12/12/12

KỊCH TRUYỆN ĐỐI THOẠI: TIẾNG SÁO LY TAO


Truyện ngắn thoại kịch: 
TIẾNG SÁO LY TAO
HUY THANH


Chú dẫn
Đây là thể lọai truyện ngắn thoại kịch mà tôi đột phá viết không giống như cách viết những truyện ngắn thông thường khác. Về hình thức, nó được viết dưới dạng kịch truyện đối thoại mà những mảnh vụn nhặt đuợc trong từ trường vô thức, từ nhiều sự kiện bắt gặp tình cờ trong cuộc sống. Dạng kịch truyện là những ẩn dụ tâm thức, nhân vật kịch truyện có thể là anh, là chị, là tôi hay những người đã ít nhiều tham dự vào cuộc sống nầy. Dạng những mảnh ghép là tâm sự từ những bắt gặp lẻ loi, là ấn tượng khó rời trong  từ trường vô thức. Dù cách viết thế nào, những nhân vật, những mảnh ghép đều đại diện cho nhiều  khía cạnh đời sống mà có thể xem đó là cơn mộng du của kiếp người.



PHẦN 1: 
GÃ LY HƯƠNG
(Gã Ly Hương bước đi bằng những bước chệnh choạng, gã dừng lại nghe ngóng. Từ xa có tiếng sáo vọng lại, thoắt xa, thoắt gần, tiếng sáo như âm ỉ từ một tiền kiếp nào vọng về. Gã ngồi xuống ven đường).
Gã Ly Hương:
- Ai! Ai thổi sáo chiều nay mà nghe chừng u uất, tiếng cao như thác đổ, tiếng trầm như vực sâu, khoảng cách thanh âm xa ngút ngàn ,vời vợi như hai bờ quá khứ và tương lai làm ta chua xót. Người thổi sáo, ngươi hãy im đi những âm thanh huyễn mộng, ta đã mang sầu ly hương, ngươi thổi làm gì khơi lại lòng ta nỗi buồn viễn xứ ?
(Người thổi sáo mù bước ra, một tay nâng sáo, một tay cầm gậy trúc quơ quơ tìm đường, nét mặt của gã như chìm trong ảo giác).
Người thổi sáo mù:
- Ai vừa trách ta, ai vừa óan ta? Tiếng sáo của ta là hơi thở, là tiếng lòng, là lương thực của tâm hồn ta. Cuộc đời ta chỉ còn lại tiếng sáo nầy thay cho ngôn ngữ loài người. Ngoài ra đối với ta tất cả  đều vô nghĩa. Ngươi cũng vậy, tất cả là vô nghĩa. Ta có thấy được gì đâu, thà như vậy để ta bớt quạnh hiu trên cuộc đời muôn mặt nầy. Dối trá nhiều, chân thật ít, người ta dầy đạp lên nhau tranh dành miếng ăn như con chó sói  giữa bầy đàn.
Gã ly Hương:
- Ngươi có vẻ oán hận đời nên tiếng sáo của ngươi chứa đựng nhiều u uất, tiếng sáo chất chứa nhiều hận thù mà vẫn có vô số khát vọng muốn vươn lên từ đáy lòng sâu thẳm. Tiếng sáo của ngươi đã cho ta thấy được ta trong những ngày mình chỉ là chiếc bóng bên đời. Ta đồng cảm với ngươi, một đồng cảm được định nghĩa từ đau nhức, đã từ lâu ta sống vong thân bội bạc với mình. Cám ơn tiếng sáo của ngươi đã kéo ta về thực tại, can đảm đối diện với mình như chấp nhận một định mệnh hằn sâu trên đường chỉ tay từ lúc hoài thai đến khi lọt lòng mẹ. Ngươi hãy thổi sáo lên đi, để trong từng cung bậc ta tìm được những kỷ niệm chắt chiu trong tiềm thức, trở trăn và sống dậy trùng trùng.
