16/12/12

HỒI KÝ: VIẾT VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG CŨ (TRẢ LẠI EM YÊU)

HỒI KÝ


VIẾT VỀ KỶ NIỆM MỘT NGÔI TRƯỜNG CŨ

 (TRẢ LẠI EM YÊU)


HUY THANH

1- 
 
Buổi sáng tôi thường thức dậy khi tiếng chim kêu ríu rít ở sân vườn nhỏ sau nhà, Lúc đó trời chưa sáng hẳn , ánh sáng còn nhá nhem tối, nhưng tôi vần thấy những đóa hoa hướng dương đang nghiêng cái dáng thon thon như chờ đón những ánh nắng mặt trời đầu tiên lát nữa đây sẽ tô hồng rực rỡ khu vườn. Tôi ngồi dậy mở tung cửa sổ, ngắm những đàn ong thức sớm bay tìm mật trong những đoá hoa vừa mới nở sớm, chúng bay, sục sạo, tìm chọn lựa cho mình nhửng cánh hoa nhiều mật nhầt ,vùi đầu vào đó hút lấy hút để. Đám ong thật cần cù hơn con người, chúng kiếm ăm bằng sức lao động và sự siêng năng của mình. Tôi chợt mỉm cười tự hỏi mình: " bao giờ con người được như đàn ong nhỉ ".

Trời sáng dần, tiếng thác vọng lại từ xa trong một vùng rừng thông mờ nhạt đầy tiếng reo trong gió. Mù sương vẫn vây quanh núi đồi, nhưng tia nắng đầu tịên vẫn cố xé bức màn mờ nhạt đó để trải ánh nắng ban mai xuống cho loài người và cây cỏ. Mầu ánh sáng loang lổ, in những cái bóng của lá thông loà xoà trong gió xuống đất như có bàn tay ai vẫy gọi, tiễn đưa.

Tôi bước xuống giường, vươn vai ,làm những đông tác như thuờng lệ cho lưu thông mạch máu Thay vội bộ đồ thể dục quần short,áo thun ,giầy vớ thể thao trắng rồi ra đường chạy bộ quanh đồi  hít thở thật sâu bầu không khí trong lành của buổi sáng miền cao nguyên khi mù sương còn dầy đặc.
Những người tập thể dục buổi sáng thường rất đông, trai có, gái có, già có, trẻ có; họ ra đây để vận đông cơ thể và hít thở bầu không khí trong lành khi thành phố cao nguyên chưa đầy mùi khói xăng, bụi mù xe pháo. Họ gật đầu chào nhau như những người bạn thân dù có thể chưa hề biết tên họ, chồ làm việc, mà chỉ quen mặt mỗi ngày.
Chay mệt, tôi đến ngồi trên băng đá ở một góc công viên trồng nhiều cây hoa đào đang trổ bông. Cái lạnh se thắc của Đàlạt buổi sáng làm tôi chợt nhớ đến Paris những ngày thức dậy tập thể dục thở ra đầy hơi khói trong màn sương nù dầy đặc. Như có cái gì đó thảng thốt, thôi thúc từ trong tiềm thức, một câu hỏi chính mình về một người con gái nào đó xa lắm lại trở về. Nổi nhớ quay quắt về dĩ vãng mơ hồ như hỏi chính mình." Không biết Marie giờ nầy có đang ở công viên Luxembourg không? ".

Ly cà phê nóng người bán quán vừa mang tới còn bốc khói. Tôi uống trong cái trầm ngâm nghĩ về thân phận một đời người. Nhanh quá, mới đây mà đã hơn bốn năm tôi trốn chạy SàiGòn lên vùng đất cao nguyên nầy. Bỏ lại sau lưng từng con đường, góc phố quen thuộc, những viên gạch lót lề đuờng có ô kẻ hình vuông như bàn cớ còn thân quen từng bước chân. Thời gian qua chóng vánh như một giấc mơ tưởng chừng như trong ảo tưởng. Mới đây mà đã ba mươi bảy năm trôi qua trong cái thắm thoát của đời người. Thời gian đúng là kẻ thù của tuổi trẻ.  Mỗi ngày nhắm mắt khi bóng tối về ,mở mắt khi ánh nắng mặt trời vừa lấp ló bên hàng rào trước cửa là đã thấy thua lổ một trong ba vạn sáu ngàn ngày sống. Mỗi ngày mỗi cạn kiệt tuổi trẻ dần. Hoài niệm là cái gì thuộc mảnh đời mà mình đã đầu tư để bây giờ biết chắc rằng đành  thua lỗ. Cái quá khứ không phì nhiêu mà ốm o dần như kẻ bị ung thư chờ giờ phán xét. Ánh sáng và bóng tối luôn ám ảnh con người trong những nỗi lo toan của một ngày khi mở mắt và nhắm mắt. Nó vất vưởng, quanh quất con người . ngay cả trong cơn thức, dậy mà còn tưởng chừng đang trong cơn mộng mị chiêm bao

