17/6/13

XIN ĐỪNG CHÊ TRÁCH NHẠC SẾN

THAM LUẬN

XIN ĐỪNG CHÊ TRÁCH NHẠC SẾN

HUY THANH




1- DANH TỪ " SẾN " LÀ GÌ?

"Sến" là một danh từ riêng trong cách dùng thuật ngữ của dân gian bình dân, nó dùng để chỉ một tầng lớp người  thấp trong xã hội, họ là những người thuộc phái nữ ít học, thường sinh nhai bằng cách đi làm thuê, ở mướn cho nhũng nhà giầu có từ thời phong kiến cho đến khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam.
Danh từ "sến " có lẽ được đọc lệch đi từ chữ " con sen " là người giúp việc nhà từ thời Pháp thuộc. Thời đó các nhà giầu  phần nhiều theo Tây học nên con cái của họ thường có một cái tên Pháp như Pierre, Michel, để goi ở nhà cho có vẻ thời thượng trong đẳng cấp xã hội. Những người phái nữ đi làm công, ở mướn, họ cũng gọi một cái tên chung cho có vẻ Tây là " Marie Sến ". "Marie" là một cái tên dành cho phái nữ thông dụng ở Pháp như tên Lan, Hồng ..v..v ..ở Việt Nam.
Khi người Pháp sang đô hộ, trong sinh hoạt hằng ngày, để tránh tình trạng nhà nhà phải đi gánh nước sông dơ bẩn về sinh hoạt, họ lắp đặt những đường ống nước sạch cho dân chúng dùng và đặt những trạm lấy nước ở các nơi công cộng như vỉa hè góc phố gọi là" phông ten" ( tiếng Pháp gọi là La Fontaine ).Nước ở đây lấy miễn phí. Những nơi đó vào ban ngày cũng như ban đêm  khi có nước chảy, những người nữ giúp việc thường gánh đôi thùng thiếc ra đó sắp hàng chờ đợi đến  lượt mình hứng nước mang về nhà, từ đó họ có cái tên gọi  chung là " Marie Sến " hay " Marie Phông Tên "
Dần dần danh từ " Sến " được hiểu mở rộng ra là chỉ những cái gì có vẻ bình dân nếu không nói là thấp hèn,  có ý miệt thị chê bai ở mọi lãnh vực. Ngày nay, xã hội Việt Nam không dùng từ " Sến " nữa mà dùng  từ  " Ô Sin ", hay "người giúp việc" để chỉ những tầng lớp người nầy.
Trong khi chờ đợi đến phiên mình hứng nước , những đêm khuya lạnh, để giết thời gian, những cô gái nầy thường lẩm nhẩm hát vài câu ca mà mình nghe lõm bõm trên radio, có khi thuộc hết bài, có khi không, những bài hát ca từ rất bình dân nói về tình yêu trong chiến tranh không có tính văn chương nghệ thuật. Những bài ca  nầy ,giới thương lưu trí thức không bao giờ nghe, hay họ nghe trong sự xem thường, tò mò, họ không trân trọng người ca sĩ hát cũng như tác giả viết bài . Họ chê đó là loại nhạc "Sến ", nhạc " Bần " hay nhạc "Rẻ Tiền " mà  người viết không  có trình độ văn chương, am hiểu về nghệ thuật gì cả.
.
 2-THẾ NÀO LÀ NHẠC SẾN:

Sau  năm 1954, hiệp định Geneve chia đôi đất nước , rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng từ miền Bắc di cư vào miền Nam, đồng thời cùng với những nhạc sĩ lớn lên tại miền Nam, họ dấy lên phong trào nhạc sáng tác đủ mọi khuynh hướng ,trong đó có loại nhạc Sến bùng phát từ thập niên 1960 trở đi đến năm 1975
Giai đoạn nầy ta có thể chia làm thời kỳ của các loại nhạc như sau:

A-THỜI KỲ TẠM HÒA BÌNH VỚI KHUYNH HƯỚNG SÁNG TÁC CA NGỢI ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI  CHUNG CHUNG TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1958.

