MÔTNGÔI SAO LỚN CỦA NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM ĐÃ TẮT
HUY THANH
I -MỞ ĐẦU:
Tôi đã từng nghe nhạc Phạm Duy gần hết cuộc đời mình, từ thủa còn mài đũng quân trên ghế Tiểu học qua tiếng hát của mẹ như Nương Chiều, Ngày Trở Về, Chiến sĩ Vô Danh, Bà mẹ quê .. đến Thời Học Trung Học, nhất là vào Đại Học khi tôi bắt đầu biết sáng tác nhạc và có nhạc phổ biến trên thương trường bày bán trên thị trường
Trên phương tiện truyền thông thì tôi càng khâm phục ông hơn khi nghe nhạc ông như những tâm tình rất gần gũi với những người có tâm hồn yêu nhạc chân chính .
Phải thành thật mà nói rằng tôi rất khó tính ( khó tính ngay cả chính mình ) trong khi nhận định , lý luận về âm nhạc của một người nào đó. Nhất là sau năm 1975, sự lạm phát của tác phẩm và nhạc sĩ gần như phi mã với những bài hát như một thứ "mì ăn liền " nghe rồi quên. Ai cũng có thể tự xưng là ngôi sao, ca sĩ nhạc sĩ cả mặc dù họ ca hát, sáng tác chẳng ra thể thống gì. Miễn có tiền là ra CD, Album tung ra bán ì xèo trên thị trường và quảng cáo hằng đêm trên ti vi như cái chợ tạp hóa chồm hổm
Một tác giả, tác phẩm bài hát tôi giới thiệu hay viết về họ là tôi đã chọn lọc rất kỹ về giai điệu, âm điệu, ngữ điệu, vần chữ và vần âm thanh, cách kiến trúc nốt nhạc theo ký âm pháp của họ. Nhất là lời bài hát, nó phải như là một bài thơ, một nghệ thuật viết văn cao cấp, một triết lý, một nhân sinh qua nào đó trong tình yêu và thân phận, gần gũi với những xúc động, rung động trong lĩnh vực tâm hồn, đạt tới sự giao cảm cần thiết giữa tác phẩm, tác giả và người thưởng thức.
Hơn nữa khi chọn giới thiệu, bình luận, tham luận một tác phẩm nghệ thuật nào đó, dù là nhạc, thơ ,hay văn chương, tôi cũng rất tự trọng, nghiêm khắc với mình và tôn trọng độc giả, bởi vì độc giả qua đó sẽ đánh giá được kiến thức, trình độ thưởng thức nghệ thuật , tư cách và khả năng lý luận của người giới thiệu, tác giả viết bài.
Nhiều bài hát được phổ biến trên các phương tiện truyền thông bây giờ tôi cảm thấy dường như nghệ thuật đã bị trượt dốc thảm hại. Những lời ca ngô nghê, đơn điệu, nghèo nàn về ngôn từ; lãnh cảm về âm sắc, vay mượn những giai điệu xứ người Âm nhạc đon điệu nghèo nàn mang hình thức khẩu hiệu thời đại đó được che lấp bởi những điệu muá của một số đông vũ công trên sân khấu chỉ làm cho người thưởng thức nhạc tò mò, như coi xiếc, mua vui rồi sẽ quên sau giấc ngủ dài.
Với Phạm Duy, nhiều thế hệ đã ái mộ ông, một nhạc sĩ đa tài, những bài hát của ông đã vượt thời gian và cả không gian, để lại dấu ấn trong tâm hồn biết bao thế hệ những sự cảm phục và ngưỡng mộ , trong đó có thế hệ ba mẹ, anh em tôi và các con cháu tôi.
Ông đa tài, bởi vì trong lĩnh vực nào của sáng tác, chủ đề nào của âm nhạc nhạc của ông cũng tuyệt vời hoà hợp giữa giai điệu, ngôn từ, cách hành văn lời bài hát đầy xúc cảm, man mác triết lý về đời sống sâu đến từng ngõ ngách của tâm hồn.
Hôm nay Phạm Duy không còn nữa, một ngôi sao vĩ đại đã tắt, một cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã gục ngã. Nỗi đau lòng cho những người còn tha thiết đến nền âm nhạc dân tộc Việt Nam sẽ còn mãi, Sự mất mát không có gì bù đắp được đã khiến tôi viết bài Entry nầy cho ông như một nén nhang thắp muộn một người mà tôi kính trọng như bậc thầy, một thần tượng sáng tác nhạc đúng với ý nghĩa của nó.
Tên tuổi ông rồi sẽ trở nên bất tử trong lịch sử âm nhạc Việt Nam như Văn Cao, như những nhạc sĩ lớp nhạc Tiền Chiến hay lớp nhạc sĩ thế hệ ngang tầm với tôi như Anh việt Thu, Trịnh công Sơn đã ra đi. Chúng tôi rồi cũng sẽ ra đi.
Họ còn để lại cho chúng ta một gia tài lớn, đó là là những tuyệt khúc nhạc về tình yêu và tình người trong một đất nước có nhiều khúc quanh về nghệ thuật chân chính .
