1/4/13

TRUYỆN NGẮN HỒI KÝ: VÀO NƠI GIÓ CÁT

TRUYỆN NGẮN HỒI KÝ

VÀO NƠI GÍÓ CÁT

HUY THANH



 photo Biatruyensau_zps7cecb67b.jpg photo BiatruyenTR_zps685a2dcd.jpg

 ( HÌNH BÌA DỰ THẢO CỦA  THU YẾN VŨ )

1-
Tôi đã đắn đo suy nghĩ nhiều lấn trước khi quyết định cùng đoàn từ thiện đi sang đất Chùa Tháp lần nầy. Như  vậy có nghĩa là một số công việc kinh doanh của tôi trong Công Ty phải tạm dừng lại suốt hai tuần lễ tôi vắng mặt ở văn phòng  làm việc,những công việc khác tôi tạm thời giao cho người trợ lý thay mặt tôi điều hành. Chuyến đi nầy được tài trợ bởi một Hội Thánh Tin Lành người Việt Nam có trụ sở đặt tại Bắc  California Mỹ, đoàn gồm 20 người, trong đó có 6 người VN, 6 Việt kiều và 8 người Mỹ.
Chúng tôi sang nước bạn Campuchia vào buổi sáng bằng những chiếc ghe gắn máy dập dềnh trên sóng nước, sau hơn hai tiếng trôi nổi lềnh bềnh, chúng tôi đã ghé vào thôn Prey một thôn nghèo có nhiều người VN và người Khmer sinh sống lẫn lộn  trên nhiều ngôi nhà phao nổi ,nhà ghe dập dềnh lên xuống theo nước thủy triều
Trưởng thôn là một người Campuchia biết nói tiếng Việt lơ lớ chưa rành  mà chú ý lắng tai lắm mới hiểu được ông ta nói gì. Chúng tôi người Việt Nami thì còn đỡ chứ mấy ông bà Mỹ thì đành chịu thua. Trong đoàn chỉ có một thông dịch viên người Việt Nam làm việc hết công suất mà đám dân làng vẫn bu quanh. Họ hỏi người Mỹ đủ chuyện làm những người ngoại quốc nầy ngẩn tò te như thỏ nghe kèn. Họ hỏi người Mỹ hình như là tò mò hơn là tìm hiểu họ. Túng thế vị Trưởng đoàn phải bổ sung thêm các Việt Kiều làm thông dịch viên bất đắc dĩ  mà trước hết là tôi vì tôi ở nước ngoài khá lâu.


Việc đầu tiên là trưởng thôn sắp xếp chỗ ăn ở cho đoàn, họ dẫn chúng tôi đi đến một căn nhà goị là nhà khách của thôn, vách lá, lợp tranh ,nền ván, bên trong là những cái chõng đóng bằng tre tạm mà tôi nghĩ khi nằm xuống chắc sẽ rất đau lưng. Tôi thấy mấy người Mỹ nhìn nhau khe khẽ lắc đầu. Đoàn tôi đi ai cũng có mang theo lều bạt kiểu đi du lịch dã ngoại, nên các ông bà Mỹ ta, Mỹ tây gì cũng khoái ra đó ngủ cho êm mát. Còn tôi thì dù sao cũng ở VN lâu hơn họ nên chọn cho mình cái chõng tre lót chiếu ngủ kiểu trùm mền. Một chút hối hận đầy ích kỷ thương thân trong tôi nhen nhúm là sao mình lại không ngủ với nệm ấm chăn êm ở nhà mà lại qua đây sống  ngủ như kẻ bụi đời ,màn trời chiếu đất như thế nầy
Việc đầu tiên buổi tối trên xứ người là đối phó với muỗi. Muỗi ở khắp nơi, dưới sông, bụi cỏ lùm cây, khu rừng, chúng kéo nhau bay vo ve như sáo thổi. Cả đoàn ai cũng đốt nhang muỗi khói bay nghịch trời, họ xoa dầu chống muỗi khắp thân thể. Tôi không ngủ được nên mắc mùng ngồi bên trong nhìn ra khe hở cuả vách lá. Hôm nay thượng tuần nên trăng lên cao, sáng và tròn đẹp như trong chuyện cổ tích bằng tranh mà tôi mê xem ngày còn thơ ấu. Hồi đó tôi cũng mơ ước có ngày mình lên mặt trăng để thấy Chú Cuội, Chị Hằng ; bây giờ tôi biết Chú Cuội , Chị Hằng chỉ là những miệng núi lửa đã phun trào hết nham thạch, đó là điều thất vọng đầu tiên của tôi khi không còn ở tuổi ấu thơ nữa.

