21/2/14

THAM LUẬN: ĐỌC TRUYỆN NGẮN " ANH PHẢI SỐNG " CỦA KHÁI HƯNG

THAM LUẬN

ĐỌC  TRUYỆN  NGẮN:

ANH PHẢI SỐNG

CỦA KHÁI HƯNG


HUY THANH


1- VÀI NÉT VỀ NHÀ VĂN KHÁI HƯNG:

 Khái Hưng ( 1896- 1947) tên thật là Trần khánh Giư người xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương (Hải Phòng).. Bút hiệu KHÁI HƯNG là ông lấy chữ đầu của tên họ ráp vào. K (KHÁNH) H ( KHÁNH) Á (KHÁNH) I (GIƯ) H (KHÁI) Ư (GIƯ) N (TRẦN) G (GIƯ) một lối chơi chữ rất khéo của tác giả .
Khái Hưng từng học trường Albert Sarraut, ông đã đỗ bằng Thành Chung và Tú Tài 1, sau đó vào làm công chức nhà nước nhưng chán cảnh làm công bộc vì không đúng chí hướng của mình nên Khái Hưng nghỉ và xin chân day học ở trường tư thục Thăng Long tại Hà Nội. Nơi đây ( từ năm 1930- 1936 ) ông quen nhà văn Nhất Linh, cũng từ Pháp về, hai người cùng dạy một trường. Ý hợp tâm đầu, cả hai cùng thành lập nhóm "Tự Lực Văn Đoàn " chính thức ra mắt trên diễn đàn văn học từ năm 1933. Ban đầu có những cây viết nòng cốt như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, sau đó thêm nhiều nhà văn khác như Thạch Lam v..v..gia nhập nhóm
Từ đó, cặp bài trùng Nhất Linh, Khái Hưng thường viết chung những truyện ngắn, truyện dài theo khuynh hường cải cách xã hội bằng văn học, phê phán hiện tượng mê tín dị đoan, lề lối phong kiến hủ lậu Nho Giáo trong gia đình và ngoài xã hội. Những tác phẩm viết chung của họ rất nổi tiếng nên người ta thường gọi Khái Hưng là Nhị Linh mặc dù ông lớn hơn Nhất Linh 9 tuổi.
Những tác phẩm nổi tiếng của Khái Hưng là: Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Trống Mái (1936), Nửa Chùng Xuân (1937) Tiêu Sơn Tráng Sĩ (truyện võ hiệp 1937) Tiếng Suối Reo ( 1940 ).
Những tác phẩm cùng viết chung với Nhất Linh là: Gánh hàng Hoa, Đời mưa gió, Anh phải sống,
Ông cũng đã có dịch một bài thơ nổi tiếng cuả Félix Arvers tựa là Tình tuyệt Vọng rất nổi tiếng như sau:

 Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
 Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
 Mà người gieo thảm như hầu không hay 


Khái Hưng mất năm 1947 trong một hoàn cảnh không rõ ràng.



2- TRUYỆN NGẮN: ANH PHẢI SỐNG 

 1-
Trên đê Yên Phụ, một buổi chiều mùa hạ.  Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi.
Theo dòng nước đỏ lờ lờ, những thân cây, những cành khô trôi từ rừng về, nổi lềnh bềnh, như một dẫy thuyền nhỏ liên tiếp chạy thực nhanh tới một nơi không bờ không bến.

Đứng trên đê, bác phó nề Thức đưa mắt trông theo những khúc gỗ ấy tỏ ra ý thèm muốn, rồi quay lại, đăm đăm nhìn vợ, hỏi thầm ý kiến. Người vợ, ngắm sông, ngắm trời, lắc đầu thở dài, nói:
- Gió to quá, mà đám mây đen kia ở chân giời đùn lên mau lắm. Mưa đến nơi mất, mình ạ!
Người chồng cũng thở dài, đi lững thững. Rồi bỗng đứng dừng lại, hỏi vợ:
- Mình đã thổi cơm chưa?
Vợ buồn rầu đáp:
- Đã. Nhưng chỉ đủ cơm cho hai con ăn bữa chiều hôm nay.
Hai vợ chồng lại im lặng nhìn nhau... Rồi hình như cùng bị một vật, một định kiến nó thôi miên, nó kiềm áp, hai người đều quay lại phía sông: Những thân cây vẫn phăng phăng trôi giữa dòng nước đỏ.
Chồng mỉm cười, cái cười vơ vẩn, bảo vợ:
- Liều!
Vợ lắc đầu, không nói. Chồng hỏi: 
- Mình đã đến nhà bà Ký chưa?
- Đã. - Thế nào?
- Không ăn thua. Bà ấy bảo có đem củi vớt đến, bà ấy mới giao tiền. Bà ấy không cho vay trước.
- Thế à?
Hai chữ "thế à" rắn rỏi như hai nhát bay cuối cùng gõ xuống viên gạch đặt trên bức tường đương xây. Thức quả quyết sắp thi hành một việc phi thường, quay lại bảo vợ:
- Này! Mình về nhà, trông coi thằng Bò.
- Đã có cái Nhớn, cái Bé chơi với nó rồi.
- Nhưng mình về thì vẫn hơn. Cái Nhớn nó mới lên năm, nó trông nom sao nổi hai em nó.
- Vậy thì tôi về... Nhưng mình cũng về, chứ đứng đây làm gì?
- Được, cứ về trước đi, tôi về sau.
Vợ Thức ngoan ngoãn, về làng Yên Phụ.

