9/12/12

THAM LUẬN: VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN TRONG NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM

THAM LUẬN:

VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN  TRONG NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM


Photobucket

HUY THANH

Kính tặng những thầy cô giáo day văn nhân ngày Nhà Giáo Viêt Nam  20/11/năm 2012



I - NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN ( HAY VĂN HỌC DÂN GIAN)


A-  Sự hình thành của Văn Chương Bình Dân ( Văn Học Dân Gian ) trong nền Văn Học Việt Nam :

Trước đây, xã hội nước ta còn  trong thời kỳ cai tri của chế độ phong kiến nên sự hình thành giai cấp của tầng lớp nhân dân đã tự phát, phân hóa rõ rệt thành hai giai cấp: lớp giai cấp cai trị và  lớp giai cấp chịu sự cai trị.

1 -Giai cấp cai trị gồm vua, quan lại, các tấng lớp giầu có, quý tộc, thượng lưu, họ có trình độ văn hóa cao, thường chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong cách diễn đạt ngôn ngữ bằng chữ Hán, sau nầy là chữ Nôm (sau thời kỳ Hàn Thuyên sáng tạo ra chữ Nôm độc lập của nước ta để không lệ thuộc vào chữ Hán của Trung Hoa nửa ). Tư tưởng của họ thiên về đạo lý, khuôn phép Nho học của Khổng Tử, Mạnh Tử, lấy " tề gia, trị quốc, bình thiên hạ " hay tính cách "ngu" trung như " Quân, Sư, Phụ " làm nền tảng. Nền văn chương nầy được lưu truyền bằng những áng văn, bài thơ, bài phú , hát nói  viềt bằng chữ Hán hay chữ Nôm  để lại cho đời sau mà người ta gọi là  Nền Văn Chương Bác Học. 



2-Giai cấp chịu sự cai trị là tầng lớp nông dân, những người nghèo khổ, lao động , nói chung là những người dân bình thường.Trong quá trình mưu sinh cho cuộc sống ,họ đã đụng chạm với những thực tế, tâm hồn họ cũng có những rung động với thiên nhiên, cảnh vật, từ đó hình thành nên những điệu hát, câu hò , câu thơ, câu vè  trong sáng gắn liền với tâm hồn mộc mạc của người làng quê cày sâu cuốc bẫm. Nền văn chương nầy được phổ biến, lưu truyền qua hình thức truyền khẩu ( dạy bằng nghe hát rồi học hát nhái, học lóm theo  chứ không ghi bằng chữ thành bài bản rõ ràng ) hết thế hệ nầy đến thế hệ khác .Người ta gọi Nền Văn Chương nầy là Nền Văn Chương Bình Dân. ( hay còn gọi là nền Văn Học Dân gian ) .Nền Văn Chương Bình Dân này không biết ai là tác giả, nó chỉ  truyền khẩu qua nhiều thế hệ nên nhiều khi cũng có hơi khác đi so với ban đầu  ( tam sao thất bản ).Những bài thơ, điệu hát câu hò trong dân gian phát sinh do nhiều khi lao động mệt nhọc người ta muốn trao đồi tâm tình với nhau để quên hết những nhọc nhằn về thể xác nên nội dung của nó ảnh hưỡng sâu đậm về tình đất, tình người.

B -Nguồn gốc hình thành Văn Chương Bình Dân hay Văn Học Dân Gian  :

Theo tôi, nền Văn Chương Bình Dân có 3  nguồn gốc hình thành sau đây :

 a- Từ  Địa lý,Thiên Nhiên : Đất nước Việt Nam ta trãi dài từ Bắc đến Nam có vô số cảnh đẹp về  :núi non, rừng thẳm, cao nguyên, bình nguyên, biển cả , sông ngòi. v..v...Các danh lam thắng cảnh đã làm con người xúc cảnh sinh tình., phát sinh những bài thơ, điệu lý , câu hò ca ngợi về thắng cảnh non nước .Chúng ta hãy lược khảo về lĩnh vực nầy :

