26/1/14

THAM LUẬN: NHỮNG THÍCH KHÁCH NỔI TIẾNG THỜI XUÂN THU


THAM LUẬN


NHỮNG THÍCH KHÁCH NỔI TIẾNG THỜI XUÂN THU, CHIẾN QUỐC.

HUY THANH

Trong những cuộc chiến tranh giành quyền lực, đất đai, địa vi giữa các thế lực thời phong kiến với nhau trong lịch sử Trung Hoa, có một mặt trận thầm lặng nhưng đầy thử thách gian lao, đòi hỏi người chiến binh phải cùng sống chết với kẻ thù trong hang hùm nọc rắn của họ: đó là mặt trân Ám Sát, người thực hiện nhiệm vụ nầy được gọi là thích khách. Sở dĩ gọi họ là thích khách vì họ chính là những người khách được kẻ thù mời đến để thương lượng hay làm đàm phán một điều gì đó, rồi thừa cơ khách ra tay giết người chủ mời. Cách thực hiện mặt trận nầy là tập kích bất ngờ, tiêu diệt người cầm đầu, chỉ huy của kẻ địch để triệt hạ những kế sách, sách lược chỉ huy có hại cho đất nước mình. Sau đó người chiến binh sẽ chấp nhận hy sinh nếu không thoát được dù thành công hay thất bại.Người chiến binh thực hiện mặt trận nầy phải là người thông minh, gan dạ, biết ứng phó tùy tình huống và xem cái chết nhẹ như lông hồng.

Nếu so sánh hành động của Thích Khách ngày xưa với những Chiến Binh ám sát theo lối nổ bom tự sát ngày nay thì chỉ có giống nhau ở chỗ mục đích là tiêu diệt đối phương rồi hy sinh tánh mạng, nhưng động cơ thì khác nhau. Thích Khách ngày xưa hành động có thể vì tình yêu tổ quốc, lòng trung thành với chế độ,thù nhà, danh vọng địa vị ,còn những chiến binh đánh bom tự sát ngày nay ngoài những lý do trên còn có thêm động cơ cho một chủ thuyết chánh trị, tôn giáo, hay tử vì đạo (như thành phần Hồi Giáo cực đoan).
Ngày nay, việc ám sát không còn có mục đích nhằm chỉ giết một người mà còn cả đám đông, tàn phá cả khu vực để gây tiếng vang Quốc Tế  như vụ khủng bố của Al-Queda ( Bin Laden ) vào Tòa Nhà Thương Mại của Mỹ tại Newyork, hay vụ nổ bom trong buổi lễ chạy Ma-ra-tông ở Boston tại Mỹ mới đây vào ngày  15/ 04/ 2013.

Trong thời Chiến Quốc, Xuân Thu, nhất là thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa ,mặt trận ám sát cũng đã được sử dụng rất nhiều giữa các phe nhóm. Cuộc ám sát có khi thành công, có khi thất bại, nhưng dù thành công hay thất bại một số Thích Khách vẫn được lịch sử Trung Hoa ghi chép đầy đủ về họ.

Bài viết nầy mục đích là tôn vinh  lòng can đảm, sự gan dạn của họ dám chết vì lý tưởng của mình . Còn lý tưởng đó đúng hay sai, hợp lý hay không, có ngu trung hay không lại là vấn đề khác.

 Dưới đây mời quý vị và các bạn tham khảo vài Thích Khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa ngày xưa:

1- THÍCH KHÁCH: TÀO MẠT:

1.1 - Dẫn truyện:

Tào Mạt người nước Lỗ (693-662 trước Công Nguyên), khi làm tướng nước Lỗ, Mạt đem quân đánh nước Tề ba lần đều bị thua trận .Vua Lỗ là Trang Công sợ nên cầu hoà. dâng đất cho nước Tề. Vua Tề là Tề Hoàn Công và vua Lỗ là Trang Công hẹn nhau ăn thề không vi phạm hoà ước. Khi vua Tề hoàn Công đến thấy Tào Mạt cầm chủy thủ, mặt đằng đằng sát khí hộ vệ vua là Trang Công nên hỏi Tào Mạt: "Nhà ngươi muốn gì  "Tào Mạt nói: "Tề là nước mạnh,Lỗ yếu,nước mạnh xâm phạm nước yếu đã quá lắm, nay thành nước Lỗ nếu sụp đổ thì cũng đè cả đất Tề, nhà vua liệu đấy." Nói xong Tào Mạt quăng thanh chủy thủ xuống đất và đi đến chỗ các quan nói chuyện vui vẻ như không có gì xảy ra. Tề Hoàn Công nổi giận vì thái độ phạm thượng của bại tướng địch nên có ý bãi bỏ hoà ước nhưng quân sư là Quản Trọng can ngăn:  Không nên, nếu tham cái lợi nhỏ cho thỏa thích mình, bỏ tín nghĩa đối với chư hầu thì mất sự giúp đỡ của thiên hạ "Hoàn Công nghe lời quân sư sau đó ký hòa ước và trả lại đất cho nước Lỗ.