Giai đoạn đầu chia đôi lãnh thổ, từ năm 1954 đến năm 1958 ,đất nước tạm thời chia thành hai miền, thời gian nầy chưa bùng nổ cuộc chiến tranh Nam Bắc trên chiến trường, nên tại miền Nam khuynh hướng sáng tác chỉ là ca tụng đất nước miền Nam với những cảnh đẹp thiên nhiên, trù phú của làng quê , tình yêu trai gái trong tình yêu thiên nhiên với  không khí tự do tại miền Nam của những ngày tạm hòa bình của đất nước.
Điển hình là các bài "Trăng Sáng trong Làng" , " Ai về quê tôi " của Thông Đạt, "Trăng Thanh Bình " ,"Khúc ca ngày mùa " của Lam Phương, " Tình lúa duyên trăng ", " Trăng soi Duyên Lành ", " Lối về xóm nhỏ " của Trịnh Hưng, " Trăng phương Nam " của Anh Hoa, " Gạo trắng trăng thanh ", 'Trăng rụng xuống cầu ", " Đường xưa lối cũ "  của Hoàng thi Thơ , " Trăng về thôn dã " của Hòai An", " Nắng đẹp đồng xanh ", " Trăng Sơn Cước " của Văn Phụng, "Chiều về thôn xưa" của Hoàng Trọng, " Giòng An Giang " của Anh Việt Thu,"  Quê Mẹ " của Thu Hồ, v..v..Những bài hát nầy không mang mầu sắc chánh trị ngoại trừ một vài bài phảng phất thêm  ít nhiều nét thời cuộc như " Chuyến đò vĩ tuyến " của Lam Phương, " Khúc hát ân tình " của Xuân Tiên, " Về dưới mái nhà " của Y Vân .. v..v..
Một số người không biết nên đồng hóa các sáng tác nhạc trong giai đoạn nầy là nhạc Sến " là sai lầm.



B-THỜI KỲ CHIẾN TRANH VỚI KHUYNH HƯỚNG SÁNG TÁC NHẠC HƯỚNG VỀ TÌNH YÊU TRONG CUỘC CHIẾN VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA NHẠC SẾN TỪ NĂM 1959 ĐẾN NĂM 1975 

Sau năm 1958 kéo dài đến năm 1975, những biến động về chánh tri tại Việt Nam và Quốc Tế đã đưa đẩy
nước ta vào cuộc chiến tranh không ai  mong muốn, dĩ nhiên khuynh hướng sáng tác nhac của cả hai miền lúc nầy cũng bị cuốn hút vào thời cuộc, nó biến thành một thứ vũ khí tâm lý chiến của cả hai bên để tuyên truyền cho chủ nghĩa và cuộc chiến mà họ đang theo đuổi. Tại miền Bắc thì xem văn hóa văn nghệ là một mặt trận nên những bài hát ủy mị , trữ tình , kể cả những bài nhạc Tiền Chiến  hay đều bị cấm phổ biến.
Khuynh hướng nhạc sáng tác tại miền Nam tương đối cởi mở hơn ,lúc nầy miền Bắc gọi nhạc miền Nam là nhạc' Vàng' , nhạc 'Mỹ Ngụy', nhạc' 'Phản Động' , còn khuynh hướng sáng tác nhạc tại miền Bắc được miền Nam gọi là nhạc 'Đỏ', nhạc lai "Trung Quốc" hay "Liên Xô" vì thường sử dụng lối hát giọng Opera trong âm điệu.
Cần phải nói rõ rằng tại miền Nam từ năm 1960 trở đi , khuynh hướng sáng tác nhạc có 6 dòng chảy:

1-Dòng chảy thứ nhất không phải là nhạc " Sến " vẫn là những bài hát tự tình quê hương dân tộc chung chung như tôi nói ở trên
Thí dụ " Em gái Hà Tiên " của Y Vân, " Nhớ Nha Trang " của Minh Kỳ, "Ai lên xứ hoa đào " của Hoàng Nguyên , " Chiều Vũng Tầu " của Hòang Trọng  v.v..

