12/12/12

THAM LUẬN: CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN NGƯỜI LỮ HÀNH CÔ ĐỘC NGÀN DẶM RA ĐI

THAM LUẬN:
CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN
NGƯỜI LỮ HÀNH CÔ ĐỘC NGÀN DẶM RA ĐI
HUY THANH 

1- LỜI MỞ ĐẦU:
TÂM SỰ HUYỀN TRÂN
Thăm thẳm cố hương giữa khói mờ
Ra đi từ lúc mãnh trăng tơ
Rời xa Đại Việt lòng đau xót
Đến đất Chiêm Thành dạ ngẩn ngơ
Đất Bắc Hoàng Cung xa vạn dặm
Trời Nam Dáng Tháp lạnh chơ vơ
Bước đi vào giữa lòng dân tộc
Biết có hoà bình trong tóc tơ?
HUY THANH


2-TIỂU SỬ CÔNG CHUÁ HUYỀN TRÂN:
Công Chuá Huyền Trân chữ Hán玄珍; (1287 - 1340 ) là con gái út của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông , là em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý ( Rí  ) kéo từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến Quảng Trị ngày nay.
Khi vua Trần Nhân Tông lên làm Thái Thượng Hoàng, ông có đi ngao du qua nước Chiêm Thành, đưọc vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. Nhà vua ở lại Chiêm Thành du sơn du thuỷ gần một năm. Trước khi về  nước, nhà vua có hứa gã con gái út của mình là  Công Chuá Huyền Trân cho Chế Mân mặc dù vua Chiêm đã có hoàng hậu chính thức là  bà Tapasi người Indonésia. Năm 1306 vua Chiêm đem dâng sính lễ để cưới vợ, ngoài vàng bạc châu báu, còn có hai vùng đất là  hai châu Ô  và Lý ( Rí ). Vua Trần Anh Tông  sau đó sai Tham sự Chính Tri Khu Mật Viện Đoàn nhữ Hài sang tiếp quản lấy hai châu Ô, Rí đổi tên Việt Nam là Thuận Châu, Hoá Châu  ( phần đất phía Nam tỉnh Quảng Tri )
Năm đó, Công Chúa Huyền Trân  mới lên 18 tuổi cất bước theo chồng, sang làm dâu nước Chiêm và được phong làm hoàng hậu với tên Chiêm là Paramevasi. Sau đó, Công Chúa Huyền Trân hạ sinh một con trai với Chế Mân là thái tử Chế Đa Đa ( một số sử sách lại ghi là bà không có con nên khi Chế Mân chết theo tục lê Chiêm Thành, hậu phi chưa có con phải lên giàn hoả chết theo chồng ). Đến tháng 5 năm 1307 vua Chế Mân băng hà ( chết ). triều đình Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang cho triều đình nhà Trần. Theo luật lệ  nước Chiêm khi vua chết phải đem xác hỏa táng, và hoàng hậu phải tuẩn tang, nghĩa là phải bị thiêu  sống trên giàn hỏa chung với xác chồng.
VuaTrần Anh Tông thương em gái, nên mật chỉ cho quan Thượng Thư Tả Bộc Xạ Trần khắc Chung giã vờ sang Chiêm để chia buồn, viếng  quốc tang ,nhưng  kỳ thực là tìm cách cứu Công Chuá Huyền Trân mang về nước không để bị thiêu trên giàn hỏa  Trần Khắc Chung đã hoàn thành sứ mạng, cứu Công Chuá Huyền Trân bằng thuyền vượt biển, một năm sau thì mới về tới Đại Việt. Khi sang Chiêm quốc, Khắc Chung nói với vua Chiêm kế vị Chế Mân là trước khi Công Chuá Huyền Trân lên giàn hỏa, xin cho lập đàn trai ven biển ba ngày để Công Chuá thắp nhang váí lạy  vĩnh biệt cha là Thượng Hoàng Nhân Tông  để báo hiếu, vĩnh biệt vua anh là Trần Anh Tông  để báo đáp tình huynh muội, vĩnh biệt dân chúng Đại Việt với thần dân. Một đêm thừa lúc quân Chiêm say ngủ, Khắc Chung mang thuyền nhỏ cập bến lén rước Công Chuá về nước.