1.2- Bình Luận:

Chủy thủ là một thứ kiếm ngắn, đầu mũi như cái thià (thủy). Câu nói của Tào Mạt với Tề hoàn công ý nói "mặc dù nước tôi yếu, nhưng nếu ép quá thì tất cả sẽ hy sinh để cùng sống chết với nước ông, kể cả việc sẽ ám sát ông". Do câu nói đó nên Tề hoàn Công cũng rất e dè không muốn ép nước Lỗ thái quá.Mặc dù việc Tào Mạt hăm ám sát Tề Hoàn Công chưa thực hiện nhưng xem như sự nhượng bộ của một nước mạnh đối với nước yếu là một thành công của mặt trận Ám Sát lúc đó. Đây có thể coi như là hăm dọa đánh bom kiểu tự sát làm cho kẻ địch hoảng sợ vì mình ở ngoài sáng, địch trong bóng tối không biết đâu mà lường, cũng là sự khôn ngoan về đấu tranh chánh trị của Tào Mạt.

2- THÍCH KHÁCH :CHUYÊN CHƯ:

2.1- Dẫn Truyện:

Chuyện Chư người nước Ngô được Ngũ tử Tư tiến cử với công tử Quang là người muốn giết vua Ngô là Vương Liêu để lấy lại ngôi báu. Nguyên cha của Quang là vua nước Ngô tên Chư Phàn, sau khi Chư Phàn chết truyền ngôi cho em kế là Dư Thái, Dư Thái truyền ngôi cho em kế là Dư Mạt, Dư Mạt lại truyền ngôi cho em kế là Tử Trát , nhưng Tử Trát không chịu làm vua mà bỏ trốn . Triều đình bèn lập con của Dư Mạt là Vương Liêu lên làm vua. Công tử Quang rất ức lòng nói với tả hữu: "Nếu anh truyền em nối thì vua đáng lẽ là Tử Trát mới phải, nay Trát bỏ trốn, nếu thay đổi lập con lên ngôi thì ta mới là vua vì ta là con cả của người anh cả "Vì vậy công tử Quang âm thầm tụ tập binh mã chờ ngày cướp ngôi báu từ tay người em họ là Vương Liêu. Khi Ngũ Tử Tư tiến cử Chuyên Chư, công tử Quang rất trọng vọng, coi như thân tình .Sau đó 9 năm,vua nước Sở chết,Vương Liêu sai quân đi đánh nước Sở nhưng lại bị vây hãm ở nước người. Thấy binh lực Vương Liêu không còn mạnh ở kinh thành nên ngỏ ý cậy nhờ Chuyên Chư ra tay ám sát Vương Liêu. Cám vì ân nghĩa trọng vọng của công tử Quang bấy lâu nay nên Chuyên Chư đồng ý làm thích khách.

Tháng tư năm Bính Tý, công tử Quang mời Vương Liêu đến uống rượu sau khi cho quân ẩn nấp chung quanh. Vương Liêu cũng dàn binh của mình từ hoàng cung đến nhà công tử Quang để đề phòng bất trắc .Sau khi uống rượu say, công tử Quang giả đi ngoài ra dấu cho Chuyên Chư nhét thanh chuỷ thủ vào con cá chiên rồi sai Chư mang đến cho Vương Liêu .Khi đến trước mặt vua, Chuyên Chư gỉa gắp cá ra, thừa lúc nhanh như chớp lấy thanh chuỷ thủ từ trong bụng cá ra đâm thẳng vào tim Vương Liêu. Vì không đề phòng nên Vương Liêu chết ngay. Quân hộ giá Vương Liêu ào lên chém Chuyên Chư ra làm trăm mảnh. Quân của công tử Quang mai phục sẵn lại tràn lên giết bộ hạ Vương Liêu chết hết. Công tử Quang lên ngôi vua tức là vua Hạp Lư, phong cho con Chuyên Chư làm Thượng Khanh.

2.2- Bình Luận:

Trong thời kỳ phong kiến Trung Hoa,chuyện tranh giành ngôi báu, giết nhau giữa những người thân ruột thịt như cha mẹ, anh em, bạn bè là những chuyện xảy ra dường như bình thường. Ở đây chính Vương Liêu và công tử Quang lại là anh em bà con ruột thịt Điều nầy phải chăng đã đi ngược lại những lý thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử bao trùm thời đó là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí Tín, điều nầy chứng tỏ con đường đạo đức mà họ vạch ra chỉ là một mớ lý thuyết hỗn độn hữu danh vô thực. Thành công chăng lý thuyết của Khổng Mạnh là những ấn tượng đạo đức còn sót lại khi con người đã tạm chấp nhận số phận Ngoài ra,những công danh, lợi lộc, tranh giành địa vị tiền bạc đã khiến lý thuyết Khổng Tử trở thành lỗi thời, nếu không nói là một mớ tạp nham vô nghiã. Những lý thuyết đó theo tôi là chỉ là những công cụ phục vụ cho một nền phát triển Đại Hán phong kiến về phía Nam thời đó mà thôi.

