BÊN ĐỜI MÃI CÒN ĐÓ TIẾNG HÁT XANH
HUY THANH
I- CÒN ĐÓ NHỮNG TIẾNG HÁT XANH:
Rất tình cờ ngày thứ sáu 3/05/2013 lúc 21 giờ, tôi mở đài Truyền Hinh TP HCM ở kênh số 9 được xem Chương Trình Dự thi hát " Tiếng Hát Mãi Xanh " của những người tóc bạc, nhưng tiếng hát vẫn còn xanh được trực tiếp cho khán thính giả toàn quốc xem.
Đây là Chương Trình dự thi có giải thưởng dành cho những " thí sinh tuổi từ U 40 " trở lên, những "ca sĩ " nghiệp dư, tóc bạc hay hoa râm , họ mang đến dự thi những tiếng hát, những bài ca " ruột " mà mình yêu thích nhất từ nhạc tiền chiến đến hiện đại, với chủ đề nhạc Tình Ca trữ tình lãng mạ. Những bài nhạc đó tôi nghĩ chắc cũng gắn bó, nhiều kỷ niệm một thời với họ ở tuổi thanh xuân.
Phải công nhận đây là một Chương Trình có sức thu hút rất nhiều khán giả toàn quốc, nhất là khán giả ở tuổi 40 trở lên, vì nó khác hẳn những Chương Trình dự thi có tính cách quãng cáo cho nhà tài trợ, lăng xê cá nhân, những chương trình dự thi, những sân chơi vô bổ, nếu không nói là rất nhảm nhí, mang tính hên xui, hài hước kiểu cải lương của phương tiện truyền thông như từ trước đến nay.
Khác là vì Chương Trình Dự Thi được dàn dựng công phu với ban nhạc nhiều loại nhạc cụ như vĩ cầm ( violon ) , dương cầm ( Piano ) , Kèn ( Saxso ), có soạn hòa âm hẳn hoi của nhạc viện TP HCM .
Mặt khác , sân khấu dự thi rất đơn giản , không mầu mè lòe loẹt đèn chớp tắt ì xèo như những cuộc thi Nhạc khác ,và nhất là không có những điệu múa minh họa "chẳng giống ai " của những nhóm múa ra quay cuồng trên sân khấu . Màn hình chỉ có cái máy hát đĩa quay bằng dây cót và cái loa kèn to đùng kiểu Đúc Quốc Xả xài ở thế chiến thứ hai vào năm 1945 .
Theo lời giới thiệu của MC Quỳnh Hương , để có đêm chung kết nầy thí sinh phải trải qua các buổi sơ khảo , chọn lọc và có những lời bình của khán giả toàn quốc . Thành thật mà nói theo tôi những tiếng hát vào chung kết tối nay đều có chất lượng , cái chất lương không phải từ nghệ thuật thuần túy mà bởi nghệ thuật của cái tâm, niềm đam mê và khát vọng của họ , những đồng điệu giao cảm giữa hồn nhạc và hồn người một cách chân thật nhất .
Về Ban Giám Khảo, nhà tổ chức cũng rất khéo chọn lựa mời những vị có tuổi đời và tuổi nghề đức cao trọng vọng trong nền âm nhạc như : Nhạc sĩ lớp tiền chiến Phan Huỳnh Điểu , lớp Trung Chiến như Nghệ sĩ Nhân Dân Trần Hiếu , Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, Tiến sĩ Văn Thi Minh Hương Nhạc Viện TP.HCM cùng một số ký giả của các báo tại TP HCM ..
( Hình chỉ có tính cách minh họa )
II- ĐIỂM QUA CÁC BÀI HÁT VÀ 9 THÍ SINH THAM GIA BUỔI CHUNG KẾT ĐẦU TIÊN
1- Thí sinh ĐÀO DUY TRUNG 66 tuổi ở TP HCM hát bài " Thuyền và Biển: " thơ Xuân Quỳnh, phổ nhạc của nhạc sĩ lão thành Phan huỳnh Điểu
Phan Hùynh Điểu là nhạc sĩ thuộc thế hệ nhạc sĩ tiền chiến , ông sinh năm 1923, tuy nhiên các ca khúc của ông đóng góp vào sự nghiệp nhạc tiền chiến rất ít , hầu như chỉ có hai bài là " Sự tích trầu cau " và " Mùa đông binh sĩ " ( 1940 ) . Sau nầy ông nghiêng về viết nhạc có tính chất thời sự, tính CM như " Sợi nhớ sợi thương ", " Thơ tình cuối mùa thu ", " Hành khúc ngày và đêm " ..v..v..