Nhiều sách sử cho rằng trong thời gian lênh đênh trên biển, Trần Khắc Chung đã tư thông cùng Công Chúa Huyền Trân.. Tháng 8 năm 1308 ,Công Chuá Huyền Trân về tới Thăng Long, theo chỉ dụ của Thượng Hoàng Nhân Tông,bà vào Chùa tu tại núi Trân Sinh tỉnh Bắc Ninh với pháp danh Hương Tràng. Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã qui y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự .
Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần"
BÌNH LUẬN:
Điều trước tiên là tôi cúi đầu kính phục Công Chuá Huyền Trân như một anh thư của Đại Việt, Bà đã chấp nhận  hy sinh tất cả: bản thân, danh vọng, thân phận một Công Chúa để đơn thân độc mã về quê chồng, một đất nước xa xôi đã từng là kẻ thù đich, một dân tộc mà dân Đại Việt cho là  còn  "man ri, mọi rợ". Cuộc hôn nhân của bà và vua Chiêm Chế Mân đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của triều đình, ngoại trừ danh tướng Thương thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, một người thây xa hiểu rộng thâm ý của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông khi chấp nhận cuộc hôn nhân nầy nên ông ủmg hộ thương hoàng. Một số quan lại triều Trần có ý trách Nhân Tôn lúc cao hứng trà dư tửu hậu, hứa bừa bãi để rồi vì danh dự một thượng hoàng  nước lớn phải giữ lời hứa,lở phóng lao thì phải theo lao, mang con gái lá ngọc cành vàng cho  "thằng Mán, thằng Mường " nó leo. Họ lý luận mình là một nuớc lớn, làm gì phải giữ lời hứa với một nước nhỏ, ta đang ở thế thượng phong sao lại phải dâng công chúa cho môt ngoại bang  "man rợ" như Chiêm Thành. Ngày xưa ở Trung Hoa, Hán Nguyên Đế vì thua trận giặc Rợ Hồ Hung Nô nên phải cắn răng dâng ái phi là  nàng Chiêu Quân cho vua Rợ, còn bây giờ ta đang là một nước lớn cớ sao phải làm như vậy? 
Công Chuá Huyền Trân ,con gái út của vua Trần  Nhân Tông  mới vừa 18 tuổi, một trang quốc sắc thiên hương đành cúi đầu chấp nhận số phân, không trách móc cha của mình, bước đi trên con đường  định mệnh mà cha và anh đã vạch sẵn. Định mệnh của bà  cũng là định mệnh của sự bang giao  hai nước Đại Việt và Chiêm Thành. Tuy không am hiểu nhiều về chánh trị, nhưng Công Chúa cũng hiểu rằng cuộc hôn nhân của mình sẽ mang đến cho hai dân tộc Chiêm,Vĩệt  một nền hoà bình lâu dài ổn định.  Máu của hai bên sẽ ngừng rơi, không còn tang tóc đau thương  vì nạn tranh giành lãnh thổ. Hơn nữa non sông Đại Việt của bà cũng được mở rộng thêm bờ cõi lần xuống phiá Nam  đúng như ý muốn của phụ hoàng Trần Nhân Tông.
Nước Đại Việt ta bấy giờ phiá Bắc giáp Trung Hoa, một quốc gia hùng mạnh, đông dân ,lúc nào cũng mong muốn mở rộng bờ cỏi bằng cách xâm chiếm các nước nhỏ ớ phiá Nam mà Đại Việt đang đứng ở đầu sóng ngọn gió là một. Phiá Nam Đại Việt giáp Chiêm Thành một quốc gia tuy nhỏ nhưng rất khó chịu tựa như con kiến chui vào cái lỗ tai voi khiến Đại Việt ngày đêm ăn ngủ không yên  Nhiều cuộc càn quấy của họ khi to, khi nhỏ  thường xuyên qua biên giới cướp của giết người rồi nhanh chân rút về nước. 