Tôi chấm dứt bài viết nầy, với một tiếng thở dài, và một câu hỏi cho chính mình :
"Rồi đây đường hướng sáng tác, tương lai của nền Âm Nhạc Việt Nam sẽ đi về đâu ? "
II - TIỂU SỬ NHẠC SĨ PHẠM DUY : .
Tên khai sinh Phạm Duy Cẩn ,Nhạc danh Phạm Duy .Tên gọi nhà : Tôm Sinh 5 tháng 10, 1921 Hàng Cót, Hoàn Kiếm, Hà Nội Nguyên quán Hà Nội Mất 27 tháng 1, 2013 (Thọ 91 tuổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh Nghề nghiệp Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Thể loại sáng tác : Tình khúc
Ca khúc tiêu biểu Tình ca, Tình hoài hương ,Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam
Phạm Duy (5 /10 /1921 - 27 /01/2013 ) sinh ngày 05/10/1921 tên thật là Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Với hơn 70 năm sự nghiệp, ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất ,của nền Tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại. Nhạc của ông thường kết hợp những yếu tố của âm nhạc cổ và thời đại .Ông từng là gáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Mặc dù vậy, các quan điểm nhìn nhận về Phạm Duy còn gây nhiều tranh cãi.
Khởi sự đời nhạc trong gánh hát Đức Huy với vai trò ca sĩ hát lưu động. Từng tham gia Kháng chiến chống Pháp một thời gian trước khi vào miền Nam để tiếp tục hoạt động âm nhạc. Phạm Duy là một tên tuổi lớn và đầy ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam với những hoạt động tích cực giành cho cả âm nhạc lẫn chính trị, cho đến sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, khi ông vượt biên sang Hoa Kỳ.
Năm 2005, ông về Việt Nam định cư và từ đó, một số ca khúc của ông mới bắt đầu được cho phép phổ biến trở lại. Tính cho đến nay, có khoảng 100 ca khúc được cấp phép lưu hành, trong số khoảng một nghìn sáng tác của Phạm Duy.
Cha ông là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới hồi đầu thế kỷ 20. Anh là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à
Lacourtine...Thầy dạy ông có Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến; còn trong đám bạn cùng lớp có nhà thơ Quang Dũng.
Rồi thì cái nhìn của nghệ sĩ ngước lên ánh trời và ta được hưởng một nét nhạc rất Phạm Duy lúc bấy giờ đã mềm mại và uyển chuyển. Nhưng chính phần thứ hai của ca khúc mới biểu lộ tất cả sức tưởng tượng và nhạc hứng của chàng nghệ sĩ, tất cả sự táo bạo và coi thường ước lệ của ông.
Đoạn nhạc này, với nhạc tính nhanh nhẹn và hơi mạnh mẽ hiển nhiên là đoạn nhạc của một nhà soạn nhạc có cảm tính trẻ. Nhưng trong trường hợp Phạm Duy, trẻ không có nghĩa là vụng về hay do dự, bởi vì cần phải ghi nhận lối viết rất vững vàng, lối chuyển câu rất hợp lý, cần nhất là phải ghi nhận sự khoái vượt khó của chàng trẻ Phạm Duy. Và những khó khăn ở trong đoạn này thì vô số : nào là tiết điệu khá phức tạp của nét nhạc, nào là những nhịp ngoại (syncopes) và những thanh trình (intervalles) khó hát, những nốt móc kép (double croches) hiểm hóc, những chuyển biến đột ngột từ hơi trưởng qua hơi thứ, tất cả những khó khăn chứng tỏ rằng lúc đó chàng nghệ sĩ của chúng ta đã có lỗ tai đặc biệt tinh tế và một khiếu nhạc tuyệt vời. Lại còn mấy phách -- với lời cô chửa về ư ? và hay cô ở lại -- cũng tuyệt diệu nữa, ở đây, Phạm Duy đã chuyển biến được giọng nói của ngôn ngữ mẹ đẻ thành ra nhạc ngữ dễ yêu và ngộ nghĩnh. Nhưng rủi thay, những sự kỳ diệu trên đây đã chẳng
quyến rũ nổi cô hái mơ nọ, và bài hát kết luận, trong sự thầm nhắc lại
hai đoạn đầu... sự buồn bã đó đã có tính cách rất Phạm Duy qua lối chuyển bán cung đặc biệt (Georges Etienne Gauthier, báo Bách Khoa, Saigon năm 1970)
Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều. Gánh hát này đưa ông đi rất nhiều miền trên đất nước, từ Bắc chí Nam, khiến ông mở mang tầm mắt, ngoài ra tự nhiên cũng trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong việc phổ biến tân nhạc đến các vùng. Thời kỳ hát rong, Phạm Duy được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông... và nhất là nhạc sĩ Văn Cao, người sau này trở thành bạn thân thiết. Sau đó ông khởi sự con đường âm nhạc của mình với việc trở thành ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, đi diễn lưu động từ Bắc qua Trung vào Nam trong những năm1943-1945. Ông là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên đài Radio Indochine ở Sài Gòn vào năm 1944, mỗi tuần trình bày 2 lần.