 Đang miên man với những suy nghĩ cuả mình thì bỗng lều sát bên có tiếng phụ nữ la lên : " cứu tôi, cứu tôi ".Tôi vội tung người chạy qua, tay không quên cầm cây đèn pin và cây rựa bén sẵn sàng làm vũ khí để chiến đấu , một số người trong đoàn cũng chạy qua xem chuyện gì . Cuối góc lều, một phụ nữ ngồi co ro đưa tay chỉ con rắn bằng nửa cườm tay đang ngóng cao cái cổ phì phì. Người trưởng thôn Khmer nhanh nhẹn quất một gậy vào vào đầu, nó vật ngã qua một bên, cái đuôi cong oằn oại vì ngón đòn chí tử lắc lư vài cái rồi im lìm. Tối đó, trưởng thôn và một số thanh niên người Khmer có chầu nhậu cháo rắn, uống rượu đế, họ hể hả vui cười suốt đêm không ai ngủ được.
Sau một đêm thức trắng, cả đoàn thức dậy trong trạng thái uể ỏai, nhưng khi nghĩ đến mục đích đến đây là làm từ thiện nên những người con của Chúa tất cả đều như có một liều thuốc hồi sinh vực dậy. Người trưởng thôn đánh kẻng tập hợp dân trong thôn. Đến bây giờ tôi mới có được cơ hội đứng trên cao để quan sát cái thôn nghèo nầy .Đây là một vùng đất sình đã khô nằm tiếp gíáp bờ sông Mê Kông, dân ở đây xây dựng những căn nhà lợp lá, mái tranh , nền đất liêu xiêu chỉ để tránh nắng mưa. Diện tích mỗi nhà chưa quá mười mét vuông mà trong nhà lũ khũ những vật dụng cá nhân, là nơi ăn ở của số nhân khẩu gia đình đến sáu bảy người. Chõng tre, võng là nơi họ nằm ngủ, ăn cơm, sinh hoạt, còn bếp núc thì treo lủng lẳng nồi, ơ, soong, chảo đen ngòm. Dân thôn ở đây sinh đẻ liên tục đến chóng mặt , gần năm mươi ngôi nhà trên đất liền,dưới sông mà cư dân hơn ba trăm người. Họ sinh sống ở đây bắng đủ nghề :câu cá,làm vườn, làm thuê, vào rừng đốn củi, đốn măng tre, đào trùng, đào dế để làm lương thực .

Hầu hết dân thôn đều không biết viết chữ cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer. Trẻ con thì trần truồng như nhộng chạy ngòai đường, buổi trưa bọn chúng nhảy xuống những vũng nuớc mưa đọng đục ngầu hôi hám để đùa nghịch .Đàn ông thì quanh năm ở trần mặc quần đùi, những giờ phút rảnh thì tụ tập đánh bài, nhậu nhẹt  . Đàn bà thường vận xà rông ,ngoài việc nấu cơm nước, buổi trưa họ mang dao phay đi đào các hang để bắt các côn trùng, con dế cơm mập mạp về mổ bụng nhét đậu phộng vào chiên lên làm thức ăn buổi chiều. Có khi họ thường ngồi trước cửa nhà chải tóc bắt chí rận cho mình và cho các con, khi bắt được con chí nào họ bỏ vào miệng cắn nghe bụp bụp làm tôi thường chạy ra bãi vắng để nôn mửa.
Dân trong thôn đã tụ tập đông đủ, người trưởng thôn nói vài lời tiếng Khmer, họ vỗ tay reo mừng, hình như loài người chỉ có tiếng vỗ tay là một ngôn ngữ chung mà ai cũng biết biểu lộ sự vui mừng, hoan hô hay đồng ý. Những phần quà từ thiện của chúng tôi gồm gạo, mì gói, xà bông giặt, xà bông tắm, kem đánh răng, đường, bột ngọt , dầu trị chí rận, mùng, mềm, sữa, thuốc men, quần áo cũ ..Mỗi nhà đều được mỗi phần quà mà chúng tôi ước tính sẽ sử dụng ít nhất là 6 tháng.
Chúng tôi được chia làm các tổ để phục vụ dân trong thôn như: tổ cắt tóc, tổ tắm rửa tổ cắt móng tay, tổ bắt chí rận, tổ y tế, tổ dạy học v..v..Tôi được vị trưởng đoàn đề cử vào tổ Dạy Học. Mặc dù hồi đó giờ tôi chỉ học mà chưa hề dạy lọai lớp mầm nầy, ông chọn tôi có lẽ vì dáng tôi có vẻ là nhà mô phạm hơn là nhà kinh doanh.  Chỉ tiêu ông giao là phải dạy trong vòng hai tuần lễ cả lớp phải đọc được tất cả các mặt chữ A, B... Tôi hơi lo vì thời gian ngắn quá mà học sinh của tôi thì đủ lứa tuổi từ chín mười  tuổi đến năm sáu chục tuổi . Tuổi tác không đều sẽ hạn chế rất nhiều khi họ tiếp thu bài, hơn nữa tôi cũng chưa biết phương pháp sư phạm phải dạy họ ra sao ở cái lớp "thập cẩm " nầy.

