HỒI KÝ:
KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG TRUNG HỌC
HUY THANH
Làm
người ai cũng có ít nhất một lần cắp sách đến trường Hầu như là trong
đời sống ngắn ngủi 60 năm của mình, con người đã bỏ ra trên 20 năm đầu tiên
của cuộc đời để học hỏi, để thu thập kiến thức tinh hoa của nhân loại
làm hành trang để đi vào cuộc sống.
Trong khoảng tuổi đời cắp sách, từ
bậc Tiểu Học, Trung Học rồi đến Đại Học hay hơn thế nữa, quãng đời học
Trung học suốt 7 năm đèn sách luôn gắn bó với ký ức đời người. Bởi vì thời gian
đó con người bắt đầu trưởng thành từ tâm hồn đến thể xác, có những tư
duy về xã hội, nhận định về cuộc sống dù rất còn non trẻ. Quan trọng nhất
là những chuyển biến trên lãnh vực tâm hồn, tình cảm đối với những người
thân thiết chung quanh như trong gia đình, học đường, hay đối với
những người khác phái.
Thời gian học Trung Học là một vùng đất mầu mỡ để
con người gieo trồng biết bao kỷ niệm từ nhỏ nhất đến lớn nhất, từ cha
đến mẹ, đến anh em, từ thầy cô đến bạn, đến người yêu.
Bài viết
nầy là một Hồi Ký tôi dành cho quãng thời gian êm đềm đó, nó như một
khúc sông không ghềnh thác, những chuyến đò lặng lẽ đưa tuổi trẻ lần
lượt qua sông của những con người trong dĩ vãng mà sự còn mất của họ
hiện nay chỉ là những long đong trên nẻo đời, đếm trên đầu ngón tay. Thời gian lắm khi biến
con người thành những kẻ bội bạc vô tình mà mình không muốn, sự vong ân lặng lẽ như
buổi sáng buổi chiều đến nơi làm việc, vong ân trong nụ cười và tiếng
khóc phải đối phó với những nghịch cảnh bất ngờ hằng ngày.
Một bất chợt nào đó, tôi nhớ lại ngôi trường Trung Học cũ khi đi qua ký ức bằng những nỗi
hối hận muộn màng, Ngôi trường vẫn còn đó nhưng sao tôi thấy xa lạ với
chính mình? Hiện nay nó không còn mang tên Petrus Trương vĩnh Ký, nhà bác học mà tôi coi
như là thần tương của kiến thức, là niềm tự hào của biết bao lớp học
sinh vào trường và ra trường suốt bao thế hệ đã qua: Trường Trung Học Petrus Ký mà thay vào cái tên trường Lê hống Phong từ sau năm 1975.
Suốt qua nhiêu thế hệ cha,
anh của tôi, ai cũng muốn con em mình vào học Trường Trung Học Petrus
Trương Vĩnh Ký, ngôi Trường nổi tiếng nhất miền Nam thời bấy giờ. Nó
nổi tiếng không phải vì trường ốc lịch sự khang trang đẹp đẽ mà nổi tiếng vì nó
đã đào tạo biết bao thế hệ tài đức, nhân sĩ, trí thức đã góp phần xây dựng cho xã hội hằng
bao thế kỷ, cung cấp những con người tài cao, học rộng, những lãnh đạo cả
hai miền đất nước.
Thời đó trường Petrus Ký nổi tiếng với những cái nhất
sau đây:
1- Ngôi trường thi vào khó nhất, thí sinh tham dự thi vào đông nhất, nhưng thi đậu ít nhất
2-Ngôi trường kỷ luật nhất, "tôn sư trọng đạo" nhất
3-Ngôi
trường nhiều thầy kinh nghiệm nhất, dạy giỏi nhất nước, sĩ số đậu 100 % cao nhất
trong những Kỳ Thi tốt nghiệp bằng Tú Tài I và Tú Tài II trên toàn quốc.