Năm 1945, xảy ra nạn đói, Phạm Duy rời nhà cũ đi lang thang nhiều nơi, sau đó ông theo kháng chiến. Trong thời Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Phạm Duy trở thành cán bộ văn nghệ của Cách Mạng và là một trong những nhạc sĩ thành công nhất lúc đó. Thời kỳ này, bên cạnh tài năng được khen ngợi, thì xu hướng lãng mạn của Phạm Duy bị phê bình là tiêu cực, nhiều bài hát của ông bắt đầu bị xét duyệt, cấm đoán. Sau đó ông đã rời bỏ kháng chiến về thành. Từ đó tác phẩm của ông bị cấm phổ biến trong vùng do Cách Mạng kiểm soát ,cũng như ở miền Bắc sau 1954 và trên cả nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1949 ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng. Năm 1951, ông đưa gia đình về Sài Gòn.
Năm 1953, ông qua Pháp học về âm nhạc, tại đây quen với giáo sư Trần Văn Khê. Về lại miền Nam, ông tiếp tục sáng tác và biểu diễn trong ban hợp ca Thăng Long. Nhạc Phạm Duy phổ biến rất rộng rãi ở miền Nam (mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng gọi là "bàng bạc khắp mọi nơi" thời bấy giờ). Thời gian này ông cũng có những hoạt động trong ngành điện ảnh. Từ sau 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình cư ngụ tại Thành phố Midway, Quận Cam, California.
Tháng 5 năm 2005, ông trở về Việt Nam, mua nhà sống tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các con trai Duy Quang (ca sĩ), Duy Cường. Tháng 7 cùng năm, có 9 nhạc phẩm của ông được phép lưu hành ở Việt Nam; tháng 11, được phép lưu hành thêm 10 tác phẩm nữa. Tính đến nay (tháng 8 năm 2007) đã có hơn 40 tác phẩm của Phạm Duy được phổ biến tại Việt Nam, tính cả các đoản ca trong "Trường ca con đường cái quan".
Ông qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27 tháng 1 năm 2013, một tháng sau cái chết của con ông là ca sĩ Duy Quang. Lễ động quan cửhành ngày 3 tháng 2 và ông sẽ yên nghỉ tại Nghĩa trang tỉnh Bình Dương.
III - HAI NGÔI SAO LỚN TRÊN NỀN TRỜI ÂM NHẠC VIỆT NAM ĐÃ TẮT:
Phạm Duy là người đầu tiên đem ca khúc Buồn tàn thu của Văn Cao đi khắp mọi miền đất nước. Ông từng có đóng góp vào những tác phẩm của Văn Cao, như cùng đặt lời, viết nhạc cho Bến xuân, Suối mơ. Hai người thường được biết đến như là một đôi bạn thân thiết, có một tình bạn kéo dài nửa thế kỷ, dù đi theo hai con đường đối lập nhau. Họ quen nhau tại Hải Phòng năm 1944. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy tả về Văn Cao: "Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày-tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng (và văng tục) từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà xổ chữ nho. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe. Anh ta thích hút thuốc lào từ khi còn trẻ,có lần say thuốc ngă vào tay tôi. Về sau, anh còn nghiện rượu rất nặng."
Hai người trở thành đôi bạn thân, thường giúp nhau sáng tác nhạc và ra vào những chốn ăn chơi, sau đó còn rủ nhau theo kháng chiến.
Đến năm 1949, Phạm Duy dinh tê về Nam còn Văn Cao ở lại với cách mạng.
Bị cấm liên lạc từ đó đến 1987, khi Phạm Duy ở Hoa Kỳ, Văn Cao ở Việt Nam, họ mới liên lạc với nhau được bằng thư tay, qua một số người Việt kiều. Hai người vẫn xưng hô mày, tao như hồi xưa. Sau này vợ chồng Phạm Duy và vợ chồng Văn Cao còn được nghe giọng nói, xem cử chỉ của
nhau bằng tin nhắn qua băng video do cô Nam Trân, một phóng viên truyền hình ở hải ngoại giúp đỡ Năm 1995 Văn Cao mất, nhưng phải đến 2001 Phạm Duy mới viếng mộ được.
Trong lần đầu trở lại quê hương, ông đă cầm một chai rượu rưới lên khắp mộ người bạn chí cốt .
IV - SỰ NGHIỆP :
A- THỜI KỲ TIỀN CHIẾN :
Năm 1942, khi còn đang hát cho gánh hát Đức Huy, Phạm Duy cho ra đời tác phẩm đầu tay Cô hái mơ, phổ nhạc cho bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính. Năm 1944 đến bài hùng ca Gươm tráng sĩ, là bài hát đầu tiên ông viết cả lời lẫn nhạc.
Thời kháng chiến Nam bộ (1945–1946) ông chơi thân với Văn Cao, ngoài việc cùng ra vào chốn ăn chơi, ông và Văn Cao còn giúp nhau trong phương diện sáng tác (chẳng hạn một số ca khúc của Văn Cao do ông đặt lời, như bài Bến xuân). Những nhạc phẩm đầu tay của ông có nhiều hùng ca: Gươm tráng sĩ, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu... Bên cạnh đó còn có nhạc tình lãng mạn, trong đó có nhiều bài giúp ông trở nên nổi tiếng: Cây đàn bỏ quên, Khối tình
Trương Chi, Tình kỹ nữ, Tiếng bước trên đường khuya...
