3/7/13

THAM LUẬN :TẢN MẠN TỪ BÀI HÁT TRẢ LẠI EM YÊU KHUNG TRỜI ĐẠI HỌC .


THAM LUẬN: 

TẢN MẠN TỪ BÀI HÁT 

TRẢ LẠI EM YÊU
KHUNG TRỜI ĐẠI HỌC  (1)

Lời bạt ngắn: Viết với tất cả tấm lòng tri ân các cô, các thầy đã dẫn dắt những thế hệ chúng em cỡi sóng bơi qua những đại dương kiến thức tuyệt vời. 

 photo HT-EMT-5.jpg


HUY THANH 




1-NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI CÙNG TUỔI:

Mới đó mà 38 năm trôi qua kể từ khi tôi rời mái trường Đại Học Luật Khoa cũ, nơi đó có biết bao kỷ niệm buồn vui thời còn sinh viên với những tình yêu , lý tưởng và mộng ước không thành. Ở tuổi đó tình yêu như một trái chín ngọt đầu mùa ,những hoài bão lớn dậy như một mầm cây đang nhú. Những sáng, những trưa, những chiều rời giảng đường lang thang trên con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Ngồi uống cà phê ở bờ hồ con Rùa, nghe tiếng chuông nhà Thờ Đức Bà đồng vọng từng hồi sau hồi kinh tan lễ. Những cái lắng dịu êm đềm, mông mênh dường như còn quanh quẩn đâu đây trong ký ức, gợi nhớ, gợi thương, tưởng chừng như xa vắng mà gân gũi, nhẹ nhàng nhưng nặng trĩu một nỗi nhớ vô bờ .
Bước vào ngưỡng cửa Đại Học với một tâm hồn không còn bé thơ, tôi đã chọn ngành học Luật với những hoài bão tương lai thật lớn, cho xã hội bớt những niềm đau, cho những bất công không còn trên một mảnh đất có quá nhiều chủ thuyết mơ hồ, đầy đạn bom  cày xới này nữa.

Sau khi thi đậu bằng Tú Tài 2 năm 18 tuổi, tuổi trẻ chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về tương lai của mình giữa nửa đất nước mà mỗi ngày luôn nghe tiếng bom đạn ngày đêm, những bản tin chiến sự, những phân ưu, ai điếu, chia buồn đăng đầy dẫy trên nhiều trang nhật báo hằng ngày. Đi học ngày nào cũng gặp nhiều đám tang trên đường phố, tre già khóc măng, vợ trẻ khóc chồng, con thơ khóc cha, những người góa phụ còn ngây thơ vấn vội khăn tang trên đầu khi chưa lau khô dòng lệ.
Thời đó.học sinh, sinh viên chúng tôi chỉ có một con đường duy nhất để không tham dự cuộc chiến là học, phải học thật giỏi, không được thi rớt, không được lưu ban năm học để được hoãn dịch vì lý do học vấn. Vì chỉ cần thi hỏng, ở lại lớp một năm là phải vào lính, cầm súng, coi như đánh đổi tương lai với số phận riêng của mình trong số phận chung của đất nước mà theo nhạc sĩ Trịnh công Sơn là " Một nghìn năm đô hộ giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày , gia tài của mẹ để lại cho con,gia tài của mẹ là nước Việt buồn ".
Theo Chương Trình dạy Đại học lúc đó , bậc Đại Học gồm các trường phải thi tuyển vào là Y Khoa , Dược Khoa , Kỹ sư Công Chánh , Đại Học Sư Phạm, Quốc Gia Sư Phạm , Quốc Gia Hành Chánh , Đại Học Kiến Trúc , Đại Học Nông Lâm Súc . Các trường chỉ ghi danh học là Văn Khoa , Luật Khoa và một số trường Đại Học tư như Vạn Hanh, Minh Đức. Tri Hành ..

Vì chỉ ghi danh vào học nên số sinh viên Trường Luật quá đông ( năm thứ nhất lên đến khoảng 38.000 sinh viên ) , ngoài những sinh viên thuần túy đi học , còn có các sinh viên là công chức, quân nhân. các tầng lớp buôn bán , giáo chức, trí thức xã hội khác đủ mọi thành phần cũng ghi danh vào học để mong có thêm bằng cấp hầu đổi đời trong thăng quan tiến chức . Vì số sinh viên quá đông như vậy nên nhà trường chia thành hai ban : Ban A và Ban B cho dễ quản lý và mượn cả rạp Thống Nhất để làm giảng đường .