"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa"
"Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh "

hay:
"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ "
"Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn "
 
hay:
"Nam kỳ sáu tỉnh em ơi "
"Cửu Long chín ngọn cùng khơi một nguồn"
"Sông Hương nước chảy trong luôn"
"Núi Ngự danh tiếng cả muôn dặm ngoài".
Có thể nói, từ những xúc cảm về thiên nhiên ,nhân dân ta đã tìm được thi hứng, ca hứng dạt dào tình cãm, tình đất.hoà quyện với tình người. 
b- Từ tâm hồn mộc mạc: Tầng lớp con người bình dân, cuộc sống của họ thường gắn bó vối thiên nhiên, với sông, nước ,ruộng, đồng, với những cảnh  tượng mộc mạc đơn sơ nên tâm hồn của họ cũng chân thành như đồng ruộng cho hạt luá, vườn cây cho ăn quả .Tình yêu trai gái thì e ấp, nhẹ nhàng trong khuôn khổ đạo lý  "miệt vườn", họ chỉ nói bóng, nói gió chứ không dám tỏ tình mạnh bạo như bây giờ Ta hãy nghe họ tỏ tình:
"Hôm qua tát nước đầu đình"
"Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen"
"Em được thì cho anh xin"
"Hay là em để làm tin trong nhà
"Áo anh sức chỉ đường tà"
"Vợ anh chưa có mẹ gìà chưa khâu
"Áo anh sứt chỉ đã lâu"
"Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng"

Và sau đó người con trai tỏ tình bằng cách: trả công:

" Trả em đôi chiếu em nằm"
" Đôi chăn em đắp đôi trầm em đeo "
" Trả em quan tám tiền cheo (tức là tiền thách cưới)
" Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau "

Trả ơn như vầy là quá khôn,  các bạn chưa có gia đình nên học hỏi nha. Ta hãy nghe một tình yêu quê hương, con người rất đạm bạc: 

" Anh đi anh nhớ quê nhà "
" Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tươn "
c- Từ cuộc sống sinh nhai  vất vả:  Đất nước ta trước đây  nghề chính là nghề làm nông: trồng lúa, làm vườn. Cuộc sống vất vả ,chạy vại kiếm miếng cơm manh áo , một nắng hai sương. Sự bán mặt cho đất bán lưng cho trời để sinh nhai đã làm họ phát sinh ra những câu hò, điệu lý, câu vè để quên đi những nỗi cực nhọc khi phải đối phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Những bài thơ ,ca dao, tuc ngữ, đồng giao,.. thường gắn bó với những nỗi nhọc nhằn trong cuộc lao động mưu sinh đó .Ta hãy nghe những câu thơ gắn liền với cuộc sinh nhai của họ:

"Tháng chạp là tháng trồng khoai"
"Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà"

hay :

"Tháng giêng là tháng ăn chơi"
Tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà"
 
hay:

" Trên đồng cạn dưới đồng sâu"
" Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa "

C- CÁC THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN :
Văn chương bình dân VN có rất nhiều thể loại , nhưng quan trọng nhất theo tôi chỉ có 3 thể loại chính là ca dao, tục ngữ và truyện cổ.
 C 1 - CA DAO :


 a- Đinh Nghĩa : Ca là hát ngân kéo dài ,có thể có nhạc hay không có nhạc, Dao là hát không hợp với nhạc ( theo định nghĩa của Từ Nguyên ) .Ca Dao là những bài hát ngắn không biết rõ tác giả thường được hát truyền khẩu trong dân gian.

 b-Hình thức  : Ca Dao được làm theo những hình thức như sau :


  1-Lục bát :
" Trúc xinh trúc đứng đầu đình "
" Em xinh em đứng một mình cũng xinh "
 
hay:
"Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ"
"Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai ? " 

hay:
Lan huệ sầu ai Lan huệ héo
Lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi
 
hay:
"Qua đình ngả nón trông đình"
"Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu "

hay 
 " Qua cầu ngả nón trông cầu" 
 " Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu " 

  2-Lục bát biến thể:

"Trách lòng con chó nhỏ sủa dai"
"Sủa nguyệt sơn đài, sủa bóng trăng thanh "

hay :

 "Chị em như chuối nhiều tàu"
 "Tấm lành che tấm rách, đừng nói nhau nặng lời " 

  3-Nói lối :

" Tập tầm vong"
"Chị lấy chồng "
"Em ở góa "
" Chị ăn cá"
 " Em mút xương"
" Chị nằm giường:"
" Em nằm đất " 
 " Chị húp mật "
 " Em liếm ve " 

   hay:
 " Lạy trời mưa xuống"
  "Lấy nước tôi uống"
 "Lấy ruộng tôi cày "..