Nước Chiêm Thành trước đây có tên là Lâm Áp ở vị trí từ quận Nhật Nam ( Quảng Bình, Quảng Trị ) kéo dài  đến Chân Lạp ( Campuchia bay giờ ). Họ là người dòng giống gốc Mả Lai theo tôn giáo Bà La Môn của ngưới Ấn Độ.Việc quan trong nhất của triều đình Trần bấy giờ là phải đối phó Trung Hoa, anh khổng lồ có quá nhiều tham vọng bành trưống lãnh thổ trên đất nước của người khác nên phiá Nam cần phải ổn định hoà bình với Chiêm Thành, làm một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến phiá Bắc. Trong lịch sử, nước Chiêm  đã nhiều lần cho quân sang cướp phá nước ta xong thì rút chạy về biên giới Từ đời Tiền Lê, Lê Đại Hành cũng nhiều lần cho sứ giả sang Chiêm Thành bang giao nhưng họ ngang ngạnh vuốt râu hùm bằng cách bắt giam sứ giả, thâm chí họ còn liên kết với nhà Tống, nhà Nguyên đánh sau lưng phía Nam nước ta  mỗi khi ta đang chống giặc Trung Hoa phía Bắc . Mỗi khi triều đình nước ta gặp những khó khăn nội bộ, mất đoàn kết, là họ nắm bắt cơ hội kéo quân vào quấy nhiểu , cướp phá rồi rút chạy về nước  thật khó chịu. Nghĩ như vậy nên thượng hoàng Trần Nhân Tông  hứa gã Công Chuá Huyền Trân cho vua Chiêm Chế Mân  không phải là một ngẫu hứng trên bàn rượu, mà là sự toan tính lớn của  nước cờ chính trị. Lẽ dĩ nhiên trong chính trị sự thành công nào cũng có ít nhiều hy sinh, mất mác nhưng điều quan trọng là kết quả của nước cờ đó là thắng hay thua,nếu thắng thì thắng ở mức độ nào, lỗ hay lời. Ở đây, ta thấy rõ ràng Đại Việt  đã thắng, sau rốt người lại hoàn người, của lại hoàn của, mà kết quả là lãnh thổ nước ta được mở rộng hai châu Ô Rí đến Quãng Trị không tốn một giọt máu nào.
Về phía Chiêm ,vua Chiêm Chế Mân không phải là ông vua háo sắc mà trái lại là một vi vua được dân tộc Chiêm kính trọng vì bản tính ôn hoà, không háo chiến như Chế Bồng Nga khi lảnh đạo đất nước .Nhiều người đã có cái nhìn rất không đúng về ông cho ông là ngu dốt, dại gái, mang cã một vùng đất tổ tiên rộng lớn hai châu Ô Rí  để đổi lấy một bóng sắc giai nhân ngoại tộc . Chế Mân chấp nhận cuộc hôn nhân nầy vì Chiêm Thành cũng đang ở thế " lưỡng đầu thọ địch  ". Phiá Bắc, Đại Việt lúc nào cũng muốn xăm lăng, mở rộng bờ cỏi về phía Nam ,chực chờ có cơ hội là nuốt gọn Chiêm Thành . Phiá Nam là Chân Lạp lúc nào cũng lăm le càn quấy chiếm đất. Triều đại Chế Mân là một triều đại hoà bình, ông không muốn có những cuộc đổ máu vô ích vì tranh chấp lãnh thổ với các nước lân bang, ngoài tự vệ, nhất là với Đại Việt một nước lớn cận kề ..Mà nếu chiến tranh với Đại Việt thì phần thua chắc chắn là về phía Chiêm Thành, lúc đó, ông sẽ mất tất cả: quốc gia, đất nước, dân tộc, ngai vàng tổ tiên từ ngàn xưa để lại  ( lịch sử đã chứng minh những suy nghĩ của Chế Mân  là đúng khi Chiềm Thành ngày nay đã mất nước ). Thôi thì đành phải hy sinh một phần đất đai để giữ toàn vẹn phấn lãnh thổ còn lại, vì một khi đã là rể út của Thương Hoàng Trần Nhân Tông, em rể cuả đương kim Hoàng Đế Trần Anh Tông Đại Việt chả lẽ cha vợ và anh vợ lai mang quân chiếm đất của con rể, em rể mà cũng là đất của con gái và em gái mình.
Một bài Thơ tôi không biết rỏ tác giả nào  ( HOÀNG CAO KHẢI ? ) đã viết như sau:
" Hai Châu Ô Lý muôn nghìn dăm"
"Một gái Huyến Trân giá mấy mươi" .
