31/5/14

THAM LUẬN: VÀI GHI NHẬN VỀ NHÀ VĂN NAM BÔ HỒ BIỂU CHÁNH

THAM LUẬN
VÀI GHI NHẬN VỀ NHÀ VĂN NAM BỘ HỒ BIỂU CHÁNH


HUY THANH

1-VÀI NÉT TIỂU SỬ NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH:

Nhà văn Hồ Biểu Chánh sinh ngày 01/10/1884 (1885?) tại tỉnh Gò Công miền Nam Việt Nam. Ông tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Khi viết văn, ông lấy tên tự ghép với họ thành là "Hồ Biểu Chánh". Ông theo học chữ Nho, sau đó là chữ Quốc Ngữ và sau cùng là chữ Pháp tại tỉnh Mỹ Tho Năm 17 tuổi ông lên Saigon học tại trường Chasseloup Laubat, đậu bằng Thành Chung năm 1905, sau đó ông làm việc tại Saigon và Bạc Liêu Ông xuất thân là thư ký thông ngôn, sau đó ông được thăng dần lên chức tri huyện, rồi tri phủ, làm viêc tại huyện Càn Long, Ô Môn, Phụng Hiệp. Năm 1936 ông thăng lên chức Đốc Phủ Sứ, sau đó một năm ông xin về hưu Năm 1946 ông lại được mời ra làm Nghị viên hội đồng đô thành Sàgòn và sao đó làm Đổng lý văn phòng Bộ Thông Tin (Cấp thứ trưởng) của thủ tướng Nguyễn văn Thinh. Ông nổi tiếng là ông quan thanh liêm, hay thương người nghèo khổ, tranh đấu cho giai cấp bần cùng trong xã hội. Cuối năm 1946, ông từ quan về hưu sống ẩn dật, hiến cuộc đời còn lại của mình cho sự nghiệp văn học.
Ông sáng tác văn học rất nhiều, trên 100 tác phẩm gồm Tiểu Thuyết và các loại khác như: nghiên cứu, phê bình văn học, tuồng hát cùng các bản dịch văn học cổ điển Trung Quốc. Tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại: Dịch thuật, thơ, tuỳ bút phê bình, hồi ký, tuồng hát, đoản thiên, truyện vắn, biên khảo, tiểu thuyết.v..v..

Văn phong của Hồ Biểu Chánh là viết văn xuôi tự sự, kể truyện, tả cảnh không nghiên về phân tách tâm lý nhân vật. Chủ Ðề ông thường chọn là cuộc sống xã hội miền Nam từ nông thôn đến thành thị trong những năm đầu thế kỷ XX với những cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ từ văn học cho đến luân lý, đạo đức, chính trị, xã hội. Lối viết văn của ông không cầu kỳ mà mộc mạc đơn giản như tâm hồn người dân Nam Bộ.
Ông mất ngày 04/09/1958 tại Phú Nhuận, Gia Ðịnh, thọ 74 tuổi.
Khi ông mất, Nhà thơ Ðông Hồ Lâm tấn Phát có câu đối điếu ông,,ghép tên các cuốn tiểu thuyết của ông như sau:.
“Cay đắng mùi đời," "Con nhà nghèo ", "Con nhà giàu, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, "Vì nghĩa vì tình , "Ngọn cỏ gió đùa", "Tỉnh mộng", mấy "Ai làm được?"
"Cang thường nặng gánh", cơn "Khóc thầm", cơn "Cười gượng", thanh cần trái bảy mươi bốn tuổi, "Thiệt giả giả thiệt", Vườn văn xưa ghé mắt", Đoạn tình" còn "Ở theo thời”.

2-TÁC PHẨM TIÊU BIỂU VĂN PHONG HỒ BIỂU CHÁNH:

Một tác phẩm tiêu biểu cho hướng chủ đề, văn phong của nhà văn Hồ Biểu Chánh là tiểu thuyết " Ngọn Cỏ Gió Đuà" , mô phỏng theo cuốn "Les misérables" (Những kẻ khốn nạn) cuả văn hào Pháp Victor Hugo. Nội dung truyện "Ngọn cỏ gió đùa" ông nói về một người dân cùng khổ tên là Lê văn Đó, quá khổ  nghèo đói nên ăn cắp một chảo cháo heo mà bị cả chục năm tù. Từ đó, Lê văn Đó sinh ra thù ghét xã hội bất công, nhất la bọn trọc phú, nhà giầu. Vì căm hờn xã hội, loài người nên Lê văn Đó bất chấp đạo lý làm những chuyện bất lương. Sau đó Lê văn Đó gặp nhà sư Chánh Tâm khuyên giải nên Lê văn Đó giác ngộ đạo Phật. Từ đó ông hết hận đời và làm điều thiện, tránh điều dữ.