Người thổi sáo mù:
- Ta thổi đây, nhưng cho ta nghe, ngươi muốn nghe thì hãy để tiếng sáo nhập tâm mới thấy được sự thanh thoát của hồn sáo. Người đời nghe tiếng sáo của ta, những kẻ phàm tục thì rẻ khinh, họ có biết gi đâu, có cảm nhận gì đâu. Đối với họ chỉ   âm thanh vô hồn, vô sắc. Họ còn mù hơn ta nữa, vì ta sáng mắt hơn họ, mù của mù là sáng.
(Người thổi sáo mù nâng sáo lên, âm thanh từ đó bay bổng. Gã Ly Hương đi tới, đi lui như suy nghĩ điều gì. Hoàng hôn xuống chậm, những gịọt nắng còn vất vưởng bên kia đồi bỗng chùng xuống trên mặt người thổi sáo mù khiến gã có một khuôn mặt huyền thoại).
Gã ly Hương ( chợt ngồi bệt xuống đám cỏ ):
- Hỡi ơi! Tên mù có lý của gã, ta cũng có lý của ta, mọi người có lý của mọi người. Vậy chân lý ở đâu ? Hằng tỉ con người và hằng triệu chân lý ta biết đâu là chân lý thật khi giữa cái đúng và sai không có ranh giới, đan xen chồng chéo như mạng nhện. Công lý đối với người nầy có khi là bất công đối với người khác, hạnh phúc của người nầy là sự vô phúc cua người kia. Tất cả, tất cả như đang chơi một ván cờ đinh mạng cá cược bằng cuộc đời mình. Cuộc đỏ đen đó sẽ kết thúc khi nào?
         Người thổi sáo mù:
- Ngươi cứ chọn chân lý như đánh bạc chọn hên xui may rủi đi. Nếu có sai hãy đổ thừa cho định mạng, hai chữ định mạng đã an ủi biết bao người bị sa cơ lỡ vận. Đó là cái phao để tâm hồn họ khỏi đắm trong tuyệt vọng trầm uất. Chỉ còn một chỗ dung thân tương đối an bình, đó là những hoài niệm về quê hương trong ký ức.
Gã ly hương:
- Ngươi nói đúng, khi con người sa cơ thất thời lỡ vận họ thường tìm nơi an ủi là những chốn yên bình trong ký ức. Nơi đó có thể là  năm tháng còn hòai thai  trong bụng mẹ, có thể là một mái nhà tranh dột nát trên vùng quê an lành đầy tiếng chim hót. Nơi đó là chỗ trú ngụ sau cùng để cất giấu nỗi hy vọng, tuyệt vọng của đời người.  điểm khởi đầu mà cũng chính là nơi kết thúc. Quê hương ta có một dòng sông mà ngày thơ ấu những trưa hè ta thường ra đó tắm mát, đợi con nước ròng để quậy nước bùn bắt cua bắt còng. Mẹ ta sợ ta chết chìm nên thường đánh ta bằng những ngọn roi đau điếng. Ta thấy sau những trận đòn như vậy, mẹ ta lén ta chùi những giọt nước mắt thương con âm thầm. Rồi ta lớn lên, đi vào đời với những hoài bão lớn, những mộng công danh, những lý tưởng  đẹp như trang sách vở. Nhưng ta đã tuyệt vọng, cuộc đời không phải là trang giấy trắng trong giảng đường. Đôi lúc, ta vấp chân trợt ngã cùng nghịch cảnh, những niềm đau tuyệt vọng quất vào tâm hồn ta còn đau đớn hơn những trận đòn roi xưa. Những lúc như thế, ta có cảm tưởng như mình đã bội bạc tình thương yêu của mẹ ngày truớc, khi trót  tham dự vào nơi mà con người đã biến thành sói cùng bầy đàn.
Người thổi sáo mù:
- Chắc ngươi khao khát tìm về quá khứ ?  Để ta thổi cho ngươi nghe một khúc nhạc “Ly Hương”. Trong đó, ngươi sẽ tìm thấy những gì đã mất sau nửa đời người bon chen với cảnh đời ô trọc.
Gã ly hương:
- Sao ngươi lại thổi khúc nhạc Ly Hương mà không thổi một khúc nhạc nào khác, khúc ca “Tương Phùng” chẳng hạn ? 