Để giúp các sinh viên năm thứ nhất là quân nhân, công chức , thành phần không thể đến trường học trực tiếp mà chỉ mua cours , sách giáo khoa về nhà tự học theo sát được bài giảng, tiến độ dạy của thầy trong giảng đường , năm 1973 Ban Đại Diện Sinh Viên lúc đó có ấn hành một Nguyệt San Bản Tin Học Tập nội dung ghi nhận ,cập nhật các bài day của các Giáo Sư để cho Sinh Viên tiện việc theo dõi học hành khi ở nhà . Ngoài ra các sinh viên đàn anh còn viết những bài chia sẻ ,bổ sung kiến thức, kinh nghiệm của mình trong học tập và thi cử cho các thế hệ sinh viên đàn em lớp dưới
Nguyệt San Bản Tin Học Tập đó Ban Đại Diện Sinh Viên mời tôi làm Chủ Bút ,anh Nguyễn Tấn Nam làm chủ nhiệm, cô Huỳnh Lê làm Tổng Thư Ký .





A -Ảnh chụp Đại Học Luật Khoa năm 1973 khi còn là ngôi trường cũ , Huy Thanh ngồi hàng trên, người thư 5 từ bên trái đếm sang , mặc áo sậm .




B - LS Huy Thanh 1975 (mặc phẩm phục luật sư chuẩn bị ra biện hộ trước tòa )



C- Ảnh thẻ Sinh Viên cũ năm thứ nhất của cựu S.V Luật Vũ thị Thu Yến tức Blogger Én Mùa Thu ( Thu Yến Vũ ) năm 1975 gởi theo lời đề nghị giúp đỡ của Huy Thanh để đăng làm tư liệu viết bài nầy .




D- Video Clip bản nhạc " Trả lại em yêu " của nhạc sĩ Phạm Duy viết về trường Luật do ca sĩ Elvis Phương trình bày .

Trả lại em yêu khung trời đại học / Con đường Duy Tân cây dài bóng mát / Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát / Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhòa ./ Trả lại em yêu khung trời mùa hạ / Ngọn đèn hiu hiu nỗi lòng cư xá / Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má /Tóc em thơm nồng dáng em hiền hòa ./Anh sẽ ra đi về miền cát nóng /Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng /Anh sẽ ra đi về miền mênh mông / Cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng ./ Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó / Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ / Đem nỗi thương yêu vào miền thương nhớ / Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về /.Trả lại em yêu con đường học trò / Những ngày thủ đô tưng bừng phố xá /Chủ Nhật uyên ương hẹn hò đây đó / Uống ly chanh đường uống môi em ngọt ./ Trả lại em yêu mối tình vời vợi / Ngôi trường thân yêu bạn bè cũ mới / Đường buồn anh đi bao giờ cho tới / Nỗi đau cao vời nỗi đau còn dài .
 

TRẢ LẠI EM YÊU / TRẢ LẠI EM YÊU .....MÂY TRỜI XANH NGÁT

2- LỊCH SỬ TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT KHOA SÀI GÒN 

Trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn được thành lập từ năm 1955 ( sau Hiệp Định Geneve năm 1954 chia cắt đất nước) nhằm đào tạo các nhà trí thức có kiến thức luật học ở Miền Nam Việt Nam .


Trước năm 1933, chính quyền bảo hộ Pháp đã cho thành lập một trường luật lấy tên là Trường Cao Ðẳng Pháp Chính Ðông Dương( Ecole Supérieure D'Aministration Indochinoise) đặt trụ sở tại Hà Nội, nhằm đào tạo một tầng lớp quan lại người bản xứ cho guồng máy cai trị ba nước thuộc địa Ðông Dương là Việt, Miên, Lào. Người Việt thường gọi trường này là Trường Hậu Bổ. Về sau trường được đổi tên thành Trường Cao Ðẳng Luật Học( Ecole Supérieure De Droit).

 Những người đầu tiên tốt nghiệp trường nầy vào năm 1936 , có thể kể: LS. Vũ Văn Hiền, LS. Hoàng Cơ Thụy, LS. Trần Văn Trí , năm 1938 gồm GS. Vũ Văn Mẫu , GS. Vũ Quốc Thúc, năm 1942 gồm GS Nguyễn Cao Hách v..v.