Có những lúc thật tĩnh lặng, khi mà công việc một ngày tạm gác một bên để tìm lại chính mình tôi mới thấy sự hụt hẫng khủng khiếp của tuổi trẻ, nó âm thầm chết đuối trên dòng  thời gian, lầm lũi như gã nạn nhân cô độc mà thời gian chính là tên sát nhân máu lạnh  vô hình.
Thực sự mà nói đời người không phải la "sáu mươi năm" như một bài hát nào đã viết, mà nó có thể nhiều hay ít hơn, ý nghĩa của cuộc sống chính là ta đã làm được gì và mất những gì .Ai cũng mong muốn đời mình cái được nhiều hơn cái mất. Nhưng con người với cái bản năng cố hữu, vẫn thích đứng núi nầy trông núi nọ nên chẳng bao giờ bằng lòng với hiện tại của chính mình. Họ lầm lũi đi  trên con đường không có điểm tới. Để một lúc nào đó thấy hy vọng đã thành tuyệt vọng hay ảo vọng. Tôi cũng như thế


2-



"Tiếng nhạc thoang thoảng từ trong quán cá phê vọng lại bài hát "Trả lại em yêu " của nhạc sĩ Phạm Duy với giọng hát Elvis Phương làm tôi cảm thấy mình như rơi vào trong dĩ vãng mịt mờ, Cả một quãng đời tuổi trẻ dường như ẩn hiện đâu đây, quanh quẩn trong chút khói thuốc bàng bạc như sữa còn ẩn hiện trong sưong..Lâu lắm rồi tôi không đi qua con đường Duy Tân nay đã thay đổi họ tên, nơi ấy đầy ắp những kỷ miệm vui buồn và khốn khó một thời cắp sách đến giảng đường. Nơi đó những Đan, những Tuyết, những Lan, những Hồng cũng rời tôi những ngày xa vắng thật tình cờ. Thì thôi, cũng đành trả lại các em những mối tình đầu lãng mạn như định mạng trong đời người. Sự tan vỡ tình yêu như như dấu chấm than của một bài thơ tuyệt vọng." Trả lại em yêu" những ngày mưa tan lớp đứng chờ nhau dưới bóng cây lao xao lời đá sỏi ngập ngừng

"Trả lại em yêu, khung trời Đại Học  Con đường Duy Tân cây dài bóng mát  Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát  Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhòa  Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ  Ngọn đèn hiu hiu nỗi lòng cư xá   Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má  Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa.
ĐIỆP KHÚC

"Anh sẽ ra đi về miền cát  nóng  Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng  Anh sẽ ra đi về miền mênh mông  Cơn gió Cao Nguyên, từng đêm lạnh lùng  Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó  Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ Đem mối thương yêu vào niềm thương nhớ Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.

Trả lại em yêu con đường học trò  Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá  Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó  Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt Trả lại em yêu mối tình vời vợi  Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới  Đường buồn anh đi bao giờ cho tới?  Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài
Trả lại em yêu! Trả lại em yêu!  Mây trời xanh ngát... '




(Hình kỷ niệm thời còn sinh viên, Huy Thanh  hàng ngồi thứ hai từ trái sang phải, vị trí số 6, áo pull sậm, đang  học  Ban Cử Nhân năm thứ tư)
(Ành chụp năm 1973 khi trường chưa xây dựng lại, mặt tiền hướng ra đường Duy Tân)

Bài hát "Trả lại em Yêu" của Phạm Duy do Elvis Phương hát có những câu thật tha thiết "Trả lại em yêu, khung trời Đại Học, Con đường Duy Tân cây dài bóng mát, Buổi chiều khuôn viên mây trời xánh ngát ...." làm tôi chợt nhớ một ngôi trường nào đó của mình trong ký ức, Kỷ niệm về người yêu, về thầy, về bạn bè trong ngôi trường đó như sống lại, chập chùng từng giai điệu,l ời ca làm tôi nhưc nhối. quay quắt về một chốn mịt mù nào trong trí nhớ. Ở đó một thời đã có những ước vọng không thành , những niềm đau tình yêu dang dở của những người ra đi với  những kẻ ở lại. 

