5/2/13

NHỮNG TRANG NHẬT KÝ VIẾT VỀ MẸ TÔI

NHỮNG TRANG NHẬT KÝ NGÀY TẾT VIẾT VỀ MẸ TÔI

HUY THANH

(Bài đoạt giải cuộc thi văn học đề tài : VIẾT KÝ ỨC VỀ NGƯỜI MẸ VIỆT NAM do Bộ Giáo Dục phát động dành cho học sinh bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp các trường Trung Học Công lập và Tư Thục tại SàiGòn trước năm 1975 )

Thưa mẹ.
Hôm nay là ngày ba mươi Tết , trước bàn thờ của mẹ con xin đốt một nén nhang lòng để tưởng nhớ mẹ, người đã sinh ra nuôi nấng dạy dỗ con khôn lớn thành người. Tuy hôm nay trên đường đời con chưa thật sự bước vào ,chưa vững bước và bên con không còn hình bóng người mẹ thân yêu đã dìu dắt con những bước đầu tiên đến ngôi trường làng nữa. Nhưng con tin rằng mẹ vẫn ở bên con, mãi mãi là bóng mát cho con dù con ở bất cứ lứa tuổi nào trong cuộc sống cho đến ngày con theo về với mẹ.
Trong tập Nhật ký của con ,những trang ký ức mùa xuân viết về hình bóng mẹ thật đầy Nhân dịp cuối năm con xin đọc mẹ nghe một vài đoạn trong làn nhang khói vọng tưởng tri ân  .Mong hồn mẹ linh thiêng về chứng chiếu cho tấm lòng thành của con . Đây là những lời văn con viết từ đáy lòng nên cũng có những đoạn không được gẫy gọn và khúc triết lắm, mong mẹ thông cảm :

Hôm nay là chiều ba mươi Tết, nhà nhà đều chuẩn bị đón giao thừa, các em con đều tắm rửa rất sớm , mặc những bộ quần áo thật đẹp tung tăng chạy chơi sang nhà hàng xóm với phong pháo chuột và cây nhang đốt cầm tay. Con thi giúp ba chùi lại bô lư đồng cho thật sáng để lát nữa cúng cơm đón ông bà về ăn Tết cho hên, cho gặp nhiều may mắn đầu năm.Một vài nhà đón ông bà sớm, mùi nhang thơm bay sực nức cả xóm làng.Rồi những tràng pháo tiểu nổ rền vang ,lâu lâu một tiếng pháo đại ầm lên làm mọị người giật mình trong sự háo hức đón mùa xuân mới.Không biết ai đã khéo chọn thời tiết để đặt tên bốn mùa xuân hạ thu đông đúng với sắc mầu của vạn vật. Mùa xuân dường như mầu nắng  đẹp hơn, hoa cỏ khởi sắc hơn , không khí trong lành hơn.Những công việc nặng nhọc hằng ngày, những lo âu khắc khoải, nhất là chuyện khói lửa chiến tranh đành tạm gác để hưởng những giây phút thanh bình mùa xuân, dù mong manh tạm bợ nhưng thà có còn hơn không .Khi những tràng pháo nổ vừa dứt vẫn còn nghi ngút khói, bọn con nít đổ xô vào "hôi" pháo ,chúng chen lấn, giành giựt nhau nhặt những viên pháo còn sót chưa cháy hay cháy dở để dành đốt lẻ. Mẹ đang hâm nồi canh khổ qua nhồi thịt trong bếp nói vọng ra  :"Thằng Ba coi có đứa em nào đang  "hôi" pháo gọi về ngay, nguy hiểm lắm, nó nổ thì chỉ có tét tay, đừng để Tết nhứt phải đi băng bó mà xui cả năm đó "  .