Vương Liêu là một ông Vua,ông cũng biết rằng ngai vàng của mình công tử Quang muốn chiếm đoạt nhưng lại quá khinh thường địch thủ, lại thích ăn nhậu, quá chủ quan nên phải bỏ mạng vì thích khách Chuyên Chư . Điều nầy khẳng định dù con người có thông minh cách mấy đi nữa cũng có những lúc sơ hở, chủ quan, tốt hơn hết là cảnh giác không nên tiếp cận với kẻ địch bất cứ trường hợp nào.

3- THÍCH KHÁCH :DỰ NHƯỢNG

3.1 Dẫn truyện:

Dự Nhượng người nước Tần, ông đã từng theo phò họ Trung Hàng, họ Phạm, sau đó mới sang thờ Trí Bá. Trí Bá biết đây là người nghĩa khí nên đãi ngộ rất trọng hậu.. Sau đó Trí Bá mang quân đánh Tương Tử, nhưng Tương Tử liên kết cùng hai nước Hàn, Nguỵ, đánh lại Trí Bá, Trí Ba thua bị giết chết. Tương Tử căm thù Trí Bá nên chặt đầu, lấy sọ sơn phết làm đồ đựng rượu. Dự Nhượng trốn vào trong núi nghĩ cách trả thù cho chủ nhân là Trí Bá. Ông đổi họ tên, giả làm người tù khổ sai vào quét dọn nhà xe, trong người giâú thanh chủy thủ chờ ra tay ám sát Tương Tử. Tương Tử vào nhà xí thấy người tù khổ sai đang quét dọn lạ mặt nên hơi nghi ngờ, tra hỏi thì ra đó là Dự Nhượng. Khám trong người Dự Nhượng thì thấy có vũ khí, Dự Nhượng trả lời Tương Tử: " Ta muốn trả thù cho Trí Bá ". Quân của Tương Tử muốn giết Dự Nhượng nhưng Tương Tử nói: 'Hắn là người có nghĩa khí, ta chỉ cần cẩn thận tránh hắn là được rồi, Trí Bá chết mà không có con cái, bầy tôi của hắn lại muốn báo thù, đây là một dũng sĩ trong thiên hạ". Nói xong tha cho Dự Nhượng. Sau đó,vẫn nung nấu ý chí trả thù nên Dự Nhượng giả thành người cùi hủi, nuốt than làm người câm để không ai biết mình, đi ăn xin ngoài chợ đến nỗi người vợ gặp nhưng cũng không nhận ra. Đến khi gặp người bạn cũ thì bị nhận ra, người bạn biết ý định Dự Nhượng là ám sát Tương Tử nên hiến kế: "Tương Tử quý trọng anh không giết  hay là anh giả vờ theo Tương Tử để thừa cơ giết hắn có hay hơn là làm khổ nhục kế như vầy". Dự Nhượng trả lời: "Nếu mình đã làm bầy tôi của Tương Tử rồi tìm cách giết người ta tức là ăn ở hai lòng . Điều tôi làm tuy khó nhưng để cho hạng người đời sau chê trách mình ăn ở hai lòng là điều rất hổ thẹn".

Khi Tương Tử cỡi ngựa đi qua, con ngựa Tương Tử đánh hơi Dự Nhượng nên lồng lên hí vang, Tương Tử nói: "Ngươi là Dự Nhượng phải không?" Bèn sai quân tra hỏi thì đúng là Dự Nhượng. Tương Tử nói "Ngươi trước đây thờ họ Phạm, họ Trung Hàng, Trí Bá diệt họ thế mà ngươi không trả thù cho họ mà còn theo phò Trí Bá, nay Trí Bá chết sao người còn lẽo đẽo theo ta để trả thù cho hắn ? "Dự Nhượng đáp: "Tôi thờ họ Phạm, họ Trung Hàng, tất cả xem tôi như người làm bình thường, còn Trí Bá xem tôi không phải như tôi tớ mà như tri kỷ cho nên tôi phải trả thù theo tình nghĩa tri kỷ ấy ." Tương Tử than rằng:" Dự Nhượng ơi là Dự Nhượng , ngươi vì Trí Bá mà tìm mọi cách báo thù ta thì cũng đã nổi danh rồi đấy, quả nhân đã tha cho ngươi một lần rồi, giờ thì không thể tha nữa". Nói xong thét quân sĩ trói Dự Nhượng lại, Dự Nhượng khóc mà rằng: "Bậc Vua sáng không che cái tốt đẹp của người, kẻ trung thần có nghĩa phải chết theo danh. Trước đây nhà vua đã tha cho tôi nhưng thiên hạ cũng không ai khen nhà vua hiền, việc tôi làm hôm nay dĩ nhiên là phải chịu chết, nhưng trước khi chết tôi xin nhà vua cho tôi mượn chiếc áo long bào của ngài để tôi thỏa mãn ý định trả thù cho Trí Bá, rồi sau đó chết không ân hận được chăng?". Tương Tử bèn khen là người có nghĩa nên cởi áo long bào sai quân đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng tuốt kiếm chém vào áo long bào ba cái rồi nói: "Ta có thể chết để đền ơn Trí Bá được rồi". Sau đó Dự Nhượng quay kiếm tự đâm vào cổ họng mình mà chết.