Để biết thêm về văn phong, cách viết , kết cấu của nhà văn Hồ biểu Chánh, kính mời quý vị và các bạn đọc bài: "Kết cấu trong tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh" của thạc sĩ Trà thị Lam Vân sau đây

  3- KẾT CẤU TRONG TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH:

Kết cấu là cách sắp xếp, nối nhau các sự kiện, nhân vật, những xúc cảm trong truyện thành một hệ thống nghệ thuật thống nhất theo ý đồ nghệ thuật làm cho tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật hấp dẫn người đọc. Xét kết cấu trong các mối quan hệ chỉnh thể của tác phẩm, thường được chia thành hai cấp độ: kết cấu trần thuật và kết cấu hình tượng.

1- Kết cấu trần thuật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh:
Kết cấu trần thuật, thường được xem là bố cục, là kết cấu bề mặt, bao gồm sự sắp xếp, phân bố các phần của nội dung vào chương, hồi, tiết, đoạn, màn, lớp trong tác phẩm. Xét theo kết cấu bề mặt, tiểu thuyết thường được xem xét chia bao nhiêu chương.

Với Hồ Biểu Chánh, việc quan trọng nhất của nhà văn là việc xây dựng cái kết cấu bề mặt ấy: “Thoạt tiên, ông sắp xếp sơ lược cốt truyện trong trí và suy nghĩ coi đoạn nào cần phải tả dài, đoạn nào chỉ nên nói phớt qua, đặt tên, định tuổi cho nhân vật, năm và chỗ nhân vật hành động. Sau đó, ông phân đoạn rành rẽ lên giấy và định tính tình, tâm hồn mỗi vai”[1]

Theo Hồ Biểu Chánh, việc xây dựng bố cục là công việc mất nhiều thời gian nhất, vì thế ông làm việc này rất công phu, cẩn thận, tính toán từng chi tiết một để làm sao cho tâm hồn, ngôn ngữ và cử chỉ cũng như cách cư xử của nhân vật có thể giống với người đời. Có tác phẩm, ông phải mất vài năm mới xong bố cục như  "Ngọn cỏ gió đùa"  dài đến 572 trang chẳng hạn. Nhưng đã có bố cục, truyện hoàn thành chỉ trong vòng hai tháng.
Đặt trong bối cảnh tình hình văn học thời ấy, sự chuẩn bị kết cấu của nhà văn kỹ càng, các phần của nội dung, các tình tiết sắp xếp khá chặt chẽ, liên tục, hợp lý làm cho tình tiết truyện phát triển khá tự nhiên, mạch lạc. Đó là sự đóng góp lớn của Hồ Biểu Chánh cho nền tiểu thuyết non trẻ của Việt Nam đầu thế kỷ XX.

 A -Nhìn chung, có thể chia nghệ thuật kết cấu trần thuật của tác phẩm Hồ Biểu Chánh ra làm hai giai đoạn:

1.1 Giai đoạn kế thừa truyện Nôm:
Kết cấu trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh giai đoạn kế thừa truyện Nôm nói chung vẫn chia theo hai tuyến đối lập thiện và ác theo loại hình nhân vật tư tưởng nhằm phản ánh khuynh hướng tư tưởng đề cao luân lý nhân nghĩa mà nhà văn theo đuổi trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Vì vậy, nhân vật của ông thường tập trung một loại phẩm chất, tính cách của một loại người trong xã hội. Quyển tiểu thuyết bằng thơ đầu tiên mang tên  "U tình lục"  hoàn toàn kết cấu theo kiểu truyện thơ Nôm của văn học cổ điển. Truyện được viết bằng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc và cốt truyện tài tử giai nhân quen thuộc. Đề tài và nhân vật của  "U tình lục" cũng không khác các truyện thơ của thế kỷ XIX, vẫn là trung hiếu tiết nghĩa của Nho giáo. Nhân vật của "U tình lục" có phức tạp hơn các truyện thơ trước đó nhưng vẫn chưa vượt khỏi quan niệm ác giả ác báo, ở hiền gặp lành truyền thống. Kết thúc câu truyện vẫn là một kết thúc có hậu với việc Tấn Nhơn và Cúc Hương tái hợp và nên duyên chồng vợ, hưởng hạnh phúc lâu dài.

