11/12/12

THAM LUẬN: NHỮNG NGHI VẤN LICH SỬ VỀ MẠC ĐĂNG DUNG

THAM LUẬN:
NHỮNG NGHI VẤN LỊCH SỬ CHUNG QUANH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG ( MẠC THÁI TỔ )
HUY THANH 
KHẢO LƯỢC TRÍCH DẪN:
Mạc đăng Dung  (Mạc Thái Tổ) là người sáng lập ra nhà Mạc (từ năm 1527 đến năm 1592), giai đoạn lịch sử nầy của Việt Nam người ta gọi là thời kỳ Lê-Mạc hay thời kỳ Nam-Bắc triều. Nhà Mạc do ông dựng lên không những chỉ phải lo khôi phục sơn hà xã tắc đã suy kiệt từ cuối thời kỳ Lê mạt, mà còn phải chống chọi lại với phản ứng rất mãnh liệt của phần lớn các cựu thần nhà Hậu Lê với tư tưởng trung quân của Nho giáo. Theo sách sử có viết " Đăng Dung sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê cũ, sinh ra biến cố, nên phàm việc đều noi theo chế độ triều Lê " do vậy các sửa đổi của ông về mọi quy chế trong nước là không nhiều.Mạc đăng Dung đã rút kinh nghiệm từ đời nhà Hồ (Hồ quý Ly) là không sửa đổi nhiều trong chánh sách cai trị nước vì sợ dân chúng không ủng hộ như trước đây nhà Hồ đã làm.

 1- THÂN THẾ:
Ông tên thật là Mạc Đăng Dung (莫登庸), sinh giờ ngọ, ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão (1483). Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
       1. 1 - NHỮNG NGHI VẤN VỀ THÂN THẾ  MẠC ĐĂNG DUNG:
                 Cho đến nay trong sử sách và giới nghiên cứu tồn tại ba ý kiến khác nhau về thân thế của Mạc Đăng Dung như sau:
               a) - Thứ nhất   Giả thuyết nói Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Theo Toàn thư và Đại Việt thông sử, Mạc Đăng Dung là người xã Cao Đôi (Đông Cao theo Cương mục), huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), tổ tiên ông là Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên triều Trần. Mạc Đĩnh Chi sinh ra Cao (Dao theo Cương mục), Cao sinh ra Thúy (Túy theo Cương mục), Thúy sinh ra Tung, dời sang ở xã Lan Khê, huyện Thanh Hà, Hải Dương rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương rồi trú tại đó. Bình sinh ra Hịch, Mạc Hịch lấy con gái Đặng XuânĐặng Thị Hiếu người cùng làng Cổ Trai sinh được ba con trai, con trưởng là Đăng Dung, con thứ là Đăng Đốc (Đốc Tín), con út là Đăng Quyết. Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi mà Mạc Đĩnh Chi lại là cháu 5 đời của trạng nguyên Mạc Hiển Tích thời Lý Nhân Tông (1086), tức là Mạc Đăng Dung là cháu 11 đời của Mạc Hiển Tích.
         b) Thứ hai: Một giả  thuyét khác của nhà nghiên cứu sử Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp ký..( sau đó nhà nghiên cứu sử Đặng Đình Lang cũng theo thuyết này) và bổ sung thêm rằng gốc gác họ Mạc từ Cơ Chất Khiết - hậu duệ nhà Chu bên Trung Hoa. Sau khi nhà Chu mất, Cơ Chất Khiết làm quan cho nhà Hán, được ban họ Mạc và phong ở Trịnh Ấp. Sau này con cháu di cư xuống phía nam rồi tới Đại Việt.
         c) -Giả thuyét thứ ba là: Mạc Đăng Dung là dòng dõi người tộc Đãn ở ven biển từ Phúc Kiến (Trung Hoa) trở xuống, đã Việt hóa ở phương Nam. Đây là quan điểm của  nhà sử học Trần Quốc Vượng cho rằng: gia phả thực của họ Mạc còn chôn trong mộ và họ Mạc là người Đãn man.
     1.2- CHẦP NHẬN VÀ PHẢN BIỆN
Trong 3 gĩa thuyết trên, giả thuyết  thứ nhất được đông đảo các nhà nghiên cứu chấp nhận vì khoảng cách thế thứ từ Mạc Đĩnh Chi tới Mạc Đăng Dung là hợp lý (7 đời trong 200 năm). 
Còn ý kiến  được đánh giá là không hợp lý khi nối kết Mạc Đĩnh Chi và Mạc Hiển Tích: các nhà nghiên cứu cho rằng khoảng cách 5 đời trong 220 năm là không hợp lý về thế thứ. Giả thuyết của Đặng Đình Lang đưa ra năm 1959 được xem là đi quá xa và không rõ căn cứ vào đâu?.
 Riêng giáo sư Trần Quốc Vượng phản bác cả 3 ý kiến trên mà cho rằng: Mạc Đăng Dung nhận mình là con cháu Mạc Đĩnh Chi chỉ là mạo nhận.