3.2 - Bình luận:

Người trung nghĩa như Dự Nhượng thật hiếm thấy, chỉ vì sự đãi ngộ của Trí Bá mà tìm mọi cách để trả thù cho tri kỷ bất chấp cả tính mệnh của mình. Lúc cuối cùng biết không thể nào trả thù được, Dự Nhượng bèn mượn áo long bào của Tương Tử , đâm chém vào áo để tìm một an ủi nào cuả tâm hồn, một sự lừa gạt mình trước khi chết.Theo tôi Dự Nhượng quá mù quáng, không thấy cái ơn của người sống mà chỉ biết trả thù cho người chết, cuối cùng đã được gì? Tội thay mà cũng thương thay. Hành động của Dự Nhượng  là một cái chết "ngu trung", tại sao không giữ lại mạng sống để chiêu binh mãi mã đánh kẻ thù mà làm một hành động đánh long bào rồi sao đó tự sát chết một cách oan uổng?.


4-THÍCH KHÁCH :KINH KHA

4.1- Dẫn truyện:

Theo sử truyện Trung Quốc, Kinh Kha là tráng sĩ người nước Vệ, vì mang mối hờn vong quốc nên chạy sang nước Yên làm bạn với người giỏi gảy đàn trúc là Cao tiệm Ly. Ngày ngày Kinh Kha thường hát họa theo tiếng đàn trúc của Cao tiệm Ly , uống rượu rồi sau đó cả hai cùng say tuý luý ôm nhau mà khóc .Kinh Kha tính tình thâm trầm,thích đọc sách , lý luận chính trị hay nên dần dần nổi tiếng .Thái tử Đan của nước Yên biết Kinh Kha là một người có trí dũng , gan dạ ,nên rất trọng dụng, hậu đãi với hy vọng say nầy Kinh Kha sẽ thực hiện mưu đồ của mình là ám sát vua nước Tần là Tần Thủy Hoàng đang chuẩn bị xâm lấn nước Yên. Một hôm, Kinh Kha trong cơn say rượu buột miệng khen nàng cung nữ đang dâng rượu cho mình có đôi bàn tay đẹp, sau đó muốn lấy lòng Kinh Kha, Thái Tử Đan sai người chặt hai bàn tay đó của nàng cung nữ bỏ vào hộp làm quà tặng Kinh Kha, Kinh Kha rất ân hận về chuyện nầy. Khi tướng nước Tần là Vương Tiễn chiếm xong nước Triệu tiến quân về phiá Bắc giáp biên giới sông Dịch của nước Yên thì Thái Tử Đan lo lắng bàn với Kinh Kha tìm cách đối phó .Kinh Kha nói: " Tôi cũng muốn đi sang Tần một lần để giết tên Tần thuỷ Hoàng nhưng hiềm vì không có cái gì làm tin thì khó lòng gần hắn được.Phàn tướng quân vừa bỏ Tần chạy về phía ta, vua Tần đang treo giải ngàn cân vàng để bắt Phàn tướng Quân, giá mà tôi có cái đầu của Phàn tướng quân và tấm địa đồ đất Cốc Cang của nước Yên thì Tần Vương mới cho tôi yết kiến, tôi sẽ tìm cách gần hắn mà ám sát mới được" .Thái tử Đan nói: " Phàn tướng quân vì ghét Tần bạo ngược mà theo về với ta, giết Phàn tướng quân thì ta không nỡ, xin hãy nghĩ cho cách khác". Kinh Kha bèn lén đến gặp riêng Phàn Ô Kỳ nói: " Nước Tần giết cả cha mẹ, họ hàng nhà tướng quân ,nay có người vì nước Yên, vì tướng quân mà đi giết vua Tần trả thù Tướng quân nghĩ sao?" Phàn Ô Kỳ nghiến răng: "Làm thế nào tôi cũng bằng lòng". Kinh Kha nói: "Tôi chỉ xin cái đầu tướng quân để lấy lòng tin Tần Thủy Hoàng , khi hắn lo ngắm cái đầu của tướng quân, tôi sẽ rút thanh chủy thủ đâm vào bụng hắn để trả thù cho nước Yên, cho tướng quân" Phàn ô kỳ cười ha hả: "Diệu kế, nay mới nghe được chỉ giáo". Nói xong rút gươm tự chặt lấy đầu mình.

