29/12/12

HỒI KÝ : NHỮNG KỶ NIỆM VỀ HAI NHẠC SĨ GIÁP VĂN THẠCH VÀ TỪ HUY

HỒI KÝ :

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ HAI NHẠC SĨ GIÁP VĂN THẠCH VÀ TỪ HUY

HUY THANH

Lâu lắm rồi tôi mới tiếp tục viết những trang hồi ký , những tháng năm phải bỏ dở viết vì công việc làm ăn cũng có, mà vì lười cũng có .Công việc tất bật của thời đại làm Kinh Tế Thị Trường đã cuốn hút tôi phải bỏ dở những lương thực tâm hồn để chọn lấy lương thực của thời đại sống thực dụng, với ít nhiều trăn trở, đè nén, trầm uất .
Những ngày Giáng Sinh vừa qua, tôi mới có đôi chút rảnh rỗi để xem lại quyển Hồi Ký đang viết bỏ dở, trong đó có những đoạn tôi viết về những kỷ niệm thời mình còn say mê làm Văn Nghệ với những nhạc sĩ bạn bè sau ngày đất nước thống nhật .Đặc biệt có hai nhạc sĩ, hai người bạn đã mất để lại cho tôi nhiều dấu ấn kỷ niệm nhất là hai nhạc sĩ Giáp văn Thạch và Từ Huy

1- KỸ NIỆM VỀ NHẠC SĨ GIÁP VĂN THẠCH :
Một chiều tình cờ ngồi trong phòng làm việc, tôi chợt nghe một bài hát, quen thuộc mà xa xôi, gần gũi như lắng đọng những da diết của tình người .Bài hát " Quê Hương " của nhạc sĩ Giáp văn Thạch phổ thơ cuả nhà thơ Đỗ Trung Quân . Những âm thanh dìu dặt mang tính chất dân ca, một lời mời gọi, nhắc nhở tôi nhớ đến anh với những ngày tháng cũ, khuôn mặt của anh dường như sáng lên khi anh hát cho tôi nghe đoạn cuối : " quê hương nếu ai không nhớ , sẽ không lớn nổi thành người " . Những ngày sống ở đất khách quê người, tôi đã tâm đắc hai câu thơ đó, những giai điệu đó như một lời kinh nhật tụng, và mãi đến hôm nay tôi mới viết những dòng hối ký kỷ niệm về anh như một lời cám ơn và tạ lỗi

Một sáng chủ nhật nào đó, anh mang bài thơ phổ nhạc Quê Hương đến gặp tôi , vẫn cái dáng dấp nghệ sĩ với mái tóc dài rẽ đôi ở giữa, anh cầm đàn hát say sưa bài nhạc và nhờ tôi góp ý bài nhạc mới phổ nhạc của mình. Giọng anh buổi sáng đó hơi khàn khàn có lẻ vì đêm qua hơi quá chén với bạn bè ở Đài Phát Thanh tỉnh Sông Bé ( anh làm tại Sở Thông Tin Văn Hoá tỉnh Sông Bé nay một phần là tỉnh Bình Dương ,công tác về văn nghệ quần chúng ).
Thạch là một người sống rất giản đơn, tâm hồn anh rất phóng khoáng , mỗi ngày đi làm việc hay đi công tác ở các huyện thị anh thường cởi chiếc Mobylette cũ mèm như một người bạn già chung thủy trên mọi ngã đường dong rủi . Cũng có những lần anh rủ tôi đi theo cho biết thế nào là làm văn nghệ quần chúng Thời gian rảnh ,tôi cũng đã tò mò đi theo anh đi đến các công ty Cao Su Phước Hoà, Phú Riềng ,Xí nghiệp Cao Lanh , các công Ty Điện Lực, Thương nghiệp tỉnh Sông Bé để xem anh làm văn nghệ quần chúng . Sông Bé lúc đó là một tỉnh lớn ở miền Đông Nam Bộ gồm các huyện thị như : Thị xã Thủ Dầu Một ,Thuận An ( Lái Thiêu ) Tân Uyên, Bến Cát, Bình Long. Phuớc Long. Lộc Ninh , Đồng Phú ( Đồng Xoài ) . Nay đã chia hai thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước .
Một kỹ niệm đáng nhớ là tại Công Ty Cao Su Phước Hoà huyện Tân Uyên, trong một đêm, tôi cũng đã cùng anh sáng tác chung một bài hát cho ngành cao su là bài " Những dòng nhựa trắng thân thương " sau nầy được phổ biến trên Đài Phát Thanh tỉnh Sông Bé nhiều lần ( lúc đó tỉnh Sông Bé chưa có đài truyền hình )

Thạch mất năm 1986 ( Sinh 1951- Mất 1986 ) trong một chuyến đi công tác xa vì bệnh sốt rét ác tính , Thạch mất đột ngột đền nỗi người nhà ,từ mẹ anh ,đến vợ anh chị Vui cũng không tin là sự thật .Anh mất bỏ lại hai đứa con là cháu Thủy , cháu Sơn cùng một người mẹ già hơn 70 tuổi trong căn nhà cấp 4 do Sở Thông Tin Văn Hoá tỉnh Sông Bé cấp..
Một số sáng tác hay của nhạc sĩ Giáp văn Thạch là Cánh Hoa Dầu, Con thuyền Ngược Thác, đặc biệt là bài nhạc Quê Hương phổ Thơ của nhà thơ Đõ trung Quân chỉ nổi tiếng sau ngày anh mất . .

