đèn cao áp. Một chiếc xe gắn máy phân khối lớn từ sau vượt qua xe tội, nẹt pô, tiếng còi inh ỏi của nó nhái tiếng bò rống làm những người lái xe gắn máy phía trước giật mình loạng chọang tay lái suýt ngã. Lái xe là gã tóc dài "hai phai" ăn mặc người không ra người, ngợm không ra ngợm đang cúi rạp xuống tay lái xe cười hô hố. Bỗng "rầm", xe quẹt một ông lão ngồi xe lăn bán vé số lăn kềnh trước đầu xe tôi, tôi nhanh chân đạp thắng, vội mở cửa ra đỡ ông lão dậy. Cũng may là ông lão không bị gì. Tôi đỡ ông lão vào bên lề chưa kịp han hỏi gì thì tiếng còi đám xe phía sau rống lên inh ỏi, xe máy có, xe ô tô có, họ thúc giục tôi lái xe giải phóng mặt đường vì trong lúc gấp rút, tôi còn để xe nằm giữa lộ mà không chạy vào đậu sát lề. Tôi lái xe vào lề đường mà còn nghe vài câu chửi rủa văng tục của đám thanh niên đang đua xe với hai tên lúc nãy.

BỐN
TÔI VÀ MAI

Tôi ghé nghĩa trang để thắp cho Mai một nén nhang như mọi tối, nghĩa trang im lìm như một thành phố thật êm đềm. Ngày còn sống, Mai thường nói với tôi những linh hồn ở đây là cư dân tốt, nhà ai nấy ở, không bon chen, không tranh giành. Tôi cũng không quên thắp nhang cho những ngôi mộ xung quanh hàng xóm Mai, nhặt những ngọn cỏ vừa nhú lên quanh mộ chí. Những ngôi mộ nằm đó như một đời người bỏ dở, bao nhiêu hy vọng, tuyệt vọng cuối cùng cũng chỉ là một mảnh đất vô tri Có thể khi còn sống họ cũng có nụ cười, tiếng khóc, có hạnh phúc khổ đau, có những mái nhà yên ấm đầy dẫy tiếng cười trẻ thơ vào những buổi cơm chiều sum họp vơ chồng. Họ chắc cũng có những mối tình đầu đẹp thơ mộng, những e ấp thời thanh xuân, những rung động yêu đương thủa học trò.Tất cả bây giờ đã hết, đã gói gọn trong hư vô, đã gói gọn trong bia đá, đã hững hờ theo nhang khói mong manh.
Tôi trở về nhà, cạnh nhà có một đám ma, xéo phía đối diện là một đám cưới. Hai bên đang bình thản làm nghĩa vụ con người. Tiếng kèn đưa tang , tiếng ca nhạc vang lừng. Tôi chợt nghĩ kiếp con người,đời sống là thế sao? Là mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy lo. Họ sinh ra, lớn lên, rồi chết? Có sự chọn nào mà mình có thể chủ động được không, hay tất cả chỉ là buông xuôi ,rồi tất cả đổ thừa cho định mạng?. Cũng như những người bạn của tôi trước đây sinh lầm trong thế kỷ, tham dự đời sống tình cờ và chết cũng rất tình cờ trong bom đạn, chết bởi những chủ thuyết nào xa xôi.