GS. Vũ Văn Mẫu(1955-1957), GS. Vũ Quốc Thúc( 1957-1963), GS. Nguyễn Cao Hách( 1963-1967), GS. Nguyễn Ðộ( 1967-1971), GS. Bùi Tường Chiểu(1971-1973), GS. Vũ Quốc Thông (1973-1975). 
Một số GS tốt nghiệp trong các khóa đầu tiên này có giữ những chức vụ trong chế độ chính trị tại Việt Nam như: LS. Vũ Văn Hiền( Bộ Trưởng Tài Chánh trong nội các Trần Trọng Kim thành lập năm 1945) . LS. Phan Anh, (Bộ Trưởng Thanh Niên chính phủ Trần Trọng Kim và năm 1946 là Bộ Trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Hồ Chí Minh ) , LS Dương Ðức Hiền (Bộ Trưởng Thanh Niên trong chính phủ Hồ Chí Minh ).LS Vũ Văn Mẫu ( Bộ Trưởng Ngoại Giao chính phủ Ngô Ðình Diệm, từ chức năm 1963 và được Tổng Thống Dương Văn Minh bổ nhiệm làm Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà năm 1975 ) Sau Hiệp Ðịnh Genève năm 1954 chia cắt đất nước, Trường Luật Hà Nội chuyển vào Miền Nam, lấy tên là Luật Khoa Đại Học Đường Sài gòn ( Faculté De Droit) trực thuộc Viện Ðại Học Sài Gòn. Các vị Khoa Trưởng sau đây đã lần lượt phụ trách Trường Luật của chúng ta:

GS. Vũ Văn Mẫu(1955-1957), GS. Vũ Quốc Thúc( 1957-1963), GS. Nguyễn Cao Hách( 1963-1967), GS. Nguyễn Ðộ( 1967-1971), GS. Bùi Tường Chiểu(1971-1973), GS. Vũ Quốc Thông (1973-1975). 

Như vậy GS. Vũ Quốc Thông là vị Khoa Trưởng cuối cùng đến 30-4-1975.
Ban đầu Trường Luật Saigon dạy theo chương trình Ðại Học Luật Paris của Pháp. Sau này, trường Luật có một số Giáo Sư tốt nghiệp từ Hoa Kỳ về giảng dạy, giáo trình, tài liệu giáo khoa mới được mở rộng thêm theo các trường Luật của Mỹ.

Sự thay đổi chương trình giảng dạy cùng lúc với sự xây dựng lại trường ốc đã làm mất đi hình ảnh ngôi Trường Luật cổ kính (vốn là một trường Tiểu Học Pháp) với biết bao kỷ niệm buồn vui của nhiều thế hệ cựu sinh viên Luật khoa chúng tôi . Thay vào đó, một cơ sở trường ốc kiến trúc tân kỳ theo lối Mỹ ngay trên nền xưa đường cũ từ năm 1973 chưa kịp hoàn thành, thì chế độ VNCH sụp đổ, kéo theo bao hoài bão, ước mơ tương lai của những thế hệ sinh viên chúng tôi tan tác như đàn ong vỡ tổ .

3- CƠ CẤU KIẾN TRÚC CƠ SỞ CŨ VÀ MỚI

Trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn cơ sở là một trường Tiểu Học cũ của Pháp để lại, mặt tiền ở số 17 đường Duy Tân cây dài bóng mát. Nhìn chung ngôi trường trông giống một ngôi chùa cổ hơn là một trường Đại Học.