Năm 1947, Phạm Duy bắt đầu sáng tác nhạc âm hưởng dân ca với mong muốn hiểu biết sâu vào chốn thôn quê hơn, từ đó cho ra đời nhiều bài mà ông gọi là "Dân ca mới", rất được đông đảo quần chúng yêu thích: Nhớ người thương binh (1947), Dặn dò, Ru con, Mùa đông chiến sĩ, Nhớ người ra đi, Người lính bên tê, Tiếng hát sông Lô, Nương chiều... Những bài này được ông sáng tác dựa trên 2 tiêu chí:
Nét nhạc vẫn dùng âm giai ngũ cung cố hữu nhưng áp dụng nhạc thuật chuyển hệ làm cho giai điệu không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ mà chạy dài trên nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau
Lời ca tuy nằm trong thể thơ lục bát, nhưng có nhiều khi được biến thể, do đó tiết điệu cũng theo âm tiết của lời ca mà trở nên phong phú hơn .
Ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC: "Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam, nếu tôi muốn được gọi là một nhạc sỹ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca. Đó là chuyện rất giản dị... Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa."
Từ năm 1948, bên cạnh những bài có sắc thái tươi vui như: Gánh lúa, Đường ra biên ải... Ông có sáng tác thêm một thể loại mới: nói về sự đau khổ của những người sống trong chiến tranh. Những bài như: Bao giờ anh lấy được đồn tây (sau đổi thành Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Mười hai lời ru... đều có hình ảnh làng quê và người dân quê nghèo khổ.
Những bài hát này tuy được quần chúng yêu thích và phổ biến rất rộng rãi, nhưng do nói về sự bi, sự khổ mà Phạm Duy bắt đầu bị sự chỉ trích của cấp trên thời kháng chiến, ông bèn về miền Nam để tự do sáng tác.
Năm 1952, bài Tình hoài hương ra đời, khởi xướng cho xu hướng sáng tác "Tình ca quê hương", sau đó là Tình ca; hai bài này được yêu thích từ Nam ra Bắc và nằm trong những tác phẩm tiêu biểu nhất nói về quê hương, với những câu như: "Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất, lúc tan chợ chiều xa tắp, bóng nâu trên đường bước dồn, lửa bếp nồng, vòm tre non làn khói ấm hương thôn" (trong Tình hoài hương), "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi! tiếng ru muôn đời" (trong Tình ca).
Tiếp đó ông trở về thể loại dân ca mới với những bài Đố ai, Nụ tầm xuân, Ngày trở về, Người về, Tình nghèo... Bên cạnh đó là Thuyền viễn xứ, Viễn du nói về sự chia lìa quê hương. Bài Hẹn hò nói về sự ngăn chia đôi lứa, ông dùng nhạc ngũ cung giọng Huế. Ngoài ra còn có: Xuân ca, Dạ lai hương, Xuân thì... Năm 1954, ông chuyển từ nhạc tình ca quê hương sang tự tình dân tộc, soạn ra Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê, trong đó có Em bé quê với những câu đầu lấy trong sách giáo khoa
Quốc Văn, được trẻ con thuộc như bài đồng dao.
B- THỜI KỲ CHIA CẮT ĐẤT NƯỚC:
Sau khi sang Pháp du học âm nhạc, ông sáng tác thêm được nhiều bài giá trị, ban đầu vẫn là "Dân ca mới", lại có thêm nhiều tác phẩm ca ngợi tình yêu đôi lứa mà phổ biến nhất phải kể đến "Đừng xa nhau", "Ngày đó chúng mình", "Tìm nhau"... Thời gian này, ông hoàn thành 2 trường ca giá trị: Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam.
Lúc này ông sáng tác tự do theo nhiều chủ đề, những bài hát như nói về tâm tưởng '"Chiều về trên sông", "Một bàn tay", "Tạ ơn đời", "Đường chiều lá rụng", "Nước mắt rơi"... được Thái Thanh, Kim Tước, Quỳnh Giao thể hiện thành công; nhất là ca sĩ Thái Thanh, em của Thái Hằng, tên tuổi của bà đã gắn liền với những tác phẩm "Dân ca mới" và nhạc tình của Phạm Duy.
Năm 1973, lúc Phong trào Nhạc trẻ lên cao, ông cùng với ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Ngọc Chánh đi dự Đại hội âm nhạc Quốc tế tại Tokyo, Nhật. Bản Tuổi biết buồn của ông được lọt vào vòng chung kết. Ông cũng sáng tác những tình ca nhẹ nhàng lãng mạn thích hợp với tuổi thanh niên, sinh viên như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi, Thà như giọt mưa.... hợp với giọng ca của Duy Quang, con trai ông.
Thời gian này, ông cũng viết những ca khúc nói về tâm tư của người Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam như Kỷ vật cho em, Khi tôi về, Tình khúc trên chiến trường tồi tệ và những ca khúc mong ước hòa bình, được xây dựng đầu tiên từ trong lòng người (10 bài Bình ca). Ông cũng viết về đề tài xã hội, về những bi phẫn và băn khoăn của con người bất lực, mà ông gọi là những bài "Tâm ca" và "Tâm phẫn ca".