Lâu lắm rồi, từ khi về trú thân trên vùng đất Đalạt đầy sương mù nầy tôi ít có dịp về thành phố SaiGon để tìm lại những cảm giác ngày xưa, nơi mà một thời tuổi thơ, tuổi trẻ gần nửa đời mình đã dừng chân ở đó. Cái dừng chân một thời áo trắng tuởng chừng như vĩnh viễn mà mong manh. Những ngày sống trên xứ người, tôi đã khao khát được trở về để tìm lại những kỷ niệm thân yêu, những mối tình thư sinh thanh khiết như nụ hoa còn hàm tiếu chưa nở trong khuôn viên trường. Những hình tượng hối ức đó có lúc sống dậy nửa đêm, trong cái mê hoan của một gã mộng du, tôi choàng tỉnh dậy, thảng thốt gọi tên một người tình nào đó của ngày xưa, nhưng dư âm vọng về rất tuyệt vọng và xa vắng. Nó âm ỉ không có chút âm vang lắng đọng dù là chút âm thừa.

3-
Con đường Duy Tân bây giờ không còn cây dài bóng mát mát như hồi trước mà thay thế là những dãy nhà cao tầng đồ sộ, nó cũng không còn mang tên cũ trước đây (1). Duy Tân là con đường không lớn lắm, nhưng nơi đó có những đời người vĩ đại đã đi qua , đã một thời trăn trở cho vận nước Họ trưởng thành từ một ngôi trường mang tên "LUÂT KHOA ĐẠI HỌC ĐƯỜNG " số 17 đường Duy Tân, mà ngày đó chúng tôi thường gọi vắn tắt nhau là Trường Luật SaiGon.
Con đường Duy Tân hướng ra SaiGòn, sau khi uốn quanh Công Viên Hồ Con Ruà có vòi nước phun ngày đêm. Bên trái là Tổng Hội Sinh Viên Sai Gòn số 4 Duy Tân. xa hơn nữa là nhà thờ Đức Bà thường vọng về tiếng chuông cầu nguyện vang động một góc Saigon.

                                              Photobucket
(Hình kỷ niệm Thẻ sinh viên  của Blogger Én Muà Thu  (Vũ thị Thu Yến) niên khoá 1974-1975).

Trong ký ức của tôi, hình dáng ngôi trường Luật có dáng dấp cổ kính của một ngôi chùa đựợc kiến trúc cổ theo lối của Pháp (2) hơn là một trưòng Đại Học vẫn còn lẩn khuất đâu đây Trường có cổng lớn, bên trái và phải có hai dãy nhà trệt, Dãy bên phải có bậc tam cấp bước vào là Văn Phòng Ban Đại Diện Sinh Viên ,phía sau đó là các giảng đường. Dãy bên trái có các giảng đường cuả các năm Cử Nhân 1 ,2,3, .Cuối hành lang là giảng đường Cử Nhân năm thứ Nhất luôn tấp nập, đông đảo sinh viên, nếu đi trễ là hết chỗ ngồi. Một số bạn trai thường tình nguyện giúp đỡ ,galant bạn gái dành chỗ cho họ bằng cách ném vào chỗ ngồi nào đó một cuốn sách, quyển vở để "xí " chỗ ngồi. Nhưng cũng có những trường hợp cười ra nước mắt là chỗ ngồi mình " xí" ngang nhiên có kẻ khác ngồi, và cuốn sách, quyển vở của mình lai lăn lóc dưới đất. Người " xí " chỗ và người " giành " chỗ cũng nhìn nhau cười trừ chứ không to tiếng cãi vã gì nhau vì cùng là trí thức cả. Chẳng lẽ, những ông Cử Nhân, Tiến Sĩ tương lai lại vi một chỗ ngồi học mà gây gổ nhau hay sao.