NĂM
TÔI VÀ EM

Uyên đón tôi trong mầu áo hồng dạ hội, tóc Uyên bới cao, ngực đính chiếc hoa cài crosse nạm những viên kim cương nhỏ lấp lánh. Tôi chợt thấy Uyên trẻ lại ,đẹp thanh khiết như diễn viên đóng vai Juliette trong cuốn phim Roméo et Juliette mà tôi không nhớ tên xem từ một thuở nào xa lắm.Tôi chợt ngượng ngùng khi thấy mình quá vô tâm khi ăn mặc xềnh xoàng đến đây: không cà vạt, không mặc veston, những thứ mà mỗi ngày đi làm tôi luôn tề chỉnh. Thấy tôi có vẻ ngượng Uyên nói:
-Tại Uyên giấu thầy không dám nói tối nay nhà mở tiệc nhẹ Bal de famille (khiêu vũ gia đình), vì thầy đã nói với Uyên từ ngày cô mất, thầy hạn chế đến những nơi đông người. Tối nay chỉ khiêu vũ trong vòng gia đình cùng một ít bạn thân thôi thầy ạ. Thầy đừng ngại, mời thầy vào phòng khách.
Uyên không đợi chờ câu trả lời của tôi, kéo tuột tôi vô phòng khách, ấn tôi ngồi xuống ghế bành với một dáng vẻ tự nhiên của người Âu Châu. Uyên rót cho tôi ly nước:
-Mời thầy uống nước, để em mời chị Lan ra giới thiệu với thầy nhé.
Cánh cửa phòng bật mở, người đàn bà tên Lan bước ra, tôi bỗng thấy trước mắt mình đảo lộn như người đang ở trên đất liền rơi xuống vực thẳm. Em đó sao? Lan đó sao? em của mười lăm năm trước một lần đã khóc ngất trên vai anh khi biết anh đã có gia đình đó sao?
Người đàn bà cũng đứng lặng để nén những xúc động bất chợt vừa đến, Uyên có lẽ đoán ra sự việc:
-Thì ra thầy và chị Lan quen nhau rồi à, hay quá, em chẳng cần giới thiệu nha
Lan sau những phút giây xúc động cũng lấy lại được bình tĩnh:
-Chào anh, lâu quá mới gặp lại, mười lăm năm rồi còn gì, thời gian nhanh quá anh nhỉ?
Uyên chen vào: -Thôi chị tiếp chuyện với thầy nha, em ra đón khách đó.
Uyên đi khuất, trong phòng chỉ còn tôi và Lan, Lan nói như muốn khóc :
-Sao hồi đó anh bỏ đi không nói một lời từ giã em?, anh có biết là em tìm anh khắp nơi khổ sở lắm không? Em không trách gì anh cả vì em biết trước anh đã có gia đình mà, nhưng em tự nguyện.
Tôi cúi xuống nói bằng giọng trầm buồn:
-Anh xin lỗi em, sau đêm đó lòng anh nặng mặc cảm tội lỗi; tội lỗi với em và tội lỗi với vợ anh, giữa hai bên, anh phải chọn một , và....
-Và anh đã hy sinh em? chị là người đàn bà đến trước nên anh hy sinh em là phải, em cũng hiểu cái đạo lý đó, em không trách gì anh đâu. Em nghe nói chị đã mất ba năm nay, anh vẫn ở vậy một mình à? có tiếp tục bước nữa không?
-Anh chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình mới vì vết thương lòng cũ chưa lành hẳn, có thể một thời gian lâu lắm sau nầy anh sẽ tính, mà cũng có thể không bao giờ.
Uyên bỗng từ ngoài sân chạy vào :
- Chị ơi, khách đến rồi, đông lắm, họ mời chủ nhân ra khai mạc kìa, chị ra mau ra khui sâm banh (champagne) khai vị đi, mời thầy, hôm nay thiếu partenaire (người cùng khiêu vũ) thầy ạ, thầy tiếp giùm đám bạn của em nhé.

SÁU :
CUỐI DỐC SƯƠNG MÙ :

Tôi dừng lại trước cửa nhà, đứng chập chọang giữa vùng ánh sáng của ngọn đèn báo không lưu trên đỉnh đồi tỏa xuống. Tiếng thác đổ gầm rú ầm ầm từ xa ban đêm hóa thành gần. Tiếng thông reo vi vu nửa đêm. Tiếng một vài con vạc ăn đêm lạc lòai kêu lên áo não.Tất cả tạo thành một hợp âm đêm Đalat quen thuộc trong tôi mỗi khuya khi đi về nhà dù say hay tỉnh.
Buổi gặp lại Lan làm tâm hồn tôi như chìm xuống một vùng ký ức mông mênh sâu thẳm.Từ dưới đáy đại dương thời gian, những cơn sóng kỷ niệm trồi sụt, nhấp nhô đầy nỗi đau dấy lên từng hồi. Ngày mai rồi mặt trời cũng vẫn mọc,thông vẫn reo, thác vẫn tuôn đổ từng buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều. Một ngày bình thường như mọi ngày. Nhưng bắt đầu bây giờ chỉ có lòng tôi là không tìm lại được sự thanh thản như những ngày chưa gặp lại Lan nữa. Trước mắt tôi, những ngày sắp tới sẽ không còn lối thoát trước một con dốc sương mù ký ức bao vây réo gọi, đầy dốc vách đá cheo leo, và tôi bước đi như cái đổ dốc của đời người.
Thời gian đã ngăn chận hy vọng bình an trong tôi trở thành ảo vọng, tôi như cố ngụp lặn trong hiện tại, cố vùi đầu dưới cát như con đà điểu rút đầu vào cánh để tránh cơn bão cát cuồng nộ như quất những lằn roi xuống tâm hồn. Muốn quên tất cả. Muốn làm lại tất cả. Không có những nỗi nhớ gieo neo. Những nỗi đau thương cùng cực nhưng nào đâu được, mình đã hằn lên những dấu roi nghiệt ngã, vết chém đã thành sẹo thì làm sao ký ức được vô tư, được giã từ.

Chỉ có cách đi xa may ra còn kịp nhìn thấy con người chính mình dù chỉ còn là cái bóng. Đó là sự trốn chạy miền đất cũ dù có thể là sự bội bạc vong thân với chính mình. Chạy bỏ hình bắt bóng là một thái độ sống không thể khoan dung, nhưng đi mà không từ biệt sẽ có kết quả như một thái độ vĩnh biệt mong muốn.
Tôi phải rời xa Đalat một thời gian như gã tù nhân trốn trại rời ký ức để cố quên đi quá khứ với Lan dù đó có thể là sự lừa gạt bản thân. Ngày mai khi thức dậy, Lan sẽ không còn thấy tôi ở Đalat nữa.
Cả Uyên cũng vậy, khi biết tôi sáng mai đi, chắc Uyên cũng không hiểu tại sao tôi làm như thế.
HUY THANH