11/12/12

TẢN MẠN: VỀ MÁU VĂN NGHỆ VÀ NHỮNG KỶ NIỆM MỘT THỜI

TẢN MẠN: VỀ MÁU VĂN NGHỆ VÀ NHỮNG KỶ NIỆM MỘT THỜI
HUY THANH
Không biết nhà ngôn ngữ học nào đã gọi những người thích nghe, làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc kèm theo một chút lãng mạn là có Máu văn nghệ. Ba chữ đó thật lẻ loi nhưng chứa đầy tính cách dễ thương cuả những con người sống nhiều về nội tâm trong lĩnh vực nầy. Tôi cũng nghĩ rằng những bạn trên Blog cũng ít nhiều có Máu văn nghệ theo những nhận định đó.

 
Phải công nhân rằng người có Máu văn nghệ thường đi đôi với lãng man, họ thật nhạy cảm với những sự kiện xung quanh mình dù một cái bắt gặp lẻ loi nhưng cũng tràn đầy cảm xúc để tạo ra một sáng tác thật dài và sâu lắng. Trong cuộc sống hiện nay, khi mở mắt ra, bước ra đuờng đi làm, đi học là chung quanh mình có bao điều đáng nói, bao điều có thể trở thành nguồn sáng tác cho những người có Máu văn nghệ thật nhậy cảm. Bên cạnh đó bốn muà xuân, hạ, thu, đông cũng có nhiều đề tài hấp dẫn trong lĩnh vực sáng tác.
Tôi cũng vậy, tôi cũng có cái Máu văn nghệ từ hồi nhỏ nên thường có những sự say mê sáng tác, hoạt đông văn nghê từ thuở còn đi học. Hồi học Trung học tôi học trường Pé trus Trương vĩnh Ký Saigon (nay là trường phổ thông chuyên Lê Hồng Phong TP HCM ), một trường có nhiều thầy nổi tiếng về nhạc như thầy nhạc sĩ Phạm mạnh Cương ( dạy môn Triết Học, thầy nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, thầy nhạc sĩ Hoàng Lang nên ít nhiều cũng ảnh hưởng Máu văn nghệ của các thầy, mặc dù lúc ấy tôi đang học học lớp Đệ Nhất B1 chuyên toán (tức lớp12 bây giờ).
Lên Đại Học tôi học ở trường Đai Học Luật Khoa SaiGon , máu văn nghệ của tôi lại lên đến cao điểm  khi anh Nguyễn phúcThành lúc đó là Chủ Tịch Ban đai diện Sinh viên đoàn Luật Khoa giao cho tôi tổ chức Đêm Văn Nghệ Tất Niên tại trường vào năm 1970. (lúc đó, tôi là sinh viên năm thứ nhất của trường)  
Khi ấy trường Luật chưa xây khu Đại Giảng Đường bên phía đường Phan đình Phùng (nay là Nguyễn đình Chiểu ) mà mặt tiền của nó là "con đường Duy Tân (nay là đường Phạm ngọc Thạch ) cây dài bóng mát như bài "Trả lại em yêu" cuả nhạc sĩ Phạm Duy).,Lúc đó trường Luật còn cổ kính, lợp ngói, trông giống như ngôi chuà hơn là một trường Đại Học. Thời gian đó ,máu văn nghệ của tôi lại sôi lên khi phải chạy đôn chạy đáo xin phép thầy Khoa Trưởng lúc đó là giáo sư Nguyễn Độ dạy môn Luật Hành Chánh, đến thầy giáo sư Bùi Tường Chiểu day môn Luật La Mã (Droit Roman ) , thầy Vũ Quốc Thông dạy môn Quốc Tế Công Pháp, sau rốt đến thầy giáo sư Vũ văn Mẫu dạy môn Cổ Luật để xin phép mượn khuôn viên Trường tổ chức và dàn dựng sân khấu.