2- SỰ NGHIỆP:

Mạc Đăng Dung hồi nhỏ làm nghề đánh cá, lớn lên có sức khoẻ, đỗ lực sĩ xuất thân, được sung vào quân túc vệ của nhà Hậu Lê đời Lê Uy Mục. Năm 1508, Đoan Khánh năm thứ 4, vua Lê Uy Mục giao cho ông làm Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ ty đô chỉ huy sứ. Năm 1511, Hồng Thuận năm thứ 3, vua Lê Tương Dực thăng ông làm Đô chỉ huy sứ tước Vũ Xuyên bá.Triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, mạnh nhất là lực lượng Trần Cảo. Cảo đánh chiếm kinh thành Thăng Long, các tướng gác mâu thuẫn cùng đánh dẹp. Đến khi Trần Cảo rút đi, các tướng lại chia bè phái đánh nhau. Nguyễn Hoằng Dụ (con Nguyễn Văn Lang) đánh nhau với Trịnh Tuy. Trịnh Tuy thua chạy về Tây Đô (Thanh Hoá). Trần Chân về phe với Trịnh Tuy đánh đuổi Hoằng Dụ, nắm lấy quyền trong triều.
Mạc Đăng Dung thấy uy quyền của  Trần Chân lớn liền kêt thông gia với Trần Chân, cho con gái Trần Chân lấy con trai cả mình là Mạc Đăng Doanh.Năm 1518, Lê Chiêu Tông nghe lời gièm pha, sợ uy quyền của Trần Chân nên sai người giết Trần Chân. Thủ hạ của Chân là Nguyễn Kính nổi loạn. Bấy giờ Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương, Chiêu Tông bèn triệu Mạc Đăng Dung và Nguyễn Hoằng Dụ về cứu giá. Hoằng Dụ đánh bị thua chạy về Thanh Hóa rồi chết. Đăng Dung một mình nhân cầm quân dẹp loạn mà nắm hết quyền bính. Năm 1521, Mạc Đăng Dung chiêu hàng được Nguyễn Kính, dẹp được Trần Cung (con Trần Cảo), quyền thế át cả Chiêu Tông. Chiêu Tông sợ chạy ra ngoài gọi quân Cần vương. Đăng Dung bèn lập em Chiêu Tông là Xuân lên ngôi, tức là Lê Cung Hoàng, tuyên bố phế truất Chiêu Tông. Vua Chiêu Tông được các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú về cứu, thanh thế rất lớn. Nhưng sau đó Trịnh Tuy ở Thanh Hóa ra cần vương, các tướng bất hoà. Trịnh Tuy tranh công mang Chiêu Tông vào Thanh Hoá, ra lệnh các đạo bãi binh, từ đó các tướng không theo Chiêu Tông nữa. Năm 1523, Mạc Đăng Dung nhân phe Chiêu Tông yếu thế, điều quân đánh Thanh Hoá. Năm 1524, Trịnh Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết. Đăng Dung được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công. Năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được vua Chiêu Tông mang về Thăng Long và giết chết năm 1526.Nhận thấy thời cơ chưa thuận lợi cướp ngôi nên Họ Mạc tạm thời đưa vị vua bù nhìn là Cung Hoàng lên làm vua . 
Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương. Các đối thủ đều bị dẹp yên, không còn ai ngăn trở, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Cung Hoàng lên ngôi, lập ra nhà Mạc.  Trong chiếu buộc Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung có đoạn viết: "Từ cuối đời Hồng Thuận gặp lúc Quốc gia nhiều nạn, Trịnh Tuy lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp, lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà Lê vậy. Ta ( Lê Cung Hoàng ) bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái Sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều qui phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi cho..." Xét nhửng lời chiếu dụ nầy rõ ràng là Mạc đăng Dung đã viết và ép nhà vua ký