   4-Song thất Lục Bát
 " Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc"
" Con chàng còn trứng nước thơ ngây "
" Có hay chàng ở đâu đây"
 " Thiếp xin mượn cách chấp bay theo chàng "
 
hay:
"Thang mô cao bằng thang danh vọng ?"
 "Nghĩa mô trọng bằng nghĩa chồng con ?"
"Trăm năm nước chảy đá mòn "
 " Xa nhau nghìn dặm ,dạ còn nhớ thương "

  5-Song thất lục bát biến thể :  
" Tròng trành như nón không quai "
 "Như thuyền không lái như ai không chồng"
" Gái có chồng như gông đeo cổ
"" Gái không chồng như phản gỗ long đanh " 
 "Phản long đanh anh còn chửa được"
  "Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi "
 " Không chồng khổ lắm chị em ơi "



  6-Thể hổn hợp :
 
" Quả cau nho nhỏ"
" Cái vỏ vân vân "
"Nay anh học gần"
 " Mai anh học xa "
 " Anh lấy em từ thuở mười ba "
 " Đến năm mười tám thiếp đà năm con "
 " Ra đường thiếp hãy còn son"
" Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng ".


  c- Thể cách :

Có 3 thể cách chính là :

1- Hứng : Tức là xúc cảnh sinh tình thơ :


  "Trên trời có đám mây xanh"
 "Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng"
 "Ước gì anh lấy được nàng"
 " Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây "
"Xây dọc rồi lại xây ngang"
 " Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân".
  "Có rửa thì rửa chân tay"
" Chớ rửa mặt mày chết cá ao anh "
 
hay:
 " Tóc mai sợi vắn  sợi dài"
 " Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm "

  2-Phú: : 

Tức là mô tả nhân vật hay sự kiện : 
 
"Chẳng tham ruộng cả ao liền"
" Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ "  


   3-Tỉ  : Tức là  so sánh  :
 
" Thân em như tấm lụa đào " 
  " Phất phơ trước gió biết vào tay ai ? "

hay:
"Thuyền anh ngược thác lên đây "
"Mượn em dải yếm làm dây kéo thuyền "

   4-Hổn hợp nhiều thể

" Ba đồng một mớ trầu cay"
  Sao anh không hỏi những ngày còn không "
 "Bây giờ em đã có chồng"
  "Như chim vào lồng như cá cắn câu"
  "Cá cắn câu biết đâu mà gỡ ? "
 "Chim vào lồng biết thuở nào ra ? " 

 hay:
" Trèo lên cây bưởi hái hoa"
"Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân"



C2- TỤC NGỮ :

  a-Định nghĩa : Tục là thói quen, ngữ là lời nói. Tục ngữ là những câu nói ngắn được lưu truyền trong dân gian bằng cách truyền khẩu nhau theo thói quen của người dân.  

b-Hình thức : Gồm 2 loai là :

1- Loại có vần :
 
" Khôn cho người ta nhái".
"Dại cho người ta thương".
" Dở dở ương ương"
"Tổ cho người ta ghét " 
 
 hay

  " Bầu ơi thương lấy bí cùng".
"Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn "   

hay

" Không thầy đố mầy làm nên "  

 hay

" Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ "  

 hay

 " Học ăn, học nói, học gói, học mở "  

hay

" Cháy nhà ra mặt chuột "  

hay

 "Học thầy không tầy học bạn "


 2-Loại không vần :

" Uống nước nhớ người đào giếng "

hay

" Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài "
 
hay:

"Mật ngọt chết ruồi "

hay

  " Chân cứng đá mòn "



C 3 - TRUYỆN CỔ TÍCH :

  a- Định Nghĩa :  Truyện cổ tích  (còn gọi là Truyên Đời Xưa ) là những cốt truyện truyền khẩu trong dân gian, thường là ông bà , cha mẹ ngồi kể cho con cháu nghe những khi rỗi rảnh về đêm như bên bếp lửa, trải chiếu ngoài hè khi sáng trăng.Truyện cổ cũng không biết tác giả là ai, nhưng nội dung thường có tính cách luân lý dạy người ta sống đạo đức, làm lành lánh dữ.hay giải thích về một hiện tượng, một nhân vật nào đó trong xã hội đương thời. .