Thời đó ,
thầy cũng như trò chúng tôi đều rất hãnh diện vì là một thành viên của ngôi nhà
chung: Trường PéTrus Ký. Theo giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cựu Hiệu
Trưởng, thì thời ông học, các bậc phụ huynh thường ao ước con em mình
nếu là con trai sẽ là học sinh trường Petrus Ký, có người còn nói: "được vào học trường Petrus Ký tốt nghiệp ra là ra làm cha thiên hạ"
rồi.
Hồi mới vào học năm Đệ Thất, tôi đi học mặc quần xanh áo trắng bỏ vô "thùng", ngực mang phù hiệu Trường Pé trus Ký, mấy bạn học sinh đồng lứa tuổi tôi đi ngang qua ngó trên ngực tôi xem phù hiệu trường gì, tôi ưỡn ngực ra một cách kiêu hãnh ý đồ khoe ta đây la học sinh trường Petrus Ký.
1- TIỂU SỬ NHÀ BÁC HỌC PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
Nhà
bác học Petrus Trương vĩnh Ký sinh ngày 06/12/1837 tại tỉnh Vĩnh Long ,
ông là một học giả uyên bác, viết trên hằng trăm cưốn sách đủ thể loại
như nghiên cứu, phê bình, khảo luận, tham luận, dịch thuật , tôn giáo
...Ông có tên trong cuốn tự điển Bách Khoa La Rousse của Pháp.Ông được
lịch sử văn học thé giới đưa vào danh sách 18 nhà bác học nổi tiếng
nhất thế giới: bác học thập bát quân tử ). Ông là người đầu tiên chủ
trương tờ báo bắng tiếng Quốc Ngữ là Gia Định Báo nên được coi như là
ông Tổ ngành Báo Chí tại Việt Nam.
Là một người theo đạo Công Giáo. Ông
đã được theo các linh mục Pháp đi khắp các nước trên thế giới nên biết
đọc, nói lưu loát 27 thứ tiếng như La Tinh, Pháp,Campuchia ,Ấn Độ, Anh,
Tây ban Nha . Mã Lai, Hy Lạp, Thái Lan, Nhật Bản .v..v. Theo Bách Khoa Từ Điển ông là nhà ngôn ngữ học đứng nhất thế giới vì biết đến 27 thứ tiếng.
Do
biết nhiều thứ tiếng nên trong các buổi ngoại giao của Pháp với các nước
Châu Âu, Châu Á hay các vị vua Việt Nam như Minh Mạng, Tự Đức ông
thường được mời làm thông ngôn cho cả hai bên
Ông được Pháp phong chức Hàn Lâm Viện Học Sĩ vào ngày 17/05/1863.
Ông mất ngày 01/09/1898 và được an táng trọng thể tại Saigon.
2- TRƯỜNG TRUNG HỌC PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
Trường
Trung Học Pe1trus Ký được xây dựng vào năm 1928 theo lối kiến trúc hiện
đại của một kiến trúc sư người Pháp, tọa lạc trên một diện tích rộng
bao bọc gồm những con đường mang trên cũ là Cộng Hòa, Trần Bình Trọng,
Thành Thái, Nguyễn Hoàng .Trường được khánh thành năm 1928 do Thống
Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse cắt băng khánh thành, ông đặt tên cho
trường là Lycee Petrus Trương Vĩnh Ký.
Trừơng có mặt cổng chính nằm
ở đường Cộng Hòa . Bên phải có hàng rào kéo dài tới đương Nguyễn Hoàng,
bên trái kéo dài tới đương Thành Thái. Sau nấy vì đất và khuôn viên quá
rộng nên Bộ Giáo Dục đã chia cắt bớt phía trái cho trường Đại Học Khoa
Học, Trường Đại Học Sư Phạm, trường Quốc Gia Sư Phạm và trường Trung Học Chu văn An cho các học sinh ngoài Bắc di cư vào .