2-
Tới nhà, gian nhà lụp xụp, ẩm thấp, tối tăm, chị phó Thức đứng dừng lại ở ngưỡng cửa, ngắm cái cảnh nghèo khó mà đau lòng. Lúc nhúc trên phản gỗ
không chiếu, ba đứa con đương cùng khóc lóc gọi bu. Thằng Bò kêu gào đòi bú. Từ trưa đến giờ, nó chưa được tí gì vào bụng.
Cái Nhớn dỗ em không nín cũng mếu máo, luôn mồm bảo cái Bé:
- Mày đi tìm bu về để cho em nó bú. Nhưng cái Bé không chịu đi, nằm lăn ra phản vừa chửi vừa kêu.
Chị phó Thức chạy vội lại ẵm con, nói nựng:
- Nao ôi! Tôi đi mãi để con tôi đói, con tôi khóc.
Rồi chị ngồi xuống phản cho con bú. Song thằng Bò, ý chừng bú mãi không thấy sữa, nên mồm nó lại nhả vú mẹ nó ra mà gào khóc to hơn trước.
Chị Thức thở dài, hai giọt lệ long lanh trong cặp mắt đen quầng. Chị đứng dậy, vừa đi vừa hát ru con. Rồi lại nói nựng:
- Nao ôi! Tôi chả có gì ăn, hết cả sữa cho con tôi bú!

Một lúc, thằng bé vì mệt quá lặng thiếp đi. Hai đứa chị, người mẹ đã đuổi ra đường chơi để được yên tĩnh cho em chúng nó ngủ.
Chị Thức lẳng lặng ngồi ôn lại cuộc đời đã qua. Bộ óc chất phác của chị nhà quê giản dị, không từng biết tưởng tượng, không từng biết xếp đặt trí nhớ cho có thứ tự. Những điều chị nhớ lại chen chúc nhau hỗn độn hiện ra như những hình người vật trên một tấm ảnh chụp. Một điều chắc chắn, chị ta nhớ một cách rành mạch, là chưa bao giờ được thư nhàn, được hưởng chút sung sướng thư nhàn như những người giàu có.

Năm mười hai, mười ba, cái đĩ Lạc, tên tục chị phó Thức, xuất thân làm phu hồ. Cái đời chị, nào có chi lạ. Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm...

Năm chị mười bảy, một lần cùng anh phó Thức cùng làm một nơi, chị làm phu hồ, anh phó ngõa. Câu nói đùa đi, câu nói đùa lại, rồi hai người yêu nhau, rồi hai người lấy nhau.
Năm năm ròng, trong gian nhà lụp xụp ẩm thấp, tối tăm ở chân đê Yên Phụ, không có một sự gì êm đềm đáng ghi chép về hai cái đời trống rỗng của hai người khốn nạn, càng khốn nạn khi họ đã đẻ luôn ba năm ba đứa con.
Lại thêm gặp buổi khó khăn, việc ít công hạ, khiến hai vợ chồng loay hoay, chằn vặt suốt ngày này sang ngày khác vẫn không đủ nuôi thân, nuôi con.
Bỗng mùa nước năm ngoái, bác phó Thức nghĩ ra được một cách sinh nhai mới. Bác vay tiền mua một chiếc thuyền nan, rồi hai vợ chồng ngày ngày chở ra giữa dòng sông vớt củi. Hai tháng sau, bác trả xong nợ, lại kiếm được tiền ăn tiêu thừa thãi. Vì thế năm nay túng đói, vợ chồng bác chỉ mong chóng tới ngày có nước to.
Thì hôm qua, cái ăn, trời đã bắt đầu đưa đến cho gia đình nhà bác.
Nghĩ đến đó, Lạc mỉm cười, se sẽ đặt con nằm yên trên cái tã, rồi rón bước ra ngoài, lên đê, hình như quả quyết làm một việc gì.