Lúc đó con mới chợt thấy mình đã lớn,và rất hãnh diện  được mẹ giao cho trọng trách làm anh chăm sóc em nhưng vì con đang mải mê  xem đám đá gà ngoài sân nên nói dối mẹ :" Không có đứa nào mẹ a ". Sỡ dĩ con dám nói dối mẹ vì trong tiếng cãi cọ dành nhau từng viên pháo không có tiếng các em con , lúc đó trong đầu óc con chỉ  nghĩ nối dối thì phải có " căn". Đó là điều con nói dối đầu tiên với mẹ mà con mãi ân hận sau nầy ,bởi mẹ đã từng dạy con làm con không nên nói dối cha mẹ dù là điều cỏn con nhất.   
Kỷ niệm về mẹ ngày Tết đối với con thật nhiều, nhưng hình bóng mẹ gắn bó nhất với con nhất là những chuỗi ngày thơ ấu mẹ đưa đi học.Hồi đó con học ở một trường làng vùng quê, đi học phải qua con đò nhỏ, rồi phải đi trên con đường làng hẹp đắp đất bùn mà mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì nứt nẻ rất khó đi. Lại còn phải qua những cây cầu khỉ chênh vênh đong đưa nhiều lúc như không chịu được sức nặng của mẹ con ta chực gãy ném xuống dòng nước đục ngầu. Những khoảng đường khó đi mẹ thường cõng con đi sợ con té ,nhiều lần con thấy mẹ trợt chân suýt té ngã nhưng mẹ bậm chân xuống đất bùn trụ vững để hai mẹ con khỏi té . Có phải đó là do lòng thương yêu con nên mẹ có sức mạnh thần kỳ đứng vững trước những nhấp nhô của đường đời ?. Con nguyện sau nầy  lớn lên trước những cám dỗ của xã hội loài người, con sẽ trụ vững như mẹ để xứng đáng với bài học hôm nay mẹ day con , có tình thương yêu gia đình và đồng loại là có tất cả .Nếu  mai sau con để mình vấp ngã trên đường đời điều đó đồng nghĩa với sự vong ơn bội nghĩa phải không mẹ ? 
Khi những tiếng ve kêu ran trong bóng mát rợp của hàng cây phượng trồng chung quanh sân trường là con biết mùa hè đã trở về.Mùa hè với con có nhiêu niềm vui lớn là được chơi đùa thỏa thích mà không phải âu lo canh cánh về bài vở như những ngày còn đến lớp trước đây nữa.Nhưng niềm vui lớn nhất của con là sắp trở về thăm mẹ , sắp được nhìn làng quê ta những mùa gặt vui nhộn xóm nhộn làng với mùi lúa chín thơm phưng phức. Để kỷ niệm một năm học dài, chúng con chuyền tay nhau viết lưu bút ,mỗi đứa đều muốn cuốn lưu bút của mình thật đẹp, thật nhiều bài viết của bạn bè nên trang trí những hình hoa văn thật đẹp đầy hoa lá cành.Chúng con cũng đón thầy, cô để nhờ viết lưu bút hầu giữ lại một chút gì gọi là kỷ niệm của những người đã dạy dỗ, dìu dắt chúng con  bước chập chững vào vườn kiến thức khi còn non nớt..Những ngày cuối năm học, lớp chúng con không khí khác hẳn không như những ngày còn trong năm học.Vui như ngày Tết mẹ a, con thấy nắng vàng ngoài song cửa như đẹp hơn, những hoa phượng như thắm đỏ hơn, và nhiều nụ cười tiếng nói trong lớp hơn mà không bị thầy cô la mắng.Ngay cả thầy giám thị, ngày thường chúng con thấy thầy cầm cây roi đi ngoài hành lang lớp xem đưa nào chểnh mảng học không nghe lời thầy giảng là thây kêu ra quất cho vài roi. Lúc đó chúng con ai cũng ghét thầy, thấy bóng thầy từ xa là vội chạy trốn như gặp cọp, nhưng mấy hôm nay sao thầy hiền thế, gặp chúng con thầy cười vui vẻ hỏi tùng đứa chương trình nghỉ hè ra sao ?Thầy cô cũng vậỵ, những thầy nổi tiếng nghiêm khắc nhất suốt một năm không có nụ cười bây giờ khi chúng con cúi chào thầy mỉm cười đưa tay bắt từng đứa.Có lẽ trước viển cảnh chia ly, dù chỉ là thời gian ngắn ai cũng tiếc nuối những cái gì đã qua, dù vui, dù buồn khi nó đã trở thành kỷ niệm, những viên ngọc quý của đời người.Ngày cuối niên học lớp nào cũng giăng hoa,mang đàn trống vào lớp học để "trình diễn văn nghệ" vui tiệc chia tay với thầy với bạn. Bạn con cũng hỏi bãi trường nầy làm gì, con hãnh diện trã lời là : " Về thăm mẹ," vì suốt một năm mãi lo học, hình bóng của mẹ dường như xa khuất trong con, và ít nhiều ,dù không muốn con cũng trở thành đứa con bất hiếu .