Sau  "U tình lục", Hồ Biểu Chánh còn viết một truyện thơ khác tên" Vậy mới phải" phỏng theo  "Le cid ", một vở bi kịch nổi tiếng của văn học cổ điển Pháp thế kỷ XVII. Trong văn chương nước ta, việc mô phỏng văn chương nước ngoài không phải là điều lạ. Một số truyện thơ Nôm của ta đã phỏng theo những tác phẩm của Trung Quốc như Song Tinh, Hoa Tiên, Truyện Kiều... Nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê, việc mô phỏng văn học Pháp để viết truyện thì phải đợi đến Hồ Biểu Chánh [2]. Điều này cho thấy văn học phương Tây, mà đặc biệt là văn học Pháp, đã bắt đầu bén rễ vào mảnh đất Việt Nam.

Thế nhưng ta vẫn có thể tìm thấy ở truyện thơ này cái bố cục cổ điển thường gặp: Lung (luận về sự xung đột giữa hiếu và tình) - Truyện (đính hôn - thù hận - chia lìa) - Kết (khuyên người ta nên lấy tích xưa mà cân nhắc phải chăng - lời khiêm nhường cuối truyện
Cùng với" U tình lục,"   " Vậy mới phải "  đánh dấu một giai đoạn quá độ từ truyện Nôm cổ điển sang tiểu thuyết hiện đại của Hồ Biểu Chánh nói riêng và của văn học Việt Nam nói chung trong giai đoạn giao thời của văn học đầu thế kỷ.

1.2. Giai đoạn học tập kỹ thuật tiểu thuyết phương Tây:
Nhưng rồi truyện thơ không còn được chú ý như ở thời hoàng kim của nó hồi cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, khi mà làn sóng dịch tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc và tiểu thuyết Pháp với những nội dung diễm tình lãng mạn hoặc phiêu lưu kỳ thú đã hấp dẫn lôi cuốn tầng lớp công chúng mới. Tiểu thuyết Pháp và các tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên đã cuốn hút Hồ Biểu Chánh, đặc biệt là   "Hoàng Tố Anh hàm oan   "của Trần Thiên Trung (tức Trần Chánh Chiếu). Hồ Biểu Chánh đã tự thuật như sau: “Cụ Trần Chánh Chiếu cho xuất bản    "Hoàng Tố Anh hàm oan"  là tiểu thuyết đầu tiên trong lục tỉnh, truyện tinh tả nhân vật trong xứ và viết theo điệu văn xuôi. Đọc quyển này, cảm thấy viết truyện bằng văn xuôi dễ cảm hoá người đọc hơn, bởi vậy năm 1912 đổi xuống làm việc tại Cà Mau mới viết thử quyển   "Ai làm được  "là quyển tiểu thuyết thứ nhất viết văn xuôi tại Cà Mau với những nhân vật cũng là Cà Mau
Quan sát cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tay này của Hồ Biểu Chánh qua hai lần xuất bản, ta thấy được bước chuyển của ông từ nghệ thuật kết cấu truyền thống sang một kết cấu có tính chất hiện đại hơn. Qua hai lần xuất bản, tác phẩm này vẫn mang dáng dấp của một truyện tài tử giai nhân truyền thống, kết thúc có hậu theo kiểu “thiện ác báo đầu chung hữu báo” và “ở hiền gặp lành” nhưng đã có những thay đổi lớn về mặt nghệ thuật kết cấu.

a- Ở lần xuất bản đầu tiên, Hồ Biểu Chánh chia  "Ai làm được" ra làm 27 hồi, mỗi hồi bắt đầu bằng một nhan đề tóm tắt những sự việc sắp xảy ra như “Ông cháu gặp nhau”, “Phu phụ tương ly”, “Tái đáo Sài Gòn”...

b-Đến lần xuất bản thứ hai năm 1922, sao khi được nhuận sắc,  "Ai làm được" từ một cuốn truyện có 27 hồi đã được bố cục lại thành 6 chương, thay cho những câu giới thiệu tóm tắt câu chuyện ở đầu mỗi chương là những con số La Mã giản dị. Ông cũng loại bỏ những câu giới thiệu vụng về của người dẫn chuyện mỗi khi câu chuyện chuyển hướng và thêm nhiều đoạn tả cảnh, nhiều đoạn đối thoại để làm cho câu chuyện sống động, rõ ràng hơn. Những đổi thay này đã làm cho bản Ai làm được năm 1922 gần với một tiểu thuyết hiện đại hơn.