2 - KỶ NIỆM VỀ NHẠC SĨ TỪ HUY :

Còn nhạc sĩ Từ Huy, Tạ Từ Huy ,hôm nay tôi cũng nhớ anh, nhớ những ngày cùng sinh hoạt trong nhóm sáng tác Vụ Văn Hoá Quần Chúng, con đường Phan Kế Bính, nhà sô 7 , tiếng đàn piano vẫn vọng ra những chiều chủ nhật , âm thanh như huyền bí , như lắng đọng, như lao đao. Đã hai mươi sáu năm từ ngày Thạch mất, sáu năm từ ngày Huy mất , tôi rất ít có dịp để nhớ về các anh , về những người đi xa bằng tình người ở lạ , dù một chút nhỏ nhoi,một chút mặc niệm.

Tôi vẫn còn nhớ cái dáng dấp của anh Từ Huy , dong dỏng cao, hơi gầy, kiếng cận thị , dáng dấp như một thư sinh  ,anh đã say mê hát dù anh hát không hay, hát với nhiệt tình với tiếng đàn piano của Nguyễn Ngọc Thiẹn ( nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nay là Bác Sĩ Nha Khoa ) .Lần cuối cùng tôi gặp lại anh tại Hội Quán Nghệ Sĩ, hình như là ở đường Nguyễn văn Chiêm , anh biết tôi thích nhạc tiền chiến nên mỗi tuần khi tới đêm chủ đề nhạc tiền chiến là anh gọi mời tôi đến để uống cà phê , nghe nhạc Văn Cao , Đoàn Chuẩn , Từ Linh . Anh còn là một họa sĩ ( anh tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế ), trên sân khấu cây nhà lá vườn đạm bạc, dã chiến, cuả Hội Quán Nghệ Sĩ , bức phông hoạ của anh là một ấn tượng lớn mang tính chất triết lý hình ảnh của vùng sông nước Quảng Nam , một vùng quê hương nghèo khó của anh mà dấu vết cuả đạn bom vẫn còn hằn lên từng tấc đất, từng con sông .
Những lời bài hát của anh dù mang bản chất thời thượng , nhưng từng ngôn từ của anh , tôi bắt gặp ở đó những âm hưởng lãng mạn , lời bài hát trau chuốt , như mang ít nhiều bản sắc một thư sinh, của một con người khiêm tốn , khi rời trường Đại Học Văn Khoa SaiGon cũ ,

Tháng 9 năm 2006, khi tôi đang làm việc ở Singapore thì được tin anh mất ( 15/10/1948 hay 1944 gì đó - 10/09/2006 ) vì công việc bề bộn phải làm cho một công ty nước ngoài nên tôi không về tiễn đưa anh được , đó là điều ân hận đầu tiên và là lần cuối cùng khi tôi nghĩ về anh . Nhưng tôi biết ngày anh về với cỏõ vĩnh hằng sẽ không thiếu vắng những bạn bè văn nghệ trong giới nghệ sĩ , những người bạn cùng chung góp tiếng đàn tiếng hát cùng với chúng ta thời sơ khai ở số 7 Phan Kế Bính như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện ( BS Nha Khoa ) ,nhạc sĩ Nguyễn văn Hiên,anh Lê Hành ( hiện là Tiến Sĩ Y Khoa công tác tại BV Chợ Rẫy, nơi anh thở hơi cuối cùng ), nhạc sĩ Bùi công Bằng ,nhạc sĩ Lương bằng Vinh và những nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn ngọc Quang ( Trần văn Ánh ) , Trần long Ẩn ...

Kỷ vật mà tôi còn giữ của anh là bài nhạc " Hãy đàn lên " in ronéo trên giấy trắng do chính tay anh ký tặng , lúc đó anh đang phụ trách thiết kế, cho tờ báo Phụ Nữ TP HCM , nó cũng chính là chứng tích , là động cơ thôi thúc tôi viết những dòng hối ký nầy cho anh.
Một số bài nhạc của Từ Huy đã phổ biến rộng rãi trong quần chúng là : Hãy đàn lên , Muà xuân tình yêu ,Mong đợi ngậm ngùi , Những lời em hát ..

HUY THANH