Sau khi cúng rước ông bà chiều Ba Mươi Tết  ,chúng con nhận được những bao lì xì mầu đỏ như xác pháo ba mẹ cho sau khi khoanh tay chúc ba mẹ những lời tốt đẹp nhất. Gia đình ta cùng ngồi bên mâm cơm cuối năm, mâm cơn đầy thức ăn ngày Tết như thịt kho trứng, canh khổ qua dồn thịt, lạp xưởng, củ kiệu, dưa giá, cá kho, dưa hấu. Con mặc dù lớn nhưng cũng dành với các em ngồi gần mẹ trong khi ba nói đùa : " Đứa nào cũng dành ngồi gần mẹ còn ba chắc ế quá ", nghe ba nói vây con thấy thương ba vô hạn nên ngồi xích lại gần ba. Trong cuộc sống, con thấy người cha cũng có công lao dưỡng dục con cái đâu có thua kém gì người mẹ, thế mà tại sao trong văn chương họ lại dành những bài viết ca tụng công đức người mẹ nhiều hơn , đó có phải là điều bất công không ?  Cả gia đình đang vui vẻ ăn cơm bỗng con thấy mẹ buông đũa nét mặt u buồn nhìn ra cửa.Con và ba như hiểu được mẹ đang nghĩ gì, ba con nói như an ủi mẹ : " Thì nó nói mồng bốn Tết nó về mà ,còn mấy ngày nữa thôi, giờ nầy nó bận hành quân, lính với tráng thì Tết với nhất gì ". Con biết mẹ đang nhớ tới anh Hai con giờ nầy đang ở một nơi nào xa lắm,không biết giờ nầy anh có mơ nghĩ tới một mái gia đình xum họp bên mâm cơm cúng ông bà cuối năm không, điều mơ ước quá đơn giãn nhưng giữa thời buổi chiến tranh nó đã trở thành khó khăn, khắc nghiệt đối với những chiến binh dù họ đứng ở phía bên nầy hay bên kia chiến tuyến .Cuộc sống có những điều vĩ đại bỗng trở nên tầm thường và cũng có những cái tầm thường bỗng trở nên vĩ đai. Mẹ thở dài xẻ trái dưa hấu cho cả nhà ăn, để mẹ khỏi buồn con pha trò " Ô, dưa hấu đỏ quá hên rồi mẹ ơi, chắc anh Hai về sớm đó." Con bỗng thấy ánh mắt mẹ lóe lên niềm hy vọng ,nhưng rồi vội chợt tắt như cái mong manh của vệt nắng chiều trên bãi rau trước cửa nhà.
Buổi tối đêm giao thừa me con ta quây quần bên nồi nấu bánh tét chờ trời sáng, nhìn ngọn lửa cháy bập bùng mẹ nói như nói với một cõi xa xăm nào đó : " Không biết Tết nầy anh Hai con ngoài đơn vị có bánh chưng, bánh tét , dưa hấu ăn không . Hồi còn nhỏ nó thích ăn dưa hấu sau khi ăn cơm, và ăn bánh tét với dưa chua củ kiệu " . Ôi chỉ có người mẹ mới quan tâm tới con từng miếng ăn giấc ngủ từ thời thơ ấu đến khi khôn lớn. 
Giữa đêm giao thừa con thấy mẹ đứng thắp nhang trên bàn thờ ông bà, mẹ khấn vái những gì con nghe không rõ nhưng con biết chắc rằng điều khấn vái của mẹ là mong sự bình yên của anh Hai con. Khấn vái xong con thấy mẹ âm thầm ngồi lau nước mắt trong bóng tối mờ mờ của ngọn đèn cầy leo lét cháy. Chợt nhiên con có ý nghĩ mẹ chính là cây đèn cầy đó, lòng mẹ mông mênh rộng như khỏang không, nhưng ánh sáng tâm hồn mẹ thì yếu ớt, chỉ chỉ đủ soi sáng một góc nhỏ trên bàn thờ, đó là cái góc nhỏ mà tuổi bé thơ của anh em chúng con đã gởi vào trong ký ức của mẹ. Mẹ ngồi đó cầu kinh với cái bóng lờ mờ tranh tối tranh sáng của cuộc đời.Mắt mẹ nhắm lại vọng tưởng xa xôi.
Một vài tiếng đại bác nổ xa xa lúc đầu còn chậm từng nhịp nhưng sau nhanh dần,chắc trận chiền ở đó càng ngày càng khốc liệt