.Cổng
chính của trường hai bên được đúc bằng cột xi măng có hai hàng chữ đối
nhau: KHỔNG MẠNH CƯƠNG THƯỜNG TỰ KHÁC CỐT .TÂY ÂU KHOA HỌC YẾU MINH
TÂM có nghĩa là tôn chỉ của trường là dạy nền khoa học Tây Học trên cơ
sở đạo lý của Khổng Tử, Mạnh Tử
.Phía trên cổng là bảng hiệu của trường ghi: TRƯỜNG TRUNG HỌC PETRUS KÝ
Qua cổng chính và hai cổng phụ
là một sân nhỏ, bên phải sân là dãy Phòng Tổng Giám Thị và Văn Phòng
Trường, bên trái là dãy Phòng Y Tế học đường. Vào bên trong nữa là một
hàng lang dài chắn ngang sân, nối hai dãy nhà trái và phải bằng một lối
đi rộng. Phía trên hành lang đó có một tấm biển khác bằng xi măng
tiếng Pháp: LYCEE PETRUS TRƯƠNG VĨNH KY
Qua khỏi dãy hành lang, là một khuôn viên sân rộng đươc bao bọc bởi hai dãy lớp trệt và một
tầng lầu, giữa sân có bức tương bán thân nhà bác học Petrus Ký. Cuối
sân là nột dãy nhà chắn ngang, nơi đó là phòng Thí Nghiệm Lý Hóa,
Sinh Học với một bộ xương người treo lủng lẳng mà mỗi lần tôi đi ngang
cũng không dám liếc nhìn vào.
Sau năm 1975 trường đổi tên là trường Trung học phổ thông chuyên LÊ HỒNG PHONG
3- CHƯƠNG TRÌNH DẠY HỌC:
Về Chương
trình học thoạt tiên thì trường dạy theo Chương Trình Trung Học của
Pháp, nhưng sau đó trường day theo Chương Trình cải cách của Bộ Giáo
Dục miền Nam nhưng cơ bản vẩn lấy khuôn theo chương trình của Pháp rồi
sau nầy lại cải sửa lại theo Chương Trình Trung Học của Mỹ để phù hợp
với tình hình đất nước.
Thời chúng tôi học các lớp không gọi
bằng số như lớp 6 , lớp 7 như sau nầy, mà gọi theo chữ Hán Việt là Đệ
Thất ( lớp 6 ), Đệ Lục ( lớp 7 ) Đệ Ngũ ( lớp 8 ) Đệ Tứ ( lớp 9 ) Đệ
Tam ( lớp 10 ) Đệ Nhị ( lớp 11 ) và Đệ Nhất ( lớp 12 ). Chỉ sau nầy tôi
không nhớ vào năm mấy Bộ Giáo Dục mới cải sửa các lớp gọi bằng số như
trên
Chương trình học 7 năm được chia làn 2 cấp: Trung Học Đệ
Nhất Cấp Gồm từ lớp Đệ Thất ( lớp 6 ) dến lớp Đệ Tứ ( lớp 9 ),
Trung Học
Đệ Nhị Cáp gồm từ lớp Đệ Tam ( lớp 10 ) dến lớp Đệ Nhất ( lớp 12 )
Cuối
năm học lớp Đệ Nhị ( lớp 11 ) học sinh phải thi lấy bằng Tú Tài 1. Sau
khi đậu bằng Tú Tài 1 rồi học sinh mới được lên lớp Đệ Nhất ( lớp 12 )
để cuối năm thi lấy bằng Tú Tài 2 hoàn tất Chương trình học Trung Học.
Thời đó đậu được bằng Tú Tài 1 là vinh dự cho cả giòng họ rồi chứ đừng nói gì có bằng Tú Tài 2 là khối anh thích đào mỏ tìm lấy vợ con gái nhà giầu cho bõ công đèn sách.
Nhà Thơ Trần tế Xương, thi Tú Tài lận đận rớt mãi, đến khi đậu được nhà Thơ hãnh diện oách với với người đời bằng hai câu thơ nổi tiếng:
" Rằng hay thì thật là hay"
" Không hay sao lại đỗ ngay Tú Tài?"