Thái tử Đan nghe tin chạy tới quỳ bên xác Phàn Ô Kỳ lạy mấy lạy rồi cho quân mang thủ cấp bỏ vào hòm niêm phong lại.Nước Yên có.một tráng sĩ tên là Tần Vũ Dương mới mười ba tuổi đã giết người không chớp mắt, thái tử Đan cho làm phó đoàn. Buổi tiễn đưa Kinh Kha trên bờ sông Dịch Thuỷ thái tử Đan và đoàn tuỳ tùng mặc đồ trắng, Cao tiệm Ly gảy đàn trúc, (1), Kinh Kha hát và gõ theo nhịp biến chuỷ (2). Sau đó Kinh Kha lặng lẽ xuống thuyền Thuyền đi xa, Kinh Kha không quay đầu nhìn lại vì biết mình chắc khó có cơ hội trở về.

Khi sang Tần. Kinh Kha mang theo các lễ vật tặng vua Tần để tìm cách tiếp cận Tần thủy Hoàng hầu dễ bề ám sát. Đó là: thủ cấp của viên tướng Phàn ô Kỳ kẻ thù củaTầnThuỷ Hòang (ông nầy khi biết nhiệm vụ của Kinh Kha đã tự nguyện tự sát tặng thủ cấp cuả mình để Kinh Kha thực hiện sứ mệnh ), bản đồ đất Cốc Cang nước Yên để vua Tần thông thạo địa hình khi xâm lấn. Nước Yên chỉ cách nước Tần con sông Dịch (Vị Thủy), con sông nầy lớn, không thấy bờ bến bên kia. Buổi tiễn đưa trong vòng bí mật chỉ có Thái Tử Đan, Cao tiệm Ly là người bạn tri âm cuả Kinh Kha rất giỏi về đàn trúc . Theo sử ký cuả nhà sử học Tư Mã Thiên, thì Kinh Kha sau khi nghe khúc nhạc cuả Cao tiệm Ly vừa khảy đàn vừa khóc, uống xong chung rượu tiễn đưa của Thái Tử Đan , Kinh Kha cúi đầu từ tạ rồi lặng lẽ xuống thuyền lúc đó đang chòng chành trong cơn sóng lớn, thuyền đi xa mà Kinh Kha không dám quay đầu nhìn lại bến cũ nước Yên dù chỉ một lần, vì cả ba người đều hiểu rằng sứ mạng rất nguy hiểm khó hoàn thành ( mission impossible : sứ mạng bất khả thi ).

Vì vua Tần không cho ai mang vũ khí vào triều nên khi vào chầu vua Tần, Kinh Kha phải giấu thanh chủy thủ (một loại gươm bén nhọn ngắn cỡ gang tay) cuốn trong tấm bản đồ nước Yên. Kinh Kha định khi bước lên ngai vàng mở tấm bản đồ giải thích địa hình nước Yên cho vua Tần, khi vua Tần chăm chú nhìn bản đồ sẽ ra tay ám sát Tần Thủy Hoàng. Tần thủy Hoàng nghe nước Yên cho sứ sang xin đầu phục nên cho tiếp kiến,Kinh Kha bưng hòm đựng đầu Phàn ô Kỳ, Tần Vũ Vương mang tráp đựng địa đồ dâng lên vua Tần. Đến bệ, thấy quân hộ giá quá đông ở phía dưới oai phong lẫm liệt nên Tần Vũ Vương run sợ biến sắc mặt ,Kinh Kha quay lại cười với Tần Vũ Vương cho y bớt sợ hãi và nói với vua Tần: "Nó là quân mọi rợ phương Bắc chưa hề thấy cái oai của Thiên Tử nên sợ đó thôi " .Kinh Kha bèn cầm địa đồ dâng lên Tần Thủy Hoàng. Mở hết tấm bản đồ thì thanh chủy thủ hiện ra .Kinh Kha tay trái nắm lấy tay áo, tay phải cầm chủy thủ đâm vào Tần Thủy Hòang. Kiếm chưa đến người ,Thủy Hòang vùng dậy thì tay áo đứt nên dao đâm không tới. Thủy Hòang rút kiếm nhưng quýnh quáng không rút ra khỏi bao được. Kinh Kha đuổi theo, vua Tần chạy quanh cột trụ điện. Các quan chung quanh đều luống cuống trước tình thế bất ngờ, vì theo luật Tần, các quan vào trên điện không ai được mang vũ khí nên họ chỉ dùng tay không để đánh Kinh Kha. Còn các quân hộ vê dưới điện chỉ có lệnh vua mới được xông lên mà Tần Thủy Hoàng thì lo chạy nên quên ra lệnh. Bấy giờ có ngự y là Hạ vô Thư lấy túi thuốc đang cầm ném vào Kinh Kha khiến Kinh Kha trợt té, nhân dịp đó Tần Thủy Hoàng rút kiếm chém vào đùi Khinh Kha, Kinh Kha ngã xuống lấy chủy thủ ném vào mặt vua Tần nhưng chỉ trúng cái cột điện. Vua Tần lại chém tiếp tám nhát nữa, Kinh Kha biết sự hành thích đã thất bại nên ngồi xuống mà cười chua chát. Bấy giờ Thủy Hoàng mới ra lệnh quân hộ giá tiến lên chém chết Kinh Kha. Việc ám sát thất bại, Kinh Kha chết tại nước Tần.

