11/12/12

THAM LUẬN: BÙI GIÁNG NHÀ THƠ "ĐIÊN" GIỮA CUỘC ĐỜI HƯ THẬT

THAM LUẬN
BÙI GIÁNG: NHÀ THƠ  "ĐIÊN" GIỮA CUỘC ĐỜI HƯ THẬT

HUY THANH


Tôi gặp nhà thơ Bùi Giáng được ba lần, lần thứ nhất vào năm 1974 tại khuôn viên trường Đại Học Vạn Hạnh ở đường Trương Minh Giảng (nay là trường Sư Phạm đường Nguyễn văn Trổi) khi tôi theo người cậu là nhạc sĩ Anh Việt Thu đi xem cậu  trình diễn đàn piano theo lời mời cuả Ban Đại Diện Sinh Viên Trường. (lúc đó nhân ngày lễ tốt nghiệp phát bằng Cử Nhân cho sinh viên ra trường). Hình ảnh một ông già râu  tóc bạc, tóc để dài nhưng không búi, ăn mặc xềnh xoàng ngồi uống cà phê với một nhóm sinh viên hăng say tranh luận về triết học đã gây cho tôi một ấn tượng đặc  biệt về nhà thơ lớn nầy. Lần thứ hai vào khoảng tháng 12 năm 1974  ông vào  trường Đại Học Luật Khoa ở đưởng Duy Tân, nơi tôi  đang theo học Ban Cao Học Tư Pháp  để tìm một ngưởi bạn lúc đó, tôi chỉ kịp  gật đầu chào ông. Lần thứ ba ,khoảng cuối năm  1976  tôi đang đi cùng bạn ở vòng xoay ngã sáu SaiGon thì bạn tôi la lên:" Bùi Giáng kìa mầy". Tôi quay lại nhìn thì  thấy ông ăn mặc rách rưới ,đang đứng ở dưới chân tượng Phù Đổng Thiên Vương, mắt ngó lên trời, chỉ trỏ nói lảm nhảm những gì không nghe rõ. Phía sau là một đám trẻ con tò mò, có đứa la to "Ông già điên, ông già điên". Ông đi qua những dãy phố, cúi nhặt những bao thuốc lá, giấy báo cũ, vỏ chai bỏ vào một cái bao to mang bên cạnh mình. Tôi cứ ngỡ ông lượm ve chai về bán nhưng sau nầy một người cháu của ông cho biết là ông mang về thấy người mua ve chai nào đi ngang qua ông cũng gọi vào cho. Với ông, một hoa hậu hay một cô gái lam lũ đi mua ve chai cũng như nhau. Tôi rất quý trọng ông về phẩm chất đó. Đấy, những hình ảnh về nhà Thơ lớn Bùi Giáng trong tôi chỉ có thế, nhưng nó đã trở thành một nỗi ám ảnh, thôi thúc mà cho đến hôm nay sau 13 năm từ ngày ông mất, tôi mới có dịp viết về ông: Một nhà thơ điên giữa cuộc đời hư thật.
Nếu gọi Bùi Giáng là nhà thơ cũng không đúng hẳn mặc dù đa số tác phẩm ông là Thơ,bên cạnh đó ông cũng có những bài Nhận Định, Giảng Luận, Phê Phán, Triết Học, Tạp Văn, dịch thuật v .v..., tóm lại theo tôi ông là nhà Thơ, nhà Dịch Thuật, Nhà Nghiên Cứu Văn Học. Ở đây, tôi giới thiệu Bùi Giáng trên lãnh vực Thơ, một số bài tiêu biểu của ông để chúng ta cùng thưởng thức.


1- TÁC GIẢ:

Bùi Giáng sinh năm 1926 tại huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, năm hai tuổi (năm 1928) ông bị té bể trán phãi sống đi chết lại bốn năm trời, đến năm 1933 ông mới hết bệnh, khoẻ và đi học được. Năm 1952 ông đậu Tú Tài Toàn Phần Ban Văn Chương rồi học Đại Học Văn Khoa SaiGon. Sau đó ông nghỉ học và đi day tai các trường tư thục ở Sài Gòn. Có thời gian  hận đời, ông bỏ về quê đi chăn bò.  Sau đó năm 1969 ông trở lại SaiGon bắt đầu thay đổi cách ăn mặc, tạo lối sống lập dị, để râu tóc bạc dài, thường lang thang ở các trường  Đại Học để tranh luận với sinh viên về văn học, triết học. Ông tự nhận năm 1969 là năm "  ta bắt đầu điên rực rỡ " ,rồi sau đó dường như tự mãn với cái cao ngạo thoát tục của mình ông tuyên bố ; "  tuy điên rồ nhưng lừng lẫy ,chết đi sống lại vẫn vẽ vang " . Ông mất  ngày 7/10/1998 tại bệnh Viện Chợ Rẫy sau một cơn tai biến mạch máu nảo
Bùi Giáng (1926 -1998 ), là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học của nước ta. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng...Ông nổi tiếng từ năm 1962 (Bùi Bàn Dúi là bút danh nói " láy " tên Bùi Giáng của ông, đây lá cách chơi chữ rất ngông của thi sĩ )

2- TÁC PHẨM:

Các tác phẩm Bùi Giáng chia ra làm nhiều thể loại như sau :
Tập thơ :

 Mưa nguồn (1962)

  • Lá hoa cồn (1963)

    Màu hoa trên ngàn (1963)

  • Ngàn thu rớt hột (1963)

  • Bài ca quần đảo (1963)

  • Sa mạc trường ca (1963)

  • Sa mạc phát tiết (1972)

  • Mùi Hương Xuân Sắc (1987)

  • Rong rêu (1995)

  • Đêm ngắm trăng (1997)

  • Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)

  • Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…


  • Mười hai con mắt (2001)

  • Thơ vô tận vui (2005)

  • Mùa màng tháng tư (2007)