c-Sau   "Ai làm được", toàn bộ tiểu thuyết văn xuôi tự sự của Hồ Biểu Chánh giai doạn những năm 30 đầu thế kỷ hầu như chỉ có quyển  "Nam cực tinh huy" (1924) là tuân thủ nguyên tắc kết cấu theo lối chương hồi. Tác phẩm gồm ba mươi bốn hồi, trước mỗi hồi có hai câu thơ đề dẫn.

Ví dụ hồi thứ ba:
“Nước nguy biến, Đinh công rầu vong mạng
Chú đuổi xô, Bộ Lãnh quyết lập thân.”
Hồi thứ mười sáu:
“Ngô chúa băng hà, Tam ca soán nghiệp,  Tử hoàng tị nạn, vương hậu xuất giá”
"Nam cực tinh huy"  là một tiểu thuyết lịch sử, cho nên việc kết cấu theo lối chương hồi trong thời điểm đó là có lý do của nó.
"Một chữ tình  " (1923),  "Tiền bạc bạc tiền"  (1925) không phân chia chương hồi cụ thể, không có thơ đề dẫn hoặc những tiêu đề.
Đến  "Nhân tình ấm lạnh" (1925), Hồ Biểu Chánh trở lại chia theo chương hồi, nhưng tác giả phân chia theo kiểu:
Hồi thứ nhất: từ trang 3 đến 22 
Hồi thứ hai: từ trang 23 đến 44
Hồi thứ ba: từ trang 45 đến 60
Hồi thứ tư: từ trang 61 đến 63
Hồi thứ năm: từ trang 84 đến 98
Hồi thứ sáu: từ trang 99 đến 116
Hồi thứ bảy: từ trang 117 đến 133
Hồi thứ tám: từ trang 134 đến 150
Hồi thứ chín: từ trang 151đến 162
Hồi thứ mười: từ trang 163 đến 180
Hồi thứ mười một: từ trang 181 đến 194
Hồi thứ mười hai: từ trang 195 đến 212
Hồi thứ mười ba: từ trang 213 đến 231
Hồi thứ mười bốn: từ trang 232 đến 252
Hồi thứ mười lăm: từ trang 253 đến 269
Hồi thứ mười sáu: từ trang 270 đến 286

Quan sát cách chia hồi của tác giả, người đọc thấy số trang của các hồi khá đều đặn, khoảng cách mỗi hồi khoảng từ mười mấy trang hoặc trên hai mươi trang. Trước mỗi hồi không có thơ đề dẫn.

d- Tiểu thuyết "Chúa tàu Kim Quy  "(1922) chia hai phần, mỗi phần chia thành nhiều phần nhỏ đánh số từ I đến IX ( phần I), từ I đến VII (phần II). Tác giả ghi phần thứ nhất tựa là “Gió dập sóng dồi”, phần thứ nhì tiêu đề “Ơn đền oán trả”.
e-Hai tác phẩm  "Chút phận linh đinh"(1928) và "Nặng gánh cang thường" (1953) không có hồi, chia nhiều phần và có thơ đề dẫn.
"Chút phận linh đinh" 

I: Lỡ bước thương người không dám ngó
Nhớ lời cám nghĩa phải làm khuây
II: Nặng chữ tình thuyền quyên thất tiết
Nghiêm gia phong nghịch tử ly hương
III: Nghe chồng mất vợ hiền lo đáp nghĩa
Thương con thơ mẹ yếu phải hồi hương...
Nặng gánh cang thường:
VIII: Háo sắc Trần Ngang bị nhục
Dạo chơi Ngự sử được con
X: Oan ức trung thần không bán chúa
Hung hăng cường khấu phải tan xương...