Ít lâu sau khi Kinh Kha chết, Tần Thủy Hoàng mang quân chiếm nước Yên, giết thái tử Đan, bắt vua Yên , Tần Thủy Hoàng tự xưng là Hoàng Đế, cho quân truy tìm bè bạn của Kinh Kha để giết, Cao tiệm Ly phải trốn tránh ẩn dật, nhưng tiếng đàn quá hay đã đến tai Tần Thuỷ Hoàng. Vốn cũng ham thích âm nhạc nên Tần thủy Hoàng cho gọi Cao tiệm Ly đến để đàn cho mình nghe. Tả hữu can gián với Tần Thủy Hoàng: "Đấy là Cao Tiệm Ly bạn của Kinh Kha". Tần Thủy Hoàng không nỡ giết chỉ cho người khoét mù hai mắt của Cao tiệm Ly, và mỗi ngày vẫn nghe Cao tiệm Ly gảy đàn. Cao tiệm Ly muốn ám sát Tần Thủy Hòang nên đổ chì vào ống đàn trúc,thừa cơ Tần Thuỷ Hoàng mải nghe đàn nên giơ đàn đánh Tần Thuỷ Hoàng , Tần Thủy Hoàng tức giận chém chết Cao tiệm Ly.

Ghi chú: (1) Đàn trúc: là loại đàn cầm, nhưng lấy trúc mà gảy (2). Biến chủy là nhạc cổ theo âm luật cao thấp chia ra: cung, thương, giốc, chủy, vũ gọi là ngũ cung.)

4.2- Bình luận:

Kinh Kha theo tôi là một tráng sĩ chứ không phải là một anh hùng, vì Kinh Kha hy sinh cho nước Yên chứ không phải vì nước Vệ là tổ quốc của mình. Sự hy sinh của Kinh Kha như một là một đền ơn đáp nghĩa sự trọng vọng, nuôi nấng, đùm bọc, chiều chuộng của thái tử Đan, Kinh Kha cũng biết rằng sự trọng vọng đó có mục đích Nhưng đã lỡ phóng lao thì phải theo lao. Kinh Kha biết rằng chuyến đi ám sát Tần Thuỷ Hòang dù thành hay bại cũng không có đường về, nên những ngày sống trong cung điện Thái Tử Đan, Kinh Kha đã sống những ngày như bậc Vua Chúa, nào ruợu ngon, gái đẹp, cung phi mỹ nữ, đàn ca xướng hát tối ngày. Thâm chí lúc cao hứng Kinh Kha ra bờ hồ ném cá bằng những thoi vàng nén Thái Tử Đan sai một cung phi mỹ nữ quỳ dâng lên. Cũng khen cho Thái Tử Đan, biết dùng người đến nỗi người đó chấp nhận lấy tính mạng báo đáp cho mục đích của mình .Cả hai bên đều chấp nhận giá cả quá đắt nhưng đều thất bại .Cách dùng người tài của Thái Tử Đan là một bài học dùng người cho các nhà quản lý ngày nay khi trong tay mình có những người tài giỏi đang trợ giúp. Còn khá khen thay cho Cao tiệm Ly,một người dám chết vì bạn tri âm, dù biết mình đang ở cảnh cá chậu chìm lồng, là con cá đang nằm trên thớt.