  b- Những nội dung của Truyện cổ : Có rất nhiều nội dung , mỗi nội dung là một bài học luân lý ,nhưng theo tôi có những nội dung chính như sau :


 1-Luân Lý : Truyện " Lưu Bình Dương Lể "

Tóm lược
 : Dương Lễ nhà nghèo được Lưu Bình nuôi cho ăn học sau thi đổ làm quan, còn Lưu Bình ăn chơi nên nghèo khổ đến nhà Dương Lễ xin giúp đở, đền ơn xưa. Để giúp bạn chịu khó lập thân , Dương Lể giã vờ bạc đãi và nhờ người vợ kế là Châu Long mở quán bán gấm đầu làng, tìm cách gần gủi  nuôi Lưu Bình ăn học,Sau Lưu Bình đổ làm quan.đến nhà Dương Lể để mắng chửi kẻ bội bạc vong ân tình bạn thì gặp Châu Long ở đó Lúc đó Lưu Bính mới vở lẻ ra ,hai người mới hiểu nhau thế nào là tình bạn và ôm nhau khóc.Truyện nầy ca tụng tình bạn giup nhau một cách thâm thúy chứ không phải trả ơn bằng vật chất tầm thường.  

  2-Lịch sử : Truyện" Thánh Gióng " ( Phù Đổng Thiên Vương ) :

"  Tóm lược
:Thánh Gióng là đứa trẻ làng Phù Đổng ,sau khi ăn cơm xong ông biến thành cao lớn, cởi ngựa sắt, cầm roi sắt ra trận phá tan giặc Ân đang xâm lăng nước ta..Phá tan giặc xong, ông cưỡi ngựa lên núi Sóc Sơn rồi biến mất. Truyện nầy có tính chất thần thoại nhưng cũng nung đúc được tâm hồn yêu nước, không cần danh lợi của người xưa, ( chứ không công thần, địa vị như bây giờ )

  3-Tình yêu :Truyện " Trương Chi My Nương" 

Tóm lược
: Trương Chi là người lái đò hát hay nhưng rất xấu trai. Tiểu thư Mỵ Nương đêm đêm nghe tiếng đem lòng yêu người lái đò tương tư sinh bệnh . Cha Mỵ Nương gọi Trương Chi vào cho hai người gặp mặt ,nhưng khi gặp Trương Chi , Mỵ Nương  thấy quá xấu trai thì vỡ mộng. Trương Chi từ lúc gặp cũng   tương tư hình bóng Mỵ Nương , sinh bệnh rồi chết, trái tim hóa thành chén ngọc.Truyện nầy nói lên sự thu hút của âm nhạc, tiếng hát, tiếng đàn đối với người nghe Hi hi, bây giờ những nghệ sĩ thường có số đào hoa là vậy.  Truyện nầy nhạc sĩ Phạm Duy có sáng tác bài " Khối tình Trương Chi " rất hay.

 4-Khôi hài châm biếm tính tham lam :Truyện " Ăn khế trả vàng "

Tóm lược
:: Chuyện hai anh em chia gia tài, người anh tham lam chỉ chia cho em một cây khế ngot . Đám quạ thường đến ăn khi mùa trái chín. Người em ra khóc, than thở với đàn qụạ . Đàn quạ trả ơn cho người em bằng cách bảo may cái túi ba gang . Sau đó , quạ chở trên lưng người em mang theo cái túi ba gang, bay qua đảo vàng ,nhặt vàng mang về . Người em trở nên giầu có .Người anh tham lam giành lại cây khế, bắt chước làm như người em, nhưng vì tham nên may cái túi mười gang .Sau khi lấy vàng bay qua biển, vì vàng trong cái túi mười gang quá nặng nên con quạ bay không nổi bèn liệng người anh xuống biển chết. Truyện nầy khuyên không nên tham lam, anh em ruột thịt phải thương nhau.