Bằng những câu thơ sáu, bảy cho đến tám chữ, chín chữ, mỗi tiêu đề giúp người đọc nhớ nhanh, gọn diễn biến của mỗi phần trong tiểu thuyết.

f- Năm tác phẩm không có hồi chia nhiều phần : "Thầy thông ngôn  "(1925)," Kẻ làm người chịu " (1928), "Vì nghĩa vì tình " (1929)," Cha con nghĩa nặng "(1929)," Khóc thầm  "(1929).
Ví dụ như tiểu thuyết "Khóc thầm:  "

I: Khách lạ đến nhà
II:Luận đàm thế sự
III:Gả con lấy chồng
IV: Vợ chồng trái ý
V : Còn toan khai hoá
VI :Vừa lộ tánh tình
VII : Thấy rõ tâm chí
VIII : Nhà nghèo nhịn nhà giàu
IX :Nhà giàu hại nhà nghèo
X :Cha trách con
XI : Vợ phiền chồng
XII :Vĩnh Thái bị giết
XIII : Thu Hà ân hận

g-Tiểu thuyết  "Ngọn cỏ gió đùa" (1926) không chia hồi, không chia từng phần theo những con số trên, không có thơ đề dẫn, chỉ ghi tiêu đề một cách ngắn gọn: Đau đớn phận hèn, Nát thân bồ liễu, Nắng táp mưa sa, Đường ngay nẻo vạy, Nghĩa nặng tình sâu, Ân tình vẹn vẽ...
Các tiêu đề cũng được chia một cách cân đối theo quan điểm mỹ học về cái đẹp cân đối hài hòa của phương Đông.

h- Ngoài ra, một số tác phẩm không có hồi, không chia các phần, không ghi thơ đề dẫn, không đặt tiêu đề như:  "Cay đắng mùi đời"(1923), "Tỉnh mộng"(1923), "Con nhà nghèo" (1930), "Con nhà giàu  (1931).

Tuy nhiên, những tác phẩm sáng tác giai đoạn sau những năm 30 đầu thế kỷ có tác phẩm, tác giả chia:  "Từ hôn " (1937 ) 5 chương, "Tân Phong nữ sĩ"(1937) 10 chương,  "Hạnh phúc lối nào  "(1957) chia từ số 1 đến số 10. Mỗi số nhỏ này lại đặt tiêu đề:

Lần theo nẻo cũ
Nhận thấy lỗi thời
Vì thương nên phải
Hết mê trần tục
Trẻ già hội ngộ
Bên đạo bên đời
Đời đạo đi đôi
Còn nhớ gia tài
Phân giải thấp cao
Ác phụ hoàn cốt

Có thể kết luận, trong quá trình thể nghiệm viết văn xuôi tự sự theo kiểu tiểu thuyết hiện đại của phương Tây, Hồ Biểu Chánh vẫn chưa thoát hẳn lối kết cấu chương hồi của tiểu thuyết truyền thống phương Đông. Có lẽ kiểu phân chia chương hồi này giúp nhà văn thể hiện luận đề tư tưởng đạo lý rõ ràng, khúc chiết hơn kết cấu của tiểu thuyết tâm lý hiện đại.

2. Kết cấu hình tượng trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh:
Kết cấu hình tượng bao gồm hệ thống các nhân vật, hệ thống các chi tiết, tình tiết, sự kiện ở ttrình tự xuất hiện và tương quan giữa chúng là kết cấu bề sâu của tác phẩm.

Hồ Biểu Chánh thường lựa chọn kết cấu đặt nhân vật trong một thời gian, không gian cụ thể để hành động. Trong giai đoạn cực thịnh của trào lưu hiện thực, nhiều nhà văn đã biến đổi linh hoạt kết cấu bên trong. Nguyễn Công Hoan thường đặt nhân vật trong sự đối lập giữa tư cách và hành động: xuất giá tòng phu, báo hiếu trả nghĩa cha, báo hiếu trả nghĩa mẹ. Nam Cao thường cho nhân vật triết lý trước khi hành động: Lão Hạc, Đôi mắt... góp phần phát triển thêm chiều sâu tâm lý của tác phẩm. Trong giai đoạn đầu của ngòi bút tả chân, Hồ Biểu Chánh rời bỏ thời gian ước lệ của văn chương cổ điển để đến với một thời gian thực tại.

Truyện thuộc loại hình nghệ thuật thời gian và thời gian trong truyện là thời gian trong thời gian. Có thể hiểu thời gian của truyện là thời gian của cái được kể và thời gian kể, thực hiện hành động kể chuyện.

Thời gian của truyện được xem như là sự diễn tiến của các sự kiện trong tính kế tiếp hay đồng thời, là” trật tự niên biểu”cuả các sự kiện hình thành nên truyện. Qua đó, sự kiện được kể diễn biến theo thời gian từ đầu đến kết thúc số phận nhân vật.