Ngoài văn phòng Khoa Trưởng và phòng hành chánh và thư viện, lúc đầu trường chỉ vỏn vẹn có 4 giảng đường. Giảng đường lớn nhất chứa được khoảng 100 sinh viên. Mãi về sau này , năm 1973 Trường mới được xây lại theo một kiến trúc tân kỳ có hai tầng lầu. Phòng hành chánh được đặt ở tầng trệt ngay phía cổng vào để tiện cho sinh viên ghi danh học. Một cầu thang lớn dẫn lên một phòng lớn lầu trên, dùng làm nơi sinh hoạt hay tổ chức các buổi lễ qui tụ đông đảo sinh viên. Kế liền phòng này vào phía trong là một toà nhà có hai lầu, sắp theo hình vuông vây quanh một sân nhỏ ở giữa.Một hành lang rộng, sinh viên có thể đi lại bốn xung quanh. Các phòng dưới đất dành làm giảng đường. Trên lầu kế cận với phòng sinh hoạt lớn vừa kể là phòng Khoa Trưởng và phòng Phụ Tá Khoa Trưởng ở phía trái. Phòng ốc còn lại dùng làm lớp học. Thư viện được đưa lên lầu 2 và một số phòng ở tầng này được dùng làm lớp học. Một đại giảng đường đã được xây cất vào năm 1975 có sức chứa khoảng 300 sinh viên. Kiến trúc mới nầy có hai cổng , một cổng cũ quay ra đường Duy Tân ( bây giờ là đường Phạm Ngọc Thạch ) và một cổng quay ra đường Phan đình Phùng ( bây giờ là đường Nguyễn đình Chiểu ). Hiện nay trường đã đổi tên là Trường Đại Học Kinh Tế TP HCM .

4- SỐ LƯỢNG SINH VIÊN THEO HỌC 

Về số lượng sinh viên , vào khoảng cuối năm 1960 trở đi, số sinh viên ghi danh tăng nhanh .Năm 1970 đã có trên 15000 sinh viên ghi danh học Năm thứ nhất. Hệ quả là con số sinh viên quá lớn so với khả năng trường ốc, với số phòng ít lại nhỏ hẹp, số giáo sư ít ỏi. Vì thế Trường phải mượn cả rạp Thống Nhất, sau đó lại mượn nhửng giãng đường của các Đại Học khác như Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đường Trần Quốc Toản (nay là 3 tháng 2 ), Trung Tâm Y tế Sinh viền đường Trần Hoàng Quân v..v.để giảng dạy sinh viên Cử Nhân năm thứ. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1973, cơ sở bán hàng PX của Mỹ có sức chứa khoảng 1000 sinh viên đã có lúc được mượn làm giảng đường cho sinh viên năm thứ 1 và năm thú 2 Hai Ban Cử Nhân.

5- MÔN HỌC VÀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY BAN CỬ NHÂN


Trường Ðại Học Luật khoa Sài Gòn được tổ chức và điều hành bởi một Hội Ðồng Khoa với các Giáo Sư là thành viên, bầu ra Khoa Trưởng và Phụ Tá để điều hành công việc. Hội Ðồng Khoa quyết định chính sách, chương trình giảng dạy, tự tuyển Giáo Sư mà không có sự can thiệp của Bộ Quốc Gia Giáo Dục (thời đó nền Đai Học miền Nam được tự trị).  Bên cạnh Hội Ðồng Khoa là một Ban Hành Chánh do một Tổng Thư Ký điều hành. (Ông Nguyễn thượng Kiên Đốc Sự Hành Chánh thời tôi theo học)

Trường Ðại Học Luật khoa Sài Gòn tổ chức theo mô hình của Ðại Học Paris, nhưng có điểm khác là Luật Khoa Sài Gòn chỉ có ba ban: Ban Công Pháp, Ban Tư Pháp và Ban Kinh Tế, còn Luật khoa Paris thêm Ban Pháp Chế Sử với hai môn chính Droit Romain ( Luật La Mã ) và Ansien Droit( Luật Pháp Quốc trước cuộc cách mạng 1789)

5.1 - Ban Công pháp (Droit public ) gồm các môn chính:Luật Hiến Pháp ( Droit constitutional ), luật Hành Chánh ( Droit administrantif) và luật Công Pháp Quốc Tế (Droit international public )

5.2 -Ban tư pháp( Droit privé) gồm các môn chính :
Dân Luật ( Droit civil), Hình luật ( Droit penal) Luật Thương Mại(Droit commercial) và luật Quốc Tế Tư Pháp( Droit international privé)

5.3- Ban kinh tế (Économie Politique) gồm các môn chính:
Phân Tích Kinh Tế (Analyse economique), Lịch Sử Các Học Thuyết (Histore Des Doctrines) và Ðịa Lý Kinh Tế Phát Triển (Geographie Économique Development).

Sau nầy đến đời tôi học , thì chế độ học cử Nhân ba năm bị bãi bỏ và thay vào đó là phải học 4 năm.
Hai năm đầu là những môn học tổng quát về Kinh Tế  Chánh Trị, qua năm thứ 3 sinh viên phải chọn ban theo sở thích mình học để hành nghề sau nầy là Ban Công Pháp, ban Tư Pháp hay ban Kinh Tế.