Tôi làm trưởng Ban Tổ Chức Chương trình, muốn cho chương trình live show  của tôi hay, tôi phải mời một số nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng lúc đó là nhạc sĩ Vũ thành An (tác giả Mười bài không tên ) cũng đang là sinh viên Luật, nhạc sĩ Từ Công Phụng (tác giả tập nhạc Trên ngọn tình sầu) đang học ở trường Quốc Gia Hành Chánh và ảo thuật gia nổi tiếng bấy giờ là Z27 cũng đang là một sinh viên Luật. Để tăng cường lực lương bên ngoài tôi mời nhạc sĩ Anh Việt Thanh cùng với nhóm ca sĩ học trò của Lớp Nhạc Đào Tạo Ca Sĩ do tôi đang dạy để tăng cường (Lớp nhạc tôi dạy chung với : nhạc sĩ Anh Việt Thanh, ca sĩ Chế Linh, và nhạc sĩ nổi tiếng về thổi sáo là  Nguyễn Đình Nghiã)
Chương trình mở đầu bằng Hợp Xướng ba bè  (gồm 40 sinh viên) bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương do tôi soạn hoà âm, dàn dựng, môt bài nhạc Xuân mà chắc có lẽ ở thế hệ tôi ai cũng biết  Sau đó tôi hát bài Kiếp Nào có Yêu nhau của nhạc sĩ Phạm Duy, bài nầy đòi hỏi bạn phải có giọng nam cao (ténor) mới hát nổi vì có nhiều nốt Fá và nốt Sól liên tục. Phạm Duy là một nhạc sĩ đa tài từ thời tiền chiến đến trung chiến mà tôi rất mến mộ, tôi thường nói đùa với bạn bè nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy là của kẻ sĩ trong thời loạn.
Đêm nhạc thành công, lòng tôi thấy vui như mình vừa trúng số độc đắc, nên sau đó ngẫu hứng cùng Sáng tác chung một số bài nhạc trữ tình với nhạc sĩ Anh Việt Thanh (sau nầy do các ca sĩ Khánh Ly, Giao Linh, Hoàng Oanh, LệThu, Phương Thu hát mà tôi đã từng giới thiệu với quý vị trên mạng ).
Tôi cũng nhớ kỷ niệm với nhạc sĩ Giáp văn Thạch lúc anh còn sống ,sau khi phổ nhạc bài thơ" Quê Hương" của nhà thơ Đổ Trung Quân anh đã chạy đến tôi buổi sáng chủ nhật Anh cầm đàn, hát một cách say sưa bài nhạc vừa sáng tác chưa ráo mực cho tôi nghe khi tôi  vừa ngủ dậy chưa kịp rửa mặt tại tỉnh Sông Bé (lúc đó anh đang công tác tại Sở Văn Hoá Thông Tin). Anh Thạch hát đến câu "Quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con ngã trên đồng.." chữ: ngã" anh viết luyến láy dân ca rất hay, nhưng rất tiếc là hôm đó giọng anh hơi rè vì tối qua nhậu với các nhạc sĩ bạn bè. Đến nay tôi nghe một số ca sĩ hát trên phương tiện truyền thông bài  Quê Hương của anh rất tiếc lại vô tình  bỏ quên chỗ luyến láy tuyệt vời đó.  Anh Giáp văn Thạch là một mẫu mực người có dòng Máu Văn Nghệ anh có thể hát bất cứ nơi đâu, trên ghe thuyền, trện rừng cao su, những vùng đất hoang sơ đang khai phá.Một dip đi công tác anh đã  cao hứng ngồi ca hát cho một số thanh niên đang khai phá rừng hoang đến gần sáng, nhậu chung với họ, sau đó mệt mỏi ngủ luôn tại khu rừng nên bị muỗi độc cắn thành sốt rét ác tính. Khi đưa vào bệnh viện thì quá trễ, trước khi qua đời anh còn cầm đàn hát cho các bác sĩ và y tá nghe bài "Quê Hương" của anh và nhà thơ Đỗ Trung Quân.       