Người thổi sáo mù:
- Mỗi người thổi sáo thường tâm đắc chỉ một bài hát duy nhất mà họ gọi là TÂM NHẠC. Đó là tiếng lòng cuả họ khi nâng tiếng tiêu thiều, chỉ bài nhạc đó mới chính là họ khi thổi cho người khác nghe. Thí dụ như Tư Mã Tương Như có khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng đã khiến nàng Trác Văn Quân nổi tiếng là "tiết phụ khả phong" nửa đêm phải trốn nhà cùng chàng Tư Mã đi đến đất Lâm Cùng xây tổ uyên ương. Như Trương Lương có tiếng sáo thần khi thổi lên bao nhiêu binh sĩ phải bỏ gươm giáo, từ biệt chiến tranh để về quê cày sâu cuốc bẫm lập nghiệp. Như Cao Tiệm Ly có khúc “Tống Biệt mà khi thổi lên, tráng sĩ Kinh Kha khi bước sang sông Dịch để ám sát Tần Thủy Hòang cũng không dám quay lại nhìn về cố quốc là nước Vệ.
Gã ly Hương:
- Hay! Hay lắm! Ta sống vong thân được nửa đời người rồi mới tìm được một người tri kỷ, gối ta đã mỏi, tóc ta đã bạc, mắt ta đã mờ, ta thèm thấy lại ta những ngày thơ ấu. Đây chắc có lẽ là chân lý cuối cùng mà ta học được, dù học được từ một kẻ mù.
     (Người thổi sáo mù nâng sáo, âm thanh thoát ra khi chìm, khi nổi, khi bổng, khi trầm. Gã Ly Hương như bị cuốn hút vào những tiếng tiêu huyền ảo đó. Tiếng sáo đan kín thành một mê cung âm thanh mà gã chới với khi những nhân ảnh từ trong ký ức hiện về. Không gian, thời gian như cũng vỡ tan từng mảng trôi vào quá khứ. Gã chợt thấy một mái nhà tranh xiêu vẹo nằm cạnh bờ sông. Buổi trưa hè có một đứa bé trần truồng phóng xuống dòng nước ròng đục ngầu để bắt cua bắt còng. Bỗng nhiên mây đen từ đâu kéo tới, rồi mưa bão dập dồn, dòng nước đang hiền hoà bỗng nổi sóng to gíó lớn. Sóng cuốn đưá bé càng ngày càng trôi xa bờ, xa bến,… Bỗng chốc đứa bé đó hoá thân thành người lớn, là gã, gã thấy tuổi thơ cuả mình trôi dạt bềnh bồng xa bờ. Trong phút chốc, gã chỉ còn kịp thấy mái nhà tranh của mình sụp đổ dưới từng con sóng nhấp nhô xa tắp.
Gã thấy mình trôi dạt vào một đám đông lạ mặt cũng đang chới với dưới dòng nước đục ngầu như gã. Gã với được cái phao. Chợt thấy một đứa bé kế bên mình đang sắp chìm, gã đã lao mình tới cứu đứa bé. Nhưng… Bỗng gã nghe dau nhói ở sau lưng, thì ra cha mẹ đứa bé đã đạp gã để giựt chiếc phao cho cả hai vợ chồng. Gã đuối sức, chỉ còn kịp kêu hai tiếng : mẹ ơi !
    Gã thét lên hai tiếng mẹ ơi.  Cơn mộng du của người và tiếng sáo cũng vưà dứt).   
Người thổi sáo mù:
- Ngươi thấy rồi đó, tiếng sáo đã cho ngươi tìm lại từng mảnh đời đã trôi nổi dưới dòng thời gian. Ngươi phải đối diện với nó, lấy nó làm lương thực nuôi cho cuộc sống cuối đời người. Ngươi không thể trốn chạy mãi quá khứ, vì thế là tự lừa gạt chính mình, thà sống với khổ đau mà đạt thân còn hơn sống với huyễn mộng mà vong thân, sống chấp nhận khổ đau cũng là một cách sống  ý nghĩa.