Thoạt đầu khi nghe tên bài hát, tôi chợt có ý nghĩ chắc thí sinh nầy muốn lấy lòng Giám Khảo là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngồi bên dưới nên mới chọn bài hát của ông nhưng sau khi nghe thí sinh Trung hát, tôi mới biết mình không nên có thành kiến giống như những cuộc thi hát khác trước đây là thí sinh dùng tâm lý để "kiếm điểm " từ Giám Khảo.
Giọng hát của thí sinh Trung rõ ràng, chắc và tương đối khỏe. Trong ca khúc nầy nầy, có những đoạn cao trào tới nốt " fá " ở âm vực bát độ vào câu hát cuối bài : " .. .. Nếu phải cách xa em , anh chỉ còn bão tố " chữ " tố " lên cao , và ngân dài , rơi xuống và phải nhỏ dần theo dấu > Nhưng theo tôi thí sinh Trung chỉ đạt độ cao mà không có độ ngân dài . Bài hát nầy theo tôi không ai hát qua được ca sĩ nghệ sĩ ưu tú Tuấn Phong cả.
2.2- Thí sinh NGUYỄN HỮU THẮNG 74 tuổi ở Hà Nội hát bài "Niệm Khúc cuối " của Ngô thụy Miên ,
một nhạc sĩ thế hệ trung chiến ở các thập niên 60-75 tại miền Nam, anh là người chuyên môn phổ thơ của thi sĩ Nguyên Sa như "Paris có gì lạ không em " " Tuổi mười ba ", " Giọt nước mắt ngà " vv..vv
Đây là bài nhạc trữ tình NTM viết theo tiết tấu Slow chậm, âm vực trầm đoạn đầu: " Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời, dù cho mưa hay cơn bão tố có kéo qua đây .v..v " và đoạn điệp khúc được nâng cao lên dần: " Xin cho tôi tôi như cơn mộng, xin tôi ôm em vào lòng .. ". Chữ " mộng " là một nốt "láy" ( luyến ) ở âm vực bán cung nhưng hình như thí sinh Thắng đã đuối hơi nên luyến không rõ ràng, không phát âm tròn vành rõ chữ. Theo tôi nếu chọn nhạc Ngô thụy Miên thì thí sinh Thắng nên chọn bài: " Mùa Thu Cho Em " cũng tiết tấu Slow, ít luyến láy sẽ dễ hát hơn, thí dụ: " em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ ? em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương ..".
2.3- Thí sinh MAI VĂN ĐẶNG 71 tuổi ở Bình Dương hát bài: " Chiếc lá cuối cùng " của nhạc sĩ thế hệ trung chiến: Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác ca khúc rất đa dạng, nhạc ông thường viết ở tiết tấu Boléro hay Slow như: " "Chiều biên khu ", " Quán nửa khuya ", " Chiếc lá cuối cùng " " Hoa xoan bên thềm cũ ", chỉ độc nhất một bài viết điệu Tango là " Đêm nay nghỉ đỡ chân "
.
" Chiếc lá cuối cùng " là bài nhạc nổi tiếng vào thập niên 1973 với nhiều tiếng hát hay như Khánh Ly , Bảo Yến , Elvis Phương Ngoài đoạn đầu âm vực trung như: " Đêm qua chưa ( nhiều người hát đêm chưa qua là sai lời ) mà trời sao vội sáng , một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang ..) .. . Đoạn điệp khúc có một đoạn lên rất cao: ".. rồi một chiều xuân thơ trinh cho lòng mình về với dĩ vãng... " Chữ " vãng " lên rất cao, gần tới nốt " sol " ( trên dòng kẻ thứ năm của khuôn nhạc ) lại kéo dài tự do đến 3 phách trở lên nên ít có người hát lên tới và giữ hơi được
Thế mà thí sinh Đặng , với tuổi già sức yếu, thất thập cổ lai hy mà vẫn hát lên rõ ràng tròn vành rõ chữ một cách đáng khâm phục. Ngoài ra thí sinh Đặng còn có lối diễn tả bài hát một cách rất nhập tâm , nhiều cảm xúc thật ấn tượng.