Minh họa tượng trưng bài " Ai lên xứ hoa đào " của Hoàng Nguyên:
"Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi. Nghe hơi gíá len vào chiều xuân  mây êm trôi .Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ. Xuân đi trong mắt biếc lòng bàng hoàng bao ý thơ 
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa. Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa. Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai. Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa. Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương. Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên. Ôi! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào. Ôi! màu hoa đào như môi hồng người mình yêu. Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du. Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa. Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa. Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương. Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương. Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai...

.2-Dòng chảy thứ hai không phải là nhạc "Sến" là những bài hát trữ tình ,nhẹ nhàng, ca từ mang nhiều mầu sắc triết lý, văn học hay phổ thơ thành nhạc không liên quan gì đến chiến tranh:
Thí dụ  " Diễm Xưa", "Hạ Trắng", " Gọi tên bốn Mùa "của Trịnh Công Sơn . " Ngày xưa Hoàng Thi " ," Còn chút gi để nhớ ", " Đưa em vào dông hoa vàng " (thơ phổ nhạc) , Tóc mai sợi vắn sợi dài "    của Phạm Duy, " Paris có gì lạ không em ", "Giọt nước mắt ngà" của Ngô thụy Miên , " Các bài không tên " của Vũ thành An, " Hãy ngồi xuống đây ", " Vũng lầy của chúng ta " của Lê Uyên Phương, và rất nhiều các bài hát của các nhạc sĩ Y Vân, Từ công Phụng, Phạm đình Chương, Cung Tiến ,Đan Thọ, Văn Phụng v...v...

Minh họa tượng trưng bài " Vũng lầy của chúng ta " của Lê Uyên Phương:
Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say. Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau. Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say. Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn.
Yêu nhau giữa đám rong rêu, theo dòng nước cuốn lêu bêu. Đi qua những phố thênh thang, đi qua với trái tim khan. Ði qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan. Theo em xuống phố trưa mai đang còn nhức mỏi đôi vai. Theo em bước xuống cơn đau,  bên ngoài nắng đã lên mau. Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay. Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say. Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn. Qua đi, qua đi dứt cơn mê. Tình buồn chồng chất lê thê. Qua đi, qua đi dứt cơn say. Tình này tình rồi thay


3-Dòng chảy thứ ba không phải là nhạc " Sến ": là những bài nhạc viết về tình yêu trong chiến tranh, ca từ vẫn có tính chất văn chương nhưng không đến nỗi quá bình dân mộc mạc như nhạc  "Sến "
Thí dụ " Chiều hành quân" của Lam Phương, " Biển mặn " " Anh không chết đâu em " " Chiều trên phá Tam Giang " của Trần thiện Thanh, ' Hát cho một người nằm xuống " của Trịnh công Sơn," Huyền sử ca người mang tên Quốc " của Phạm Duy," Chiều Biên Khu ", " Quán nửa khuya " của Tuấn Khanh , "