A- Ban Công Pháp học chuyên đề về Công Pháp , đậu xong Cử Nhân , bạn có thể thi vào ngạch Thẩm Phán Xử Án hay Công Tố với chức vụ Biện Lý là một sĩ quan cao cấp ngành luật pháp ngang hàng cấp bậc Đại Tá . Bạn cũng có thể làm những chức vụ cao cấp khác như Giám Đốc , Thứ Trưởng, Bộ Trưởng trong guồng máy lãnh đạo đất nước .

B- Ban Tư Pháp học chuyên đề về Tư Pháp , đậu xong Cử Nhân bạn có thể hành nghề Luật Sư sau khi tập sự 3 năm với một Luật Sư nổi tiếng thường là thầy dạy học của mình. Trong thời gian tập sự , bạn cũng có thể được tham dự , tranh tụng trước Tòa với tư cách một Luật Sư Dự Bị .
Năm 1973 , tôi đậu bằng Cử Nhân Luật Ban Tư Pháp, năm 1975 ,tôi đã là một Luật Sư Tập Sự năm thứ hai tại Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn .
Song song thời gian đó, tôi cũng ghi danh học tiếp ban Cao Học Luật ( Ban Tiến Sĩ ) tại trường Luật Sai Gòn , đến năn 1975 tôi học dang dở năm Cao Học 2 thì giải phóng .

Mãi đến sau nầy năm 1979 khi sang Pháp , tôi học trường Đại Học Sorbonne Paris và lúc nầy tôi mới bảo vệ thành công Luận Án Tiến Sĩ của mình

Ngoài ra học ngành Tư Pháp, bạn cũng có nhiều cơ hội làm các chức vụ cao cấp trong bộ máy công quyền nhà nước .

C- Ban Kinh Tế
học chuyên đề về Kinh Tế, đậu xong Cử Nhân, bạn có thể hành nghề Chuyên viên Kinh Tế, Cố vấn Kinh Tế, Giáo Sư Đại Học hay giữ các chức vụ quan trọng liên quan đến ngành Tài Chánh , Ngân Hàng của Chánh Phủ.

Tuy là chia làm 3 Ban như vậy, nhưng không bắt buộc bạn phải chọn nghề theo Ban mình học, với bằng Cử Nhân Luật, bạn có thể hành nghề bất cứ lãnh vực nào nếu xã hội cần bạn. Thí dụ ban Công Pháp bạn có thể hành nghề Luật Sư , Ban Tư Pháp bạn có thể vào làm Thẩm Phán , ban Kinh Tế bạn làm Luật Sư nếu thích ..v..v.. 

Câu nói của một giáo sư nổi tiếng trường Luật mà sinh viên nào cũng biết khi đề cập đến ngành Luật học như sau : " Ngành Luật Học không đào tạo ra những chuyên viên mà đào tạo ra những thuyết gia , những người không chuyên một nghề nào cả nhưng có khả năng với tất cả mọi nghề "

Thời tôi theo học Ban Cử Nhân hệ 4 năm tôi nhớ mình đã học các môn sau đây :

Luật Hiến Pháp, Dân Luật, Tài Chánh Công, Luật La Mã, Luật Đối Chiếu ( môn nầy học và làm bài thi bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp ). Luật Hành Chánh, Quốc Tế Tư Pháp, Quốc Tế Công Pháp, Dân sự tố tụng Hình luật, Hình luật đặc biệt , Bang Giao Quốc Tế, Luật Hàng Hải, Luật Hàng Không, Kinh Tế Việt Nam, Phạm tội học, Kinh toán học, Cổ, Luật Việt Nam, Luật thuế vụ, Luật Gia Đình, Danh từ Kinh Tế, Luật Thương Mại, Dân sự tố tụng, Hình sự tố tụng, Chánh sách Bang Giao Quốc Tế các nước vùng Đông Nam Á , Luật lao động ...v..v.,

6- BIỂU TƯỢNG PHÁP LÝ VÀ PHẨM PHỤC KHI RA TÒA:


Vì giảng dạy theo Chương trình Luật Pháp Âu Mỹ nên biểu tương ngành Luật Pháp của miền Nam lúc đó là là bức tượng Thần công lý bằng đồng đen ,một tay cầm thanh gươm tương trưng cho hình phạt, một tay cầm cái cân ở thế cân bằng tượng trưng cho công lý .