Ngày đầu tiên tôi bước vào lớp, cả lớp đều đứng dậy nói câu lơ lớ mà có lẽ người trưởng thôn đã căn dặn: " Dạ chào thầy ạ ". Tôi quan sát nhanh lớp, học trò lớp tôi gần bốn mươi người :già, trẻ, bé, lớn đều có đủ.  
Tôi đang thao thao bất tuyệt dạy cho họ các chữ A, B, C, D thì bỗng có tiếng một học sinh già  la lên giọng khàn khàn:
- " Thưa.. thầy, trò Mun nhổ bã trầu trúng áo "em "
Cả lớp đều cười ồ lên vì lối xưng hô đó, tôi cũng muốn cười theo họ nhưng cố giả bộ làm  "nghiêm" ra dáng ta đây là thầy:
-" Bác Mun có nhổ bã trầu mai đem theo cái lon sữa bò nhổ nhé".
Người thưa bà Mun là bà Chắc tuổi cũng khoảng sáu mươi không kém bà Mun.
Sau đó tôi dạy tiếp, vừa viết thêm được thêm G,H, thì có tiếng dế gáy re re cuối lớp, tôi nhìn xuống thì thấy hai trò nhỏ đang say sưa châu đầu đá dế, con dế thắng trận gáy vang trong lớp. Tôi rầy chúng:
- " Mang hai con dế lên đây  thầy  tịch thu ".
Chưa hết, gần cuối giờ , một con chó cái từ đâu xông vào lớp  ,phía sau là hai con chó đực rượt nhau cắn lộn sủa vang rân ầm cả lớp. Bọn học trò nhỏ sợ chúng cắn nhằm nên vài đứa leo lên bàn, một số bỏ chạy tán loạn khỏi lớp.
Tôi chán nản quá nói
-" Thôi nghỉ , mai học tiếp ".
Đó là giờ đầu tiên tôi đứng lớp ở thôn nầy.

Thấm thoát mà chúng tôi ở nơi đây cũng sắp đến ngày trở về, học trò của tôi cũng đã quen dần các mặt chữ cái, nhưng cũng có nhiều người đi học dường như thỏa mãn sự tò mò là làm học sinh như thế nào ? giữa ngưòi biết chữ và người không biết chữ có gì khác nhau không ? hơn là học để chuẩn bị sau nầy biết đọc biết viết. 

Những chiều rỗi rảnh, tôi thường ra bờ sông lặng lẽ nhìn dòng nước trôi đi từng tốp đám lục bình về nợi nào xa thẳm mà chợt tới dòng sông quê hương tuổi ấu thơ. Ở đó, tôi có nhiều kỷ niệm gắn liền với một thời tuổi nhỏ thả diều bắt bướm, những đêm trăng theo mẹ ra bờ sông giặt áo hay xem mẹ giã gạo vần công vào những đêm trăng sáng. Mấy năm sau đó, tuổi thơ tôi lại chìm khuất trong tiếng bom đạn, khói lửa mịt mù .Hoài niệm về dòng sông đó, người cậu họ của tôi là nhạc sĩ Anh Việt Thu đã viết nên bài nhạc Dòng An Giang bất hủ để nhắc nhở con người dù có đi xa phương trời nào cũng phải quay về nơi chôn nhau cắt rún , nơi có dòng sông là một biểu tượng cho cội nguồn, cho tự tình dân tộc.