Nếu lỡ đi học trễ, trong giảng đường chật kín không còn chỗ ngồi sinh viên có thể vào quán cà phê Bà Chi ở sát đó, vưà uống cà phê, vừa nghe lời thầy giảng qua loa phóng thanh.
Vì số lượng sinh viên năm thứ nhất quá đông nên trường tạm mượn hai chỗ học ngoài trường là Trường Quốc Gia Hành Chánh ở đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2) và Trung Tâm Y Tế Sinh Viên đường Trần Hoàng Quân.

Chương trình học gồm hai Ban: Cử Nhân và Cao Học (Tiến sĩ) dạy theo Chương trình Đại Học cuả Pháp rồi sau đó theo Chương Trình Đại Học Mỹ.

Bằng Cử Nhận hay Tiến Sĩ  của Trường Đại Học Luật Khoa SàiGòn ngày đó được công nhận ngang bằng với bằng Cử Nhân của các Đại Học Pháp hay Mỹ lúc đó, vì giảng dạy cơ bản cùng một Chương Trình

Ban Cử Nhân gồm 4 năm: Năm 1 và năm 2 học tồng quát ,lên năm thứ 3  thì chia ra làm 3 ban Công Pháp, Tư Pháp và Kinh Tế. Tuỳ sinh viên chọn ngành chuyên môn cho mình. Ngành Công Pháp đào tạo các Luật gia, Thẩm Phán, các quan toà  ( ngạch thẩm phán gồm Thẩm Phán Xử Án và Thẩm Phán Công Tố)  Ngành Tư Pháp thì đào tạo Luật Sư, Chuyên gia Luật Pháp. Ngành Kinh Tế thì đào tạo các chuyên gia Luật Kinh Tế ,cố vấn cho nhà nước và tư nhân trong lãnh vực kinh doanh, sản xuất .


Mặc dù phân chia như vậy nhưng nếu bạn đã có bằng Cử Nhân Luật có thể vào ngành nào cũng được, tùy hoàn cảnh và môi trường riêng của ban. Riêng về ngành Luật Sư phải tập sự 3 năm với một Luật Sư nổi tiếng nào đó, Sau đó thi đậu cấp Luật Sư Thực Thụ mới được mở Văn Phòng riệng cá nhân chính thức để hành nghề   (năm 1975, tôi đang là Luật Sư Tập Sự tại Toà Án SaiGon và đang theo học Ban Cao Học (Tiến Sĩ) của trường).

(Hình Luật sư Huy Thanh năm 1975  đang theo học Ban Cao Học  Tư Pháp  Đại Học Luật Saigon)

Hồi đó, về các lọai áo mặc khi ra Toà thì giống rập khuôn như các nước trên thế giới. Các thẩm phán xử án mặc áo rộng mầu đen (Toá Áo Đen), các thẩm phán Công Tố mặc áo rộng mầu đỏ (Toà Áo đỏ). Còn các Luật Sư mặc áo rộng mầu đen, viền lông thỏ trắng tương trưng cho sự đen, trắng rõ ráng cùa công lý. Biểu tượng của Luật Pháp lúc đó là tượng Thần Công Lý, một tay cầm cây cân ở thế cân bằng , (ý nghĩa là công ,tội phải rõ ràng) một tay cầm thanh gươm (ý nghĩa là sự trừng phạt)

Năm thứ nhất ban Cử Nhân, vi số lương sinh viên qua đông nên chia làm hai Ban A và B, Trong các môn học năm thứ nhất có một môn khi thi bắt buộc phải làm bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, không đuọc viết tiếng Việt là môn " Droid comparé " tức Luật đối chiếu. Về các môn học, tôi còn nhớ rõ những thầy dạy đã hết lòng với lớp trẻ chúng tôi như : thầy Vũ văn Mẫu, Lê đình Chân, Nguyễn Độ, Hồ thới Sang, Bùi tường Chiểu, Trịnh xuân Ngạn, Nguyên văn Bông, Đặng thị Tám, Phan tấn Chức, Vũ quốc Thông, Vũ thị Việt Hương ..vv..