3- LÊN NGÔI:

 Mạc đăng Dung  lên làm vua từ năm 1527 đến hết năm 1529 với niên hiệu Minh Đức. Sau đó, cũng như  nhà Trần, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (tức Mạc Thái Tông) để lui về làm Thái thượng hoàng. Do thời gian làm vua rất ngắn, không để lại nhiều dấu ấn gì ngoài một số việc như: cho đúc tiền Thông Bảo,truy tôn Mạc Đĩnh Chi là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế,xây cung điện, lấy Hải Dương làm Dương Kinh, tổ chức thi tuyển chọn người có tài (thi Hội năm 1529), cũng như sửa định binh chế, điền chế, lộc chế và đặt các vệ-phủ, các vệ sở trong ngoài, các ty sở thuộc, hiệu ty, tên quan và số lại viên, số người, số lính của các nha môn, nhưng vẫn phỏng theo quan chế triều trước với bổ sung không đáng kể nên người ta biết đến ông phần nhiều như là một người cướp ngôi, mặc dù trong giai đoạn từ đời Lê Uy Mục đến đời Lê Cung Hoàng thì nhà Hậu Lê đã cực kỳ suy tàn, khởi nghĩa và nổi loạn nổi lên ở nhiều nơi, triều chính thối nát dẫn đến việc các ông vua này phải dựa vào thế lực ngày càng tăng của Mạc Đăng Dung nhằm duy trì quyền lực đã gần như không còn của mình và cuối cùng là việc phải nhường ngôi cho ông. Năm 1540, Mạc Thái Tông mất, Đăng Dung lập cháu nội là Mạc Phúc Hải lên ngôi, tức là Mạc Hiến Tông.

4-QUAN HỆ VỚI NHÀ MINH TRUNG HOA: 

Các sách sử thời phong kiến của Việt Nam như Toàn thư, Cương mục đều viết về hai sự kiện Mạc Đăng Dung đầu hàng ,cắt đất cho nhà Minh..Haisự kiện nầy được ghi nhận như sau:  