Ông cũng tham gia Phong trào du ca Việt Nam với các ca khúc Trả lại tôi tuổi trẻ, Du ca mùa xuân,...
Mời quý vị nghe bài nhạc "Trả lại em yêu "của nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Elvis Phương trình bày
Trong hình Vidéo Clip, tác giả Huy Thanh MÂY VIỄN XỨ năm 1970 còn theo học Luật Khoa Đại Học Đường Sài Gòn ( người ngồi hàng giữa, thứ 5 từ trái đếm qua, mặc áo mầu sậm ) . Khi đó trường Luật chưa xây dựng lại thành trường Đại Học Kinh Tế TP HCM và cổng chính còn nằm ở đường Duy Tân ( nay là đường Phạm Ngọc Thạch ). . "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát " là câu mở đầu bài hát TRẢ LẠI EM YÊU của Phạm Duy viết về ngôi trường nầy .
Sau nầy khi xa quê hương , nghe nhạc ông , tôi rất tâm đắc những câu trong bài hát nầy, vì nó gần gủi lắm hoàn cảnh đời tôi lúc đó : "Anh sẽ ra đi vào miền mênh mông , cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng. Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó , đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ, dem mối thương yều vào niềm thương nhớ , anh sẽ ra đi, chẳng mong ngày về "
Trong Video Clip cũng có tấm hình Huy Thanh chụp năm 1973 lúc đang còn đang tập sự Luật Sư và theo học Cao Học tại trường nầy
C- THỜI KỲ Ở HẢI NGOẠI :
Tại Hoa kỳ, thời gian đầu ông sáng tác một số ca khúc nói lên nỗi buồn tha hương, những bản nhạc đó được phổ biến trong băng nhạc Phượng Nga. Nhưng sau này ông sáng tác những bài tình ca trở lại. Đáng kể nhất trong thời gian ở hải ngoại là bộ Minh họa Kiều (phổ nhạc truyện Kiều), Trường ca Hàn Mặc Tử, Hương Ca (lúc đầu chỉ có 7 bài)...
D- THỜI KỲ TRỞ VỀ VIỆT NAM :
Sau nhiều lần về thăm quê hương , Phạm Duy chính thức trở về định cư tại Việt Nam ngày 17 tháng 5 năm 2005, với sự cho phép của chính phủ Việt Nam. Sự kiện này được truyền thông trong nước lẫn hải ngoại quan tâm đặc biệt[. Báo chí Việt Nam nhận xét đó là "nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ" "niềm vui thống nhất lòng người" , còn Phạm Duy nói cuộc trở về này là "lá rụng về cội". Bên cạnh đó, sự kiện này còn gặp phải sự phản đối của một số người Việt hải ngoại, vì họ cho rằng
ông đã theo nhà nước cộng sản.
Công ty Phương Nam cũng nhân dịp này, đã đứng ra mua bản quyền toàn bộ nhạc phẩm của Phạm Duy trong vòng 10 năm với giá hơn 400 nghìn đôla
Năm 2006, Phạm Duy tổ chức đêm nhạc mang tên "Ngày trở về" tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, đêm nhạc tổ chức quy mô hoành tráng, được công chúng đón nhận nhiệt liệt. Một số nhân vật đã phản đối sự đón nhận này, trong đó có nhà báo Nguyễn Lưu với bài "Không thể tung hô" đăng
trên báo Đầu Tư. Tuy nhiên bài viết của Nguyễn Lưu vấp phải sự phản đối của nhiều độc giả * ( trong số đó có tôi " ghi chú riêng của Huy Thanh " ) ,bị cho là mắc nhiều "sai lầm ngây ngô", và những "lỗ hổng kiến thức chết người" . Công ty Phương Nam cũng phản hồi bài viết này bằng một bài báo, trong đó nội dung phần lớn để cải chính những kiến thức sai lầm trong bài của Nguyễn Lưu. Sau đó báo Đầu Tư đã thông báo chấm dứt tranh luận về vấn đề này.
Nhiều đêm nhạc Phạm Duy khác với quy mô lớn tiếp tục diễn ra: Con đường tình ta đi, Ngày trở về tại nhiều tỉnh miền Trung, những đêm giới thiệu Minh họa Kiều tại miền Bắc.. Tháng 3 năm 2009, đêm "Ngày trở về" đã tổ chức thành công ở nhà hát lớn, Hà Nội, nơi ông sinh ra,
"Xong buổi diễn, tôi mới thực sự là người về hưu" - ông phát biểu
Ngày 18 tháng 8 năm 2011 ban liên lạc họ Phạm tại Tp Hồ Chí Minh và công ty TNHH Phương Nam tổ chức đêm nhạc Họ Phạm với chủ đề:
"Mọi trái tim - một tấm lòng" cũng mời ông và nhạc sỹ Phạm Tuyên tới dự. Nhưng tôi thấy ca sĩ lớp trẻ sau năm 1975 hát nhạc ông quá tệ .