Minh họa  tượng trưng bài " Biển Mặn " của Trần thiện Thanh 
Cao ngất Trường Sơn ôm ấp đại dương nước ra sông đào. Tìm về biển Đông ,tình yêu thành sóng Thái Bình Dương .Rồi từng đêm sương ,sóng vỗ về ru giấc quê hương .Nhưng quê hương chưa ngủ ,khi bom đạn tơi bời còn nhục nhằn dưới ruộng trên nương .Tôi thức từng đêm thơ ấu, mà nghe muối pha trong lòng .Mẹ là mẹ Trùng Dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau .Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi .Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai.
ĐK: Người yêu tôi, tôi mới quen mà thôi .Lúc dừng quân trên vùng vừa tiếp thu .Vùng hoang vu bóng chiều bờ cát gầy .Gió lên từng chiều vàng nàng xõa tóc trên biển xanh .Người yêu tôi hay khóc trong chiều mưa . Lúc màu xanh biển mặn đục sắc mây .Bảo yêu anh em muốn chuyện đôi mình .Như màu xanh biển tình trong ngày trời xinh rất xinh.Tôi đến lại đi, xa vắng đời tôi chiến chinh lâu dài .Miệt mài đường trai, vượt truông dài che khuất biển xanh .Đẹp tựa trong tranh, gót bùn lầy cho lúa thêm xanh .Trong bao lần quân hành, tôi qua vùng khô cặn .Mồ hôi thành biển mặn trên môi.Người yêu tôi, tôi mới quen mà thôi .Lúc dừng quân trên vùng vừa tiếp thu .Vùng hoang vu bóng chiều bờ cát gầy .Gió lên từng chiều vàng nàng xõa tóc trên biển xanh .Người yêu tôi hay khóc trong chiều mưa .Lúc màu xanh biển mặn đục sắc mây .Bảo yêu anh em muốn chuyện đôi mình .Như màu xanh biển tình trong ngày trời xinh rất xinh.Tôi đến lại đi, xa vắng đời tôi chiến chinh lâu dài .Miệt mài đường trai, vượt truông dài che khuất biển xanh .Đẹp tựa trong tranh, gót bùn lầy cho lúa thêm xanh .Trong bao lần quân hành, tôi qua vùng khô cằn .Mồ hôi thành biển mặn trên môi.
Trong bao lần quân hành, tôi qua vùng khô cằn .Mồ hôi thành biển mặn trên môi....


4-Dòng chảy thứ tư không phải là nhạc "Sến " là những bài nhạc ngoại quốc hay được dịch hay viết lời Việt
Thí dụ " Bang bang " tức "Khi xưa ta bé" , " Love story "tức "Chuyện tình"  , La plus belle pour aller danser" tức " Em đẹp nhất đêm nay " do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt ..v..v..

Minh họa tương trung bài " Khi xưa ta bé " lời Việt Phạm Duy :
Khi xưa đôi ta bé ta chơi .Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi .Chơi công an đi bắt quân gian .Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! bang! Anh bắn ngay em: bang! bang! Em ngã trên sân: bang! bang! Ta sẽ không quên bao giờ .... Đôi ta theo nhau lớn lên mau. Đôi ta luôn thân thiết bên nhau. Ta yêu nhau như lũ bé con  nhưng anh ham chơi bắt nhau luôn: bang! bang! Anh thích lăng quăng: bang! bang! Em cũng theo anh: bang! bang! Tiếng súng khi xưa: bang! bang! Ta sẽ không quên bao giờ. Bao năm qua ta đã hai mươi. Câu yêu thương đã đến cho đôi .Môi hôn thay câu nói ngây thơ. Chơi yêu thay chơi bắt nhau vui ... Anh xa em, em mất anh yêu. Không ai coi xem lỗi nơi ai .Anh ra đi anh đã ra đi. Anh đi theo duyên mới xa xôi: bang! bang!... Anh đã ra đi: bang! bang! Em sẽ bơ vơ: bang! bang! Tiếng súng khi xưa: bang! bang! Ta sẽ không quên bao giờ... Nay khi ta ra chốn công viên  .Trông bao nhiêu em bé hân hoan. Chơi công an đi bắt quân gian. Chơi đi theo đi trốn lăng xăng: bang! bang! Ta nhớ năm xưa: Bang! Bang! Trong trái tim ta: bang! bang! Tiếng súng khi xưa: bang! bang! Ta sẽ không quên bao giờ... 

5-Dòng chảy thứ năm không phải là nhạc " Sến ": là những bài nhạc viết về thân phận con người trong chiến tranh và những khát vọng hòa bình bị hiểu  lầm là nhạc phản chiến
Thí dụ như " Đại bác ru đêm " , ' Đàn bò vào thành phố ", " Tình ca người mất trí ", " Người con gái VN da vàng " của Trịnh công Sơn.