Khi ra Tòa ,các Thẩm Phán Công tố (giống như Viện kiểm soát bây giờ) mặc áo rộng mầu đỏ (tòa áo đỏ) , các Thẩm Phàn Xử Án (giống như Chánh Án va Hội Đồng xử Án bây giờ ) mặc áo rộng mầu đen (Tòa Áo đen). Còn Luật Sư thì mặc áo rộng mầu đen có viền lông thỏ trắng, trên cổ thắt một dãy nơ trắng tượng trưng cho trắng, đen phải rõ ràng.

Đó là phẩm phục chung Quốc Tế về ngành Tòa Án khi xét xử mà hầu hết các nước trên thế giới thuộc các nước tư bản thường sử dụng ,tôn trọng Nó toát lên cái dáng vẻ uy nghi, đường bệ của Luật Pháp làm con người phải run sợ khi đối diện với Công Lý hơn là mặc những chiếc áo veste, đeo lon hàm, thắt cravatte bình thường như bây giờ.


7 - CHƯƠNG TRÌNH HỌC BAN CAO HỌC:

Khi đậu xong bằng Cử Nhân Luật, bạn có thể ghi danh học Ban Cao Học, chương trình học 2 năm, bạn phải thi lấy bằng Cao Học 1 và Cao Học 2 bằng một tiểu luận mỗi năm. Sau khi đậu hai bằng Cao Học bạn có thể nhờ một vị Giáo Sư đỡ đầu cho bạn viết Luận Án Tiến Sĩ theo đề tài tự chọn. Những vấn đề viết trong Luận án Tiến Sĩ của bạn nằm trong các môn học từ Cử Nhân 1 đến Cử Nhân 4 và hai năm Cao Học mở rộng. Những vấn đề đó bạn phải triển khai thêm nhiều ở phần lý luận, nhận định, đề nghị xây dựng hoặc cải cách hay hơn, tốt hơn trong phạm vi đề tài đã chọn. Bạn phải biện luận như thế nào để thuyết phục được Ban Giám Khảo trình độ là những chuyên viên Cao Cấp Luật Pháp trên Thế Giới , bậc thầy của bạn .
Vì trong Luận Án Tiến Sĩ có phần quan hệ vối Quốc Tế là môn Luật Đối Chiếu ( Droit Comparé) , nên bạn phải viết , nói rành ít nhất một ngoại ngữ là Anh hay Pháp . Bạn có thể trình bày Luận Án bằng cách nói, hay viết bằng tiếng ngoại ngữ Anh hay Pháp đó, và trả lời đối đáp bằng tiếng ngoại ngữ khi Ban Giám Khảo chất vấn bạn ,trong đó có một số Giám Khảo người ngoại quốc từ các Đại Học Mỹ hay Pháp sang giảng dạy .
Học vị Cử Nhân ,Tiến Sĩ Luật tại miền Nam thời đó được công nhận là ngang hàng với các học vị các trường Đại Học Luật Âu Châu và Mỹ Châu vì học ngang tầm cùng một Chương Trình .

Năm 1975, tôi đang theo học Ban Cao Học, đang chuẩn bị viết luận Án Tiến Sĩ thì giải phóng nên sự nghiệp học vấn dang dở nửa chừng. Tôi phải nghỉ học một thời gian để tìm kế sinh nhai từ lao động trí óc như đi dạy học tư, buôn bán quần áo cũ ,bán thuốc tây ở chợ trời đến những nghề lao động chân tay như bốc vác gạo, sửa vá xe đạp ngoài lề phố.
Thậm chí năm 1979, khi sang Pháp, tha phương cầu thực trên xứ người, tôi còn làm nghề cắt cỏ, chăn bò, làm thợ hồ, hái nho, quét đường để có tiền đi học. Những đêm hiu quạnh, nằm lẻ loi co người để tránh cái rét của từng cơn mưa tuyết, chợt một tiếng khóc trẻ con nửa khuya từ đâu vọng lại , giọng  người mẹ Việt Nam ru hời trong đêm hai câu thơ : 

" Con ơi đừng khóc chi con
"Sống nhờ đất khách chết chôn quê người "

Tiếng ru nghe thật thảm não ,lúc đó tôi thèm khát được trở về quê hương, một giấc mơ mà mãi hơn hai mươi năm sau tôi mới thực hiện được.
Một ngày tháng mười năm 2000, chiếc máy bay đáp xuống phi trường, đôi bánh xe của nó đáp xuống phi đạo, trái tim tôi run lên như muốn rạn vỡ thành nhiều mảnh vui buồn  lẫn lộn. Hình như có một xúc động nào len vào tâm hồn tôi khi được về quê cha đất tổ, dù là về với nỗi ngậm ngùi của vị khách lạ mang quốc tịch một nước nào xa lắm từ bên kia đại dương.    