5-THÍCH KHÁCH: YẾU LY

5.1 - Dẫn truyện:

Đời Đông Chu Liệt Quốc, Hạp Lư cướp ngôi vua nước Ngô là cha của công tử Khánh Kỵ khiến Khánh Kỵ phải chạy ra nườc ngoài trốn, sau đó chiêu bình mãi mã kéo về báo thù cho cha để đoạt lại ngôi báu . Hạp Lư rất lo sợ vì Khánh Kỵ là tay anh hùng võ dõng.Tể tướng của Hạp Lư là Ngũ tử Tư hiến kế khổ nhục, ông tiến cử tráng sĩ Yêu Ly thực hiên kế sách ám sát Khánh Kỵ. Ông giả vờ đề nghị Hạp Lư phong chức cho Yếu Ly đi đánh nước Sở nhưng vua Hạp Lư gỉa vờ chê " Yếu Ly vóc dáng như đứa trẻ con mà đánh Sở sao được " Yếu Ly cũng giả vờ tức giận chỉ mặt Hạp Lư chửi: "Tên hôn quân cướp ngôi kia,sao coi thường ta đến thế? " Hạp Lư nổi nóng bèn ra lệnh quân sĩ chặt đứt một cánh tay của Yếu Ly, sau đó giam vào ngục. Hạp Lư còn ra lênh bắt vợ con Yếu Ly về. Ngữ tử Tư giả vờ cho Yếu Ly chạy thoát khỏi ngục rồi sau đó làm bộ đuổi theo cho đến khi Yếu Ly chạy sang phần đất của Khánh Kỵ Hạp Lư cũng giả vờ tức giận ra lệnh chém đầu cả vợ con Yếu Ly vức xác ngoài chợ. Yếu Ly đến xin gia nhập quân Khánh Ky, ban đầu Khánh Kỵ cũng nghi ngờ, cho quân sĩ dò la biết Yếu Ly chửi vua bị chặt tay,trốn ngục nên vợ con bị chém đầu quăng xác ngoài chợ nên thù hận vua Hạp Lư không kể xiết .Lần lần, Yếu Ly khôn khéo làm Khánh Kỵ tin dùng cho làm quan hộ vệ. Khi Khánh Kỵ mang chiến thuyền, quân sĩ trở về Ngô phục quốc tiêu diệt Hạp Lư thì Yếu Ly nói với Khánh Kỵ: " Tướng công hãy ngồi ở mũi thuyền để động viên tinh thần quân sĩ "Khánh Kỵ nghe lời ngồi trước mũi thuyền, phía sau chỉ có Yếu Ly cầm xà mâu hộ vệ. Bỗng một cơn gió cuồng phong thổi mạnh, Yếu Ly nương theo gió quay mủi xà mâu đâm thẳng vào ngực Khánh Kỵ thấu ra sau lưng. Khánh Ky dù bị thương nặng nhưng vì là một dũng sĩ nên thét lên một tiếng đau đớn, tức giận nắm lấy Yếu Ly dộng ngược đầu, dìm đầu Yếu Ly xuống nước ba lần, rồi quăng Yếu Ly trên thuyền cười ha hả nói: ' Thiên hạ còn có một dũng sĩ thế nầy ư? dám hy sinh thân xác, vợ con để dùng khổ nhục kế hại ta". Các tuỳ tướng của Khánh Kỵ xông vào định giết Yếu Ly nhưng Khánh Kỵ không cho, nói với các tùy tướng: "Đây là một dũng sĩ của thiên hạ, chẳng lẽ trong một ngày lại giết chết cả hai dũng sĩ hay sao " Khánh Kỵ ngã xuống, trước khi chết còn trăn trối với các tuỳ tướng: "Không được giết hắn ,hãy cho hắn về Ngô để tỏ lòng trung thành của hắn với Hạp Lư "Yếu Ly rất tâm phục Khánh Kỵ  y thấy không còn mặt mũi nào sống nữa nên nhảy xuống sông tự vẫn nhưng quân Khánh Kỵ vớt lên và nói " Lệnh của tướng quân trước khi chết là tha cho ngươi về Ngô, ngươi hãy đi về đó mà lãnh thưởng". Nhưng Yếu Ly lại nó: "Cả tính mạng ta, vợ con ta mà ta chẳng cần thiết huống chi tiền bạc, chức tước". Nói rồi y cướp lấy thanh gươm người đứng cạnh tự chặt đứt tay chân, đâm gươm vào cổ họng mà chết.

5.2-Bình luận:

Những anh hùng ngày xưa thường rất trọng nghĩa khí, cái nghĩa khí không những của chính mình mà còn là của kẻ địch, sách sử có câu "anh hùng trọng anh hùng". Việc Khánh Kỵ tha chết cho Yếu Ly khi giết mình là một điều trọng nghĩa, trong cái tâm có cái nhân, còn Yếu Ly không đào thoát mà ở lại tự sát chết để trả ơn Khánh Kỵ là cái nhân trong cái tâm .Hai bên đúng là những dũng sĩ, ngày nay chắc khó tìm được người như Khánh Kỵ và Yếu Ly. Yếu Ly dáng người nhỏ bé nhưng cái tâm không nhỏ bé chút nào, điều nầy chứng tỏ chí khí của một con người không phải tuỳ thuộc vào dáng vóc bên ngoài của họ mà phải đo ở tấm lòng,sự can đảm, dũng cảm khi họ hành động. Khánh Kỵ người dũng mãnh nhưng không đa mưu túc trí, làm chánh trị mà quá tin người sẽ bị thiệt thân, theo tôi làm chánh trị thì không tin ai được cả kể cả cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, bạn bè, bà con giòng họ chứ đùng nói gì những hàng tướng bên địch.