E- THỜI KỲ TẠI MIỀN NAM TỪ 1975 ĐẾN 2005 :
Sau ngày thống nhất đất nước, Trần Văn Khê từ Pháp có về hỏi Tố Hữu về vụ Phạm Duy, Tố Hữu nói: "Bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi", nghĩa là vẫn nên phổ biến sau khi bỏ hết những bài sáng tác thời chiến tranh Việt Nam. Nhưng rồi nhạc Phạm Duy vẫn bị cấm trên cả nước, ngoài ra bàn luận về Phạm Duy cũng bị cấm. Ông cùng với Hoàng Thi Thơ là hai nhạc sĩ đặc biệt nhất bị cấm về nhân thân.
Tuy vậy, khoảng 30 năm, vẫn thấy vài người viết về Phạm Duy. Trong cuốn Những bài viết tiến bộ công khai trên báo chí Sài Gòn từ 1954 – 1975 có cho đăng lại một phần trích đoạn của cuốn Phạm Duy đă chết như thế nào. Hay như thi sĩ Chế Lan Viên cũng nhắc tới Phạm Duy trong một bài báo tên "Hồi Ký" đăng tại tạp chí Sông Hương ngày 22 tháng 6 năm 1986:
"Tất cả về cội, không mất mát gì ư? Có chứ, Mất Phạm Duy! Chúng ta tiếc lắm, vì anh có tài lớn. Nhưng chúng ta làm sao được! Anh ấy bỏ chúng ta, chứ chúng ta đâu có bỏ anh."
Bài viết của Chế Lan Viên kết thúc bằng đoạn:
"Vâng chỉ có trường hợp anh Phạm Duy là…là không cần cội vậy thôi. Chứ hình như hầu hết, lá rụng đều về cội cả và mọc lên thành cội nữa."
Nhà báo Nguyễn Phúc Long trong bài "Công và tội" đăng trên báo Đoàn kết, số 393 ra tháng 7 năm 1987, có nhắc đến Phạm Duy, sau một loạt tên tuổi mà ông cho là "phản bội", nhưng vẫn có công cho văn hoá nước nhà như Trần Ích Tắc, Lê Trắc, Phạm Thái, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Khiêm, Võ Phiến và nhóm Tự Lực Văn Đoàn:
"Trong lĩnh vực ca nhạc, Phạm Duy, “con người của phản bội”, bị nhân dân ta khinh bỉ cũng đă có cái may mắn là để lại cho chúng ta một số bài hát giàu tính dân ca và trữ tình nhất là những bài được ông ta sáng tác trong thời kỳ đi theo kháng chiến – 1946 - 1949."
Đến năm 1994, báo chí Việt Nam mới có một bài thiện ý với Phạm Duy. Đó là bài thơ "Về thôi" mà nhà văn Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư, gửi lên tờ Tuổi trẻ chủ nhật, có đề chữ "Tặng P.D." bên cạnh. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã phổ nhạc bài này. Rồi sau đó chính Phạm
Duy cũng phổ nhạc với tên "Trăm năm bến cũ". Theo Phạm Duy, đây là bài thơ làm ông nghĩ nhiều tới việc về thăm Việt Nam mà năm 2001 ông đã thực hiện
.
F- PHÂN LOẠI TÁC PHẨM
Các sáng tác của Phạm Duy có thể chia ra làm nhiều loại:
1- Nhạc kháng chiến: Sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nói lên sự căm giận của người dân quê đối với giặc cướp nước, phá làng.
Tiêu biểu có thể kể: Bà mẹ Gio Linh, Mười hai lời ru, Chiến sĩ vô danh và những hùng ca như Xuất quân, Gươm tráng sĩ.
2- Nhạc quê hương: Một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông, gồm những bài ca ngợi quê hương đất nước, hình ảnh con trâu, đồng lúa, cái cày... Nhiều bài rất quen thuộc với người Việt: Tình ca, Về miền Trung, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Em bé quê...
3- Nhạc tình đôi lứa: Tình yêu là một đề tài lớn trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nhạc tình có khối lượng nhiều nhất trong kho nhạc đồ sộ của ông, có thể kể những bài được giới trẻ trong nam ngoài bắc hát như Hẹn hò, Cỏ hồng, Ngày đó chúng mình, Cây đàn bỏ quên, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa rơi, Đường em đi, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Trả lại em yêu, Giết người trong mộng...
4- Nhạc tâm tư: Ngoài viết về tình yêu trai gái, tình yêu quê hương, thì những sự suy tưởng cao siêu hay nhớ nhung buồn nản vẩn vơ cũng được Phạm Duy ghi lại thành nhạc, có thể kể đến Đường chiều lá rụng,
Bên cầu biên giới, Chiều về trên sông, Dạ lai hương, Viễn du... Hay
những bài nói lên tâm trạng phẫn uất trước nội chiến, cảm khái trước
thế thời như: Huyền sử ca một người mang tên Quốc.
5- Trường ca: Những tác phẩm lớn khiến ông có một địa vị chắc chắn trong nền tân nhạc Việt Nam: Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam, Hàn Mạc Tử, sau này là Minh họa Kiều, bản trường ca dài nhất và hoàn thành lâu nhất của ông.