 5-Thần thoại :Truyên  " Sơn tinh Thủy Tinh " 

Tóm lược
: Sơn Tinh là thần núi,ThủyTinh là thần Biển, hai người cùng đi hỏi Công Chúa Mỵ Nương con vua Hùng Vương về làm vợ. Vua truyền hôm sau ai đến sớm thì gả. Hôm sau Sơn Tinh đến sớm cưới được vợ,Thủy Tinh đến sau nên tức giận đuổi theo làm biển trào lên núi để đánh Sơn Tinh, nhưng nước cao tới đâu thì núi cao hơn nửa nên Thủy Tinh đánh không được.Mỗi năm mùa nước ngập, gió bão to dân ta nói đó là Sơn Tinh, Thủy tinh đánh nhau . Truyện nầy giải thích hiện tương thiên nhiên một cách hoang đường .

 6-Phong tục :Truyện " Sự tích trầu cau ",

Tóm lược
: Hai anh em họ Cao sinh ra rất giống nhau rất khó phân biệt ai la anh, ai là em.Hai người cùng học một thầy, ông thầy có một người con gái xinh đẹp muốn lấy người anh làm chồng nhưng cô không phân biệt được ai là anh ,ai là em. Một hôm , cô nấu cháo mời hai anh em cùng ăn, cô thấy người em múc cháo kính cẩn mời anh ăn trước nên mới phân biệt được đâu là anh, đâu là em .Cô lấy người anh làm chồng.Môt hôm , hai anh em ra đồng, người em về trước vào nhà, người vợ tưởng đâu là chồng mình nên vôi ôm chầm âu yếm, vừa lúc đó người anh bước vào thấy vậy nên có ý nghi ngờ em và vợ có tình ý nhau. Từ đó hai anh em không còn thương nhau như trước, người em buồn rầu bỏ nhà ra đi , ngồi bên suối than khóc rồi chết hóa thành tãng đá..,Người anh thấy vắng mất em buồn rầu vô hạn, vội đi tìm , thấy em mình chết nên buồn rầu chết theo biến thành cây cau. Người vợ chờ chồng hoài không thấy chồng trở về vôi đi tìm thấy chồng chết biến thành cây cau nên ngồi khóc lóc số kiếp,sau đó cũng chết và hóa thành dây trầu quấn quanh thân cây cau. Truyện nầy nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu có viết bài hát Sự Tích Trầu Cau rất hay.Truyện nầy rất đậm đà tình nghĩa anh em, vợ chồng .  

 7-Hiếu đạo :Truyện " Mẫn tử Khiên"( trong  " Nhị Thập Tứ Hiếu " của Lý văn Phức.) 
Tóm lược :Mẫn tử Khiên bị mẹ kế bạc đãi cho mặc áo rách, không cho áo mặc bông vào mùa lạnh trong khi hai đứa con riêng của bà thì mặc ấm,chăn êm.. Một hôm ông đẩy xe cho cha vào mùa đông lạnh lẻo nên rét run cầm cập. Người cha thấy vậy tức giận vi người vợ kế không công bình với con riêng của mình nên có ý từ bỏ bà vợ kế. Mẩn tử Khiên quỳ thưa cha rằng : Thà như vậy chỉ một mình con lạnh lẽo, cực khổ, còn cha bỏ người kế mẫu thì hai em kia của con cũng lạnh lẻo như con, mong cha nghĩ lại ". Người dì ghẻ nghe vậy nên hối hận, từ đó đối với Mẩn Tử Khiên y như hai đứa con riêng của bà .Truyện nầy khuyên làm con , cha mẹ có đối xử ra sao cũng không nên oán giận , thù hận, mà trái lại, sự hiếu thảo sẽ được mọi người thương cảm ,ca ngợi .   