Từ ngày có chúng tôi đến, thôn Prey như sạch sẽ hẳn ra, buổi sáng dân trong thôn biết quét dọn nhà cửa, ao chuồng. Đàn ông khi đi ra đường cũng biết mặc áo đàng hoàng, trẻ con cũng không còn ở truồng chơi đất cát như trước, nhất là phụ nữ họ không còn vừa nói chuyện vừa đưa tay lên gãi đầu bắt chí rồi bỏ vào miệng cắn bụp bụp như trước.

Gần đến ngày về, đoàn chúng tôi phân công mỗi người đến chia tay với vài gia đình gần nhất .Tôi chọn nhà bà Mun ,người đã bị bà Chắc lần đầu tiên khi tôi vào lớp đã thưa tôi bà Mun phẹt bã trầu làm dơ áo. Nhà bà Mun là căn nhà nhỏ, bà năm nay đã năm mươi hai tuổi có tới sáu người con .Con gáí lớn là Nu ba mươi tuổi, con út là Ri hai mươi chín  tuổi, nghiã là gần như sinh năm một. Tuyệt nhiên tôi chợt có ý nghĩ  tự trách mình là sao không biết họ là mẹ con mặc dù mỗi ngày bảy người mẹ con họ đều có mặt ở lớp học tôi rất nghiêm chỉnh. Chồng bà trước đây là thầy giáo, đã bị bọn Pôn Pốt cáp duồn (chặt đầu ) khi chiếm lại thủ đô Phnom Pênh do phe Lon Nol chiếm giữ từ khi lật đổ ông hoàng Shihanouk.

Thấy tôi vào ,mẹ con bà Mun mừng lăng xăng,hình như họ rất hãnh diện vì sự có mặt của ông thầy " ngoại quốc " thân thiết đã dạy học cho họ gần hai tuần vừa qua .Bà Mun nói:
- " Mai thầy về không có gi biếu tặng, để chiều nay sai hai đứa Nu và Ri hái cho thầy một ít mục măng  trong rừng tre hoang sau nhà để thầy về nấu canh ăn mát lắm ".
 Tôi từ chối :
- " Thôi bác Mun ạ, quà cáp làm gì, một lời nói cũng là tặng biếu rồi, lời chào cao hơn mâm cỗ mà "
Cô Nu tiếp lời mẹ:
- " Người Khmer chúng em hễ tăng gi ai là phải lấy, nếu không là khinh thường người tặng đó".
Nói xong cô cười, nụ cười hồn nhiên, hàm răng trắng ngà nổi bật trên cặp môi ,làn da đen tự nhiên cuả dân Khmer cũng có, mà rám nắng cũng có, nụ cười như là một thứ ngôn ngữ dễ làm người thông cảm nhất. Tôi chợt thoáng thấy Nu đẹp, nét đẹp của một cô gái da đen, một nét đẹp rất Khmer.
Đêm cuối cùng ,chúng tôi tổ chức đốt lửa trại có đầy đủ đoàn và nhiều người trong thôn tham dự. Vị trưởng thôn tặng mỗi người một hũ mắm "bò hốc" để làm kỷ niệm, đó là món ăn dân dã quốc hồn quốc túy của dân Khmer.
Thấy có nhiều người Mỹ cầm hũ mắm lên ngửi, tôi vội nói lớn một câu bằng tiếng Anh như câu nói của cô Nu hồi chiều :
-" Người Khmer khi tặng ai quà mà không nhận là khinh người tặng đó ".
Nghe tôi nói mấy người Mỹ vui vẻ gật đầu, ho đưa bàn tay phải lên với ngón cái chìa ra biểu tượng cho number one ( số một), cũng như khi thành công việc gì họ đưa bàn tay với ngón trỏ và ngón giữa biểu tượng cho chữ V ( Victory ) là chiến thắng, thành công.
   