3-
Ra tới đê, Lạc không thấy chồng đâu.Gió vẫn to, vù vù, gầm hét dữ dội và nước vẫn mạnh, réo ầm ầm chảy nhanh như thác. Lạc ngước mắt nhìn trời: da trời một màu đen sẫm.
Chị đứng ngẫm nghĩ, tà áo bay kêu bành bạch như tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Bỗng trong lòng nẩy một ý tưởng, khiến chị hoảng hốt chạy vụt xuống phía đê bên sông.

Tới chỗ buộc thuyền, một chiếc thuyền nan. Lạc thấy chồng đương ra sức níu lại các nút lạt. Chị yên lặng đăm đăm đứng ngắm đợi khi chồng làm xong công việc, mới bước vào thuyền, hỏi:
- Mình định đi đâu?
Thức trừng trừng nhìn vợ, cất tiếng gắt:
- Sao không ở nhà với con?
Lạc sợ hãi ấp úng:
- Con ... nó ngủ.
- Nhưng mày ra đây làm gì?
- Nhưng mình định đem thuyền đi đâu?
- Mày hỏi làm gì?... Đi về!
Lạc bưng mặt khóc. Thức cảm động:
- Sao mình khóc?
- Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.
Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước, rồi bảo vợ:
- Mình không đi được... Nguy hiểm lắm!
Lạc cười:
- Nguy hiểm thời nguy hiểm cả... Nhưng không sợ, em biết bơi.
- Được!
Tiếng "được" lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ, trời một lúc một đen. Thức hỏi:
- Mình sợ?
- Không.

4-
Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.
Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ, thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.  Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu. Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...
Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:
- Giời ôi!
Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...
Chồng hỏi vợ:
- Mình liệu bơi được đến bờ không?
Vợ quả quyết:
- Được!
- Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!
- Được! Mặc em!
Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:
- Thế nào?
- Được! Mặc em!

Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:
- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.

Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:
- Có bơi được nữa không?
- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.
- Em buông ra cho mình vào nhé?
Chồng cười: 
- Không! Cùng chết cả.

Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:
- Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?
- Không!... Sao?
- Không. Thôi đành chết cả đôi.
Bỗng Lạc run run khẽ nói:
- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

5-
Đèn điện sáng rực suốt bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.
Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.

KHÁI HƯNG

 3-  BÌNH LUẬN ENTRY

Cũng như khuynh hướng sáng tác chung của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, các nhà văn  đương thời thường đi vào những chủ đề xã hội, vào những kiếp người lầm than, nghèo khổ. Khái Hưng ở đây cũng vậy nhưng văn phong của ông lại khác, nó không có cái lãng mạn của trong Hồn Bướm Mơ Tiên, Dọc Đường Gíó Bụi, Nửa Chừng Xuân mà đi thẳng vào cốt chuyện, nhất là phần đối thoại. Phần đối thoại, Khái Hưng đã viết rất ngắn, vài chữ, nhưng lồng trong đó tôi bắt gặp cái tình người, tình vợ chống chơn chất đầy và sâu, nói cách khác một lời đối thoại Khái Hưng viết dường như trước mắt tôi hiện ra nét mặt, cử chỉ của nhân vật trong truyện. Ta hãy đọc một mẩu đối thoại ông viết:

Bỗng trong lòng nẩy một ý tưởng, khiến chị hoảng hốt chạy vụt xuống phía đê bên sông.
Tới chỗ buộc thuyền, một chiếc thuyền nan. Lạc thấy chồng đương ra sức níu lại các nút lạt. Chị yên lặng đăm đăm đứng ngắm đợi khi chồng làm xong công việc, mới bước vào thuyền, hỏi:
- Mình định đi đâu?
Thức trừng trừng nhìn vợ, cất tiếng gắt:
- Sao không ở nhà với con?
Lạc sợ hãi ấp úng:
- Con ... nó ngủ.
- Nhưng mày ra đây làm gì?
- Nhưng mình định đem thuyền đi đâu?
- Mày hỏi làm gì?... Đi về!
Lạc bưng mặt khóc. Thức cảm động:
- Sao mình khóc?
- Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.
Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước, rồi bảo vợ:
- Mình không đi được... Nguy hiểm lắm!
Lạc cười:
- Nguy hiểm thời nguy hiểm cả... Nhưng không sợ, em biết bơi.
- Được!
Tiếng "được" lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ, trời một lúc một đen. Thức hỏi:
- Mình sợ?
- Không.