Minh họa tượng trưng bài " Tình ca của người mất trí  "của Trịnh công Sơn
"Tôi có người yêu chết trân Pleime. Tôi có người yêu ở chiến khu Đ. Chết trận Đồng Xoài. Chết ngoài Hà Nội. Chết vội vàng dọc theo biên giới. Tôi có người yêu chết trân Chuprong . Tôi có người yêu thả xác trôi sông. Chết ngoài ruộng đồng...Chêt vội vàng mình cháy như than . Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam. Ngày gió lớn tai nghe quen đạn mìn.Gọi tên anh tên Việt Nam, gần nhau trong tiếng nói da vàng .

6-Dòng chảy thứ sáu là những bài hát tình yêu trong cuộc chiến của lớp người lính miền Nam trong chiến cuộc với những ca từ mộc mạc, bình dân mà người ta thường gọi là NHẠC SẾN

Thí dụ " Yêu người chung vách " của Vinh Sử, " Hoa mười giờ " của Đài Phương Trang  " Hai mươi bốn giờ phép "  ' Ai cho tôi tình yêu " của Trúc Phương , " Đêm buồn tỉnh lẻ " của Tú Nhi ( tức ca sĩ Chế Linh ) và Bằng Giang ," Sầu lẻ bóng " , "Nó " của Anh Bằng, " Thành phố buồn" của Lam Phương, " Xuân nầy con không về ", " Xin anh giữ trọn tình quê "của Duy Khánh ," Lâu đài tình ái " của Trần thiện Thanh ...

Minh họa bài " Hoa mười giờ " của Đài Phương Trang
Hôm chia tay chiều chủ nhật .Anh bảo rằng tuần sau anh đến . Hái một nụ hoa xinh xinh màu tim tím anh cài lên mái tóc thề .Rồi hẹn tuần sau ,khi hoa mười giờ nở, anh sẽ đến thăm em .Em trông chờ từng phút bao đêm rồi không ngủ. Mong đến ngày được gặp anh. Bao trông mong chiều chủ nhật, đã đến rồi, trời sao không nắng. Chỉ sợ trời mưa cho anh ngại không tới. Để mình em đếm thương dài . Ngập ngừng thật lâu, khi em chọn áo tím xưa anh nói yêu. Em xin mẹ ra phố, mẹ vui cười khẽ nói: "Con gái mẹ thật là xinh". Đây công viên chốn hẹn hò, chứng kiến bao lời thề. Tình yêu vừa lên ngôi. Xưa, anh đã nói rằng yêu. Luôn một lòng chung thủy dù đời vẫn đổi thay. Nhưng sao nay quá mười giờ, hoa tím đã nở rồi, mà sao anh không đến. Cho em luôn ngóng chờ anh âu lo từng giây phút lệ buồn hoen ướt mi .Em bơ vơ quay trở về, qua phố chợ chợt nghe tiếng sét. Nổ sầm bên tai, khi em chợt trông thấy anh cùng ai bước chung đường. Người đẹp của anh bên anh màu áo tím, em nghe quá chua cay. Em thương phận con gái như hoa mười giờ nở chỉ đẹp giây phút ban đầu.

 Minh họa bài "  Đêm buồn tỉnh lẻ" của Tú Nhi - Bằng Giang
Đã lâu rồi đôi đứa cách đôi nơi, tơ duyên xưa còn hay mất. Mái trường ơi em tui còn học nữa hay ra đi từ độ nào. Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi,mấy năm qua rồi em anh không gặp nữa , bao yêu thương và nhớ anh xin chép nên thơ vào những đêm buồn.
ĐK: Mưa mưa rơi từng đêm mưa triền miên trên đồn khuya lòng ai thương nhớ vô biên. Thương ,anh thương ngày đó em nhìn ánh mắt hoen sầu không nói lên câu giã từ. Mong, anh mong làm sao cho tình duyên không nhạt phai theo năm tháng thoáng qua mau.Yêu, yêu em nhiều lắm nhưng tình ta vẫn chưa thành khi núi sông còn điêu linh. Ở phương này vui kiếp sống chinh nhân nhưng không quên dệt mơ ước. Ước ngày nao quê hương tàn chinh chiến cho tơ duyên đượm thắm màu, và phương đó em ơi có gì vui xin biên thư về cho anh. Nhớ thương vơi đầy đêm nay trên đồn vắng thương em  anh thương nhiều lắm ,em ơi biết cho chăng. Tỉnh lẻ đêm buồn.