  1- Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1528, Mac đăng Dung  cắt đất dâng hai châu Quy Hoá, Thuận An và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận,đồng ý không xâm lăng  
   2- Theo  Sách Cương mục :Họ đặt vấn đề nghi ngờ về sự việc dâng đất năm 1528 mà Mạc đăng Dung đã làm do Đại Việt Sữ KýToàn thư đã ghi .Họ lưu ý rằng  Đại Việt Sữ Ký Toàn thư là do các quần thần nhà Hậu Lê viết ra nên có thể không chính xác,do thù ghét Mạc Đăng Dung chiếm ngôi Cung Hoàng nên ghi một chiều, cố ý buộc tội Mạc Đăng Dung bán nước.. Các sử gia ngày nay xác định rõ rằng hai châu Quy Hoá và Thuận An từ lâu đã mất sang tay nhà Tống từ thời nhà Lý, (do hai thủ lĩnh người dân tộc thiểu số là  Nùng Trí Hội và Nùng Trí Cao nộp cho nhà Tống) .Theo  Đại Việt Sữ Ký Toàn Thư  ghi " Năm 1540 tháng 11, Mạc Đăng Dung.qua trấn Nam Quan.,phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước.,dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu.. Lại sai mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh "
Về sự việc cắt đất dâng cho nhà Minh, quỳ lụy giặc của Mạc Đăng Dung  có nhiều ý kiến khác nhau :.
   a) - Một số sử gia  có ý kiến cho rằng ông làm thế là khôn khéo nhất, vì cùng một lúc không thể chia sẻ lực lượng ra để chống lại hai thế lực: nhà Minh ở phía bắc, liên minh Lê - Nguyễn ở phía nam. Trên thực tế, điều này (dù có hay không) đã ngăn không cho nhà Minh đem quân vào Đại Việt và kể từ sau khi ông mất thì cháu ông, Mạc Phúc Hải vẫn là người có toàn quyền tối cao điều hành đất nước từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra. Bênh vực việc dâng đất nầy ,đến thế kỷ 19, học giả Nguyễn Văn Siêu, ( tác giả sách Phương Đình Dư Địa chí ), đã thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này. Sau khi khảo cứu các sách địa lý Trung Quốc và Việt Nam,  ông Nguyễn Văn Siêu đã kết luận:  "Mấy động Như Tích thuộc châu Vĩnh An mới có từ niên hiệu Thuận Thiên. Nhà Mạc trả lại cho nhà Minh đất cũ đã lấn, không phải là cắt đất để đút lót vậy. Các sử gia ngày nay có quan điểm thống nhất với học gỉa Nguyễn Văn Siêu. Sữ gia Trần Gia Phụng trong bài viết: "Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử" có đoạn bình luận xác đáng về sự kiện đầu hàng, dâng đất nhà Minh của Mạc Thái Tổ như sau  "Năm 1533,,Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liễu cùng hơn 10 người đi đường biển từ Chiêm Thành theo thuyền buôn Quảng Đông tới Trung Hoa xin thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc. Năm 1536 một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên yêu cầu nhà Minh đánh họ Mạc. Hành động của vua Lê, kêu gọi người nước ngoài về đánh nước mình, trong đó có ý kiến cố vấn của Nguyễn Kim không bị một sử gia nào lên án. Việc làm nầy đưa đến kết quả cụ thể là nhà Minh cử Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ đem binh mã sang ải Nam Quan năm 1540. Ngược lại, trong thế yếu, muốn tránh một cuộc chiến mà mình nắm chắc phần thất bại, đồng thời dân Việt sẽ một lần nữa bị đặt dưới ách thống trị trực tiếp của ngoại nhân như thời Mộc Thạnh, Trương Phụ, Mạc Thái Tổ, lúc đó đã lên làm thái thượng hoàng, đành chấp nhận đầu hàng và chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, lên ải Nam Quan (Lạng Sơn) chịu nhục. Nhờ sự nhẫn nhục của Mạc Thái Tổ,,Đại Việt trên danh nghĩa là lệ thuộc Trung Hoa, nhưng trong thực tế vẫn độc lập một phương, vua Mạc vẫn cai trị đất đai từ Lạng Sơn trở xuống, đâu có viên tướng Tàu nào bén mảng sang cai trị. Ai cũng bảo Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh vì quyền lợi gia đình họ Mạc, nhưng giả thuyết,  chỉ là một giả thuyết không bao giờ có thể thành sự thật được, Mạc Đăng Dung chống cự quân Minh như Hồ,Quý Ly để nước ta bị tái đô hộ, thì nhân dân ta còn khổ biết bao nhiêu nữa. Đàng này, Mạc Đăng Dung một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên. Người ta ưa ca tụng Hàn Tín khi nghèo khổ đã lòn trôn tên bán thịt chợ Hoài Âm (Trung Hoa) như là một gương nhẫn nhục đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia sẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung rất buồn tủi về sự kiện Nam Quan (Lạng Sơn) nên về nhà chưa được một năm, ông nhuốm bệnh từ trần năm 1541."  Đi xa hơn nữa, tác giả còn so sánh hành động này của Mạc Đăng Dung với vua Lê sau ngày trung hưng về Thăng Long: (Theo Việt sử Thông giám cương mục,) "sau khi trở về Thăng Long, năm 1596 vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) cử người đem hình dạng hai quả ấn của nhà Mạc và vua Lê lên Nam Quan cho đại diện nhà Minh khám xét, nhưng quan nhà Minh không chịu, bắt vua Lê phải thân hành đến gặp. Vua Lê phải chấp hành, nhưng khi đến nơi đợi lâu quá không được gặp quan nhà Minh, vua Lê đành trở về, rối năm sau (1597) lên một lần nữa mới được hội kiến. Sự kiện nầy chẳng khá gì hơn việc Mạc Đăng Dung lên Nam Quan năm 1540..."
       b) -:Học giả Trần Trọng Kim ( tác giã Việt Nam Sử Lược ) thì không phê phán gì đến việc Mạc Đăng Dung  dâng đất cho nhà Minh ,ông chỉ nhận định việc Mạc Đăng Dung lên ngôi là soán ngôi và việc làm vua mà quỳ gối dâng đất cho ngoại bang là sỉ nhục dân tộc : "Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ."
Năm 1541, thượng hoàng Mạc Đăng Dung qua đời, thọ 59 tuổi. Trước khi mất ông có để lại di chúc không làm đàn chay cúng Phật và khuyên Mạc Phúc Hải phải nhanh chóng về kinh sư để trấn an nhân tâm và xã tắc là trọng.