Vế các môn học chương trình học gồm một số môn quan trọng như:  Luật La Mã (Droit Roman), Luật Đối Chiếu Các nước trên Thế Giới ( Droit comparé ), Luật Hàng Không VN & Quốc Tế , Luật Hàng Hải VN  & Quốc tế. Luật Hành Chánh, Luât Dân sự tố tụng, Dân Luật, Quốc Tề Tư Pháp, Quốc Tế Công Pháp, Hình luật, Tài Chánh Công, Luật bang giao quốc tế. Cổ Luật, Luật Hiến Pháp, Luật thương  mại. Luật  thuế Vụ , Luật Gia Đình .v..v.. .

Ngoài những  bô Luật  có ghi thành điều khỏan  hẳn hoi  ,sinh viên còn phải học rất nhiều Án Lệ  Quốc Tế là những quan điểm xét xử của Toà  Án  đối với những vấn đề mà  trong sách Luật không có ghi rõ. Những vấn đề liên quan đến sự tranh tụng của các các công dân của một hay nhiều quốc gia với nhau như quốc tịch của những đứa con tư sinh mà cha là người Mỹ, mẹ là người Ấn Độ, hay một người đi đường trú mưa bị cái chậu hoa của chủ nhà rớt từ trên lầu xuống làm bị thương nên kiện chủ nhà, hoặc một công ty sản xuất kiện công ty Điện Lực vì cúp điện khiến họ thiệt hại nguyên liệu trên dây chuyền sản xuất. Mỗi một Án Lệ sinh viên phải ghi rõ Án Lệ do ai kiện ai, số mấy, ngày nào, tại đâu. Quan điểm của Toà Sơ Thẩm. Toà Thượng Thẩm, Toà Phá Án như thế nào?.
Trước năm 1975 ở VN, Công Ty Điện Lực của Chánh Phủ thua kiện trong vụ án để sự cố tăng điện áp áp đột biến làm hư hỏng tài sản máy móc, thiết bị của nhân dân nên phải bồi thường cho người tiêu dùng.

Nhiều Sinh Viên Luật hồi đó khi học Án Lệ thương nói đùa: " Tên ông cố, ông sơ của mình còn không nhớ mà phải nhớ tên thằng Tây, con Đầm nào lạ hoắc  nào ở thế kỷ 17, 18  thật là chán "

Phải thành thật mà nói ,chương trình dạy ở trường Đại Học Luật Khoa ngày trước đã trang bị cho chúng tôi số vốn kiền thức rộng chẳng những về Luật Pháp Việt Nam từ thời cổ đại Đinh, Lê, Lý ,Trần đến cận đại năm 1975  (đặc biệt là Luật Hồng Đức và luật Gia Long ) mà còn cả Luật Pháp Quốc Tế của các nước tư bản ,từ thời cổ La Mã như Pháp , Anh , Đức, Trung Hoa , đến các thời kỳ cận đại sau nầy .

Khi học ban Cao Học, bạn phải nói rành môt trong hai ngoại ngữ Anh hay Pháp , hoặc cả hai thứ tiếng càng tốt . Bởi vì khi viết Luận Án Tiến Sĩ ,bạn phải viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh (hay Pháp). Bạn phải để thời gian đến Thư Viện Quốc Gia để nghiên cứu các sách Luật Pháp viết bằng tiếng Anh hay Pháp làm tài liệu viết Luận Án . Hội đồng Gíám Khảo thường chất vấn bạn bằng tiếng nước ngoài chứ không bằng tiếng Việt Nam (trong đó có một số Giám Khảo Âu Mỹ được mời từ nước ngoài về).
Bởi vậy một Giáo Sư thầy dạy chúng tôi đã nói ' Luật học không đào tạo ra những thuyết gia mà là đào tạo ra những chuyên viên  những người không chuyên một nghề nào cả, nhưng có khả năng đối với tật cả mọi nghề ".

Về chương tình học Cao Học ,sau khi bạn có bằng Cử Nhân thì có thể ghi danh học Ban Cao Học Luật .Cuối học kỳ bạn phải viết và bảo vệ Luận Án Tiến Sĩ của mình đươc viết bằng hai thư tiếng VN và Anh hay Pháp . Ban Giám Khảo sẽ phỏng vấn, bắt bẻ lý luận của bạn trong Luận án bằng tiếng Anh (hay tiếng Pháp). Bạn cũng sẽ phải "đấu lý " với Ban giám khảo, biện chứng Luận Án của mình bằng các thứ tiếng ngoại quốc nầy.