8- THÀNH PHẦN GIÁO SƯ GIẢNG DẠY:

A- Ban Công Pháp: 
GS. Vũ Quiốc Thông (Trưởng Ban) và các Giáo Sư: 
Nguyễn Ðộ, Nguyễn Văn Bông, Lưu văn Bình, Lê Ðình Chân( Người đầu tiên trình luận án Tiến Sĩ tại Việt nam sau ngày độc lập), Tăng Kim Ðông, Trần Thị Hoài Trân, Nguyễn Xuân Lai, Nguyễn Văn Canh, Lê Quý Chi và giáo sư Trần Như Tráng.

B- Ban Tư Pháp: 
Giáo Sư Vũ Văn Mẫu (Trưởng Ban) và các Giáo Sư: 
Bùi Tường Chiểu, Lê Tài Triển, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Huy Chiểu, Trần Văn Liêm, Nguyễn Quang Quýnh, Nguyễn Văn Thành, Vũ Tâm Tư, Nghiêm Xuân Việt, Vũ Thị Việt Hương, Ðặng Thị Tám và Hà Như Vinh.

C-Ban Kinh Tế:
Giáo Sư Vũ Quốc Thúc,(Thạc Sĩ Kinh Tế là Trưởng Ban ) và các Giáo Sư: 
Nguyễn Cao Hách, Mai Văn Lễ, Phan Tấn Chức,Châu Tiến Khương, Trần Thiên Vọng, Hồ Thới Sang, Nguyễn Hải Bình, Vũ Quốc Thùy, Phạm Văn Thuyết, Nguyễn Văn Ngôn, Tôn Thất Trung Nghĩa, Bùi Tường Huân và Trịnh Ðình Khải.


D- Thành phần Giáo Sư giảng dạy thỉnh giảng:

Ngoài ra nhà trường còn mời thêm một số vị Thẩm Phán, Chánh Án hay Luật Sư đến giảng dạy một số môn chuyên biệt, như :

Cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Văn Lương dạy môn Phạm Tội Học, 
Cựu Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành dạy môn Thông Tin Báo Chí, 
Cựu Thẩm Phán Mai Văn An dạy môn Luật Hàng Hải, 
Cựu Chánh Nhất Toà Thượng Thẩm Sài Gòn Nguyễn Huy Ðẩu dạy môn Dân Sự Tố Tụng ,
Cựu Chánh Án Phòng Toà Thượng Thẩm Sài Gòn Nguyễn Văn Hảo dạy môn Hình Sự Tố Tụng, 
Luật Sư Bùi Huy Sơn dạy môn Dân Sự Tố Tụng. 

Trường cũng mời một số Giáo Sư thuộc học viện Quốc Gia Hành Chánh đến giảng dạy, như :
GS Nguyễn Mạnh Hùng dạy môn Chính Sách Ngoại Giao Các Quốc Gia Ðông Nam Á, 
GS. Tạ Văn Tài dạy môn Phương Pháp Khoa Học Xã Hội, 
GS. Nguyễn Quốc Trị dạy môn Hành Chánh Công Quyền. 

Một số Giáo Sư Pháp, Mỹ cũng được mời đến giảng dạy tại các Ban Cao Học Công Pháp và Tư Pháp.

HẾT

(GHI CHÚ: Bài viết nầy có sử dụng một số tài liệu tham khảo, trích dẫn từ Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia Internet về lịch sử trường Luật Saì Gòn )

(1) Những câu đầu bài hát "TRẢ LẠI EM YÊU" của nhạc sĩ Phạm Duy viết về trường Luật 


HUY THANH

( CỰU SINH VIÊN CAO HỌC 2 BAN TƯ PHÁP
ĐẠI HỌC HỌC LUẬT KHOA SAIGON NIÊN KHÓA 1974- 1975)