BÌNH LUẬN VIẾT RIÊNG CHO ENTRY:

Mỗi một triều đại, người viết sử sống trong triều đại đó thường không dám viết lên những sự thật để phê phán triều đại mình đang sống, do đó lịch sử củng có những uẩn khúc riệng mà những thế hệ viết sữ sau nầy dù có muốn vô tư cũng không có tư liệu để viết và bình luận những sự thật. Ở đây, chỉ so sánh hai cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Cương Mục, những quyển Sử Ký cẩm nang thời đó đã có những mậu thuẩn khi ghi chép cùng một vấn đề. Từ đó, cũng cuộc tranh luận, ý kiến bài bác hay ca tụng  của những nhà sử học đời sau đã khiến lịch sự đã rối lại càng rối hơn. Theo tôi,Mạc Đăng Dung có một cái sai và một cái đúng như sau:
1-Cái sai là Mạc đăng Dung lên ngôi bằng cách giết vua  Chiêu Tông, ép buộc vua bù nhìn là Cung Hoàng ban chiếu nhường ngôi cho mình, nếu theo đạo lý Khổng Mạnh thời đó là lọan thần tặc tử, là kẻ soán đoạt ngôi (khác với Hồ quý Ly đời trước). Taị sao lúc đó, với quyền bính trong tay, ông có thể huy đông quan, quân ủng hộ mình lên ngôi bằng cách như ngày trước Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn đã từng làm để lấy ngôi nhà Đinh từ tay Thái Hậu Dương Vâ. Nga? hay bắt chước Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Lý công Uẩn lấy ngai vàng từ nhà vua hoang dâm vô đạo Lê  ngọa Triều (tức Lê long Đỉnh vừa giết anh ruột là Lê long Việt để cướp ngôi ) bằng sự ủng hộ của tướng Đào Cam Mộc và  Sư Vạn Hạnh? ( *Hình như phim Lý Công Uẩn đang chiếu trên  VTV vào mỗi tối khoảng 10-11 giờ khuya sau khi đã bị chỉ trích nặng nề cốt truyện, nhân vật, y trang, đạo cụ. Theo tôi cũng nên chê luôn diễn viên nữa *).
Và gương Hồ quý Ly trước mắt còn đó, việc đảo chánh của Hồ Quý Ly  mặc dù không đổ máu  nhưng cũng ít nhiều nợ máu với cựu trào, ít nhiều  tính cách hợp lý của thiên mệnh mà cũng không được nhân dân ủng hộ. Cả hai đều có một thiên thời,địa lợi là triều đại đang trị vì suy sụp, dân chúng lầm than, loạn  khắp nơi, chỉ cần một chính nghĩa, một lời hiệu triệu thì nhân dân sẽ theo, tự khắc nó sẽ tự bại vong mà không cần giết vua lớn, ép buộc vua nhỏ thoái vị đê thoán đoạt ngai vàng 
Mạc đăng Dung chỉ sợ cái Ngọn là nếu cải cách nhiều quá so với triều đại trước thì nhân dân với tinh thấn ngu trung của Khổng Tử, Mạnh Tử sẽ không ủng hộ mà quên cái Gốc là mình đã vay nợ máu giết vua soán đoạt ngôi, một tội tày đình thời đó mà thất bại có thể bị tru di cửu tốc. Sự cải cách cuả Mạc Đăng Dung  lại quá nửa vời, không dứt khoát, lững lững lơ lơ, khiến nhân dân theo triều đại cũ thì không ũng hộ, còn nhân dân theo triều đại mới thì hoài nghi lập trường không vững chắc cuả nhà Mạc nên xa lánh dần. Xem vậy mặc dù có binh hùng tướng mạnh, Nhà Mạc đã tự cô lập mình ,nên Mạc đăng Dung biết không thể dùng vũ lực để giữ yên bờ cỏi nên chọn cách tiêu cực là đầu hàng , chịu nhục cho cá nhân và quốc thể. 