4-
Em yêu

Thế là những ngày tháng đó âm thầm trôi đi,,lặng lẽ trong những nỗi lo toan của đời sống. Có những lúc anh dưòng như muốn quên những kỹ niệm mịt mù xa khuất đó, bởi trước mắt là những điều cần quan tâm hơn trong cuộc sống ngày càng trắc trở  từ đời sống thực dụng. Con người nhiều khi phải quên cả chính mình nếu muốn ước mơ thành hiện thưc. Thật là một điều chua chát khi anh dường như phủ nhận, cố lưà dối mình khi không muốn nhìn về dĩ vãng, bởi nó không có một chút gì vui, một chút gì trọn ven như ý muốn mà chỉ còn sót lại những mảnh vỡ của nhiều ước vọng không thành.
Nhưng không hiểu sao những sáng tác cả thơ, nhạc, truyện của anh lại khởi nguồn từ những nỗi đau, tuyệt vọng nầy .Thật là mâu thuẫn phải không em?
Có thể bây giờ ở một vùng đất xa xôi nào đó, em đọc bài viết nầy của anh, gã tình nhân lãng mạn ngày xưa, gã tội đồ ngốc nghếch trước một tình yêu thánh thiện. Em như một Thiên Sứ còn anh như là một loài quỷ Sa tăng bội bạc. Em mỉm cười thương hại anh và ngay cả chính mình. Thương hại một thời vụng dại đã qua của chúng ta với nhiều nỗi đau bất trắc, tình cờ.
Anh đã âm thầm trốn chạy thực tế bởi vì chung quanh anh là những cái ngút ngàn của tuyệt vọng, niềm bi thương như xé toang cuộc đời của anh từng mảnh. Anh đã cố chấp vá mà không được nên trốn chạy bằng tâm hồn con thú bị thương, con vật tật nguyền tội nghiệp bị rơi rớt lại trong khi bầy dã điểu đã bay về nơi di trú khác. 

Mới đây mà đã ba mươi bảy năm chúng ta mất nhau ,từ cái đêm chia tay bão bùng đó, anh nhìn lại ngôi trường lần cúôi cùng,lầm lũi đi một nước, như gã Kinh Kha sang sông Dịch mà không dám quay đầu lại, để may ra còn nhớ một con đường nào sẽ trở về cố hương. Em là người không thể quên trong khi anh lại không muốn nhớ.
Bây giờ thì hình ảnh ngôi trường xưa chỉ còn trong ký ức mịt mù, thay vào đó là một ngôi trường đồ sộ ,đẹp đẽ mang tên Đại Học Kinh Tế, một chút nuối tiếc nào trong anh, chập chờn còn như lẫn khuất đâu đây
Những hình tượng em, bạn bè, thầy cô, của ngày xưa cũ hiện trước mắt anh như môt khúc phim dĩ vãng thật  ngắn nhưng dài ngậm ngùi. Dù sao cũng cám ơn em đã hiện diện trong nỗi nhớ, ngày xưa và bây giờ của anh như một nỗi đau cần thiết.

Thôi đành

""Trả lại em yêu" khung trời Đại Học ,anh sẽ ra đi về miền mênh mông  Cơn gíó cao nguyên từng đêm lạnh lùng lạnh lùng. Anh sẽ ra đi nặng hành trang  đó  Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ ... "    Dù sao thì anh cũng cám ơn em ..

( Viềt từ cảm xúc khi xem Entry  "MỘT THỜI ÁO TRẮNG " của  Blogger Én Muà Thu, cựu sinh viên trường Đại Học Luật Khoa Sàigòn )
(1) Đường Duy Tân bây giờ đổi tên là Phạm Ngọc Thạch

(2) Hình ảnh ngôi trường Đại Học Luật trước năm 1973, Sau năm 1973 trường được xây dựng lai với Đại Giảng Đường lớn, hai tầng lầu, đồ sộ, một cổng hướng ra đường Phan Đình Phùng ( nay là đường Nguyễn Đình Chiểu ).



                                                               (Vượt thời gian)

HUY THANH