Đấy, máu văn nghệ của tôi như thế, nó luôn âm ỉ tưởng chừng như yên ắng  nhưng thực ra dưới đáy sâu thẩm cuả trái tim vẫn còn các cơn sóng ngầm dữ dội, chỉ chờ mỗt cái bắt gặp tương đồng nào đó là bật lên thành những bài thơ, truyện ngắn, bài nhạc trong bất cứ hoàn cảnh nào, và ở tại đâu. Khi nổi hứng tôi thường viết sáng tác ở văn phòng làm việc, trên xe đi công tác, trên máy bay, đi siêu thị , trên giường ngủ và có khi trong toilet hi hi. Có thể nói rằng đó là một thứ đam mê mà những người có Máu văn nghệ không thể không có được.
Sau nầy, Máu văn nghệ của tôi dường như bị hụt hẫng trước dòng nhạc hiện nay, một dòng nhạc mà theo tôi đã chệch đi tính nghệ thuật, những sáng tác đầy dẫy, kém chất lượng chỉ mang tính cách lăng xê (lancer), quảng cáo, chắp vá ,tự tôn vinh hay tôn vinh lẫn nhau kiểu  bánh ít đi, bánh quy lại" hay mì ăn liền. Những cốt truyện kich ,phim nội dung nghèo nàn, chỉ cốt ý phô trương quần áo thời trang,sắc đẹp, lối sống trưởng giả nhiều hơn là nghệ thuật đích thật chân chính. Quanh đi quẩn lai, chỉ những đề tài non yếu tính nhân văn như :nguoi mẫu, thời trang,tập cho con người háo danh, ham mê vật chất, phô diễn xác thịt. Có thể một số người nói tôi khe khắt và nhiều thành kiến trong nhận thức dòng nhạc hiện nay, nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình trước hiện tựơng lạm phát  "ca sĩ ", "nhạc sĩ,"  "ngôi sao" như bây giờ. Có thể nói qua một thời gian dài,số nhạc phẩm hay, nhạc sĩ hay, ca sĩ hay theo tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi, và sau năm 1975, khó có bài nhạc nào vượt thời gian như trước đây nữa.  
Tôi đã xem rất nhiều bài viết của các bạn trên Blog về những bài thơ, bài văn, truyện ngắn, ký sự, tản mạn, phiếm luận (ngoài những bài kể chuyện về đi off, du ngọan, đi picnic, tham dự party rất vui nhất là do LUC BINH, luc binh..v..v tổ chức) của các bạn và có nhận xét chung là bài nào cũng bàng bạc những nôi tâm hầu như buồn và lãng man, không những lãng mạn cho tình yêu đôi lứa vợ chồng mà còn cho cha mẹ, con cái, bạn bè, tha nhân. Bài viết của các bạn hay có, trung bình có, kém có, nhưng tôi thấy ở các bài viết một mẫu số chung là có Khí Thế của những dòng Máu Văn Nghệ sôi nổi đáng tôn vinh. Tôi cũng có thể kết luận rằng tất cả những Bloggers hiện nay cũng có ít nhiều dòng Máu văn nghệ. 
Để chấm dứt bài Tùy Bút "Tản Mạn về Máu Văn Nghệ và Những Kỷ niệm một thời" nầy tôi khẳng định là con người dù sống ở đâu cũng có những hoài niẹm, kỷ niệm với quê hương, nhất là thời thơ ấu, nhiều cuộc tình dang dở là những chiếc thuyền lãng mạn đang trôi lờ lững trong dòng Máu Văn Nghệ của chúng ta.
Tôi cũng vậy, dù có thời gian ở nước ngoài trên hai mươi năm, nhưng tôi cũng không thể quên được những hoài niệm, kỷ niệm chốn quê hương một thời thơ ấu, lớn lên, biết yêu và biết sống. Lúc nào cũng canh cánh bên lòng niềm thương quê cha đất tổ. Tạ ơn ba mẹ, thầy cô, anh em, bạn bè, tất cả những ai đã dẫn dắt tôi bước vào cuộc đời với bản trường ca nhiều giai điệu nhân cách theo đúng định nghiã làm người.  
Tôi mong rằng những bạn Bloggers phát huy hơn nửa cái thế lãng mạn và đun sôi Máu văn nghệ của mình để tạo liên tục ra những tác phẩm văn chương mới, hay, gần với nghệ thuật hơn, một điều mà theo tôi hiện nay  trên diễn đàn văn hoá còn ít nhiều bỏ trống.

HUY THANH