Một số tác phẩm: "Ai làm được", "Chúa tàu Kim Quy"  "Tiền bạc bạc tiền",  "Một chữ tình",  "Ngọn cỏ gió đùa,"  "Nhân tình ấm lạnh"  "Thầy thông ngôn" ... kể theo sự liền chuỗi của các sự kiện theo kiểu “trật tự niên biểu”. "Chút phận linh đinh  " là một tác phẩm thể nghiệm đầu tiên của Hồ Biểu Chánh khi kể không theo diễn tiến của các sự kiện theo trình tự thời gian xảy ra lần lượt trong cuộc đời nhân vật.

Mở đầu truyện, tác giả giới thiệu bối cảnh không gian để giới thiệu nhân vật. Đó là một địa điểm có tên: không gian cảnh vật sinh hoạt trên đường từ chợ xuống bến tàu Hải Phòng. Trên bến tàu, cuộc chia tay diễn ra giữa đôi vợ chồng trẻ và con gái trong thời tiết:

“Mùa thu vừa qua, mùa đông đã tới. Cỏ đổi xanh ra đỏ, cây rụng lá phơi nhành. Một buổi sớm mai chủ nhật, ở Hải Phòng bầu trời mù mịt, gió phất lạnh lùng. Mưa phùn phay pháy, cảnh thêm buồn, đường sá bẩy lầy đi lấm cẳng. Người đi chợ tay xách giỏ, tay giấu trong vạt áo, bươn bả bước mau cho bớt lạnh; sắp xa phu, mình mặc áo tơi, đầu đội nón lá, nghễu nghến ngoài đường mà rước khách”.

Sang chương hai, tác giả ngược trở lại thời gian Lê Hiển Vinh và Thu Vân yêu nhau, sinh con gái đầu. Thu Cúc mười hai tuổi, Hiển Vinh đi Pháp du học.

Trật tự thời gian đảo ngược là cách kết cấu mới mẻ so với kết cấu của tiểu thuyết đương thời nhưng nghệ thuật kể chuyện của tác giả qua cách sắp xếp bố cục vẫn chưa thoát hẳn dáng vẻ của tiểu thuyết chương hồi qua cách phân đoạn các phần và tiêu đề ở mỗi phần.

Hồ Biểu Chánh còn lồng vào tiểu thuyết chương hồi cách thể hiện tình cảm, nội tâm của nhân vật qua không gian bối cảnh. Đó là môi trường hoạt động của nhân vật, một địa điểm có tên riêng hay không có tên. trong đó có đủ cả thiên nhiên, xã hội, con người.

Có thể phân chia không gian bối cảnh làm ba loại: bối cảnh thiên nhiên, bối cảnh xã hội và bối cảnh tâm trạng.

Bối cảnh thiên nhiên của nhà văn thường là cánh đồng lúa chín, mặt biển xanh lô xô hay ngọn núi phủ mờ sương, hoặc một cánh đồng lúa chín ở một địa điểm rất cụ thể như gần Châu Thành, Bạc Liêu, chợ Tân Châu. Có lúc, tác giả hướng dẫn cụ thể bối cảnh xã hội :”Ai đi đường Chợ Lớn xuống Gò Công, hễ qua đò Bao Ngược rồi lên xe chạy ra khỏi chợ Mỹ Lợi...có một xóm đông kêu là xóm Tre.” (Cay đắng mùi đời)

“Gò Công , huyện Tân Hoà” (Ngọn cỏ gió đùa)
“Dọc theo đường Cái Tắc đi Long Mỹ” (Lòng dạ đàn bà)
“Người đi đường Bạc Liêu xuống Giá Rai, ra khỏi Châu Thành chừng mười cây số...ở đầu xóm Cáng Dài...nhà của thím Lý Thị Phòng” (Cười gượng)
Bến Súc nằm dựa đường quản hạt số 14, là con đường chạy từ Thủ Dầu Một lên Dầu Tiếng. (Ái tình miếu)

“Xóm Đập Ông Canh nằm dựa bên Gò Công qua Mỹ Tho, ngang ngã ba tẻ vô Ụ Giữa..” (Con nhà nghèo).