Muốn
vào học trường Trung Học Pe1trus Ký, sau khi học hết bậc Tiểu Học lớp
Nhất học sinh phải thi vào lớp Đệ Thất ( lớp 6 ). Cuộc thi rất cam go vì rất nhiều
học sinh toàn quốc đều muốn vào học trường đó. Trường có 9 lớp Đệ Thất, thu nhận
chỉ 360 học sinh mà mỗi năm số thí sinh dự thi xấp xỉ 5.000 người chẳng những ở Saigon mà còn thí sinh ở các tỉnh đổ về. Trong 9 lớp Đệ
Thất, từ lớp Đệ Thất 1 đến Đệ Thất 4 là dành cho học sinh chọn sinh ngữ
chính là Pháp Văn, còn từ lớp Đệ Thất 5 đến lớp Đệ Thất 9 là dành cho
học sinh chọn Sinh ngữ Chính là Anh Văn.
Học hết bậc Trung Học Đệ
Nhất Cấp từ lớp Đệ Thất ( lớp 6 ) dến lớp Đệ Tứ (lớp 9) là học sinh
phải thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp Toàn quốc, thi đậu mới đươc lên
học lớp Đệ Tam (lớp 10) là bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp. Tuy nhiên về
sau nầy khi chuyển qua hệ dạy học theo chương trình dạy của Mỹ thì học
sinh nếu thi rớt bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp thì vẫn dược học lên bậc
Trung Học Đệ Nhị Cấp để thi lấy bằng Tú Tài phần 1.
Khi lên học lớp Đệ
Tam (lớp 10 ) của bậc Đệ Nhị Cấp, học sinh phải học thêm một sinh ngữ
phụ ngoài môn sinh ngữ chính mình đã học từ năm học Đế Thất của bậc Đệ
Nhất Cấp, thí dụ môn sinh ngữ chính là tiếng Pháp thi sinh ngữ phụ là
tiếng Anh, hay trái lại.
Khi học xong bậc Trung học Đê
Nhất Cáp lên lớp Đệ Tam ( lớp 10 ) học sinh dược quyền chon ban học khi
lên bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp là ban A, ban B hay là Ban C. Ban A
học chuyên môn chính là Vạn Vật (Sinh học), Lý Hóa dành cho những
học sinh thích hành nghề Bác Sĩ, ban B môn học chuyên môn chính là Toán, Lý Hóa dành cho những học sinh thích nghề Kỹ Sư, ban C học chuyên
môn chính là Văn Chương Triết Học.
Khi tôi rời trường Pé trus Ký năm đó tôi đỗ Tú Tài 2 ban B, ban chuyên Toán.
4- ĐỘI NGŨ GIÁO SƯ GIẢNG DẠY:
Thời chúng tôi học, các thầy cô day gọi là Giáo Sư Trung Học, còn danh từ Giáo Viên chỉ dành cho thầy cô dạy Tiểu Học mà thôi.
Về
đội ngũ giáo sư day từ lớp Đệ Thất ( lớp 6 ) dến lớp Đệ Nhất ( lớp 12 )
trường tuyển chọn những giáo sư nổi tiếng của Saigon hay những người
tốt nghiệp hạng cao trường Đại Học Sư Phạm về giảng dạy .Tôi còn nhớ
một số những thầy cô dạy các môn như sau: .