Khái Hưng đã rất chân thật khi xử dụng ngôn từ của một cặp vợ chồng nhà quê ít học, gọi nhau bằng mầy tao, hai tiếng mầy tao của người chồng Thức nói với người vợ Lạc không phải là một lời mắng mỏ, gây gổ, khinh thị mà là một lời âu yếm rất chơn chất, cũng như hai người bạn thân gọi nhau. Những câu đối đáp giữa hai vợ chồng có những câu chưa tới mười chữ, thậm chí có câu chỉ một chữ, đã nói lên sự chơn chất của người dân quê, nói không khách sáo, rào trước đón sau như người có học, mà nói một cách dứt khoát gói gọn theo câu hỏi và trả lời của mình .

Về cốt truyện, tôi thấy nổi bật lên tính nhân bản của con người, đó là tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, sự hy sinh đối với con cái . Những mẩu đối thoại ngắn nhưng xúc tích rất nhiều, tiềm ẩn rất rộng cái "tâm" chơn chất làm ta phải xúc động:

Lạc bưng mặt khóc. Thức cảm động:
- Sao mình khóc?
- Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.
Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước, rồi bảo vợ:
- Mình không đi được... Nguy hiểm lắm!
Lạc cười:
- Nguy hiểm thời nguy hiểm cả... Nhưng không sợ, em biết bơi.
- Được!
Tiếng "được" lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ, trời một lúc một đen. Thức hỏi:
- Mình sợ?
- Không
Những mẩu đối thoại ngắn, nhưng tôi bắt gặp trong đó tình dài. Đọan cuối là những mẩu đối thoại thật cảm động, nó vẫn diễn cảm được cái tâm, cái tình yêu vợ chồng sâu đậm của Thức và Lạc đã át hẳn nổi lo sợ trước viễn cảnh phải chết .Ở đây tính nhân văn của Khái Hưng viết rất rõ nét, tình yêu là tất cả, nó khiến cho người ta dửng dưng trước nỗi sợ hãi thường tình là cái chết, có những người tự tử vì tình, họ không ngần ngại, đắn đo như cặp vợ chống Thức Lạc, họ vẫn bình thản trước cái chết gần kề. Ta hãy đọc một đoạn văn thật cảm động sau đây:


Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.
Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ, thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.  Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu. Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...
Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:
- Giời ôi!
Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...
Chồng hỏi vợ:
- Mình liệu bơi được đến bờ không?
Vợ quả quyết:
- Được!
- Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!
- Được! Mặc em!
Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:
- Thế nào?
- Được! Mặc em!

Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:
- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.

Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:
- Có bơi được nữa không?
- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.
- Em buông ra cho mình vào nhé?
Chồng cười: 
- Không! Cùng chết cả.

Thật là cao thượng, một đoạn văn hàm xúc tình người, đầy nổi lo âu cho người đọc, ai cũng mong hai vợ chống thoát được tai nạn trở về với con. Và đây, đọan cao trào rất ngắn, cái kết thúc đơn nguyên như bội bạc với người đọc, Khái Hưng chấm đứt câu truyện bằng một dấu chấm than, đầy nước mắt nhưng rất tuyệt vời:

Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:
- Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?
- Không!... Sao?
- Không. Thôi đành chết cả đôi.
Bỗng Lạc run run khẽ nói:
- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống.
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

5-

Đèn điện sáng rực suốt bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.
Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.
Nếu những người có chút lãng mạn về văn học, chút tình người, thì đây là một truyện ngắn có thể làm chúng ta rơi nước mắt. Vì nó đậm đà tính nhân văn, tình vợ chồng thương nhau trong cảnh nghèo đói mà không phụ nhau, tình thương yêu và lòng hy sinh của cha mẹ đối với con cái mà sự nghèo đói không làm người ta mất nhân tâm làm những chuyện độc ác đối với đồng loại. Một cốt truyện mà thời nay những con người có dòng máu lãnh cảm,  phản cảm  hay vô cảm cần suy nghĩ.

HUY THANH