 Minh họa bài " Tình khúc cho người cô đơn " của Huy Thanh
Nếu biết tình yêu là đau khổ. thì xin anh đừng giận hờn . tình yêu không còn nhiệm mầu.Hai đứa chia lìa nhau ,mang theo đau đớn về sau .Như cây lìa cành một mùa đông. Trôi theo thời gian mênh mông. Cầm bằng chim gãy cánh ,bơ vơ kiếp chờ mong. Nước mắt em như mưa trên tượng đá. Nước mắt anh như dòng sông rã rời. Ngàn năm có đâu bao giờ, kiếp sống giang hồ. Cam dừng bước chờ. Ngàn năm đá kia rêu mờ . Đã nghe bơ vơ ,như tượng đá mơ. Nếu biết mình yêu là dang dở. Thì xin anh đừng giận hờn. Dù đau thương ngập cả hồn. Mơ ước xin vùi chôn. Tơ duyên như bóng hoàng hôn. Sinh trong cuộc đời là chia ly. Nước mắt làm cho vơi nhớ. Vì tình yêu dang dở , thiên thu vẫn đẹp hơn.





3 - PHÂN BIỆT NHẠC SẾN VÀ NHỮNG LOẠI NHẠC VÀNG KHÁC :

Thật ra không có một ranh giới nào , những điều kiện nào rõ rệt để phân biệt nhạc Sến ( nhạc Bần ) và nhạc không Sến ( nhạc Sang ) , sự xếp loại còn tùy thuộc nhiều yếu tố như trình độ thưởng thức âm nhạc của người nghe , trình độ nhận thức văn học về ca từ của người thưởng thức. Tuy nhiên ta có thể phác thảo vài yếu tố  của nhạc Sến như sau :

1-Về Tiết tấu : Nhạc Sến thường sử dung tiết tấu Boléro, Rumba, Slow Roch , Balade , Habanera ,Twist , họ không sử dụng các tiết tấu Moderato , Pasodoble ,Tango hay Valse.
2-Về âm vực : Nhạc Sến thường viết ở âm vực trung và trầm trong hệ thống khóa SOL ,không sử dụng hệ thống khóa FA và khóa DO.
3-Về luật cân phương : Họ chọn số lượng mesure ( trường canh ) là 8,16, hay 4,8 rồi quay trở lại đoạn điệp khúc .
4-Về hình nốt : họ thường sử dụng nốt tròn , tròn nối trắng , trắng , trắng nối ,đen ,đen chấm, móc đơn , ít khi dùng móc kép và những hình nốt hát nhanh khác.Trong các bài nhạc " Sến " điệu Bolero họ thường sử dụng dấu liên ba vào những câu cuối của ca từ .
5-Về ca từ : họ dùng ca từ rất bình dân như những người nhà quê nói chuyện với nhau,mộc mạc, đơn chất , không cầu kỳ ,văn vẻ ,không có chất thơ ,ẩn dụ ,chất triết lý cao xa .Nếu ta so sánh ca từ hai bài " Đêm buồn tỉnh lẻ" của Tú Nhi, " Hoa mười giờ " của Đài phương Trang với các bài "Vũng Lầy của chúng ta" của Lê uyên Phương và bài "Tình ca người mất trí " của Trịnh công Sơn ta sẽ  thấy về ngữ điệu, hình tượng khác nhau trong  cách dùng chữ, ngôn ngữ văn học rõ ràng .