1- Môn toán: Các thầy: Nguyễn văn Kỷ Cương, Cam duy Lễ, Trần thành Minh, Nguyễn văn Nhàn, Đặng Quốc Khánh, Phan lưu Biên, cô Phạn thị Khả
2-Môn lý hóa: Các thầy Lê Chánh Đoán, Nguyễn ngọc Diễm, Nguyễn văn Đạt, Nguyễn văn Thuận, Hoàng trọng Hàn
3- Môn Pháp văn: Các thầy: Nguyễn văn Ba, Nguyễn tăng Chương, Nguyễn văn Túc, Phạm xuân Ái, cô Kim Loan
4-Môn Anh văn: Các thầy Dương hồng Phong, Huỳnh văn Thế
5- Môn họa: Cô họa sĩ Trương thi Thịnh
5-Môn việt văn: Các thầy Nguyễn văn Thưởng, Nguyễn thới Vinh, Tạ Ký, Vũ Ký, Trần cảnh Hảo, Nguyễn văn Được ,các cô Nguyễn thị Sâm, Nguyễn thị Quế Viên
6- Môn vạn vật: Thầy Nguyễn Ngọc Nam, Nguyễn văn Khoa
7- Triết học: Các thầy Nguyễn xuân Hoàng, Phạm mạnh Cương
8-Môn âm nhạc Các thầy Phạm phúc Hiển, Nguyễn hữu Ba
9-Môn Công Dân giáo dục: Các thầy: Nguyễn tăng Chương, Trang sĩ Tấn, Đặng văn Bá.
10- Môn sử địa: Các thầy Lê trong Phỏng, Trần xuân Tiên, cô Thiên Hương
5- MỘT SỐ NHÂN VẬT NỔI TIẾNG XUẤT THÂN TỪNG HỌC TRƯỜNG PETRUS KÝ:
Bình
nguyên Lộc, Huỳnh tấn Phát, Huỳnh văn Nghệ, Lưu hữu Phước, Nguyễn
minh Triết, Nguyễn mỹ Ca , Nguyễn ngu Ý, Trần văn Ơn, Nguyễn xuân
Hòang, Đỗ cao Trí.
6- NHỮNG KỶ NIỆM VUI BUỒN THỜI HỌC SINH:
6.1 - Từ
thủa còn học Tiểu Học, ba tôi, một giáo sư Pháp Ngữ có ước ao con
mình sau nầy khi vào Trung Học sẽ là học sinh của trường Petrus Ký,
một ngôi trường nổi tiếng nhất miền Nam thời bấy giờ. Do đó mặc dù ở
lớp Nhất tiểu học tôi vẫn là một học sinh khá giỏi toàn diện nhưng ba
tôi vẫn nhồi nhét cho tôi học thêm lớp Luyện Thi Đệ Thất vào buổi tối do
thầy Nguyễn Ánh dạy ở gần rạp chiếu bóng Việt Long (sau nầy là rạp
Capitol) ở đường Cao Thắng Saigon.
Hồi đó tôi học giỏi nhất lớp
về môn Toán , môn Luận Văn , bài luận văn nào thầy Ánh cũng cho tôi
điểm cao và đọc bài làm của tôi cho cả lớp nghe như một bài văn mẫu mực
.Lúc đó, tôi thường mắc cở cúi gầm mặt xuống bàn để tránh đôi mắt tròn
xoe của người bạn gái tên Hương học cùng lớp ngồi bàn bên cạnh nhìn sang
bằng sự ngưỡng mộ , thán phục. Đôi mắt ấy tôi đã gặp lại sau 15 năm
xa cách khi Hương đăng quang là một Hoa Hậu Việt Nam
6.2 -Năm
đó tôi thi vào truờng Pe1trus Ký đậu thứ 10/360 danh sách học sinh đậu,
ba tôi vui mừng không xiết kể khi loa phóng thanh đọc tên tôi đâu hạng
thứ 10. Sau đó vì là đậu hạng cao nên nhà nước cấp học bổng toàn
phần.trợ cấp cho tôi suốt bảy năm học. Điều đáng buồn là khi ba tôi
bận lo làm thủ tục nhận tiền học bổng cho tôi thì kẻ gian bên ngoài đã
lấy cắp chiếc xe Mobylette của ông dùng làm phương tiện đi dạy học. Thấy
ba tôi về mặt mũi buồn xo, mẹ tôi an ủi ba: thôi ông ạ, mất xe là
chuyện nhỏ, con mình học giỏi thi đậu hạng cao là chuyện lớn, tôi đã
mời cô chú nó ngày mai đến ăn mừng con mình thi đậu rồi"
6.3 -Trong
thời gian học ở Petrus Ký, một hôm thầy dạy toán cho chúng tôi thi thử
với bài thi làm trong vòng 30 phút. Chỉ 15 phút là tôi làm xong bài,
đang ngồi chờ đến giờ nộp bài thì thằng bạn ngồi phía sau tôi nói nhỏ: "mầy chỉ tao làm với". Thế là tôi lòn bài của mình cho nó chép, rồi
cứ thế bài làm của tôi như một đặc sứ lưu động chuyền từ bàn nầy qua bàn
khác đến khi tới giờ nộp bài mà không biết nó ở bàn nào khiến tôi xanh
mặt. Mọi việc đổ bể, tháng đó tôi bị truất bảng Danh Dự (bảng 5 học
sinh đứng đầu lớp), bị phạt Consil Cấm Túc hai tuần lễ .Cấm túc là
ngày chủ nhật phải vào trường để chép phạt không cho nghỉ học.