Tôi không đồng ý với tác giả bài Thơ nầy vì  tác giả đã phủ nhận công lao của Công Chúa Huyền Trân, một người đã hy sinh cả cuộc đời thanh xuân, hy sinh cả tình thương yêu gia đình, đất nước, dân tộc để đơn thân độc mã ngàn  dặm ra đi sang làm dâu một nước được xem là " man ri mọi rợ " hầu giữ lấy nền hoà bình cho cả hai dân tộc. Công lao ấy có thể là một chiến công giữ nước sao lại đánh giá là chỉ có " Mấy mươi "? Nếu tác giả đứng về phía Đại Việt để đánh giá trị của Huyền Trân như thế thì đây là một sai lầm lớn chứng tỏ tác giã không nhìn vào hoàn cảnh tổng thề của đất nước ta lúc đó. Tác giã chỉ chú trọng cái tiểu ngã về thân phận con người mà quên  cái đại ngã quê hương tổ quốc .gần như là sự vong ân bạc nghĩa  đối với Công Chuá Huyền Trân. Còn nếu tác giả đứng về phiá Chiêm Thành ,chê trách Chế Mân là cũng là một sai lầm lớn khi nhận định về ông vua Chiêm nầy. Ta hãy nên nhớ khi Thượng Hoàng Trần Nhân Tông hứa gã Huyền Trân cho vua Chiềm là một sự tự nguyện , một sự cảm kích vì vua Chiêm đã đối xữ với nhà vua như một thượng khách trong thới gian ngao du Chiêm Quốc. Hơn nửa , đây là một sự tính toán trong  nước cờ chính  trị của Thương Hoàng Nhân Tông khi ông mở lời gợi ý vua Chiêm về việc nầy .Vua Chiêm chấp thuận cũng có thể ở thế bị động , tấn thối lưỡng nan , chấp thuận thì cũng kẹt mà từ chối cũng không xong  Sau cùng  vì  cũng có những toan tính riêng cuả ông về vận nước của Chiêm quốc .(như tôi đã trình bày như trên ). nên ông chấp thuận .. Như vậy, cuộc hôn nhân của Công Chua Huyền Trân và vua Chiêm Chế Mân là một  kịch bản gia đình  mà phiá sau nó là đấu trường chánh trị ,Chế Mân không đến nổi ngây thơ đem hai châu Ô Lý muôn nghìn dặm của mình để đổi lấy một gái  Huyền Trân chỉ giá " mấy mươi"  đâu .
Về chuyện nói Trần Khắc Chung trên đường cứu Công Chuá Huyền Trân mang về nước đã tư thông với bà có thể đây chỉ là một giã thuyết  "trai đơn gái chiếc " suốt một năm lênh đênh trên biển cả mà không đúng sự thật. Ta thử phân  tích xem việc nầy có hay không, và ở múc độ nào?.
Trần khắc Chung trước đây họ Đỗ, đời vua Trần Nhân Tôn ông làm  tướng chức Chi Bộ Cục Thư. Khi tướng giặc Nguyên là Ô Mã Nhi sang chiếm nước ta nhà vua muốn chọn một nguời thông minh, tài trí, ứng phó đối đáp giỏi để đi sứ gặp tướng giặc dò xét xem tình hình ý giặc thế nào nên sai Khắc Chung đi sứ. Ô Mã Nhi hỏi Khắc Chung  " Vua An Nam sao dám vô lễ, sao dám cho quân sĩ xâm vào cánh tay hai chữ "Sát Đát" chống lại Thiên Triều? " Khắc Chung đáp:" Chó thấy người lạ thì phải sủa, đó là sự căm phẩn nên quân sỉ tự làm chứ nhà vua không có xúi bảo họ". Vì có công với nước nên vua Nhân Tông cho cải sửa họ Trần là họ của Hòang Tộc thời bấy giờ ,Khắc Chung là vị tướng rất  nghiêm khắc với quân sĩ, luôn làm gương đạo đức cho ba quân. Tuổi ông năm đó cũng xấp xỉ tuổi vua Nhân Tông là cha của Công Chúa Huyền Trân. Do đó, nếu nói Trần Khắc Chung tư thông với Công Chuá Huyền Trân là điều vô lý vì tuổi của ông đã cao ,ngang hàng với vua Trần Nhân Tông là cha của Huyền Trân hay là hàng chú, hàng bác của Huyền Trân thi không có chuyện vi phạm luân thường đạo lý như thế đối với vị tướng tài đức, phò  vua qua hai triều đại như Khắc Chung.