Buổi tiệc chia tay chưa tàn thì bỗng .. " Ầm" ..một tiếng nổ thật lớn gần sát bên khu lửa trại, hình như tiếng nổ phát ra từ vùng rừng trúc hoang kế bên. Những người Việt Nam nhất là Việt Kiều vội nằm lăn xuống đất la ơi ới " pháo kich, pháo kích ", những người Mỹ phần đông là cựu chiến binh Hoa Kỳ từng chiến đấu ở Việt Nam thì bình tĩnh hơn, họ la: " Claymore, claymore ", tức là tiếng nổ cuả một  thứ mìn sát thương rất mạnh.

Chờ mãi không thấy gì thêm ,cả đoàn người lóp ngóp, bình tĩnh ngồi dậy chạy lao về nơi tiếng mìn vừa nổ. Tôi cũng hỏang hốt, dường như linh tính báo như có chuyện gì không may xảy ra.
Chen mãi vào đám đông, tôi thấy một vùng đất đã bị mìn đào sâu xuống, chung quanh mảnh mìn cắt những hàng tre gìà ngã rạp, gẫy vụn mảnh văng tung toé khắp nơi. Hai xác người không còn nguyên vẹn với thịt và xương văng khắp chỗ hố mìn vưà đào. Tôi cũng vưà kịp nhận ra hai cái áo quen thuộc đã rách tả tơi : áo của Nu và Ri vừa mặc lúc chiều.
Bà Mun từ đâu xô đám đông chạy vào khóc nức nở, bà ngất xỉu, vị bác sĩ người Mỹ trong đoàn chúng tôi phải vực bà dậy đưa vào lều cứu chữa. Tôi đứng chết lặng người. Nước mắt tôi chảy lúc nào không biết. Thì ra Nu và Ri vào rừng trúc đào mục măng làm quà biếu tôi,vô tình đào nhằm trái mìn Claymore mà bọn Pôn Pốt trước khi tháo chạy đã gài lại. Mặc dù đã bao năm qua ,nhưng trái mìn sát thương vẫn còn hiệu lực, một sự tàn ác khủng khiếp của kẻ nhân danh loài người, bọn Khmer đỏ, một mầu đỏ khủng bố như mầu máu tanh .

2-

Chúng tôi rời thôn Prey hôm sau trong buổi sáng mưa bay lất phất, buổi tiễn đưa u buồn vì chuyện ra đi cuả Nu và Ri và cũng vì chúng tôi tạm biệt họ mà không hẹn ngày nào trở lại.
Chiếc ghe đã xa bến dần, những căn nhà trong thôn mờ nhạt rồi mất hút, tôi ngồi ở đầu thuyền nhìn những đợt sóng nhấp nhô, lớp nầy đến lớp khác rồi nghĩ đến đời người chắc cũng như vậy: sinh ra, lớn, gìà, rồi chết, và chu kỳ như thế vẫn tiếp tục cho những thế hệ sau như những lớp sóng  không bao giờ ngừng .


Chợt nhiên, hình ảnh những ngày hoạt động vui buồn ở thôn Prey hiện về trong trí nhớ cuả tôi như một khúc phim dĩ vãng, khúc phim ấy cho tôi thấy trong ảo ảnh những khuôn mặt của từng người quen thuộc, từ người trưởng thôn, bà Mun, bà Chắc, đến những người học trò bất đắc dĩ của tôi với một lớp học chan chứa tình người.
Tôi biết rằng rồi đây tất cả sẽ thành kỷ niệm, sẽ ngủ yên trong quá khứ, sẽ lắng đọng ở một góc nhỏ nào của tâm hồn. Cám ơn Chúa đã dạy cho con biết sống như lời Chúa  dạy, phải biết thương yêu, đùm bọc  và tha thứ, phải biết làm những điều mà lương tâm buộc phải làm.

Chiếc ghe đã về tới Việt Nam, tôi quay lại nhìn dòng sông MêKông lần cuối cùng .Dường như trong sóng nước bao la của nhánh sông chảy qua đất bạn, tôi thấy khuôn mặt của Nu và Ri đang nhìn tôi mỉm cười, một nụ cười héo hắt với lời chào vĩnh biệt:
-" Chúng em đi đây, thầy về nước bình an nhé, vĩnh biệt thầy"
Tôi chợt nghe mằn mặn ở môi, thì ra tôi đã khóc bao giờ.


ĐÀ LẠT ĐÊM MƯA BÃO 
x_3d5eb2fd

 photo HT-EMT1-12_zps13dd5ae9.jpg
HUY THANH