(Người thổi sáo  đưa cây sáo cho Gã ly Hương}
Người thổi sáo mù:
- Ta tặng ngươi cây sáo nầy để làm bầu bạn trong những ngày tháng cô đơn tuyệt vọng nhất. Còn ta, ta sẽ tiếp tục làm gã hành khất  trong một chuyến hành hương không có lộ trình. Ngươi hãy nhìn vào sự thật để thấy từ tuyệt vọng sẽ nhuốm lên mầm hy vọng mà quên đi những quá khứ đau buồn. Ngươi hãy khởi hành đi, nhìn về hướng mặt trời ngươi sẽ chẳng bao giờ thấy bóng của mình đâu.
(Người thổi sáo mù bỏ đi, chỉ còn lại Gã Ly Hương mân mê cây sáo trúc vừa được tặng. Gã đưa lên miệng thổi, âm thanh như lạc lõng, trần tục, gã thất vọng quăng cây sáo bên đường ôm mặt khóc nức nở).
Gã ly Hương (nhặt cây sáo lên, ngữa mặt  than vãn):
- Tại sao? Tại sao ta không thổi được như gã mù ? Sao ta không tìm được chân lý trong tiếng sáo? Tiếng sáo vì ta đã vong thân rồi chăng ? Hỡi ơi, mắt ta còn sáng mà không bằng kẻ mù?

PHẦN 2: 
KỸ NỮ VEN ĐƯỜNG

(Gã ly Hương vẫn tiếp tuc vừa đi vừa khóc. Ánh trăng đã nhô lên cao, tạo ra muôn ngàn ảo giác. Rồi đám mây đen bao phủ, bóng tối trùm xuống cảnh vật đượm mầu thê lương. Chợt trước mắt gã ly hưong hiện ra một qúan lá bỏ hoang, phên xiêu, cửa nát khung cảnh thật hoang vắng tiêu điều. Gã bước vào quán, trong nhà vắng tanh, chỉ có chiếc đàn tỳ bà treo trên vách bám đầy mạng nhện rung rung mỗi khi có cơn gió lạnh thổi vào).
(Gã  ly Hưong thấy buồn ngủ, gã thèm một giấc ngủ như trẻ thơ,  đưa hồn vào mộng mị lúc nào không hay. Chợt có tiếng lá vàng xào xạc theo chân ai bước nhẹ vào quán. Cả khu rừng thoang thỏang một mùi hương thơm ngát của loài trăm hoa dị thảo. Gót hài sen in rõ trên xác lá vàng. Một bóng mỹ nhân với xiêm y lả lướt xuất hiện. Nàng đến bên gã lay nhẹ).
Kỹ nữ ven đường:
- Thư sinh, thư sinh, chàng hãy tỉnh dậy, hãy tiếp tục thổi sáo lên đi! Thiếp muốn nghe tiếng sáo của chàng, tiếng sáo dung dị, bao dung, nhân hậu như chính tâm hồn chàng.
(Gã Ly Hương choàng tỉnh giấc ngủ, gã dụi mắt mình không biết đang là thật hay chiêm bao. Trước mắt gã một mỹ nhân đẹp tuyệt trần đang nhìn gã mỉm cười. Nàng có những nét đẹp cuả các đại mỹ nhân trong truyền kỳ Trung Quốc : Bao Tự, Dương Quý Phi, Tây Thi, Điêu Thuyền,…)
Gã ly Hương:
- Nàng là ai, nàng từ đâu đến? Sao nàng lạc đến chốn nầy, một quán lá bỏ hoang bên đường? Hay nàng là hồ ly tinh xuất  hiện? Nàng cần gì, ta có lương khô trong tay nải, nàng cứ ăn đi. Hay nàng là hồn ma bóng quế  đi lạc đường đói khát chết mà nắm xương tàn cũng không chốn dung thân?
Kỹ nữ ven đường :
- Thiếp là người. Chàng hãy cầm bàn tay thiếp, hơi m còn nồng, máu vẫn chảy về tim, thiếp còn mắt để thấy, mũi để ngửi, tai để nghe tiếng sáo của chàng.
Gã ly Hương:
- Nhưng ta không thổi sáo được. Tiếng sáo trần tục quá, lạc lòai quá. Ta thổi sáo như đứa trẻ vụng về mới biết đi, tiếng sáo vô hồn làm sao nàng nghe được?