Một số người đời sau cho rằng câu chuyện công chúa phải lên giàn hỏa chỉ là do sách Việt sau này viết thêm. Theo tiến sĩ Po Dharma, công chúa Huyền Trân không thể hội đủ điều kiện để  lên giàn hỏa vì nếu theo truyền thống Champa xưa, đây là một vinh dự và chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép hủy thân trên giàn hỏa với chồng của mình .Trong kinh điển theo đạo Bà La Môn đều không nhắc đến tục lệ này của người Champa nên chưa chắc đã có tục lệ như thế. Mà nếu có tục lệ đó đi nữa, thì việc hỏa táng phải tổ chức trong vòng 6 ngày sau khi chết, vì khí hậu nhiệt đới không cho phép bảo quản thi hài được lâu hơn nữa. Khi tin Chế Mân chết  đến  Đại Việt, dù Trần Khắc Chung có lên thuyền đi  ngay cũng không thể nào kịp trong vòng 6 ngày  trong điều kiện giao thông thời đó. Nói Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân là không hợp lý, vì sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, Trần Khắc Chung lại được tiếng đạo đức. Trên thuyền còn rất nhiều  quan quân lính  cùng đi, như là An Phủ Sứ Đặng Vân nên không dễ dàng gì Khắc Chung và Huyền Trân làm chuyện bại hoại như thế  được.
Các sử gia đã phê bình cuộc hôn nhân nầy,  nhiều ý kiến  chỉ trích khác nhau. Như sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký Toàn thư đã chê trách chuyện này: "Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho  vua Hung Nô Thiền Vu. Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy nàng Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ. Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu ?" . Nhà sử học Phạm Văn Sơn trong Việt sử toàn thư  thì viết  " Duy việc Trần Khắc Chung lập mưu đưa Huyền Trân trở về nước sau khi Chiêm Vương qua đời, dù muốn sao ta cũng phải nhận là một việc bất tín đối với Chiêm Thành. Thì phản ứng của nước Chiêm là lẽ dĩ nhiên và chính đáng. Còn người Việt đã thắng một canh bạc không lương thiện lắm lại còn ra bộ não nùng xót xa ".


Bia ký tại Điện thờ Huyền Trân Công Chúa, Huế
THAY LỜI KẾT  : CÔNG CHUÁ HUYỀN TRÂN TRONG THI CA :
Huyền Trân đã trở thành một  nhân vật đề tài trong thi ca, nghệ thuật. Trong dân gian, thời đó người Việt ta coi người Chăm là dân tộc thấp kém nên đã có câu:
"Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo"
Bài "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình, có người cho rằng chính công chúa đã soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm quốc:
"Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?...
Nhạc sĩ Phạm Duy cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam đã sáng tác bài  Trường ca Con đường Cái Quan với lời rất hay như sau   :
Năm tê trong lúc sang Xuân
Tôi theo Công chúa Huyền Trân tôi lên đường
Đường máu xương đã lắm oán thương
Đổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Đi cho trăm họ được hòa bình ấm no
Đèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son bay tới kinh đô...
"Nước  non ngàn dặm ra đi
"Dù đường thiên lý xa vời
"Dù tình cố lý chơi vơi
"Cũng không bằng à lòng thương nhớ người
 "Bước đi vào lòng muôn dân
   "Ước nuôi dần  hoà bình trong ái ân
.   ..............................................................
"Mới hay tình nhẹ như tơ
 "Mộng ngoài biên giới mơ hồ
 "Chẳng  ngăn đươc sóng vổ bờ
 "Những đêm tàn hồn về trên tháp ma.
Ngoài ra còn những bái hát khác như  Tiễn biệt Huyền Trân của Phạm Duy phổ thơ Đào Tiến Luyện  ,Huyền Trân Công chúa của Nguyễn Hiền  ,Tình sử Huyền Trân của Nam Lộc  .Sương gió Chiêm Thanh ( cổ nhạc )
Tài liệu tham khào , trích dẫn :  Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia
 Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ( Ngô sĩ Liên ) 
   Việt Sử Toàn Thư ( Phạm văn Sơn )
   Việt Nam Sử Lược ( Bùi Kỷ- Trần trọng Kim )
    HUY THANH