8-Chung thủy vợ chồng:  Truyên "Hòn vọng Phu"   (truyện đồng dạng " Lâm Sanh Xuân Nương" , Thoại Khanh- Châu Tuấn")

Tóm lược: Hai anh em sống nhau từ nhỏ, một hôm người anh róc mía bằng dao trúng vào đầu em gái bi thương ở đầu, người anh sợ quá bỏ nhà đi.Vài chục năm sau người anh lấy vợ. Một hôm người chồng chải tóc cho vợ thấy có vết thương mới hỏi và biết rằng mình đã lấy nhằm em gái làm vợ. Người chồng âm thầm đi tòng quân, hẹn ngày vế nhưng không bao giờ quay lai nữa. Người vợ ẵm con lên núi đứng chờ chồng lâu năm hóa thành tượng đá.Truyên nầy, ca ngợi tình chung thũy của hai vợ chồng , nhạc sĩ Lê Thương đã viết thành 3 bài nhạc Hòn vọng Phu rất hay  là Hòn vọng Phu 1, Ai xuôi vạn Lý và Người chinh Phu về  ( Hòn vong Phu 2 và 3 )  

9-Oan trái  ( Truyện biến thể từ có thật trong dân gian ) : Truyên "Thiếu Phụ Nam Xương :

" Tóm lược
: Người chồng họ Trương đi chinh chiến khi người vợ vừa mang thai. Người vợ ở nhà sinh con,khi lớn lên đứa trẻ thắc mắc hỏi cha nó đâu thì người vợ đang đêm tối thắp đèn chỉ vào cái bóng mình trên vách nói " cha con đấy".Sau đó người chồng trở về, khi ôm con đoàn tụ thì đứa con xô ra và nói :" Ông không phải là cha của tôi,cha của tôi chỉ đến với mẹ tôi ban đêm thôi " Người chồng ghen tức, nghi vợ mình phản bội, không chung thũy nên ẵm con bỏ nhà  ra đi. Người vợ biết chồng nghi oan mình mà không biết cách nào giải oan nên nhảy xuống sông tự vẩn để tỏ lòng trong sạch, khí tiết Người chồng ôm con trở về làm ma chay cho vợ , đêm đến, khi đốt đèn lên, bóng ngươi chồng hiện trên vách đứa con bỗng chỉ cái bóng la lên" Cha , cha tôi kìa ". Người chồng lúc đó mới chợt hiểu mình đã nghi oan vợ, hối hận thì đã muộn. Tôi còn nhớ một bài thơ  của Vua Lê Thánh Tôn tên là Viếng Vũ Thị  nói về Thiếu Phụ Nam Xương ( tức bà Vũ thị Thiết còn gọi là Vũ Nương ) ,trách người chồng  quá vội vàng, hồ đồ gây cho cái chết của người vợ  " Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương. Miếu ai như miếu vợ chàng Trương. Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ.." Truyện nầy khuyên ta trong tình vợ chồng ,làm việc gì cũng phải cân nhắc thiệt hơn, suy nghĩ, tìm ra bằng chứng hẳn hoi , chớ vôi nông nổi, hấp tấp sẽ làm mất đi hạnh phúc của mình .  

 10-Giải thích hiện tượng con người, con vật : Truyện "Thạch Sùng," (, truyện đồng dạng  "Táo ông táo bà ",   "Sự tích ông Địa ".) 
Tóm lược : Có một ông nhà giàu tên Thạch Sùng giàu có rất kiêu căng, ông cá cược với một người nghèo khổ nói nhà ông cái gi cũng có, nếu không có sẽ chịu thua cá cược và tặng hết gia tài cho người thắng cược. Người nhà nghèo đưa ra một cái chén làm bằng vỏ của xác trái dừa khô ( mũm dừa ), dĩ nhiên ông nhà giàu nhà đâu có cái chén "xơ mướp" đó nên thua, giao hết gia tài cho người nhà nghèo. Ông tiếc của buồn rầu rồi chết hóa thành con Thằn Lằn (còn gọi là con Thạch Sùng), mỗi đên thường " tắc lưỡi" thương tiếc của đã mất. Truyện nầy khuyên ta không nên kiêu căng có ngày mang họa vào thân.

