21/8/13

THAM LUẬN: KHÔN KHÉO NGOẠI GIAO, VŨ KHÍ MẠNH CHO NHỮNG NƯỚC YẾU

THAM LUẬN

KHÔN KHÉO NGOẠI GIAO,
VŨ KHÍ MẠNH CHO NHỮNG NƯỚC YẾU

HUY THANH


Nước ta ,một đất nước nhỏ bé Châu Á nằm tiếp giáp biển Thái Bình Dương, phiá Bắc giáp Trung Hoa, một nước lớn hùng mạnh,đông dân , lúc nào cũng có tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía Nam . Lịch sử đã chứng minh rằng từ khi lập quốc và mở rộng bờ cõi , tổ tiên ta đã bao lần kiên cường chống giặc ngoại xâm phương Bắc, các triều đại Đinh Lê Lý Trần đã từng cho các triều đại phong kiến khổng lồ Trung Hoa  như ,Hán, Tống  Nguyên, Minh, Thanh nếm mùi thảm bại chua cay khi kéo quân qua khỏi Ải Nam Quan, biên giới hai nước.
Tuy nhiên, vì Trung Hoa la một nước lớn, khi thua keo nầy họ sẽ bày keo khác, vì tham vọng chiếm đất của họ không bao giờ từ bỏ, và cũng vì tự ái một dân tộc nên họ sẽ tiếp tục xâm lấn nước ta để trả thù, để chứng minh sức mạnh của một nước lớn đối với lân bang.
Mỗi khi thắng Trung Hoa, triều đình ta đều mong muốn có một nền hoà bình lâu dài nên muốn cho khỏi tiếp tục chiến tranh vì sự trả thù của họ, tổ tiên ta đã thực hiện một đường lối ngoại giao mềm dẻo ,khôn khéo "vưà đánh vừa xoa" là bang giao với họ để xoa dịu bớt cơn "nóng nảy dân tộc " của họ vì thảm bại  để tạm thời có một thời gian hoà bình, hầu ổn định lại lực lượng chờ chống trả một cuộc chiến tranh mới. Đó là tạo thế hoà bình để chuẩn bị chiến tranh. Ta thử xem tổ tiên ta đã thực hiện đường lối chiến tranh tâm lý đó như thế nào.



1- Đời nhà Đinh với vua Đinh Tiên Hoàng ( Đinh bộ Lĩnh ):

Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua bên nước ta  thì bên Trung Hoa Triệu Khuôn Dẫn lên ngôi lập nhà Tống , quân Tống tiêu diệt Nam Hán nên thế lực rất mạnh. Nhận thấy sau thời gian nội chiến 12 Sứ quân quá dài, tài nguyên cạn kiệt, binh sĩ thương vong quá nhiều. Nhất là mới lên ngôi vua chưa ổn định được lòng dân sau thời kỳ chiến tranh nên Đinh Tiên Hoàng thực hiện thế ngoại giao thần phục .Ông sai Nam Việt Vương Đinh Liễn đem lễ vật triều cống vua Tống, vua Tống cũng vừa mới lên ngôi tâm lý cũng giống như Đinh Tiên Hoàng không muốn có chiến tranh sớm nên sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương, Đinh Liễn làm Tỉnh hải quân Tiết độ Sứ An Nam Đô Hộ. Mỗi năm, nước ta đều mang lễ vật triều cống Trung Hoa.

2-Đời Tiền Lê với vua Lê Đại Hành  (Lê Hoàn ):

Lê Hoàn lên ngôi tức Lê Đại Hành sau khi đánh tan quân Tống, ông rất khôn khéo mang trả cho vua Tống hai vị tướng bắt được và xin thần phục, triều cống mỗi năm. Vua Tống thấy kẻ thắng đã hạ mình biết  "tội" nên đồng ý bãi binh phong cho Lê Hoàn làm Tiết độ Sứ, sau đó phong làm Giao Chỉ Quận Vương, sau cùng làm Nam Bình Vương. Nhà vua nhận chiếu mà không lạy để chứng tỏ mình còn cái khí khái hiên ngang của ông vua Đại Việt.
  