Theo ban tổ chức thì Thí sinh Đặng đang bị bệnh ung thư, từ đó tôi chợt suy nghĩ có thể có một sự tương quan tình cờ nào giữa bài hát " Chiếc Lá Cuối Cùng: " của nhạc sĩ Tuấn Khanh với truyện ngắn " Chiếc lá Cuối Cùng của nhà văn O. Henry mà tôi đã dịch từ nguyên bản tiếng Anh The last Leaf đăng trên Blog nầy .Nếu quả thật như vậy thi những động tác diễn cảm, xúc cảm từ bài hát của thí sinh Đặng chính là những diễn cảm thực sự từ âm nhạc và con người.
Bởi vì nhân vật trong truyện ngắn " Chiếc lá cuối cùng " là cô họa sĩ nghèo
Johnsy cũng mang chứng bệnh ung thư phổi sắp chết như ông Đặng, nhưng nhờ một người bạn là Sue giúp đỡ cô đã phấn đấu vượt qua cái chết. Ngay cả tác giả truyện ngắn nhà văn O. Henry cũng bị mất vì bệnh ung thư phổi.
Mong rằng những tiếng hát Xanh nầy sẽ giúp ông Đặng vượt qua như nhân vật nữ họa sĩ nghèo Johnsy trong truyện ngắn " Chiếc lá cuối Cùng ( The last leaf ) ".
2.4- Thí sinh NGUYỄN THỊ DUNG 58 tuổi ở TP HCM hát bài " Chiều hạ Vàng " của nhạc sĩ lớp trung chiến Nguyễn bá Nghiêm.
Đây là bài hát được phổ biến vào năm 1978 do ca sĩ Bảo Yến thường hát trên đài Truyền Hình TP HCM Bài nhạc viết lời hay với âm điệu trầm buồn, tiết tấu Rum Ba nhẹ, những đoạn cao trào không cao lắm hợp với giọng hát thí sinh Dung : " Em hát đi.. ru mây hạ về , hạ trắng lang thang , miên man tình buồn, dòng sông nầy lá hát trên cây , mây lang thang chim ngũ đồi nhớ .." ....hay: " Em hát đi lênh đênh giọt buồn, hoài mãi trong ta bơ vơ chiều về , dòng sông nầy nhớ mãi em ca ..."
Về cách diễn tả xúc cảm bài hát, thì thí sinh Dung chưa diễn tả lột hết được sức truyền cảm giữa lời ca và động tác. Đây là một bài hát hay, có sức truyền cảm mạnh, rất tiếc từ đó đến nay tôi không nghe được một thêm một sáng tác nào khác của nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm.
2.5- Thí sinh NGUYỄN HỒNG PHƯỚC 55 tuổi ở Bình Thuận hát bài " Điều Giản Dị " của nhạc sĩ thời trung chiến Phú Quang.
" Điều giản Dị " là bài nhạc trữ tình , tiết điệu nhẹ cũng như những ca khúc khác của Phú Quang như : " Em ơi Hà Nội Phố ", " Đâu phải bởi mùa thu ", " Trong ánh chớp số phận ", " Sinh nhật đen " ..v..v..
Bài nhạc nầy cò những đoan hơi khó hát như: ".. Dịu dàng hạt nắng trên áo , đôi môi em gọi bao khát khao , ..mắt em vời vợi đắm trời cao ..." nhưng thí sinh Phước đã vượt qua và hạ cánh thật nhẹ nhàng như một ca sĩ chuyên nghiệp .