11-Giải thích hiện tương thiên nhiên, hoang đường :Truyện  " Sự tích Chị Hằng Chú Cuội "

Tóm lược: Chị Hằng là con một  Phú Ông, nhưng không may bị bệnh qua đời. Phú Ông thương tiếc con nên rao truyền " ai làm con ông sống lại sẽ gả cho làm vợ". Chú Cuội được Tiên Ông ban cho một cây đa phép thuật, lá đa có thể trị bách bệnh, cứu người chết sống lại nên Cuội ta cứu chị Hằng sống lại, được Phú Ông gã cho làm vợ. Khi ban tặng cây đa, Tiên ông nói với Cuội ," đừng làm gì ô uế dưới gốc cây đa nó sẽ hết linh nghiệm" .Cuội cũng dặn vợ mình như thế..Chi Hằng từ khi sống lai thường mất trí nhớ, một hôm chị quên lời dăn của Cuội tiểu tiện dưới gốc cây đa. Bị ô uế, cây đa chuyển mình bứt cả gốc rễ từ từ bay lên Trời, Cuội và chị Hằng vội dùng sức níu cây đa lại, nhưng cây đa vẫn bay lên kéo thêm hai người lên tới mặt trăng. Do vậy vào những đêm trăng tròn các trẻ em thường thấy hình bóng Cây Đa .Chú Cuội trên mặt trăng. Truyện nầy dùng để  giải thích cho trẻ em tại sao trên mặt trăng lại có những đốm đen như hình cái cây cổ thụ .Về chuyện nấy hồi nhỏ tôi cũng bị gạt, và mong có ngày lên mặt trăng gặp Chú cuội , Chị Hằng  (xin xem hồi ký VÀO NƠI GIÓ CÁT)

12- Nhân nghĩa làm người , ác lai ác báo : Truyện " Tấm Cám "  (Chuyên nầy chắc quý vị, các bạn đã biết nên tôi không tóm tắt cốt truyện) . Ngoài ra còn có những truyện   đồng dạng khác như "Thạch Sanh Lý Thông"..  


D- VỊ TRÍ VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN TRONG NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM :

Như trên tôi đã trình bày, nền Văn Học Việt Nam chia thành hai loại :

1- Văn Chương Bác Học:  Là văn chương của tầng lớp trí thức học về Nho Giáo, đào tạo có bài bản,, ảnh hưởng chữ tự của tiếng Hán hay tiếng Nôm ,mang nặng mầu sắc đạo đức Trung Hoa Gần đây, một số trí thức lại theo nền Tây Học nên tư tưởng, bài viết của họ mang đậm mầu sắc Âu Châu không gần gũi với tâm hồn người Á Đông. Tóm lại, dù ảnh hưởng nền văn hóa nào , Tây hay Tầu  thì cũng vẫn là ngoại lai, xa rời tự tình dân tộc. 

 2-Văn Chương Bình Dân: Là văn chương khởi nguyên từ dân tộc, gắn liền với tuyệt đại đa số  tầng lớp nhân dân giới bình dân, nó phản ảnh những nhân sinh quan quốc hồn , quốc túy dân tộc.Chúng ta có thể phân tích và tìm tòi những bản sắc đặc biệt của dân tộc Việt Nam khác với những bản sắc của các dân tộc khác như Trung Hoa , Pháp, Mỹ không gì bằng ở ca dao, tục ngữ, phong dao, truyện cổ nầy .Trong nền văn học bình dân đó, ta bắt gặp những tâm hồn chân thật, những tấm lòng bình dị, yêu thương tổ quốc quê hương, yêu thương nhân loại, hòa bình.Sống thiên về đạo đức ,vị tha với gia đình, hàng xóm láng giềng, gần điều thiện, tránh điều ác.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam,  bạn nên tìm ở nền Văn Chương Bình Dân nầy là câu trả lời chính xác nhất.

Tôi thiết nghĩ dù bây giờ chúng ta sống trong thời đại văn minh, thời đại bom hạt nhân,thời đại ngành điện tử của nền khoa học phát triển tột bực Nhưng  chúng ta  cũng vẫn là con người có nguồn cội, có tâm hồn , trái tim nhân hậu thì hãy hướng về những văn hóa cội nguồn để tri ân những con người đã ban cho ta những nét đẹp tâm hồn cho đến hôm nay.Khoa học dù có phát minh những cái gì vĩ đại chăng nữa, dù kinh tế có vĩ mô chăng nữa, cũng không thể thay Chúa Jêsus tạo nên một con người có lý trí , tâm hồn, thể xác tuyệt vời như chúng ta hiện nay.

Photobucket

HUY THANH