3-Đời nhà Lý với vua Lý Nhân Tông:

 Vua Lý Nhân Tông vừa lên ngôi thì nhà Tống chuẩn bị tấn công xâm chiếm  nước ta. Họ đặt hậu cần binh lương tại Quảng Đông và Quảng Tây. Lý thường Kiệt chuẩn bị thế đánh " tiên hạ thủ vi cường "kéo quân sang Tống đánh vào kho lương thực tại Khâm Châu và Liêm Châu tai tỉnh Quảng Đông và Ung Châu thuộc tỉnh Quảng Tây Trung quốc.
Sau khi đốt sạch kho lương của giặc, quân ta rút về lập phòng tuyến  tại sông Như Nguyệt để chống giặc Quân Tống kéo quân sang vừa xâm lăng. vừa trả thù nhưng vấp phải phòng tuyến kiên cố sông Như Nguyệt nên đánh mãi hao quân tổn tướng mà chẳng được gì, mà nếu rút quân thì mất mặt  "đại ca " nên tiến thoái lưỡng nan. Hiểu được tâm lý đó Lý Nhân Tông  xin cầu hoà và giao trả  cho Tống những tù binh Tống ta bắt được ở Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu, vua Tống thấy có lý do rút quân nên đồng ý phong cho Lý Nhân Tông làm Nam Bình Vương.

4- Đời nhà Trần với vua Trần Nhân Tông:

 Đời vua Trần nhân Tông quân Nguyên Mông xâm lăng nước ta đến ba lần nhưng đều bị thảm bại  Nhưng lần nào ta cũng xin cầu hoà, thả tất cả các tướng nhà Nguyên về nước, vì biết rằng hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn là Hốt tất Liệt đang là vua nên Nguyên không dễ gì chịu  thua khi những chiến thắng lẫy lừng nầy của nước ta đã vang dội khắp Châu Á, châu Âu  ( xin xem bài Thành Cát Tư Hãn, con sư tử vùng thảo nguyên thế kỷ 12-13 cuả tôi đăng trên Blog nầy ngày 16/3 ). Có thể nói đội quân bách chiến bách thắng từ Á sang Âu của Thành Cát tư Hãn chỉ chịu bại trân trước một nước nhỏ là An Nam, một sự hãnh diện lớn cho dân tộc chúng ta.

5-Đời nhà Lê với Vua Lê Thái Tổ ( Lê Lợi ):

Sau mười năm kháng chiến gian lao, người anh hùng áo vải đất Lam Sơn Lê Lợi  đã đánh thắng giặc Minh bao vây tướng soái giặc Minh là Vương Thông khiến y phải viết thư xin cầu hòa. Quân ta và quân Minh hai bên lập hội thề bãi binh không xâm phạm ranh giới của nhau. Lê Lợi cấp thuyền, lương thực cho hai vạn quân Minh về nước.  Khi lên ngôi Lê Lợi ( Lê thái Tổ ) rất khéo léo bang giao với nhà Minh, ông sai sứ giả  mang hai tượng người bằng vàng ròng gọi là " đại thân kim nhân "  làm thế mạng cho hai tướng Minh bị ta giết chết là Liễu Thăng và Lương Minh, nên vua Minh không nghĩ đên việc báo thù cho hai tướng nầy nữa.
.
6- Đời Tây Sơn với vua Quang Trung ( Nguyễn Huệ ):

Sau khi quét xong 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi đất nước vào ngày mồng năm năm Kỷ Dậu và giải phóng Thăng Long khiến Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị  phải bỏ cả ấn tín chạy tuốt về Tầu. Hoàng Đế Quang Trung sai Ngô thời Nhậm viết thư cho vua Thanh xin giảng hoà .Các tù binh Thanh được cấp lương thực trả về nước. Vua Thanh Càn Long đồng ý phong cho Quang Trung làm An Nam Quốc Vương
 .  
BÌNH LUẬN ENTRY:

Chiến tranh không phải chỉ là  hai bên quân lính đánh giết nhau bằng những vũ khí thô sơ hay hiện đại mà nó bao trùm nhiều lĩnh vực khác như văn học, tư tưởng, ngoại giao, tình báo, nghệ thuật, âm nhạc v..v. Ở đây khôn khéo về ngoại giao là một mặt trận tâm lý mà cha ông ta đã sử dụng một  cách nhuần nhuyễn tuỳ vào tình hình đất nước chúng ta thời đó. Cách khôn khéo ngoại giao của ông cha ta dựa trên các nền tảng "nhu thắng cương, nhược thắng cường", " tránh voi chẳng xấu mặt nào", lùi một bước để tiến ba bước " nên mỗi lần chiến thắng ta đều phải cầu hoà, thần phục, triều cống với "Thiên triều" Trung Hoa.
Nắm bắt được tâm lý các triều đình Trung Hoa thời phong kiến đều khoái làm anh cả, làm Thiên Triều (cái tên nước là Trung Hoa cũng nói lên phần nào tham vọng nầy của họ khi muốn làm trung tâm của tinh hoa thế giới). Họ khoái, có nhiều nước lâng bang làm chư hầu, phục vụ, triều cống  lễ vật hằng năm  nên ông cha ta đã đánh vào yếu huyệt đó khiến người " anh cả " nhiều lúc muốn đánh  "thằng em" ngỗ nghịch nhưng trót đã "ăn của đút lót", phong chức tước cho nó bây giờ lật lọng thì mất mặt qu .
Ông cha ta chỉ cần đất nước hoà bình, hoà bình để có thời gian chuẩn bị chiến tranh, nên những chức tước mà triều đình Trung Hoa phong cho họ, họ coi như là những thông điệp giao hảo chứ chẳng có nghĩa lý gì thực  tế. Chức Giao Chỉ Quận Vương của nhà Tống ban cho  Đinh Bộ Lĩnh có nghĩa là nhà Tống xem nước ta như là một Quận nhỏ của nước Tống, một quận tự chủ về mọi mặt mà không có sự can thiệp của nhà Tống bất cứ lãnh vực nào. Cũng không có người dân Tống nào sống trên lãnh thổ Giao Chỉ thì làm sao là Quận của Trung Hoa được?. Mặc kệ, họ nói gì thì nói, miễn là đất nước ta hoà bình thực sự là đủ rồi. Đó cũng là những suy nghĩ của tiền nhân ta thời đó.
Cũng như những chức vụ khác, triều đình Trung Hoa các đời sau nầy sau khi thua trận được ta cầu phong thì mừng rỡ phong cho các vua ta làm Tiết độ Sứ, Nam Bình Vương, An Nam Quốc Vương v..v. chỉ có nghĩa là gỡ cho đỡ bẽ mặt một nước lớn vừa bại trận vớt vát chút danh dự rút lui an toàn thôi.
Sách có câu " Biết người biết ta trăm trận trăm thắng" ông cha ta đã dùng những kế sách ngoại giao mềm mỏng để giữ nền độc lập dược lâu dài sau khi thắng giặc". Biết người " vì  ông cha ta biết các vua Trung hoa rất hám danh và vàng bạc châu báu. Họ có cái tật khoái phong chức cho người nào cầu  xin  họ mà quên rằng kẻ cầu xin đã vừa đánh cho họ một phen chạy trối chết, đó là cái bệnh khoái làm Thiên Triều  mà chưa chắc gì họ bỏ được " Biết ta  "vì nước ta là một nước nhỏ. Thiết nghĩ Chánh sách ngoại giao  mềm mỏng nầy có thể  vận dụng cho các nhà lãnh đạo Công Ty Xí Nghiệp hay các đơn vị  kinh doanh trên thương trường hiện nay.

HUY THANH   .