Bối cảnh thiên nhiên một mặt gắn với nhân vật và những hoạt động của nhân vật, mặt khác gắn với tâm trạng người kể. Trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, bối cảnh thiên nhiên tác động đến tâm trạng nhân vật ít hơn bối cảnh xã hội. Thiên nhiên trong tiểu thuyết của ông thường gắn liền với những kỷ niệm, những sinh hoạt gia đình. Nhân vật do dòng đời xô đẩy như Lê Thủ Nghĩa phải xa rời khung cảnh làng quê. Khi trở về, nhà cửa tiêu điều, cỏ cây phủ lối, nhớ lại một thời êm ấm của gia đình, tâm trạng xót xa não nề:

“Thủ Nghĩa trong lòng khoan khoái muốn đi riết về nhà thì thấy đường đi vô nhà đều bí hết, nhà cửa cũng không có, còn cái vườn cau thì ai đốn hết chỉ còn rơi rớt chừng năm bảy cây mà thôi. Thủ Nghĩa xem vườn xưa cảnh cũ như vậy thì lòng như dao cắt, ruột tợ kim châm, đau đớn thay dâu bể cuộc đời, ngao ngán nỗi thung huyên xiêu lạc. Thủ Nghĩa chơn run lập cập, lụy ứa dầm dề, muốn bước vô mà giở bước chẳng kham, nên ngồi bẹp tại đầu đường mà khóc”.

Tâm trạng của Chánh Tâm não nề khi đi qua không gian kỷ niệm năm xưa.
“Khách đã tan hết, chiều lại Chánh Tâm rủ Trọng Quý đi ra ngoài ruộng hứng mát chơi. Hai anh em thơ thẩn đi trên bờ ruộng qua Ất Ếch.

Tiết tháng Mười, lúa nở xanh đồng, xa xa thấy có vài đám lúa sớm gần chín nên xen màu đỏ đỏ. Chánh Tâm đi được một khúc rồi đứng lại mà hứng phong cảnh.

Đồng ruộng minh mông, trời cao xanh lét, gió hiu hiu mát mặt, nhái chóc chóc rân tai. Chánh Tâm nhắm cảnh một hồi rồi chảy nước mắt mà nói với Trọng Quí rằng: ”Năm tôi mới cưới vợ, tôi dắt vợ tôi xuống dưới này chơi. Chiều mát vợ chồng tôi dắt nhau ra đứng hứng gió lối này, tình lai láng, nghĩa mặn nồng, vợ chồng vui vẻ không biết chừng nào. Bây giờ tôi ra đứng đây tôi thương vợ tôi quá.”

Miêu tả không gian ngoại giới nhằm bộc lộ tâm trạng nhân vật là một thủ pháp nghệ thuật mà trào lưu lãng mạn sau Hồ Biểu Chánh hay dùng. Trong các tác phẩm lãng mạn, thiên nhiên rất nên thơ: núi tím nhạt, biển mơ màng, rừng thông vi vu, đèo cao lộng gió. Thiên nhiên trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh rất chân thực, cụ thể, gần gũi với bối cảnh xã hội bao gồm cuộc sống của những tầng lớp người, mối quan hệ giữa cá nhân với nhau. Có khi đó là những phong tục tập quán ở một địa phương miền Nam mà tác giả đã quan sát và mô tả lại trong tác phẩm. Do đó, bối cảnh thiên nhiên, xã hội trong tác phẩm của ông gần gũi với bối cảnh không gian của trào lưu hiện thực trong giai đoạn phát triển cao độ của nó với những không gian truyện ở làng Vũ Đại của Nam Cao, bến cảng của Nguyên Hồng.

Bắt đầu từ nghệ thuật kết cấu của truyện Nôm và tiểu thuyết chương hồi, Hồ  Biểu Chánh đã học tập và vận dụng nghệ thuật kết cấu của tiểu thuyết phương Tây vào trong tác phẩm của mình và đã có những thử nghiệm khá ấn tượng. Nhưng nhìn chung, các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh trong 30 năm đầu thế kỷ XX vẫn có tính chất quá độ, giao thời. Tác phẩm của ông chủ yếu vẫn là lối kết cấu song tuyến chánh - tà, thiện - ác, chính diện - phản diện. Nhiều tác phẩm vẫn chưa thoát khỏi dấu vết của tiểu thuyết chương hồi. Nhưng đặt trong bối cảnh tình hình văn học thời ấy, đó là một thành công, một đóng góp lớn của Hồ Biểu Chánh vào sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Thạc sĩ  Trà thị Lam Vân
Tài liệu tham klhảo: Bách Khoa Toàn Thư (Internet)

HUY THANH