6- Rong ca: Gồm 10 bài sáng tác năm 1988: Người tình già trên đầu non, Hẹn em năm 2000, Mẹ năm 2000, Mộ phần thế kỷ, Ngụ ngôn mùa Xuân, Nắng chiều rực rỡ, Bài hát nghìn thu, Trăng già, Ngựa hồng, Rong khúc.
7- Đạo ca: Gồm 10 bài, phổ thơ của Phạm Thiên Thư vào thập niên 1970: Pháp thân, Đại nguyện, Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Quán thế âm, Một cành mai, Lời ru bú mớm nâng niu, Qua suối mây hồng, Giọt chuông cam lộ, Chắp tay hoa, Tâm xuân.
8- Thiền ca: Gồm 10 bài, sáng tác vào thập niên 1980: Thinh không, Võng, Thế thôi, Không tên, Xuân, Chiều, Người tình, Răn, Thiên đàng địa ngục, Nhân quả.
9- Tâm ca: Gồm 10 bài, thở than về những xáo trộn trong cuộc sống người dân miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ: Tôi ước mơ (thơ Thích Nhất Hạnh), Để lại cho em (thơ Nguyễn Đắc Xuân), Tiếng hát to, Ngồi gần nhau, Giọt mưa trên lá, Một cành củi khô, Kẻ thù ta (ý thơ Nhất Hạnh), Ru người hấp hối, Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe, Hát với tôi. Ngoài ra còn nhiều bài khác cũng theo hướng Tâm ca như Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Tôi còn yêu tôi cứ yêu.
10 -Tâm phẫn ca: Sáng tác sau Tết Mậu Thân: Tôi không phải gỗ đá, Nhân danh (thơ Tâm Hằng), Bi hài kịch (thơ Thái Luân), Đi vào quê hương (thơ Hoa Đất Nắng), Người lính trẻ, Bà mẹ phù sa... Ngoài ra còn một số bài sáng tác cho phong trào du ca.
11- Tục ca, vỉa hè ca: Gồm những bài ca lời dung tục, chỉ có tác giả hát, không ca sĩ nào hát.
12- Bên cạnh những thể loại kể trên, còn có Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ, Tị nạn ca nói về tâm trạng và sự khó nhọc của người ly hương; Hoàng Cầm ca phổ những bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm; Hương ca sáng tác khi ông về ở Việt Nam...
13- Thơ phổ nhạc Phạm Duy
Phạm Duy được xem là một trong số ít nhạc sĩ Việt Nam giỏi về nghệ thuật phổ nhạc vào thơ và đặt lời cho nhạc nước ngoài, nhạc bán cổ điển.
Những tác phẩm thơ phổ nhạc thành công nhất của ông có thể kể đến "Ngậm ngùi" (thơ Huy Cận - nhà thơ Huy Cận từng gửi lời cám ơn ông về việc giúp bài thơ này nổi tiếng); "Ngày xưa Hoàng Thị" (thơ Phạm Thiên Thư); "Áo anh sứt chỉ đường tà" (trích Màu tím hoa sim của Hữu Loan);
"Tiễn em" (thơ Cung Trầm Tưởng); "Tỳ bà" (thơ Bích Khê); "Vần thơ sầu rụng", "Tiếng thu" (thơ Lưu Trọng Lư); "Tình cầm" (thơ Hoàng Cầm); "Em hiền như Masoeur", "Thà như giọt mưa", "Hai năm tình lận đận" (thơNguyễn Tất Nhiên)...
Nhiều ca khúc nước ngoài nhờ ông đặt lời Việt mà trở nên phổ biến ở Việt Nam, như "Em đẹp nhất đêm nay" (La plus belle pour aller danser),
"Khi xưa ta bé" (Bang bang), "Tình cho không" (L'amour c'est pour rien), "Tuyết Rơi" (Tomber la neige), "Tiếng Cười Trong Đêm" (La nuit), "Những Mùa Nắng Đẹp" (Seasons in The Sun), "Chuyện tình" (Where
Do I Begin - nhạc phim Love Story của Andy Williams),... Ngoài ra ông còn đặt lời cho dân ca của nhiều nước trên thế giới.
Tiếp đến là những tác phẩm nhạc bán cổ điển, vốn là loại nhạc khó hoà nhập, thì ông cùng với tiếng hát Thái Thanh đã dễ dàng đưa đến số đông
dân chúng: "Dạ khúc" (Nächtliches Ständchen của Franz Schubert), "Dòng sông xanh" (An der schönen blauen Donau op. 314 của Johann Strauss), "Mối tình xa xưa" (Célèbre Valse, hay bài số 15 trong "16 bài valse cho piano", của Johannes Brahms)...