Nhạc Phú Quang về ca từ cũng có tính chất Thơ , chất lãng mạn cổ điển , anh đã cố gắng vượt qua những ảnh hưởng của thời đại , của xã hội để mang cái hồn nhiên của nghệ thuật về với nghệ thuật, của văn chương về với văn chương Nhưng ở một khía cạnh nào đó, theo tôi, cũng chưa thực sự trọn vẹn thoát thai như ý muốn .
2.6- Thí sinh TRẦN NGỌC HÒA 53 tuổi ở TP HCM hát bài :" Dấu tình Sầu " của nhạc sĩ thời trung chiến Ngô thụy Miên
Nhạc Ngô Thụy Miên , dù là sáng tác hay phổ thơ thì lời bài hát của ông luôn có chất Thơ như "Mắt biếc ", " Giọt nước Mắt Ngà " " Paris có gì lạ không em " Phổ thơ Nguyên Sa " Mùa thu cho em " , " Niệm khúc cuối " sáng tác một mình và mới đây ở hải ngoại " Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân " ..v..v.. Bao giờ các ca khúc của ông tiết tấu cũng nhẹ nhàng , sâu lắng , điều hòa giữ chất thơ và chất nhạc . Nhưng đôi khi , vì sự gò bó của lời Thơ nhạc của ông cũng có những cách điệu , thí dụ : " Chiều còn vương nắng để gió đi tìm ,vết bước chân em qua bao nhiêu lần , lời ru đan ngón tay buồn , ngàn năm cho gí băng hồn , tuổi gầy nồng lên mầu mắt .." .
Thí sinh Hòa hát bài nhạc nầy ở mức độ trung bình , những dấu luyến láy hát lên tốt nhưng không có cường độ chắc , mạnh.
2.7- Thí sinh NGUYỄN DUY DŨNG 46 tuổi ở Quảng Nam hát bài " Áo anh sứt chỉ đường tà " phổ thơ nhà thơ tiền chiến Hữu Loan của nhạc sĩ tiền chiến Phạm Duy.
Đây là một bài hát khó ,vì nhạc sĩ đã chia bài hát ra rất nhiều đoản khúc, một đoản khúc viết theo một tiết tấu riêng. Mở đầu là tiết tấu ALIB hát theo lối tự do kể truyện, nhịp 4/4 hay C: " Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi, nàng có ba người em., có em chưa biết nói , tóc nàng hãy còn xanh ..v..v.... ". Trong đoản khúc kế tiếp ông chuyển sang nhịp 3/4 bằng tiết điệu Valse chậm: ".. Tôi về không gặp nàng, má ngồi bên mộ vàng, chiếc bình hoa ngày cưới đã thành chiếc bình hương .." Rồi đoạn cuối ông chuyển lại nhịp 4/4 với tiết tấu MARCHE hành quân ( tương tự như FOX ) ".. Chiều hành quân qua những đồi sim, những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim tím cả chiều hoang biền biệt ....." .
Thí sinh Dũng hát bài nầy chỉ ở mức trung bình , chưa đạt đến đỉnh cao của âm thanh và tứ thơ lời bài nhạc. Với chất gọng của thí sinh Dũng , tôi thiết nghĩ ông nên chọn những bài hát khác của nhạc sĩ Phạm Duy có tiết tấu nhẹ nhàng , đơn giản hơn như :" Hẹn Hò" , " Hoa Rụng Ven Sông " " Bên cầu biên Giới " nếu là nhạc Tiền Chiến , " Hoa xuân " , " Ngày em hai mươi tuổi " nếu là nhạc Trung Chiến . Bài nầy theo tôi ca sĩ Elvis Phương hát hay nhất vì chất giọng của ông cao và mạnh . Những bài nhạc của n.s Phạm Duy mà các ca sĩ ngại hát nhất là ; " Nghìn trùng xa cách " , " Kỷ vật cho em " , " Tình hoài hương " " Tình ca " vì giai điệu , âm vực cao độ lên xuống rất thất thường . .
2.8 - Thí sinh BÙI VĂN HOÀNG 45 tuổi ở TP HCM hát bài " Bông hồng Cài Áo " của nhạc sĩ thế trung chiến Phạm thế Mỹ .