Kỹ nữ ven đường (vói tay lấy cây đàn tỳ bà trên vách) :

- Thiếp có cây đàn Tỳ Bà nầy đây. Âm thanh của nó là cung Âm trong khi tiếng sáo của chàng là cung Dương. Khi trổi lên hai âm thanh âm dương sẽ hoà hợp tương giao. Từ đó, cả hai thanh âm đều nương nhau cất cánh thành những tuyệt khúc. Chàng hãy cầm sáo lên, đừng mặc cảm vì mặc cảm thường làm người ta yếu đuối, dễ đánh mất bản ngã của mình. Chàng hãy trổi lên khúc nhạc nào cũng được. Thiếp sẽ hòa đàn theo. Tiếng đàn của thiếp sẽ là ngọn gió nâng tiếng sáo của chàng bay cao tuyệt đỉnh không kém gì Trương Lương, Cao Tiệm Ly đời trước.
Gã ly Hương:
- Hay lắm! Nhưng ta xin hỏi nàng, taị sao gã thổi sáo mù kia lại thổi được những khúc nhạc như thiên thần, còn ta  sáng mắt lại không thổi được? 
Kỹ nữ ven đường:
- Mù và sáng chỉ là những khái niệm của bóng tối và ánh sáng. Người ta đặt ra nó để chỉ cái không thấy và cái thấy được. Nhưng trong cuộc sống biết thế nào là cái thấy được và cái không thấy được? Cái nào đúng cái nào sai? Trong khi tất cả những khái niệm đúng sai chỉ là quy ước. Có nhiều người sáng mắt mà hành động như kẻ mù, và ngược lại có người mù mà hành động còn hơn người sáng mắt.
Gã ly hương:
- Nàng lý luận như người thổi sáo mù lúc nãy, mù của là sáng. Có phải nhất định  phủ định của phủ định là xác định không? Hay đó chỉ là một lý luận cùn?
Kỹ nữ ven đường:
- Thế nào là lý luận cùn?
ly hương:
- Đó là một cách nói mà người nói lừa gạt người nghe và ngay cả chính mình, nhưng cách lý luận rất có tính thuyết phục.
Kỹ nữ ven đường:
- Thiếp chưa hình dung được, chàng hãy dẫn chứng đi.
Gã ly hương:
- Có một gã ăn mày đang nằm ngủ giữa đường. Bỗng xa giá của nhà vua đi ngang qua, quân sĩ đánh trống rầm rộ dẹp đường, ai cũng chạy vào nhà nhường đường cho xa giá nhà vua, nhưng tên ăn mày vẫn nằm ngủ bình chân như vại. 
Nhà vua tức giận truyền bắt tên ăn mày lại phán:
  "Ta là vua, uy quyền tuyệt đỉnh, giang sơn nầy của ta, đường nầy của ta, ta là người sung sướng nhất trần gian nầy. Ngươi chỉ là một tên ăn mày, cơm không no, áo không đủ mặc, ngủ đầu đường xó chợ tại sao dám không nhường đường cho ta ? Ngươi hãy  trả lời, nếu câu trả lời  ta không bác bỏ được ta sẽ thưởng cho ngươi bạc vàng. Bằng không ta sẽ chém đầu ngươi làm gương thiên hạ. 
 ăn mày trả lời: "Bệ hạ nói là người sướng nhất trần gian nầy, thảo dân không đồng ý. Khi bệ hạ ăn  phải có người nếm thử thức ăn vì sợ bị gian thần đầu độc, đâu thể muốn ăn đâu là ăn như thảo dân, ngày đêm bệ hạ ngủ không yên vì lo sợ ngoại bang xâm lấn lật đổ ngai vàng; còn bệ hạ nói đường nầy là của bệ hạ thì càng sai nữa, đây là đường của chung ai cũng có thể qua lại được, nếu bệ hạ mang con đường nầy đưọc vào hoàng cung lúc đó thảo dân mới công nhận là cuả bệ hạ. 
 Nhà vua nói
"Nhưng ta là vua ta có uy quyền tối thưọng, còn ngươi chỉ là dân đen". 