Cần phải nói rõ rằng danh từ nhạc "Sến " là của những người nghe nhạc dùng  từ thập niên 1958-1975 trở lại, và họ gán ghép cho những nhạc phẩm cũng được viết trong thời gian đó, chứ không phải của lớp trẻ ngày  nay sau năm 1975 như một số người hiểu lầm. Lớp trẻ sau năm 1975 họ không hiểu thế nào là nhạc" Sến", thậm chi " Sến " là gì cả.
Cũng cần nói thêm một số người lại đồng hóa nhạc "Sến " với các loại nhạc tình cảm khác trong đó  có nhạc Tiền Chiến là không đúng, xét thế nào là nhạc " Sến " ngoài ca từ ra ta còn phải lưu ý đến thời gian và không gian nó ra đời, chủ đề nó viết chứ không phải hễ bài nhạc nào viết về tình yêu là " Sến " cả. Chủ đề nhạc "Sến " thường là ca tụng người lính mền Nam trước đây và những cuộc chia tay, dang dở, tình cảm của những mối tình lớp trẻ trong cuộc chiến thời đó.

4- KẾT LUẬN:

Dù muốn dù không nhạc "Sến"  cũng đã có mặt trong trong dòng chảy sáng tác âm nhạc của nước ta nói chung và của miền Nam nói riêng , nó là chứnrg nhân một giai đoạn lich sử đau buồn của dân tộc trong cuộc chiến tranh không ai mong muốn .Nó đã len lỏi vào tận ngõ ngách của tâm hồn con người dù ở bất cứ giai cấp nào trong xã hội , kể cả  giới trí thức lẫn người bình dân lao động .Người dân miền Nam thời đó ai cũng biết vài câu nhạc "Sến" kể cả người có học lẫn ít học ,dù họ ở trên nhà lầu cao hay ở tận cùng những con hẻm bùn lầy nước đọng trong xóm lao động nghèo nàn.Vấn đề là họ thích hay không thích,tôn trọng nó hay không mà thôi .
Hiện nay , nhạc "Sến " đang được sử dụng lại trên các phương tiện  truyền thông đại chúng tại Việt Nam như Tivi, sân khấu ca nhạc, radio, một số ca sĩ nổi tiếng sau năm 1975 ở Việt Nam cũng như Hải Ngoại lớn lên sau nầy đã hát lại nó  (dĩ nhiên là những bài hát được chọn lọc không liên quan gì đến những người lính chế độ cũ ).
Nói đến nhạc "Sến"  người ta thường nhắc đến những cái tên ca sĩ  như Chế Linh, Giang Tử, Hùng Cường Mai lệ Huyền cùng những nhạc sĩ như Vinh Sử, Hàn Châu, Duy Khánh, Trần thiện Thanh, Lê Dinh, Anh Bằng  .Một số người vội vàng chê trách họ, thậm chí sai lầm xem thường trình độ học thức, trình độ nghệ thuật của họ .Nhiều người còn dùng những câu rất phản cảm như: " Chế Linh lính chê ", " Ối đồ nhạc sĩ, ca sĩ Sến mà giá trị gì .", " Nhạc ba xu rẻ tiền "....
Ở lớp khán thính giả bình dân tuổi thập niên 50-60 trở lên, nhạc "Sến " luôn gắn với những kỷ niệm một đời của họ, những kỷ niệm vui buồn một thời đạn bom, một thời hòa bình song hành cùng tuổi trẻ ,khi nghe  nhạc "Sến ", họ không phải nghe bằng nghệ thuật âm  nhạc mà nghe bằng ký ức, bằng hoài niệm qúa khứ.
Hãy bỏ hết định kiến, hãy nhìn nhạc "Sến " với những cảm nghĩ bao dung, thanh thoát hơn, đó là khuynh hướng chẳng đặng đừng trong đời sống âm nhạc, có mặt rất tình cờ, cần thiết, và vượt thời gian cũng rất  tình cờ.
Theo tôi trong tình trạng bế tắc khuynh hướng sáng tác nhạc tình cảm hiện nay, việc sử dụng lại những bài nhạc" Sến" cũ là  cần thiết.

HUY THANH