6.4-Tôi
có thằng bạn thân rất khoái xem phim, hôm đó các rạp bên ngoài chiếu
phim "Les jours les plus longs" là phim chiến tranh nổi tiếng nói về
cuộc tán công của quân đội Đồng Minh trên mặt trân Normandie vào quân
đội Đức. Nó trốn học cúp cua đi xem phim vói bạn gái học Trường Gia
Long ở rạp Khải Hoàn. Hồi đó chúng tôi nếu nghỉ học một ngày thì có
cái thẻ mầu xanh mang chữ ký của phụ huynh vào trình với thầy Giám Thị
lúc đó tên Khiêm để xin giấy vào lớp. Thẻ nầy chỉ trực tiếp phụ huynh
đến ký trước mặt thầy Khiêm một lần để làm chữ ký mẫu. Về sau nếu chỉ
nghỉ một ngày thì học sinh chỉ cần đưa cha mẹ ký ở nhà rồi mang vào để
thầy Khiêm đối chiếu chữ ký với chữ ký mẫu nếu giống thầy sẽ cấp giấy
cho vào lớp.
Nhưng khổ nỗi là nó lén ba mẹ trốn học nên nó nhờ tôi giả chữ ký của ba nó xin cho nó vào lớp Không biết tôi giả chữ ký ba nó vụng về
như thế nào mà thầy Khiêm nghi ngờ gởi giấy mời ba nó đến trực tiếp, như thế là tôi bị liên lụy theo nó vì thương bạn. Tôi đang lo sợ mọi việc
đổ bể là ba mẹ tôi buồn nhưng rất may là trong cái khó nó ló cái khôn, tôi lúc đó chợt nảy ra sáng kiến là hay là mình dùng kế "kim thiền
thoát xác" là thay luôn ba thằng bạn bằng một người khác. Bởi vì số phụ huynh học sinh
quá đông thầy Khiêm đâu nhớ rõ ai là ai.
Thế là chúng tôi thuê ông bán
bánh ướt trước cổng trường gỉa làm ba của thằng bạn vào gặp thầy Khiêm
sau khi tập huấn cho ông những câu trả lời về gia đình thằng bạn để khỏi bị bể "mánh". Mọi
việc đều trót lọt, ngoài một câu nói bất ngờ của thầy Khiêm với ông bán bánh ướt đang giả làm ba thằng bạn "Sao tôi
thấy mặt anh quen quá" khiến chúng tôi đứng bên ngoài cũng thót tim.
Hi hi, nếu nói thứ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò chắc tôi cũng có
trong hàng thứ ba đó.
HUY THANH
(Cựu học sinh các lớp: Đệ Thất 3, Lục 3, Ngũ 3, Tứ 3, Tam B1, Nhị B1, Nhất B1)
Trung học Pé trus Trương vĩnh Ký Saigon)