Phạm thế Mỹ là một nhạc sĩ xuất thân từ nhà giáo , bài hát " Bông hồng cài áo " của ông viết cho ngày lễ Vu Lan bên đạo Phật , ngày những người con tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ sinh ra mình, còn gọi là ngày lễ Báo Hiếu .Vào ngày nầy , những người con mà mẹ còn sống thì sẽ cài lên áo một đóa hoa mầu hồng , người nào mà mẹ mất rồi thì cài một đóa hoa mầu trắng . Ngày lễ Vu Lan bên đạo Phật lấy từ sự tích Mục Liên- Thanh Đề bên đạo Phật. Phạm thế Mỹ đã có một thời gắn bó với Đoàn Văn Nghệ trường Đại Học Vạn Hạnh trước năm 1975. Lời bài hát của ông ảnh hưởng nhiều trong Thơ của Thích Nhất Hạnh và Nhất Chi Mai những nhà thơ xuất thân từ đạo Phật . Ngoài " Bông hồng cài áo " ông còn viết những ca khúc nổi tiếng khác như " Tóc mây " , " Trăng tàn trên hè phố " " Bóng mát " , " Những ngày xưa thân ái "
Bài hát " Bông hồng cài áo " được viết theo tiết tấu ADLIB chậm, khoan thai: " Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh , một bông hồng cho những ai, cho những ai còn mẹ.. .." Sang đoạn Điệp khúc , ông chuyển tiết tấu qua Slow nhưng tăng cao độ âm thanh : " Mẹ ,mẹ là dòng suối ngọt ngào , mẹ là bãi mía buồng cau , là tiếng dế đêm thâu , là ánh duốc đêm thâu , soi đời con khi lạc lối .."
Vi bài nhạc viết phức tạp, nhiều tiết tấu như thế nên thí sinh Hoàng đã hết sức cố gắng đến đôi khi tôi có cảm tưởng mình cũng mệt nhọc theo ông khi ông cố gắng lên cho đúng cao độ của nốt nhạc , nhất là chữ " lối " lên cao vút và phải ngân dài ra đến 4 phách .
Theo tôi , nếu phải chọn nhạc Phạm thế Mỹ để dự thi , ông nên chọn bài " Tóc Mây " hát sẽ nhẹ nhàng hơn trong tiết tấu Bolero giản dị , dễ hát hơn . "
2.9- Thí sinh NGUYỄN THI BÍCH LỆ 45 tuổi ở TP HCM hát bài " Diễm xưa " của nhạc sĩ lớp trung chiến Trịnh công Sơn
Trịnh công Sơn la một nhạc sĩ thuộc thế hệ Trung Chiến , nhạc của ông thường viết dưới hai chủ đề "Chiến tranh, thân phận con người " và " Tình yêu ". Các ca khúc tình yêu của TCS phối hợp rất nhuần nhuyễn giữa nốt nhạc và ca từ , giữa ca từ và chất thơ , giữa ca từ và triết lý lãng mạn trong tình yêu .
Ở Trịnh công Sơn , theo tôi , ông viết nhạc theo lời chứ không phải lời theo nhạc như một số nhạc sĩ thường làm , vì thế ca khúc họ Trịnh thường tuy đơn điệu ( Monotone ) một chút nhưng giầu chất thơ , giầu chất cảm xúc và gần gũi với mọi người . .
Do vậy ta không lấy làm ngạc nhiên khi nhạc của ông nổi tiếng vượt không gian và thời gian , tôi tin rằng nó sẽ thành bất tử . Ông đã tạo được một hướng sáng tác đưa Văn học vào Thơ , đưa Thơ vào Nhạc mà theo tôi nghĩ mấy thế hệ sau không ai có thể viết những ca khúc hay bằng " Mưa hồng " , " Gọi tên bốn mùa " , " Vết lăm trầm " , " Biển Nhớ " , " Diễm Xưa " , " Hạ trắng " vv. vv..