Con thấy mẹ lau nước mắt .Lời kinh mẹ bị tắt quãng khi phải dừng lại lắng nghe tiếng bom nổ vọng lại rung rinh cánh cửa nhà.Từ đó con thấy mẹ ưu tư hơn, ít nói hơn, buồn hơn .Rồi mồng bốn Tết anh Hai con vẫn chưa về .Mẹ ra vào trông đứng trông ngồi, mẹ thức khuya dậy sớm cầu kinh thật nhiều, ăn com thật ít .Gia đình ta lại rơi vào sự buồn tẻ, trừ các em con còn bé nhỏ chưa biết gì .  Ba, me, và con mỗi người dường như sống trong một thế giới riêng của mình,những trầm tư suy nghĩ không ai nói với ai , vì một lời nói lúc nầy sẽ như ngòi nổ tung ra những đau thương bật lên thành tiếng khóc mà từ lâu ai cũng đè nén trong lòng.

Rồi tin anh Hai con tử trận đến với mẹ vào buổi sáng chưa hết mùa xuân, mẹ đã ngất xỉu khi nước mắt không còn gịọt nào nữa, con và các em con cũng khóc vùi, chỉ có ba là mím mội chịu đựng nén lòng không khóc lên thành tiếng, nhưng nước mắt của ba lại cứ tuôn trào.Hình như đây là sức chịu đựng cuối cùng của người đàn ông ở tuổi xế chiều vì sau đó một tháng ba con mất.,mất trong sự đau khổ và nhớ thương anh Hai.Nhà ta đã tang tóc lại bao trùm tang tóc. Mẹ hết đưa tang con đến vấn tang chồng.Con đã mấy lần xin mẹ cho nghỉ học để ở nhà giúp nhưng mẹ không cho, mẹ nói con phải lo học để mai sau thành người hữu ích cho xã hội.Con chợt nhớ bài Chí Làm trai của Nguyễn Công Trứ : " Có trung hiếu nên đứng trong trời đất .Không công danh thà nát với cỏ cây " cho nên từ đó con đã cố gắng học, tháng nào con cũng đứng tên trong Bảng Danh Dự lớp cả mẹ ạ.

Một sáng  thức dậy con  thấy mẹ ngồi trước bàn thờ để di ảnh ba và anh Hai con .Mẹ cầu kinh từ lúc nào không biết, có lẽ từ lúc gà chưa gáy sáng .Con đau đớn khi thấy mẹ đã cạo đầu, mái tóc từ xanh đến bạc của mẹ không còn nữa ,mẹ từ giã mái tóc như từ giã quãng đời thơ ấu thiếu nữ vô tư, một đời làm vợ, làm dâu , làm mẹ nhiều trắc trở trong thân phận làm người . Mẹ ơi, có phải từ nay cuộc đời của mẹ chỉ có tương lai mà không còn dĩ vãng ? vì những người đúng ra ở tương lai nhưng đã đi vào dĩ vãng sớm hết rồi. Thôi thì  mẹ cũng đành giã từ thơ ấu với những cánh bướm trưa hè bên giàn hoa bí vàng vọt sau nhà, những tiếng trống trường thúc giục miền ký ức hoài cổ, những mộng ước thanh xuân mà nửa đời mẹ không tìm thấy dù trong giấc mơ đạm bạc  Con muốn ngồi dậy ôm choàng mẹ , gục đầu vào ngực mẹ khóc rưng rức như hồi còn thơ bé  để chia sẻ với mẹ niền đau  đớn nầy, niềm đau tiếp nối từ sợi dây thiêng liêng của tình mẫu tử nhưng vì tôn trọng những giờ phút cầu kinh của mẹ nên con không dám làm.
Từ đó, con thấy mẹ ít nói, sáng trưa chiều tối gì mẹ ngồi ngoài hiên trầm tư, ngẩn ngẩn ngơ ngơ như chờ một người nào trở về từ cõi xa lắm . Con thấy mẹ  lấy chiếc áo của ba và anh Hai, mẹ ôm áo hôn hít âu yếm rồi mẹ khóc, con cũng khóc theo. Bỗng mẹ hét lên : " Kìa máy bay đến rồi ,con ơi , chui xuống hầm mau, Hai ơi ,Ba ơi mấy em con đang ở đâu về với mẹ, mẹ con ta xuống hầm trốn mau." . Sau câu nói mẹ cười, rồi mẹ lại khóc. Nhưng con lại khóc nhiều hơn mẹ vì  biết mẹ quá khổ đau đã mất trí rồi .

Những ngày sau đó mẹ vẫn ngồi ở hiên nhà từ sáng sớm đến chiều, mẹ thường kêu tên anh Hai nói lảm nhảm những gì không rõ, thời gian cứ thế lại trôi qua cho đền ngày mẹ mất.

Thưa mẹ
Con vừa đọc cho mẹ nghe tập Nhật Ký của con viết về mẹ những ngày Tết xa xưa , xin hương hồn mẹ nghe bằng tấm lòng con chứ không bằng câu văn, câu chữ vì con học hành chưa nhiều, viết câu văn chưa xuôi. Nhân dịp Trường con tổ chức cuộc thi Văn viết những cảm nghĩ về Mẹ,vinh danh những tấm lòng, đức tính cao cả của người mẹ Việt Nam con đánh bạo trích tập Nhật Ký nầy để dự thi. Dù con có đoạt được giải hay không con không cho đó là quan trọng ,mà quan trọng là để có người hiểu tấm lòng con  yêu mẹ giữa một xã hội chiến tranh đầy đau thương loạn lạc nầy.

HẾT

HUY THANH

( Cựu học sinh trường Trung Học Công Lập Pétrus Trương Vĩnh Ký SàiGòn trước năm 1975)    Bài đăng lại .     
                        
 photo HT-EMT132.jpg x_3d5eb2fd