G- CA KHÚC PHẠM DUY KỂ CẢ THƠ PHỔ NHẠC SẮP THEO THỨ TỰ ALPHABET A B C :
• Áo anh sứt chỉ đường tà • Bà mẹ Gio Linh• Bà mẹ phù sa• Bên cầu biên giới• Bên ni bên nớ• Bao giờ biết tương tư• Cây đàn bỏ quên• Chiều về trên sông• Con đường cái quan• Chỉ chừng đó thôi• Còn chút gì để nhớ• Dạ lai hương• Đạo ca• Đường chiều lá rụng• Đưa em tìm động hoa vàng Giọt mưa trên lá• Giải thoát cho em• Giết người trong mộng• Giờ thì em yêu• Giọt chuông cam lộ• Gọi em là đóa hoa sầu• Hạ hồng• Hẹn hò• Kỷ vật cho em• Kỷ niệm• Minh Họa Kiều• Mộ khúc• Mẹ Việt Nam• Ngày trở về• Nha Trang ngày về• Ngày xưa Hoàng Thị•Ngày đó chúng mình• Ngày em hai mươi tuổi• Ngày sẽ tới• Ngày tháng hạ• Ngày trở về• Ngày xưa• Nghìn năm vẫn chưa quên• Nghìn thu• Ngồi gần nhau• Ngọn trào quay súng Ngụ ngôn mùa đông• Ngựa hồng• Người lính bên tê• Người lính trẻ• Người tình• Người tình già trên đầu non• Người về Người việt cao quý• Ngậm ngùi• Nha Trang ngày về• Nhạc tuổi xanh• Phố buồn• Quê nghèo•Rong ca•Tâm ca•Thiền ca Thông điệp mùa xuân•Thương ca chiến trường•Tình ca• Tình hoài hương•Tiếng thu• Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ•Trường ca Con đường cái quan•Trường ca Hàn Mặc Tử• Trường ca Mẹ Việt Nam• Tục ca• Về miền Trung•Vần thơ sầu rụng• Quán bên đường•Quán Thế Âm• Răn•Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà•Rong khúc•Ru con•Thu ca điệu ru đơn•Thu chiến trường•Thương ai nhớ ai•Thương tình ca•Thuyền viễn xứ•Tiễn em•Tiếng bước trên đường khuya• Tiếng hát to• Tiếng hát trên sông• Tiếng hát trên sông Lô•Tiếng hò miền Nam•Tiếng sáo Thiên Thai•Tiếng thời xưa•Viễn du•Xin em giữ giùm anh• Xin tình yêu Giáng sinh•Xuân•Xuân ca•Xuân hành•Xuân hiền• Xuân thì . Xuất quân• Yêu em vào cõi chết• Yêu là chết trong lòng
H- NHỮNG CUỐN SÁCH VIẾT VỀ PHẠM DUY :
• Music of Viet Nam S.I.U - Carbondale, IL USA, 1975.
• Tự học guitare (3 tập), Phạm Duy Enterprises - Midway City, CA USA 1976.
• Hồi ký (3 tập), PDC Productions -Midway City, CA USA 89, 90, 91
• Ngàn lời ca, PDC Productions -Midway City, CA USA, 1987, 88
• Đường về dân ca, Xuân Thu - Los Alamitos, CA, USA, 1990
• Nửa thế kỷ tân nhạc (bài báo), Nguyệt san Văn Học, Hoa Kỳ
• Những năm đầu của tân nhạc (bài báo), Tập san Hợp Lưu - CA, USA, 1994
• Tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu - PNC, Việt Nam, 2005
• Trong bài hát "Sài Gòn niềm nhớ không tên" của nhà thơ Nguyễn Đình
Toàn có đoạn:
Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu
Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu...
• Một người Gia Nã Đại và nhạc Phạm Duy - Georges-Étienne Gauthier
• Phạm Duy - còn đó nỗi buồn - Tạ Tỵ
• Nửa thế kỷ Phạm Duy - Xuân Vũ
• Hồi ký Phạm Duy - Phạm Duy
• Hành trình Phạm Duy qua dòng lịch sử - Jason Gibbs
• Phạm Duy, đại lực sĩ; Phạm Duy với ngàn lời ca - Nguyên Sa
• Văn Cao - Phạm Duy : Trần Gian Và Tiên Cảnh - Thụy Khuê
• His Music Links The Generations - Los Angeles Times
• Phạm Duy Thể Nghiệm Việt Nhạc - Latina Musica Contemporanea Del Mundo
• Nghệ thuật phổ thơ vào nhạc - Phạm Quang Tuấn
• Viết về Phạm Duy - Nguyễn Đình Toàn
• Con đường cái quan - Georges-Étienne Gauthier
• Phạm Duy, Vietnam's Music Man - Ngọc Bích
• Văn Cao - Phạm Duy: Hai con người, một mối tình - Phạm Thế Định
• Phạm Duy và tiếng hát quê hương - Giao Chỉ
• Phạm Duy và tôi - Ngô Đồng
• Phạm Duy, Con én đưa thoi - Cổ Ngư
• Phạm Duy - Nhạc sỹ vượt thời gian - Nguyễn Ngọc Sơn
• Tính hiện thực trong ca từ của Phạm Duy - Trần Hữu Thục
• Phạm Duy người nghệ sĩ tự do - Đỗ Xuân Kiên
I- KẾT LUẬN:
" Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, à ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời. Tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi, thoát nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi .. Tôi yêu đất nước tôi, từ khi mới ra đời ... Đất nước tôi, bốn nghìn năm lặng lẽ buồn vui, khóc cười theo mảnh đất nổi trôi, nước ơi .. "
( Phạm Duy - Tình ca )
HUY THANH