" Diễm xưa " là bài hát trữ tình cho một người con gái tên Diễm , cũng như " Biển nhớ " viết cho một người tên Bích Khê , " Bống ơi " cho một người nữ ca sĩ có tên gọi ở nhà là " Bống " , Trịnh công Sơn lãng mạn trong cuộc đời , vì thế cũng lãng mạn trong thơ , trong âm nhạc Thí dụ trong bài " Diễm Xưa " : ." Mưa vẫn mưa bay trong tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao., nghe lá thu mưa gieo từng gót nhỏ , đường dài hun hút cho mắt thêm sâu " hay : " Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động , làm sao em biết bia đá không đau .."
" Diễm Xưa " viết với tiết tấu Slow nhẹ nhàng , dễ hát như tất cả những bài nhạc khác của Trịnh , với một thang vực âm thanh không cao . " Diễm Xưa " thích hợp với những giọng ca bậc Trung của Nam và Nữ nên thí sinh Bích Lệ hát một cách nhẹ nhàng , thanh thoát , diễn tả bài hát như một ca sĩ chuyên nghiệp . Điểm đặc biệt là giọng ngân của thí sinh nầy rất dài . đủ và chắc nhịp .
.
Ngoài ra Ban Giám Khảo cũng góp một bài hát nhạc Tiền Chiến là " Lá đổ Muôn Chiều " của hai nhạc sĩ thời tiền chiến là Đoàn Chuẩn và Từ Linh , nhưng có lẽ vì chỉ là phụ diễn nên vị Giám Khảo nầy - nếu tôi không lầm - đã hát không thuộc trọn hai lời ca từ ở đoạn Điệp Khúc là " ..Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi .Thuyền rời xa bến vắng người ơi . Hướng Dương tàn tạ trong đêm tối . Đời mất em rồi vui với ai " hay đoạn : " Lá đổ muôn chiều ôi lá úa , phải chăng là nước mắt người đi .." thay vì hát cao lên thì lại xuống thấp một bát độ ( octave ) khiền bài hát bị " chỏi" về âm vực ,
Trong chương trình phụ diễn , có một nữ thí sinh đoạt giải năm trước tóc đã bạc lên hát tốp ca bài : " Đường Xưa lối cũ " của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, và bài : Về đâu mái tóc người thương " của Nguyễn Hiền ( ? ) khá hay .
" Khi tôi về, bồi hồi trong nắng , tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về , nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn , con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng .." ( Bài nhạc " Đường xưa lối cũ " ) hay : "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em , chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm..đời lắm phong trần tay trắng tay , chiều đông ngại gió lùa vai gầy .." ( Bài nhạc " Về đâu mái tóc người thương " )
3- KẾT LUẬN :
Người ta thường nói Âm Nhạc là một ngôn ngữ quốc tế , nó diễn cảm nỗi buồn , xúc cảm qua âm thanh cho người với người gần gũi nhau hơn mà không phân biệt ngôn ngữ , chủng tộc . Nó cũng không tàn tạ với thời gian và trở thành bất tử như một loại hương hoa đặc thù của từng loại một cách "hữu xạ tự nhiên hương " .
Những bài nhạc trữ tình lãng mạn, những ca khúc tiền chiến ;là những lương thực cho sự phát triển của ngành nghệ thuật âm nhạc , nó vẫn sống mạnh , sống vững , mặc dù đôi khi con người vì lý do nầy hay vì lý do khác muốn loại bỏ hay vùi dập nó.
Thế mới hay những ca khúc trữ tình , lãng mạn luôn là những bài hát của lòng người và trong lòng người, nó là thứ lương thực cần thiết cho tâm hồn, là hương thơm của những loài hoa dại âm thầm kết tụ và nở thành hoa, thành rừng mà không có một cơn bão lốc, một thế lực nào, một ngôn ngữ nào phá vỡ được.
.
Những người Dự Thi tối nay, họ đã thể hiện từng bài hát của mình bằng tất cả tấm lòng yêu âm nhạc, bằng cái tâm của mình, bằng sự xúc cảm chân tình lắng đọng thực sự. Tôi bắt gặp trên từng nét mặt, từng cái cúi gập người để lấy hơi , những cái đưa tay nhẹ nhàng như âu yếm , như truyền cảm dẫn đến khán giả những xúc động sung mãn nhất .