PHỤ BẢN

THƠ

NỖI HỜN SÔNG DỊCH

(TÂM SỰ KINH KHA, KẺ SANG TẦN)

HUY THANH

Hề sông Dịch, lạnh mù sương khói
Sóng trường giang mòn mỏi về nguồn
Ta ngồi nghe khúc Cung Thương
Đường tơ đứt mối, nhiễu nhương nỗi sầu

Mây rời bến Giang Đầu từ đó
Thềm cung thơ, hoa cỏ ngậm ngùi
Gõ thuyền tiếng hát ra khơi
Hồn trong đáy nước, chơi vơi tấc lòng

Ly rượu tiễn, mặn nồng cố quốc
Ta cố tìm một cốc trần ai
Ly bôi chưa uống mà say
Sao hồn chếnh choáng lung lay cõi trần

Đâu đây tiếng trúc cầm rộn rã?
Dưới chiến bào vó mã chồn chân
Sao làm khổ kiếp lê dân?
Cho xương tắm máu, hỡi Tần bạo Vương?

Ta quyết chí một đường sang bến
Cùng với thanh chuỷ thủ sáng ngời
Thà rằng máu chảy đầu rơi
Cũng cho trăm họ một lời hoan ca

Ta cám ơn tay ngà cung nữ (1)
Đã vì ta hoá kiếp ngậm ngùi
Đêm nào lỡ tiếng đùa vui
Nào hay ân hận, một đời chiến binh

Ta cũng tạ tình người bạn cũ (2)
Tiếng đàn như ấp ủ nghẹn ngào
Dây Văn còn tiếng ly tao
Mà sao dây Vũ nhuốm màu đao binh?

Ta cũng tạ ơn tình Thái Tử (3)
Cưu mang đời xa xứ vong nô
Cung đình đối ầm đề thơ
Trao câu nguyệt bạch: ước mơ tương phùng

Biệt cố quốc vai cùng nặng gánh
Ta xuống thuyền khi mảnh trăng non
Nam nhi chí cả, lòng son
Thanh gươm là bạn, tình con sá nào?

Bao tang tóc sôi trào máu hận
Cùng Tần Vương chẳng đội trời chung
Ví dầu trời chẳng đoái dung
Thà thân tráng sĩ nát cùng cỏ hoa

Ta chết để sơn hà nhẹ gánh
Ngồi mạn thuyền giá lạnh hồn thiêng
Kinh cầu bặt tiếng cô miên
Cho hồn tráng sĩ chết chìm dưới thơ

Thôi từ giã bến bờ quan ải
Cho người đi mãi kiếp hào hùng
Nửa đời nặng gánh non sông
Mong chi một buổi, tương phùng nước mây?

Ly rượu cuối, cùng say cạn chén
Độc ẩm sầu kén bạn đề thơ
Nắng vàng nhuộm sóng lơ thơ
Để cây dương liễu còn hơ tóc nguồn

Xoá bến cũ, nỗi buồn nhẹ gánh
Để yên lòng chấp cánh ra đi
Lòng không vướng bận thê nhi
Một vùng biên ải, quân kỳ hoan ca

CHÚ THÍCH: (1) Chuyện nói về bàn tay cung nữ dâng rượu cho Kinh Kha xin xem phần Dẫn
 Truyện

(2 ): Cao tiệm Ly người bạn gảy đàn trúc của Kinh Kha. Sau khi Kinh Kha chết, Cao tiệm Ly muốn trả thù cho bạn  khi Tần Thủy Hoàng cho vời Cao Tiệm Ly vào cung điện đàn cho mình nghe. Biết Cao tiệm Ly là bạn của Kinh Kha nên Tần Thủy Hòang ra lệnh móc mắt Cao Tiệm Ly cho mù để đề phòng bị ám sát như trước đây, và chỉ cho Cao Tiệm Ly mang vào cây đàn trúc lên điện mà thôi.  Cao tiệm Ly đã tự nấu chì lén đổ vào trong cây đàn để cho cây đàn biến thành vũ khí nặng hầu ám sát Tần Thủy Hoàng. Nhưng việc ám sát vẫn thất bại.

(3): Thái Tử Đan



Photobucket
Thích khách Huy Thanh đang chạy
vì nhiệm vụ không thành  (mission impossible)
"Ha ha vọt lẹ tuấn mã ơi"

Tam thập lục kế tẩu đào vi thượng (ba mươi sáu kế
chạy là thượng sách) "Hi hi ta không có ngu trung đâu"
HUY THANH