 ăn mày trả lời: 
"Bệ hạ được gọi là "vua" vì có những người như thảo dân làm "dân". Vua mà không có dân thì sao gọi là "vua"? Xét cho cùng cái uy quyền mà bệ hạ có chỉ do thảo dân ban cho bệ hạ mà thôi". Nhà vua đuối lý  đành phải thưởng và tha cho gã ăn mày.
      Kỹ nữ ven đường:
     - Hay! Chàng hãy nâng sáo lên đi, thiếp sẽ dạo một khúc nhạc hoà vào tiếng sáo của chàng.
(Gã ly hương nâng sáo lên, từng cung bậc bay lên thành vô số tinh tú. Kỹ nữ ven đường đánh đàn, đôi bàn tay như muá vũ khúc nghê thường, từng âm thanh dây tơ thoát ra hoà quyện với tiếng sáo bay vút lên từng không tạo thành một thứ ánh sáng huyền ảo của hàng ngàn tinh tú. Cỏ cây, hoa lá như đắm chìm trong khúc nhạc, hoa quên giờ nở, lá quên giờ tàn. Âm thanh chợt dừng lại. Kỹ nũ ven đường ngưng tay đàn bật khóc).
Gã ly hương: 
- Sao nàng lại khóc?
        Kỹ nữ ven đường:
        - Thiếp khóc cho cuộc đời thiếp cũng như những nốt nhạc nầy mang đến niềm vui cho mọi người nhưng rồi lại lịm tắt âm thầm. Thiếp vốn là một kỹ nữ, nhà nghèo nên sớm lưu lạc vào chốn thanh lâu, vì chán cuộc sống, thiếp về khu rừng hoang nầy dựng lều bán tiếng đàn, tiếng hát để sống. Đây là cây đàn của thiếp, nó là bạn tri âm thường vọng lên những âm thanh ai oán khi có khách nghe đàn. Cũng đôi khi có những khách qua đường dừng chân lại để nghe những bài ca não nùng của số kiếp, rồi im lặng ra đi. Khách giang hồ lại trở lại giang hồ, kỹ nữ trở lại làm kỹ nữ, những khi chạnh lòng số kiếp, thiếp khảy đàn một mình  cho mình và vầng trăng nghe, có đêm trăng mờ, có đêm trăng tỏ cũng an ủi được phần nào.

Gã ly hương nghe người kỹ nữ ven đường tâm sự, gã đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong một giấc mơ gã thấy mình cùng gia đình chạy giặc, ba mẹ gã trúng đạn nằm sóng soài trên mặt đất. Gã hét lên ba tiếng: " Ba Mẹ ơi "
(Gã ly Hương choàng tỉnh sau tiếng la hét hãi hùng từ mộng mị. Gã ngồi dậy, âm thanh tiếng đàn nhỏ dần như bay lên tận chín tầng mây.  ngó quanh nhưng không thấy bóng người kỹ nữ đâu. Nàng đã ra đi chỉ còn để lại một mùi hương xiêm y phảng phất trong khu rừng).
Gã ly Hương (thảng thốt gọi to):
- Nàng đâu, nàng đâu rồi hỡi mỹ nhân kỳ ngộ? Sao nàng bỏ ta lạc lõng giữa rừng âm thanh nầy? Sao đường tơ nàng lại đứt đoạn cho tiếng sáo ta cô đơn?
(Gã Ly Hương ngồi xuống, tay ôm sáo trúc, tay ôm đàn .., Bỗng từ trên thinh không có tiếng người kỹ nữ vọng xuống)
Kỹ nữ ven đường:
         - Chàng đã đạt được ý nguyện rồi đấy! Tiếng sáo chàng đã xuất thần không kém gì Trương Lương hay Tư mã Tương Như ngày trước. Thiếp chính là linh hồn cây sáo trúc của chàng hoá thân, thấy chàng không tìm được tiếng sáo chân chính nên phải hiện thân ra dạy chàng thổi sáo cho đúng với chân lý làm người. Hãy thổi sáo với tâm hồn mình, đừng bán rẻ tiếng sáo cho loài quỷ dữ, dù chúng có ẩn thân dưới một tà thuyết nào đó xa hẳn những ca dao tự tình của dân tộc.

HUY THANH