Những rung động từ trái tim ,từ những mái tóc bạc hay hoa râm, họ hát . hát như cái vẫy tay gởi đến con cháu của họ đang ngồi dưới hàng ghế khán giả , vỗ tay động viên , đang đưa cao những biểu ngữ khích lệ : " Ba ơi cố lên " , " Ông ngoại ơi cố lên " , ..v..v đã là những hình ảnh đẹp , đẹp trên sân khấu , và theo tôi có lẽ cũng đẹp trong cả cuộc đời .
Một số ca sĩ trẻ bây giờ thường tự xưng là "ngôi sao", họ thường lấy cái vóc dáng bề ngoài làm nhiều kiểu cách ,có tính chất phô trương thể xác để che đậy cái yếu kém tài nghệ bên trong . " Tài nghệ " hát hò của họ, chỉ trông chờ vào kỹ thuật âm thanh điện tử hiện đại, sự cách điệu của máy móc điện tử, những vi mạch sóng điện từ làm cho giọng hát của họ dường như nghe hay hơn như người đàn bà trông đẹp vì tô son điểm phấn chứ nếu tháo bỏ lớp son phấn kia ra, bỏ những kỹ thuật âm thanh điện tử vi mạch kia ra, thì nhan sắc cũng tầm thường như bao người khác, giọng hát họ cũng như những người hát karaoke nghiệp dư không hơn không kém.
Ngoài ra để lừa gạt khán giả, họ còn dùng những thủ thuật như hát nhái, hát nhép dùng máy móc kỹ thuật để hát thay cho họ vì một đêm họ phải diễn nhiều nơi để có thu nhập cao nên không cò đủ sức để hát, trường hợp nầy ngay cả một số nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú gì cũng vấp phải.
Ngoài ra, một số nghệ sĩ thường mang hội chứng bệnh " ngôi sao ", nghĩa là nổi tiếng rồi đâm ra coi thường khán giả, coi mình là trung tâm vũ trụ mà quên rằng khán giả đã nuôi dưỡng họ lớn lên, họ la những người mẹ, người cha hay anh chị của mình. Một nghệ sĩ chân chính phải xem khán giả của mình là Thượng Đế, là ân nhân .
Những ca sĩ được gọi là "nổi tiếng' hiện nay, cả những nghệ sĩ gọi là "nghệ sĩ ưu tú' hay 'nhân dân" hoặc " ngôi sao" gì đó phần đông chỉ nhờ năng khiếu, kinh nghiệm, quen biết, hay được lăng xê mà đi lên chứ không được đào tạo bài bản từ trường lớp nghệ thuật nên phần lý luận âm nhạc không có . Do đó, khi trình bày những bài nhạc tiền chiến trữ tình, họ tự ý gào thét , rên rỉ, chế biến như nhạc hiện đại, nhiều khi hát sai cả nốt nhạc nghe rất chói tai.
Tôi cũng từng chứng kiến một số ca sĩ là "nghệ sĩ nhân dân" hát nhạc tiền chiến của Văn Cao, Đoàn Chuẩn hay nhạc của Phạm Duy, Trịnh công Sơn kiểu như nhạc Rap, Bop, nhăn mặt, nhíu mày, chế biến những âm điệu lai căng khiến người bạn tôi đi cùng cũng phải cười nói: " Họ hát kiểu nầy đâu phải tưởng nhớ Văn Cao, Phạm Duy hay Trịnh công Sơn mà họ đem chôn họ thêm một lần nữa "
Đến bây giờ, xem xong Chương Trình nầy, tôi mới hiểu, cảm động vì chợt biết bên cuộc đời quạnh hiu nầy, ở quanh đâu đó, sẽ vẫn mãi còn những tiếng hát xanh từ những người tóc bạc.
Dalat tháng 05/2013.
Thứ sáu 10/05 lúc 21 giờ kỳ thi Chung kết phần 2: Tiếng hát mãi xanh " với Chủ Đề Nhạc Dân Ca và CM sẽ được truyền hình trực tiếp trên HTV9, đêm đó có lẽ nhạc viết về CM của nhạc sĩ Phan huỳnh Điểu sẽ được thí sinh chọn lựa nhiều nhất.
HUY THANH