2- Còn cái đúng của Mạc Đăng Dung là để tránh việc nhà Minh kéo quân qua xăm lặng bờ cõi,nhân dân chết chóc lầm than, đặt ách thống trị tàn bạo như trước đây Hồ Quý Ly đã lấy  "trứng chọi đá "rồi sau đó bại vong khiến đất nước bị sự đô hộ tàn bạo của nhà Minh. Mạc đăng Dung chủ trương cầu hoà, quy hàng, chịu nhục dâng đất, vàng bạc cho vua Minh, để may ra họ còn thưong tình nhược tiểu mà tha cho cái mạng  "kiến ruồi ". Theo tôi đây là việc làm đúng của Mặc Đăng Dung. Khi làm chánh trị, phải biết mình, biết ta,biết lúc nào tiến, lúc nào lùi do đó có những câu " Tránh voi chẳng xấu mặt nào "hay "Lùi một bước để tiến ba bước". Người làm tướng phải biết tùy hoàn cảnh để lựa kế sách hành động, kể cả việc nén nhục chờ  thời như Việt Vương Câu Tiển mỗi ngày nếm phân của vua Ngô Phù Sai, Phạm Lãi hằng ngày phải quét chuồng heo và hố xí. Mỗi đêm đều nếm mật đắng để nhớ thời quốc phá gia vong. Hơn nữa đất mà Mạc đăng Dung triều cống cho nhà Minh chính là đất của nhà Minh do trước đây Nùng Trí Cao vua của bộ tộc Mường đã dâng hiến cho phương Bắc. Trên bình diện dân tộc, việc Mạc đăng Dung tự cởi trần, trói mình,quỳ dâng biểu trước doanh trại giặc Minh, chịu  tội thoán đoạt ngôi vua là một điều sỉ nhục cho đất nước, tổ tiên nhưng cái quan trọng là làm như thế sẽ được gì, kết quả ra sao, mới chính là mục đích,là cứu cánh, nó lý giải cho hành động hiện tại mà chỉ có thời gian mới là câu trả lời chuẩn xác nhất. Cái kết quả tốt sẽ giải thích việc làm là  tốt được lưu danh sách sử, bằng ngược lại thì hậu thế sẽ ô danh thiên cổ. Thật may mắn, là sau đó nhà Minh có vị vua không hiếu chiến, chấp nhận lời dâng biểu cầu hoà không mang quân chinh phạt nhà Mạc như nhà Hồ trước đây.  Học thuyết Marx về chủ nghĩa duy vật biện chứng  (Dialectical  Materialism )  đã nói " Cứu cánh biện minh cho phương tiện " rất đúng trong hoàn cảnh nầy, một hoàn cảnh mà Mạc đăng Dung ở thế chẳng đặng đừng,một biện pháp tình thế không thể nào làm khác hơn được. Theo tôi đây là cách làm đúng của Mạc đăng Dung, sự phê phán của nhà sữ học Trần Trong Kim ( một học giả mà tôi rất ngưỡng mộ qua cuốn Việt Nam sữ Lược thời còn học Trung Học ) có phần khe khắt quá chăng.? Còn những thủ đoạn của Mạc đăng Dung trong từng thời kỳ để đạt mục đích lấy được ngôi báu chỉ là việc làm bình thuờng khi buớc vào con đường chánh trị.Có thể nói làm chánh tri đồng nghĩa vói lọc lừa bản thân mình , người khác, đôi khi cả một dân tộc . họ không từ bỏ thủ đoạn nào dù xấu xa, tàn bạo , nấp dưới  nhiều chiêu bài để đạt mục đích sau cùng là chinh phục và thống trị .
Lich sử đã trả lời là Triều Đại Hồ quý Ly chỉ tồn tại 7 năm , trong thời gian đó , chiến chinh liên tục, nhưng cái uy thế anh hùng của một dân tộc bé nhỏ dám vì tổ quốc hy sinh chống giặc xăm lăng phương Bắc vẳn còn lưu danh thiên cổ . Mặt khác , những cải cách của Hồ quý Ly là một cú bức phá , một trái bom tấn đánh sập phần nào tư tuỡng phong kiến ,mà mấy thế kỷ sau, Thiên Triều Trung Hoa mói lò dò làm được.. Còn Triều Đại Mạc Đăng Dung tồn tại trong 65   năm  hoà bình ( dù hoà bình trong ô nhục ), thiết nghĩ đây la một bài toán khó cho những nhà bình luân chân chính về lịch sử Việt Nam khi mang hai Triều Đại: Hồ quý Ly và Mạc đăng Dung lên bàn cân: Công và Tội trước nhân dân
HẾT 
Tài liệu tham khảo:
1- Bách Khoa Toàn Thư mở     2- Việt Nam Sử Lược  ( Bùi Kỷ- Trần trọng Kim)

Mồng năm Tết năm Nhâm Thìn  2012 
HUY THANH